Châm cứu chữa bí tiểu và những thông tin bạn cần biết
Nội dung bài viết
Ngày nay, bí tiểu, khó tiểu sau sinh được điều trị một cách dễ dàng nhờ châm cứu. Vậy châm cứu chữa bí tiểu có công dụng thực tế ra sao, và liệu đã có bằng chứng khoa học cho phương pháp này chưa? Chúng ta cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về tình trạng bí tiểu
Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu nhưng không đi tiểu được, hoặc người bệnh đi tiểu nhưng bàng quang không rỗng hoàn toàn và luôn cảm thấy muốn đi tiểu, thì gọi là bí tiểu. Tình trạng này thường gặp ở người lớn, rong đó tỷ lệ nam mắc bệnh cao hơn gấp 10 lần so với phụ nữ, nhất là nam giới trong độ tuổi từ 40 – 80 tuổi
Nguyên nhân
Rối loạn thần kinh bàng quang khiến bàng quang co bóp không đủ mạnh để tống nước tiểu ra. Có thể do chấn thương cột sống, vỡ xương chậu, các bệnh lý bàng quang khác. Bệnh lý bàng quang có thể là túi thừa bàng quang, viêm bàng quang, sỏi bàng quang,… Trong nhiều trường hợp, sỏi bàng quang bịt kín lỗ thông bàng quang – niệu đạo, làm tắc nghẽ dòng nước tiểu. Mặt khác, viêm niệu đạo mãn tính làm chít hẹp hẹp niệu đạo, xơ hóa, viêm nhiễm,… cũng có thể gây ra bệnh bí tiểu.
- Ở nam giới, nguyên nhân bí tiểu phổ biến còn do các bệnh tiền liệt tuyến gây chèn ép cổ bàng quang. Ví dụ: u tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến, u,.
- Ở nữ giới, bí tiểu do các bệnh ở phần phụ đè nén bàng quang. Ví dụ: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung.
Một số ít khác, bí tiểu tạm thời do tâm lý người bệnh như: đi tàu xe chật, ngồi quá lâu,… Tình trạng này sẽ tự hết, không để lại hậu quả nghiêm trọng.
Bí tiểu có những triệu chứng nào?
Triệu chứng phổ biến của người bị bí tiểu bao gồm:
- Đau vùng hạ vị (bụng dưới), bàng quang, ngay trước xương mu.
- Bứt rứt, khó chịu kéo dài.
- Có cảm giác muốn tiểu nhưng không đi tiểu được.
Châm cứu có thể chữa bí tiểu không?
Một nghiên cứu tiến hành trên 113 bệnh nhân bí tiểu nằm viện điều trị. Bác sĩ chọn các huyệt Bách hội, Khí hải, Quan Nguyên, Trung Cực, Thủy Đạo, Tam âm giao, Âm lăng tuyền. Châm trong 30 phút/ lần. Kết quả là châm cứu là một liệu pháp hiệu quả và an toàn trong điều trị bí tiểu. Nên chỉ định sớm phương pháp này trên lâm sàng.
Một nghiên cứu tổng quan khác chứng minh hiệu quả của châm cứu chữa bệnh bí tiểu mạn do tổn thương tủy. Trong nghiên cứu này, thu thập số liệu từ 18 thử nghiệm lâm sàng. Cho thấy 921 bệnh nhân đã được điều trị bí tiểu bằng châm cứu hoặc châm cứu kết hợp với phương pháp điều trị khác. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến châm cứu. Vì vậy, châm cứu có thể an toàn trong điều trị bí tiểu mạn do tổn thương tủy sống.
Cách châm cứu chữa bí tiểu
Chỉ định
- Bí tiểu sau sinh.
- Bí tiểu do tổn thương tủy.
- Bí tiểu hậu phẫu.
- Bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến.
Chống chỉ định
- Bí tiểu có đi kèm sốt, triệu chứng của viêm nhiễm.
- Những trường hợp đau bụng có dấu hiệu bụng ngoại khoa.
- Người bệnh thể chất suy yếu, giảm sức đề kháng.
- Tránh châm ở vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
Các huyệt châm cứu chữa bí tiểu
Thận Du
Vị trí: Trên đường ngang đi qua gai cột sống lưng 2, từ cột sống đo ngang ra 2 bên 1.5 thốn.
Tác dụng: Huyệt thuộc kinh Bàng Quang, giúp tăng cường khí hóa Bàng Quang.
