Châm cứu chữa cận thị hiệu quả như thế nào?
Nội dung bài viết
Hiện nay bệnh cận thị trong cộng đồng có số lượng bệnh nhân mắc phải ngày càng tăng. Vì nhu cầu và cũng như các yêu cầu cùng chế độ sinh hoạt lao động học tập trong xã hội hiện đại này nay. Cận thị cũng khiến cho bệnh nhân gặp rất nhiều điều khó khăn và khó chịu trong cuộc sống. Chính vì thế nhu cầu điều trị luôn được người bệnh quan tâm tìm hiểu. Liệu rằng châm cứu chưa cận thị có thực sự hiệu quả? Và những cách châm cứu dành cho người bị cận thị như thế nào? Mời các bạn cùng YouMed xem một vài thông tin dưới đây.
Cận thị là gì?
Cận thị (Myopia, Nearsightedness) trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây, là tật khúc xạ ở mắt thường gặp nhất, đặc biệt ở học sinh và người lao động trẻ.
Ở mắt bình thường hình ảnh sẽ được hội tụ ở võng mạc. Khi bị cận thị, thay vì hội tụ ở võng mạc thì bây giờ hình ảnh được hội tụ trước võng mạc. Cận thị gây cản trở, khó khăn trong việc học tập và sinh hoạt hàng ngày, làm giảm sức nhìn. Các em học sinh độ cận thị tăng nhanh do mắt phải điều tiết nhiều, dễ mắc chứng cận thị từ 7-16 tuổi.
Châm cứu có tác dụng như thế nào đối với người bị cận thị?
Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh vấn đề châm cứu chữa cận thị. Bệnh lý cận thị là một bệnh lý tiến triển. Châm cứu theo y học cổ truyền có thể cải thiện đáng kể làm chậm diễn tiến cận thị.
Nghiên cứu của Xuming Yang và cộng sự (2012) đã tiến hành đánh giá tác dụng của châm cứu trên 50 bệnh nhân cận thị ở tuổi vị thành niên. Nghiên cứu sử dụng can thiệp các huyệt Toán trúc (BL 2), Thái dương (EX-HN 5), Tứ bạch (ST 2), Hợp cốc (LI 4), Bách hội (GV 20), Cầu hậu (EX-HN 7). Thời gian can thiệp 4 tháng. Kết quả cho thấy châm cứu làm chậm diễn tiến của cận thị ở trẻ vị thành niên.
Phân tích gộp (meta-analysis) của Haixia Gao và cộng sự (2020) báo cáo rằng nhĩ châm có hiệu quả làm chậm tiến triển cận thị ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Hiệu quả của nhĩ châm tốt hơn so với các liệu pháp bài tập mắt (eye exercise), hoặc các thuốc nhỏ mắt, và hiệu quả này là tương đương với thể châm.
Chung Mai Toàn và cộng sự (1982) dùng điện mai hoa châm điều trị 1158 ca cận thị đạt hiệu quả 99%, trong đó 74.7% ca cải thiện thị lực lên 3 bậc. Cũng với phương pháp trên, một nghiên cứu khác công bố năm 2011 cho kết quả hiệu quả 88.90%.
Những cách châm cứu dành cho người cận thị
Cận thị thường gọi là tật “nhìn gần”. Châm cứu có thể làm giảm nhẹ được chứng cận thị ở trẻ em.
Điều trị: chọn huyệt tại chỗ và phối hợp với các huyệt ở xa. Kích thích vừa phải.
Chỉ định huyệt
- Nhóm huyệt 1 bao gồm: Thừa khấp, Tình minh, Hợp cốc.
- Nhóm huyệt 2 bao gồm: Ế minh(kỳ huyệt), Phong trì, Quang minh.
Thường sử dụng nhóm huyệt 1. Bệnh đỡ thì tiếp tục sử dụng những huyệt này. Nếu kết quả không rõ rệt thử sử dụng huyệt nhóm 2. Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 10-15 phút. Mỗi đợt điều trị 10 ngày. Sau đó nghỉ châm 5-7 ngày rồi lại tiếp tục.
Ngoài ra theo các phương pháp châm cứu chữa cận khác chúng ta có thể tham khảo.
Mai hoa châm
Chung Mai Toàn và cộng sự (1982) dùng điện mai hoa châm điều trị 1158 ca cận thị đạt hiệu quả 99%, trong đó 74.7% ca cải thiện thị lực lên 3 bậc. Các vùng huyệt sử dụng là Chính quang 1, Chính quan 2 là chủ đạo, bổ sung Phong trì, Nội quan, Đại chùy. Gõ kim hoa mai 20-50 lần, ở vùng huyệt rộng 0.5-1.5cm. Cũng với phương pháp trên, một nghiên cứu khác công bố năm 2011 cho kết quả hiệu quả 88.90%. Huyệt Chính quang 1 ở giữa Toán trúc và Ngư yêu, huyệt Chính quang 2 ở Ty trúc không và Ngư yêu.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu đối với người cận thị
Các lưu ý dành cho người châm cứu chữa cận thị cũng giống như lưu ý chung cho các bệnh khác.
