Bệnh gai gót chân có thể được điều trị bằng châm cứu?
Nội dung bài viết
Ngày nay, bệnh đau gót chân là một bệnh khá phổ biến, với nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. May mắn thay, sự tiến bộ của nền y học, đã mang lại nhiều phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Trong đó, liệu pháp y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực. Liệu châm cứu chữa gai gót chân có thực sự hiệu quả, hãy cùng Youmed tìm hiểu kỹ càng hơn nhé.
Bệnh đau gót chân ở góc nhìn Y học hiện đại
Khái niệm
Bệnh đau gót chân có nhiều nguyên nhân, nhưng thông thường là do xuất hiện gai xương ở gót. Đây là tình trạng tích tụ canxi ở gót, do là phần cân mạc, xương gót bị thoái hóa. Phần gai này có thể chèn ép, tổn thương các gân cơ, thần kinh, các tổ chức phần mềm dưới da, gây viêm và đau.
Triệu chứng
- Đau nhức phần gót chân, vùng gan bàn chân kiểu cơ học. Đau tăng khi vận động, khi thực hiện các động tác đột ngột, khiên vác vật nặng…
- Sưng, viêm, vùng da gót đỏ, sờ nóng.
- Nếu tình trạng bệnh kéo dài có thể dẫn đến teo yếu cơ, tổn thương các dây chằng…
Tuy nhiên, có thể không có triệu chứng. Người bệnh nên phân biệt các triệu chứng này với các bệnh lý khác như: gãy xương, viêm nhiễm xương, áp xe phần mềm, u xương gót, viêm gân cơ…
Yếu tố nguy cơ hình thành gai gót chân
- Người trung niên, lớn tuổi,…lão hóa dẫn đến sự sai sót trong quá trình bù đắp canxi ở gót, dễ hình thành gai xương.
- Thừa cân, béo phì, thường mang giày gót quá cao, kích thước không phù hợp với bàn chân…
- Vận động, chơi thể thao trên bề mặt cứng, thực hiện sai kỹ thuật chân, không khởi động kỹ…
- Thường xuyên đi lại nhiều, vận động, làm việc nặng nhọc,…
- Những vi chấn thương bị lặp đi lặp lại nhiều lần, tác động lên phần xương gót.
- Cấu trúc giải phẫu bàn chân bẩm sinh bị dẹt, vòm chân cao…
- Bệnh lý xương khớp như thoái hóa gót, viêm cân gan chân,…
Hướng điều trị chung
Mục tiêu: Điều trị triệu chứng và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.
Hướng điều trị:
- Hạn chế vận động và nghỉ ngơi hợp lý.
- Sử dụng thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ, tùy theo tình trạng người bệnh:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc kháng viêm non-steroid
- Corticoid
- Áp dụng phương pháp không dùng thuốc như:
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: nhiệt trị liệu, điện trị liệu, kéo giãn, tập vận động…
- Kỹ thuật Y học cổ truyền: xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…chữa đau gót chân.
- Phẫu thuật: sẽ loại bỏ trực tiếp gai xương, áp dụng khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, bệnh vẫn có thể sẽ tái phát.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
Thay đổi thói quen sống hằng ngày:
- Không nên mang vác vật nặng, hạn chế mang giày dép không thích hợp, quá chật chội…Có thể sử dụng đệm gót chân, không nên đứng quá lâu.
- Tập luyện thể thao phù hợp, vừa sức, không áp lực mạnh lên phần gót chân.
- Thường xuyên chường đá, ngâm chân, massage…vùng chân để máu huyết lưu thông hiệu quả, giảm đau.
Bệnh đau gót chân ở góc nhìn Y học cổ truyền
Theo Đông y, “đau gót chân” được gọi chung trong “chứng tý”. Nguyên nhân là do khí trệ, huyết ứ, nghĩa là máu huyết lưu hành không thông, dẫn đến tắc trệ mà gây bệnh, gây đau.
Các phương pháp Y học cổ truyền như xoa bóp bấm huyệt, chườm ngải, châm cứu…gót chân, đều là những liệu pháp hỗ trợ giảm đau, lưu thông mạch máu…và ít tác dụng phụ.
Tác dụng của châm cứu chữa gai gót chân
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, châm cứu chữa gai gót chân được ghi nhận là có những tác dụng hiệu quả tích cực, làm giảm triệu chứng bệnh. Liệu pháp giúp giải phóng năng lượng cũng như các hormon cơ thể như endorphin-chất giảm đau tự nhiên, giúp tăng lưu lượng máu.
Mặt khác theo Y học cổ truyền, thông qua việc kích thích, tác động vào các vị trí huyệt sẽ giúp bệnh nhân:
- Hành khí hoạt huyết, thông kinh hoạt lạc, giảm ứ trệ: tăng cường máu lưu thông dễ dàng.
