Thông tin về phương pháp châm cứu chữa đái dầm
Nội dung bài viết
Đái dầm là một triệu chứng bệnh hay gặp ở trẻ em từ 3 tuổi trở lên, khi ngủ bệnh nhi tự tiểu tiện mà không biết. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó vấn đề điều trị đái dầm rất được quan tâm. Trong y học cổ truyền chúng ta có phương pháp châm cứu chữa đái dầm. Và liệu rằng châm cứu chữa đái dầm có hiệu quả hay không? Tác dụng của nó như thế nào? Mời các bạn cùng YouMed đọc bài viết dưới đây.
Tổng quan về chứng đái dầm
Đái dầm thuộc phạm trù chứng di niệu. Thường trên 3 tuổi trẻ đã có thể kiềm chế được bang quang về đêm. Nhưng nhiều trẻ không có khả năng ấy cho đến 5-7 tuổi. Có 10-20% trẻ 9-10 tuổi thỉnh thoảng vẫn đái dầm.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây nên đái dầm theo y học hiện đại và y học cổ truyền như sau.
Theo y học hiện đại
Đái dầm cơ năng
Đa số đái dầm là tình trạng tiếp diễn từ khi mới sinh ra. Tình trạng này có thể xuất hiện sau thời kỳ mà thần kinh trẻ đã điều khiển được bàng quang nhưng do:
- Rối loạn thần kinh chức năng: nguyên nhân là do trạng thái thần kinh dễ hung phấn, cơ thể suy nhược, sinh hoạt không điều độ (chơi quá mệt, nên lúc ngủ li bì) hoặc do môi trường sống thay đổi trẻ chưa thích ứng kịp.
- Bệnh giun kim.
Đái dầm thực thể
Rối loạn cơ vòng bàng quang (thường phối hợp với các định khu của hệ thần kinh như mất cảm giác vùng đáy chậu và đùi, yếu trương lực cơ thắt hậu môn, giảm khả năng điều khiển thần kinh cơ chi dưới).
Dị tật phần dưới cột sống phối hợp với khuyết tật thần kinh hay không.
Theo y học cổ truyền
Do tiên thiên bất túc hoặc hậu thiên thất điều khiến thận dương không đầy đủ, hạ nguyên hư lạnh, không thúc ước được bàng quang. Mặt khác, Tỳ chủ cơ nhục, phế chủ thông điều thủy đạo, tỳ phế khí hư khiến khí hư hạ hãm làm rối loạn sự khai hạp của bàng quang gây di niệu.
Triệu chứng
Theo Y học cổ truyền đái dầm được chia theo các thể lâm sàng khác nhau tùy vào các triệu chứng mà bệnh nhân có.
Thể thận khí hư hàn (hạ nguyên hư hàn)
Đái dầm là một hoặc nhiều lần trong đêm thường kèm theo ngủ mê, sắc mặt trắng sợ lạnh, chân tay lạnh, thắt lưng đau mỏi, nước tiểu trong dài, tiểu nhiều lần, lưỡi nhạt to bệu, mạch trì vô lực.
Thể Tỳ phế khí hư
Mệt mỏi, gầy yếu, sắc mặt vàng nhợt, có thể tiêu chảy, ăn kém, hay ra mồ hôi, đái dầm lượng nước tiểu ít. Chất lưỡi nhợt bệu, mạch hoãn vô lực. Trẻ hay mắc các bệnh đường hô hấp.
Tác dụng của châm cứu trong điều trị đái dầm
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy châm cứu điều trị đái dầm có hiệu quả. Nó giúp kiểm soát tình trạng đái dầm khi ngủ ở bệnh nhi.
Cách châm cứu chữa đái dầm
Thể thận khí hư hàn
Hào châm hoặc điện châm các huyệt: Trung cực, Bàng quang du, Quan nguyên, Tam tiêu du, Thận du.
Châm 1 lần/ngày, tốt nhất là vào chiều tối trước khi đi ngủ. Một liệu trình là 15 ngày, nghỉ 3-5 ngày giữa hai liệu trình, châm tiếp nếu chưa khỏi. Có thể kết hợp với cứu.
