Liệu châm cứu chữa đau lưng có thật sự hiệu quả?
Nội dung bài viết
Khoảng 65-80% người trưởng thành trong cộng đồng có đau lưng cấp tình hoặc từng đợt một vài lần trong đời và 10% trong số đó tiến triển thành đau lưng mạn tính. Châm cứu chữa đau lưng hiện nay được bệnh nhân tin tưởng lựa chọn rất nhiều trên lâm sàng. Liệu châm cứu trị đau lưng có thật sự hiệu quả? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về đau lưng
Đau lưng là một hội chứng cấp hoặc mạn tính, có thể xuất hiện một hoặc hai bên hoặc ngay chính giữa cột sống, thậm chí lan khắp toàn bộ vùng lưng. Đây là hội chứng xương khớp thường gặp nhất trên lâm sàng.
Đau lưng có thể gặp trong nhiều bệnh cảnh khác nhau. Nó không chỉ giới hạn trong bệnh lý thoái hóa cột sống hay thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, bệnh nhân cần được thăm khám kĩ lưỡng để phát hiện các bệnh lý nền nghiêm trọng khác có thể gây nên triệu chứng này.
Theo y học cổ truyền, đau lưng còn được gọi là “Yêu thống”, “Bối thống” hay “ yêu bối thống” tùy vào vị trí đau.
Dựa theo thời gian khởi phát có thể phân đau lưng thành đau cấp tính (<4 tuần), đau bán cấp (4- 12 tuần), đau mạn tính (>12 tuần). Dựa trên cơ chế đau có thể phân tình trạng này thành đau thần kinh, đau thụ thể và đau hỗn hợp.
Nguyên nhân
Theo y học cổ truyền
Đau lưng có liên quan đến các yếu tố như phong hàn thấp, thường gặp ở những người làm việc, sinh hoạt ở nơi lạnh, ẩm lâu ngày hoặc chính khí của cơ thể suy giảm. Tình trạng trên khiến cho người bệnh cảm phải hàn thấp gây co rút, ngưng trệ khí huyết trong kinh mạch tại vùng lưng mà dẫn đến đau lưng. Chấn thương, hoạt động sai tư thế cũng làm ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết ở vùng lưng. Bệnh cũng có thể gặp ở những người bị bệnh lâu ngày làm khí huyết bị tắc nghẽn gây đau.
Ngoài ra, can chủ cân, thận chủ cốt tủy, những người bẩm tố tiên thiên bất túc, lao động quá độ, người già yếu, người mắc bệnh lâu ngày làm cho thận tinh hao tổn. Nó không nuôi dưỡng được cân mạch hoặc thận dương bất túc không ôn ấm được cân mạch vùng lưng, từ đó mà sinh ra đau lưng. Tùy theo nguyên nhân mà y học cổ truyền có thể chia hội chứng đau lưng thành các thể: hàn thấp, thấp nhiệt, huyết ứ và thận hư.
Theo y học hiện đại
Đau lưng có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, nhưng khái quát có thể phân thành 2 nhóm nguyên nhân chính.
Đau do nguyên nhân cơ học
Đây là nhóm nguyên nhân phổ biến nhất gây nên đau lưng trên lâm sàng. Nguyên nân chủ yếu là căng giãn cơ, dây chằng cạnh cột sống quá mức. Thoái hóa cột sống thắt lưng; thoát vị đĩa đệm CSTL; trượt thân đốt sống, dị dạng thân đốt sống (cùng hóa đốt sống thắt lưng 5, cùng hóa thắt lưng cùng 1). Loãng xương nguyên phát… Loại này thường diễn tiến lành tính, chiếm khoảng 90% các trường hợp đau lưng.
Đau do một bệnh toàn thân
Trường hợp này, đau lưng chỉ là dấu hiệu nhận biết của một bệnh lý.
Đau lưng là dấu hiệu của bệnh lý gì?
Đau lưng có thể là triệu chứng của:
- Một bệnh khớp mạn tính (viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, loãng xương).
- Tổn thương tại cột sống do nguyên nhân nhiễm khuẩn (viêm đĩa đệm cột sống do vi khuẩn lao hoặc vi khuẩn sinh mủ).
- Ung thư, do các nguyên nhân khác (sỏi thận, loát dạ dày tá tràng, bệnh lý động mạch chủ bụng, u xơ tiền liệt tuyến…).