- Bổ khí bổ huyết: kích thích, thúc đẩy tạng phủ sản sinh ra khí huyết, nuôi dưỡng mạch, cơ…
Phương pháp châm cứu chữa gai gót chân
Chỉ định của châm cứu chữa gai gót chân
Người bệnh có triệu chứng đau, mỏi… phần gót chân do gai, thoái hóa…
Chống chỉ định của châm cứu chữa gai gót chân
- Những trường hợp bệnh lý cấp cứu, nhiễm trùng nặng, bệnh lý ngoại khoa, suy tim, loạn nhịp tim, mất máu… không nên châm.
- Không châm vào những vùng da đang viêm nhiễm hoặc lở loét, phù nề nặng… bởi dễ làm tăng tình trạng bệnh.
Cách châm cứu chữa gai gót chân
Phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh khác nhau, mà các y bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình, công thức huyệt châm cứu chữa gai gót chân, phù hợp cho từng người.
Thông thường vị trí huyệt được lựa chọn là:
- Thực chứng (châm tả): huyệt tại chỗ (đau và khó chịu nhiều).
- Hư chứng: ngoài châm tả các huyệt ở thực chứng còn châm bổ.
- Can hư: Thái xung, Tam âm giao.
- Thận hư: Thận du, Thái khê, Quan nguyên.
- Tỳ hư: Thái bạch, Tam âm giao.
- Ngoài ra, còn có thể gia thêm một số huyệt lân cận vùng gót như: Côn lôn, Thái khê, Đại chung, Thủy tuyền, Thừa sơn…hoặc Dương lăng tuyền, Túc tam lý.
Nếu sử dụng máy điện châm thì: Tần số tả là 5-10 Hz và bổ là 1-3 Hz. Cường độ từ 0-150 microAmpe, tùy theo mức chịu đựng của người bệnh. Thời gian châm khoảng 20-30 phút/ngày, kéo dài khoảng 10-15 lần.
Lưu ý khi châm cứu chữa gai gót chân
Sau khi thực hiện châm cứu chữa gai gót chân, cần theo dõi toàn trạng người bệnh, cũng như các triệu chứng có thể xảy ra như:
Vựng châm:
- Các dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi, kèm mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
- Tắt máy điện châm (nếu có), sau đó rút kim ngay. Thực hiên lau mồ hôi, ủ ấm, và cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ. Quan trọng là phải theo dõi kỹ các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng người bệnh.
Rút kim thì máu chảy ra: sử dụng bông gòn vô khuẩn ấn chặt ở vị trí chảy máu.
Những phương pháp đông y khác giúp chữa gai gót chân
Xoa bóp bấm huyệt
Bên cạnh châm cứu chữa gai gót chân, xoa bóp bấm huyệt cũng có nhiều ích lợi đối với bệnh này. Nguyên lý là kích thích, thông kinh lạc, tăng cường lưu thông khí huyết, giãn cơ, giảm đau… thông qua tác dụng vào huyệt.
Cụ thể sử dụng các động tác xoa bóp vào các huyệt tương tự như ở phần châm cứu. Ngoài ra, có thể gia thêm các huyệt khác như Dũng tuyền, Giải khê,…nhằm tăng sự thư giãn cân cơ, giảm đau…
Thực hiện khoảng 20-30 phút/ngày, liệu trình từ 15-30 ngày.
Chú ý: Không nên thực hiện việc này trên các vùng da bị bệnh, lở loét…hay có những dấu hiệu bệnh cấp cứu, ngoại khoa…
Nhiệt trị liệu
Các liệu pháp giảm đau gót chân bằng nhiệt cũng được áp dụng thường xuyên như chườm ngải, cứu…Bên cạnh đó, ngâm chân trong nước ấm với muối, sả, gừng…còn giúp tăng cường lưu thông máu huyết, thư giãn, an thần, giảm đau, khử mùi hôi chân, loại bỏ tế bào da chết…
Thuốc đông y
Những dược liệu dùng để giảm triệu chứng bệnh, thường có công dụng:
- Bổ khí, hành khí giúp lưu thông máu huyết như đảng sâm, hoàng kỳ…
- Hoạt huyết, khử ứ, thông kinh lạc như đan sâm, xích thược, xuyên khung, đào nhân…
Như vậy, các kỹ thuật điều trị và chăm sóc, đặc biệt là châm cứu chữa gai gót chân đã và đang mang lại nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, để tránh những tác dụng không mong muốn và đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, bạn nên tham khảo từ các ý kiến của các y, bác sĩ, những người có chuyên môn trước khi lựa chọn châm cứu chữa bệnh nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- PGS.TS Phan Quang Chí Hiếu. Châm cứu học. NXB Y học.
- Bộ Y tế. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.
-
Acupuncture as a Therapeutic Treatment for Plantar Fasciitishttps://www.evidencebasedacupuncture.org/acupuncture-plantar-fasciitis/
Ngày tham khảo: 19/06/2021
-
Acupuncture Plantar Fasciitis Relief Confirmedhttps://www.healthcmi.com/Acupuncture-Continuing-Education-News/1806-acupuncture-plantar-fasciitis-relief-confirmed
Ngày tham khảo: 19/06/2021
-
Heel Spurs and Plantar Fasciitis https://www.webmd.com/pain-management/heel-spurs-pain-causes-symptoms-treatments#1
Ngày tham khảo: 19/06/2021