Thể Tỳ phế khí hư
Hào châm: Châm các huyệt như ở thể lâm sàng trên thêm Tỳ du, Túc tam lý để bồ tỳ khí, Phế du để bổ phế khí.
Nhĩ châm: Châm vùng bàng quang, sinh dục ngoài, giao cảm, thần môn, vùng thận, vùng dạ dày, vùng phổi.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu trị đái dầm
Châm cứu chữa bệnh đái dầm cũng như châm cứu chữa các bệnh khác. Khi châm cứu cần lưu ý đến các vấn đề chung. Trong quá trình châm cứu nếu có các hiện tượng: Hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, người mệt mỏi, khó chịu.
Cần báo ngay cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế để có những biện pháp xử trí kịp thời.
Những bệnh nhân có sẵn bệnh tim mạch như tăng huyết áp… cần thông báo trước cho bác sĩ để cân nhắc trước khi thực hiện các kỹ thuật.
Những phương pháp đông y khác giúp chữa đái dầm
Điện mãng châm điều trị đái dầm
Điện mãng châm ngày một lần. Một liệu trình điều trị từ 15 – 30 phút/lần.
Phác đồ huyệt: dùng các huyệt đạo sau:
- Tử cung –> Tử cung
- Chương môn –> Đới mạch
- Tam âm giao-> Trung đô
- Quan nguyên – >Trung cực
- Tử cung –> Khúc cốt
Nhĩ châm
Vùng bàng quang, sinh dục ngoài, giao cảm, thần môn, vùng thận.
Xoa bóp
Có thể sử dụng luân phiên các cách làm sau:
- Day nhẹ vùng Đan điền (dưới rốn) 30 vòng, đến khi vùng da hồng lên, kết hợp với xoa Quan nguyên, Trung cực trước khi đi ngủ. Làm khoảng 10 phút, day và xoa đều theo chiều kim đồng hồ.
- Xát vùng thắt lưng: dùng gốc bàn tay xát từ phải sang trái và ngược lại 30 lần, đến khi vùng da này hồng lên.
- Ấn day Thận du, Bàng quang du, Tam âm giao. Nếu ngủ không say ấn day thêm Nội quan, Thần môn; ngủ say quá thêm Bách hội.
Dùng thuốc thang theo kê đơn của bác sĩ điều trị
Chúng ta thường dùng các bài thuốc như: Bát vị hoàn gia giảm, Súc tuyền hoàn, Bổ trung ích khí thang và các bài thuốc nghiệm phương tùy theo tình trạng bệnh biểu hiện trên bệnh nhân. Thông qua thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương thuốc điều trị phù hợp.
Cứu điều trị đái dầm thể hàn
Chế mồi ngải, điếu ngải Dùng 3 đầu ngón tay 1, 2, 3 lấy một ít ngải nhung để lên một miếng ván nhỏ, nhúm và ấn nhẹ xuống để tạo thành hình tháp, nhỏ bằng hạt ngô hoặc cuốn ngải thành điếu như cuộn thuốc lá vỏ ngoài bằng giấy bản.
Khi đốt đặt mồi ngải lên miếng gừng, châm đầu que diêm lên đỉnh mồi ngải, thổi cho tắt lửa rồi đặt lên vùng huyệt định cứu. Nếu nóng có thể lót thêm miếng gừng khác.
Khi cháy hết mồi ngải gạt tàn vào khay, làm lại mồi ngải trên miếng gừng khác như trên.
Hoặc đốt điếu ngải, hơ sát da vùng huyệt, khi bệnh nhân nóng thì nhấc ra xa rồi lại đưa lại gần, tiếp tục như trên.
Phác đồ huyệt: Bách hội, Đại chuỳ, Nội quan, Quan nguyên, Tử cung, Lan môn, Tâm âm giao, Nhiên cốc.
Trên đây là những thông tin về châm cứu chữa đái dầm theo y học cổ truyền. Người bệnh có nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền hãy đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín theo chuyên ngành y học cổ truyền. Hy vọng bài viết trên đây giải đáp được thắc mắc và cung cấp thêm thông tin đến quý bệnh nhân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bệnh học Nhi khoa Y học cổ truyền, Khoa y học cổ truyền, Đại học y dược Huế
- Quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu, Bộ y tế, 2013, Quyết định số 792