YouMed

Những điều cần biết về châm cứu chữa mất ngủ

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên
Tác giả: ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Châm cứu chữa mất ngủ là phương pháp trị liệu bằng YHCT, áp dụng y lý Đông y. Phương pháp này dùng kim tác động vào huyệt giúp người bệnh ngủ ngon và sâu hơn. Tỷ lệ mất ngủ trong dân số ngày càng gia tăng có thể do nhiều nguyên nhân. Mất ngủ làm suy giảm chất lượng sống của người bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc… Đặc biệt, trước đây thường gặp ở lứa tuổi trung niên trở lên, nhưng hiện tại đối tượng trẻ tuổi cũng khá thường gặp. Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến châm cứu trị mất ngủ nhé.

Tổng quan về chứng mất ngủ

Mất ngủ là gì?

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Nó giúp phục hồi lại thể chất, tinh thần sau khoảng thời gian học tập, làm việc mệt mỏi. Một giấc ngủ có chất lượng tốt sẽ khiến cơ thể sảng khoái, tỉnh táo và tập trung hiệu quả hơn.

Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bao gồm:

  • Ngủ không sâu giấc.
  • Khó đi vào giấc ngủ.
  • Tỉnh dậy giữa đêm và không thể quay lại giấc ngủ.
  • Cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy.

Mất ngủ gây tình trạng mệt mỏi, khó chịu, làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống. Trung bình người bình thường ngủ khoảng 7- 8 tiếng/ngày. Trong đó, giấc ngủ phải đảm bảo đủ về thời gian, độ sâu giấc, cảm giác thỏa mái khỏe khoắn sau khi thức dậy.

Mất ngủ gồm: Mất ngủ cấp tính và mạn tính. Mất ngủ mạn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài trong vòng ít nhất 1 tháng. Mất ngủ cấp tính kéo dài dưới 1 tháng.

Nguyên nhân mất ngủ

  • Áp lực cuộc sống khiến não hoạt động nhiều vào ban đêm, khiến bạn khó ngủ. Các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống hoặc chấn thương cũng dẫn đến chứng mất ngủ.
  • Thói quen ngủ kém. Bao gồm: sử dụng các thiết bị điện tử nhiều trước khi ngủ, hoạt động thể lực quá sức trước khi đi ngủ, môi trường ngủ không thoải mái…có thể cản trở chu kỳ giấc ngủ.
  • Cung cấp nhiều thức ăn vào buổi tối trước khi ngủ. Thức ăn gây khó chịu về thể chất khi nằm. Ngoài ra, việc ăn quá sát giờ ngủ có thể gây ợ nóng, trào ngược thức ăn lên thực quản gây cảm giác rát, khó chịu khiến cơ thể không ngủ được.
  • Lịch trình du lịch hoặc làm việc khiến cơ thể bị thay đổi múi giờ. Điều này làm gián đoạn nhịp sinh học của cơ thể, dẫn đến mất ngủ.
  • Thuốc. Nhiều loại thuốc theo toa có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị hen suyễn hoặc huyết áp. Nhiều loại thuốc không kê đơn – chẳng hạn như thuốc giảm đau, dị ứng, các thuốc giảm cân – có chứa caffeine và chất kích thích khác có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
  • Các bệnh mãn tính bao gồm đau mãn tính, ung thư, bệnh tim, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, cường giáp, bệnh Parkinson và Alzheimer.
  • Ngưng thở khi ngủ cũng gây gián đoạn giấc ngủ.
  • Tuổi tác. Giấc ngủ thường ít hơn khi già đi.
  • Ít vận động thể chất hoặc giao tiếp xã hội. Điều này cũng gây cản trở giấc ngủ.