Trong quá trình châm cứu nếu có các hiện tượng:
- Hoa mắt.
- Chóng mặt.
- Vã mồ hôi.
- Người mệt mỏi, khó chịu.
Cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có những biện pháp xử trí kịp thời.
Những bệnh nhân có sẵn bệnh tim mạch như tăng huyết áp… cần thông báo trước cho bác sĩ để cân nhắc trước khi thực hiện các kỹ thuật.
Những phương pháp đông y khác hỗ trợ người bị cận thị
Ngoài châm cứu chữa cận thị thì đông y còn có các phương pháp khác hỗ trợ điều trị mặt bệnh này như:
Massage, bấm huyệt
Năm 1963, Chính phủ Trung Quốc chấp thuận chỉ định bài tập massage mắt, chữa cận thị bằng cách bấm huyệt cho trẻ em để ngăn ngừa và bảo vệ thị lực ở trẻ em. Bài tập massage 16 huyệt có vị trí vùng mặt và xung quanh hai mắt: Tình minh (BL 1), Toán trúc (BL 2), Thừa khấp (ST 1), Tứ bạch (ST 2), Đồng tử liêu (GB 1), Ty trúc không (TE 23), Ngư yêu (EX HN 4), Thái dương (EX HN 5). Mỗi huyệt day 1 phút.
Một nghiên cứu trên 190 trẻ em cận thị, tập bài tập này mỗi ngày trước khi đi học. Kết quả cho thấy có cải thiện thị lực có ý nghĩa so với nhóm chứng. Tuy nhiên, hiệu quả là khá khiêm tốn (-0.10 D). Một nghiên cứu khác trên 201 trẻ em, tập bài tập trên ít nhất 5 phút mỗi ngày, trong 2 năm liên tục. Kết quả nhóm can thiệp làm chậm diễn tiến cận thị so với nhóm không tập bài tập trên.
Thuốc thảo dược
Vương Vân Tụ và cộng sự (1998) dùng bài thuốc Nhãn khang tán kết hợp với massage mắt điều trị 300 ca cận thị đạt kết quả tốt. Nhãn khang tán gồm: Nhân sâm, Xuyên sơn giáp, Toàn yết, Cúc hoa, Thanh tương tử, Mật mông hoa, Thảo quyết minh, Câu kỷ, Sinh địa, Đơn bì, Trạch tả, Hoài sơn, Sơn thù, Bạch truật, Tri mẫu, tất cả lượng bằng nhau. Hoàng Nghiên và các cộng sự (2011) dùng bài thuốc Ích thị minh mục ẩm (Thạch xương bồ, Viễn chí, Phục linh, Đảng sâm, Hoàng kỳ, Hoài sơn, Sơn thù, Câu kỷ, Thố ty tử, Thuyền thoái, Bạch tật lê, Cam thảo) điều trị 33 ca cận thị đạt hiệu quả 87.5% cải thiện thị lực 2-3 bậc.
Trên đây là một vài thông tin giải đáp thắc mắc liệu châm cứu chữa cận thị có thực sự hiệu quả? Bệnh nhân được chẩn đoán mắc cận thị nếu có như cầu điều trị bằng châm cứu thì hãy đến với các cơ sở y tế chuyên khoa y học cổ truyền uy tín để được thăm khám và điều trị. Hy vọng bài viết trên đây cung cấp được thêm nhiều thông tin đến quý bệnh nhân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Gao, Haixia, Zhang, Lei, and Liu, Jianghong (2020), "Auricular acupressure for myopia in children and adolescents: A systematic review", Complementary therapies in clinical practice. 38, p. 101067
- Xin, Gao and Yang, Wang (2020), "Research Summary of the Traditional Chinese Medicine Therapy in Treatment of Myopia", Jilin Traditional Chinese Medicine. 40(04), pp. 557-560
- Yang, Xuming, et al. (2012), "Data mining-based detection of acupuncture treatment on juvenile myopia", Journal of Traditional Chinese Medicine. 32(3), pp. 372-376
- Ye, Yuan, Yubo, Liu, and Shanshan, Zhang (2019), "Research progress of acupuncture on adolescent myopia", Chinese Journal of Traditional Chinese Ophthalmology. 29(06), pp. 503-506
- Zorena, Katarzyna, Gładysiak, Aleksandra, and Ślęzak, Daniel (2018), "Early intervention and nonpharmacological therapy of myopia in young adults", Journal of ophthalmology. 2018