Bàng quang du
Vị trí: Trên đường ngang đi qua S1, từ cột sống đo ngang ra 2 bên 1.5 thốn.
Tác dụng: Huyệt thuộc kinh Bàng Quang, giúp tăng cường khí hóa Bàng Quang.
Trung cực
Vị trí: Nằm trên đường dọc giữa bụng, dưới rốn 4 thốn.
Tác dụng: Huyệt tại chỗ, điều trị triệu chứng tại chỗ (căng tức, đau) và khí hóa Bàng quang thuận lợi hơn, thông lợi tiểu tiện.
Khí hải
Vị trí: Nằm trên đường dọc giữa bụng, dưới rốn 1.5 thốn.
Tác dụng: Huyệt tại chỗ, điều trị triệu chứng tại chỗ (căng tức, đau) và khí hóa Bàng quang thuận lợi hơn, thông lợi tiểu tiện.
Tam âm giao
Vị trí: Đỉnh cao mắt ca trong đo thẳng lên 3 thốn, sát bờ sau trong xương chày.
Tác dụng: Huyệt đặc hiệu, chủ trị vùng bụng dưới.
Âm lăng tuyền
Vị trí: Chỗ lõm bờ trong đầu trên xương chày.
Tác dụng: Huyệt điều vận trung tiêu, tiêu trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu, điều hòa bàng quang.
Ủy Dương
Vị trí: Huyệt giữa 2 gân cơ nhị đầu đùi và cơ gan chân, Ở đầu ngoài nếp nhượng chân, mặt sau lồi cầu ngoài xương đùi.
Tác dụng: Thông lợi tiểu tiện
Cách châm
Tùy vào bệnh cảnh lâm sàng mà người thầy thuốc sẽ chọn gia thêm huyệt, chọn kĩ thuật bổ hay tả trong khi châm cho bệnh nhân.
Nhưng cơ bản vẫn có những phương pháp châm như: thể châm, điện châm. Để hiểu rõ về từng phương pháp châm này, quý bạn đọc có thể đọc lại bài tổng quan của châm cứu.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa bí tiểu
Trước khi châm cứu
- Bệnh nhân nên ăn uống trước, nhưng không nên ăn quá no.
- Không nên uống bia rượu.
- Nếu là lần đầu châm cứu, nên chuẩn bị trước các câu hỏi cho bác sĩ: Thời gian điều trị, số lần điều trị, cần kiêng ăn uống những gì khi châm cứu.
- Không nên tập thể dục gắng sức trong 2h trước khi châm.
- Mặc quần áo thoải mái rộng rãi để châm những huyệt dưới gối và trên bụng (nên mặt áo và quần lửng rộng).
Trong khi châm cứu
- Nếu có triệu chứng vã mồ hôi, chóng mặt, choáng váng, toát mồ hôi, buồn nôn thì báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ rút kim ngay, cho BN nằm nghỉ tại giường và uống nước chè đường nóng.
Sau khi châm cứu
- Nên ở lại cơ sở y tế 15-20 phút để theo dõi.
- Về nhà cần nghỉ ngơi và chỉ tập thể dục nhẹ nhàng trong 2 ngày sau châm cứu.
- Tập thể dục đều đặn, chơi thể thao, tăng cường vận động sau đó…
- Không nhịn tiểu, khi mắc tiểu nên đi tiểu ngay.
- Hạn chế ngồi lâu, ngồi 2 tiếng nên đứng dậy đi lại, đặc biệt đối với những người có bệnh bàng quang mãn tính.
- Nếu có bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm tiền liệt tuyến, bệnh tiểu khung (nếu có), nên điều trị dứt điểm.
Châm cứu đã được khoa học chứng minh là phương pháp điều trị bí tiểu hiệu quả, an toàn và giá thành rẻ. Tuy nhiên, nên lựa chọn bác sĩ hoặc phòng khám được cấp phép để thực hiện liệu trình châm cứu chữa bí tiểu. Mong bài viết trên đây đã mang lại thông tin cần thiết cho quý độc giả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bí tiểu: Nguyên nhân, cách điều trị
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/bi-tieu-nguyen-nhan-cach-dieu-tri/
Ngày tham khảo: 01/07/2021
-
Effects of Acupuncture on Hospitalized Patients with Urinary Retentionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6995310/
Ngày tham khảo: 01/07/2021