Triệu chứng của mất ngủ

Các triệu chứng mất ngủ có thể bao gồm:

  • Khó ngủ vào ban đêm.
  • Thức dậy giữa giấc vào đêm.
  • Dậy quá sớm.
  • Không thấy sảng khoái sau một đêm ngủ.
  • Mệt mỏi ban ngày hoặc buồn ngủ, kém tập trung.
  • Khó chịu, trầm cảm hoặc lo lắng về giấc ngủ, hoặc các vấn đề khác trong cuộc sống.
  • Tăng lỗi khi làm việc hoặc dễ xảy tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông.

Đối tượng hay bị mất ngủ

Thường là nữ. Liên quan đến thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh và trong thời kỳ mãn kinh. Nhất là trong thời kỳ mãn kinh, việc đổ mồ hôi đêm và bốc hỏa thường làm gián đoạn giấc ngủ. Mất ngủ cũng khá phổ biến ở phụ nữ mang thai.

Chứng mất ngủ tăng theo tuổi tác, đặc biệt ở người trên 60 tuổi. Người có rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc thể chất. Căng thẳng, áp lực tinh thần có thể làm mất ngủ tạm thời. Nếu kéo dài có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính. Thay đổi giờ giấc làm việc. Ví dụ, đổi ca làm hoặc khác múi giờ khi du lịch có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ – thức.

Tác dụng của châm cứu chữa mất ngủ

Việc tác động trực tiếp lên huyệt vị bằng kim châm, giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giải quyết tắc nghẽn, kiện tỳ, dưỡng tâm. Từ đó, có tác dụng điều trị chứng mất ngủ.

Châm cứu giúp giải phóng các chất thúc đẩy giấc ngủ, sản sinh các hormone như serotonin có tác dụng an thần. Đồng thời, tạo cung phản xạ gây buồn ngủ, loại bỏ các triệu chứng trằn trọc, mất ngủ mỗi đêm.

Châm cứu cũng tác động lên hệ thần kinh, kích thích tạo hormone endorphin nội sinh. Hormon này có tác dụng giảm đau, giảm căng thẳng, giúp người bệnh thả lỏng cơ thể và dễ đi vào giấc ngủ.

Đặc biệt, hiệu quả của phương pháp châm cứu chữa mất ngủ đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu:

  • Cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu sau khoảng 1 – 2 liệu trình.
  • Đây là phương pháp điều trị an toàn, không tác dụng phụ, không gây đau cho người bệnh. Đặc biệt, phương pháp này giúp bệnh nhân không bị phụ thuộc vào thuốc.
Châm cứu mất ngủ
Châm cứu là phương pháp không dùng thuốc được chứng minh có hiệu quả trong điều trị mất ngủ

Cách châm cứu chữa mất ngủ

Chỉ định

  • Thường sử dụng trên các bệnh nhân có tình trạng mất ngủ không có tổn thương thực thể, không rõ nguyên nhân.
  • Các trường hợp mất ngủ liên quan đến hội chứng suy nhược mạn.

Chống chỉ định châm cứu chữa mất ngủ

  • Người bệnh mắc các chứng bệnh ưa chảy máu (không châm cứu được).
  • Vùng da châm có viêm nhiễm, lở loét.
  • Khi có bệnh lý ngoại khoa cần ưu tiên cấp cứu trước.

Các phương huyệt thường sử dụng trong châm cứu chữa mất ngủ

Theo Y học cổ truyền, tình trạng mất ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tùy vào từng thể bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng những phương huyệt khác nhau.

  • Mất ngủ do tâm huyết hư: Châm cứu các huyệt Nội quan, Thần môn, Tâm du, Cách du, Huyết hải, Thái xung, Trung đô.
  • Mất ngủ do Tâm – Tỳ suy yếu: Châm các huyệt Tam âm giao, Thái bạch, Nội quan, Tâm du, Cách du, Túc tam lý.
  • Mất ngủ do Tâm – Thận bất giao: Châm các huyệt Tam âm giao, Quan nguyên, Khí hải, Thận du, Thái khê.
  • Mất ngủ do Can huyết hư: Châm cứu các huyệt Can du, Cách du, Tam âm giao, Huyết hải, Thái xung.
  • Mất ngủ do Thận âm hư – Can, Đởm hỏa vượng: Châm cứu huyệt Tam âm giao, Quan nguyên, Khí hải, Thận du, Tả bách hội, Thái xung, Khâu hư.
  • Mất ngủ do vị khí không điều hòa: Châm cứu huyệt thiên đột, Trung quản, Thiên khu, Tam âm giao, Túc tam lý, Thái bạch, Nội quan, Tỳ du, Vỵ du.