- Tổn thương cột sống thắt lưng do chấn thương…
Tác dụng của châm cứu trong điều trị đau lưng
Theo y học hiện đại
Cho đến nay, có rất nhiều giả thuyết về cơ chế tác dụng của châm cứu được bàn đến như cơ chế thể dịch, cơ chế thay đổi điện sinh vật, cơ chế thần kinh phản xạ,…
Theo học thuyết thần kinh
Châm hay cứu là một kích thích hình thành cung phản xạ mới.
Theo nguyên lý hiện tượng chiếm ưu thế của Utomski
Khi có bệnh, tổn thương các cơ quan là một kích thích, xung động truyền vào hệ thần kinh trung ương. Rồi nó được truyền ra cơ quan có bệnh, hình thành một cung phản xạ bệnh lý. Châm hay cứu kích thích gây ra một cung phản xạ mới. Khi cường độ kích thích đủ mạnh sẽ ức chế ổ hưng phấn do tổn thương bệnh lý, làm phá vỡ cung phản xạ bệnh lý, từ đó mà giảm đau cho bệnh nhân.
Theo y học cổ truyền
Các nguyên nhân như đã nêu ở trên (phong hàn thấp, chấn thương, hoạt động sai tư thế, hay chính khí hư suy, thận tinh bất túc, thận dương suy tổn…) gây rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc. Do đó cơ chế tác dụng của châm cứu cơ bản là điều hòa công năng hoạt động của hế thống kinh lạc, loại bỏ tà khí ra ngoài, nâng cao chính khí của cơ thể. Châm cứu đau lưng thông qua hình thức kích thích các huyệt để chữa bệnh.
Cách châm cứu chữa đau lưng
Tùy vào từng thể bệnh, nguyên nhân sinh ra đau lưng; mà người ta có các cách phối hợp huyệt khác nhau trong điều trị. Điều này phù hợp cho từng nhóm bệnh nhân trên lâm sàng.
Châm cứu chữa đau lưng do thận hư
Phương huyệt thường dùng: Châm bổ hoặc cứu các huyệt Thận du, Mệnh môn, Chí thất, Quan nguyên, Khí hải, Bát liêu.
Châm cứu chữa đau lưng do hàn thấp
Phương huyệt thường dùng: châm tả hoặc ôn châm các A thị huyệt vùng lưng, các du huyệt của kinh Bàng quang, Giáp tích tương ứng vùng đau, Ủy trung, Kiên tĩnh.
Châm cứu chữa đau lưng do huyết ứ
Phương huyệt thường dùng: Châm tả các A thị huyệt vùng lưng, huyệt tại chỗ, Giáp tích vùng đau, Huyết hải 2 bên.
Châm cứu chữa đau lưng do thấp nhiệt
Phương huyệt thường dùng: Châm tả các huyệt A thị vùng lưng, Giáp tích vùng đau, huyệt tại chỗ, Ủy trung, Khúc trì, Kiên tĩnh.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa đau lưng
Chỉ định của châm cứu trong điều trị đau lưng
- Đau lưng ở mọi lứa tuổi.
- Đau cấp và mãn.
Chống chỉ định của châm cứu trong điều trị đau lưng
- Các cấp cứu ngoại khoa.
- Bệnh nhân bị sốt kéo dài, mất nước, mất máu.
- Bệnh nhân suy tim, loạn nhịp tim.
- Đau lưng mạn tính do nguyên nhân lao, ung thư.
- Đau lưng cấp do chấn thương cột sống.
Lưu ý khác
Bệnh nhân đau lưng có nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền đặc biệt là châm cứu có thể đến các bệnh viện và các cơ sở uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Đau lưng là một bệnh phổ biến hiện nay, gặp ở nhiều lứa tuổi. Tình trạng này có thể áp dụng châm cứu chữa bệnh. Trong đó, châm cứu chữa đau lưng là một trong những phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy nếu như bệnh nhân thấy có các biểu hiện đau lưng có thể đến các bệnh viện y học cổ truyền hoặc các cơ sở có uy tín để được thăm khám và trị liệu. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp được một vài thông tin bổ ích đến các bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Quyết định số 792/QĐ- BYT ngày 12/3/2013 của Bộ y tế ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình ký thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Châm cứu
- Giáo trình Bệnh học nội khoa y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược Huế
- Hướng dẫn chẩn đoán các bệnh cơ xương khớp của Bộ Y tế, 2016