Châm cứu chữa bệnh là phương pháp chữa mất ngủ an toàn, hiệu quả, không tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần thực hiện ở những đơn vị uy tín, đảm bảo đúng thủ thuật bởi các bác sĩ có kinh nghiệm.

Cách châm cứu chữa mất ngủ

Tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật bổ tả khác nhau. Số lượng huyệt tùy vào tình trạng của mỗi người. Người bệnh được sát trùng da vùng huyệt trước khi châm và sau khi rút kim. Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ châm nhanh qua da vào huyệt. Kim được kích thích cho đến khi người bệnh thấy căng, tức, nặng vừa phải, không đau vùng châm.

Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa mất ngủ

Người bệnh cần tuân theo lộ trình châm đầy đủ, không nên bỏ giữa chừng khi chưa đạt mong muốn. Hiệu quả của châm cứu đối với mất ngủ diễn ra từ từ. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì.

Bên cạnh châm cứu điều trị, các biện pháp khác cũng cần đảm bảo và tuân thủ như:

  • Làm cho phòng ngủ thoải mái, tối, yên tĩnh, nhiệt độ hợp.
  • Làm thư giãn cơ thể trước khi ngủ. Tắm nước ấm hoặc mát-xa trước giúp giấc ngủ hiệu quả hơn.
  • Không nên tiếp tục nằm trên giường khi không thể ngủ được.

Những phương pháp đông y khác chữa mất ngủ

Xoa bóp bấm huyệt

Bấm huyệt chữa mất ngủ giúp thông kinh hoạt lạc. Một số huyệt giúp điều trị mất ngủ: Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, Dũng tuyền, Phong trì, Ấn đường, Thái dương, Thiên trụ. Phương pháp này cần kiên trì thực hiện đều đặn. Đồng thời cần hạn chế dùng chất kích thích và giữ cho tinh thần thoải mái.

xoa bóp bấm huyệt
xoa bóp bấm huyệt giúp giấc ngủ ngon và sâu hơn

Ngâm chân thảo dược điều trị mất ngủ

Ngâm chân giúp lưu thông máu, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ trị mất ngủ. Ngâm chân thảo bằng nước ấm trước ngủ giúp hệ thống thần kinh được kích thích nhẹ, tạo cảm giác thoải mái, giải tỏa căng thẳng. Một số vị thuốc có thể sử dụng để ngâm chân như: quế, sả, gừng…

Ngâm chân thảo dược
Ngâm chân thảo dược giúp lưu thông máu, tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ trị mất ngủ

Dùng thuốc thảo dược

Các bài thuốc đông y trị mất ngủ thường khá an toàn, ít gây tác dụng phụ. Đa số có tác dụng hoạt huyết, dưỡng não, thông mạch, dưỡng tâm, an thần. Một số thảo dược thường dùng trong các bài thuốc như: tâm sen, táo nhân, lạc tiên, lá vông nem, trinh nữ, bình vôi

Mất ngủ gây cảm giác khó chịu và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Châm cứu chữa mất ngủ được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, người bệnh nên thực hiện kỹ thuật này ở cơ sở y tế uy tín với các bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Trịnh Thị Diệu Thường, Châm cứu học ứng dụng

  2. Mất ngủ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

    https://www.vinmec.com/vi/benh/mat-ngu-3923/

    Ngày tham khảo: 12/06/2021

  3. Acupuncture for Treatment of Insomnia: A Systematic Review of Randomized Controlled Trialshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3156618/

    Ngày tham khảo: 12/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người