Có nên chữa thoát vị đĩa đệm bằng châm cứu?
Nội dung bài viết
Châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị thông qua ứng dụng y lý Y học cổ truyền. Đây là phương pháp dùng kim tác động vào huyệt giúp người bệnh giảm đau, tê, nặng mỏi. Cùng YouMed tìm hiểu thêm về tác dụng châm cứu và các lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm qua bài viết này nhé.
Tổng quan về chứng thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là phần đệm, nằm giữa các đốt sống. Đĩa đệm gồm 2 phần: bao xơ (lớp ngoài) và nhân nhầy (lớp trong). Đĩa đệm chịu áp lực do cột sống và các phần cơ thể đè lên. Đĩa đệm giúp các đốt sống hoạt động trơn tru, mềm dẻo. Thoát vị đĩa đệm là một thuật ngữ y khoa, chỉ tình trạng xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm cột sống chệch ra khỏi vị trí bình thường. Nhân nhầy này có thể xuyên qua dây chằng giữ cột sống gây chèn ép vào các rễ thần kinh. Tình trạng này thường gây đau, nặng mỏi, tê bì tại chỗ và các vùng cơ thể mà rễ thần kinh bị chèn ép chi phối.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ tầng đốt sống nào. Trong đó, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gây hiện tượng đau thắt lưng lan xuống chân là tình trạng thoát vị đĩa đệm phổ biến nhất.
Theo Y học cổ truyền, thoát vị đĩa đệm có biểu hiện triệu chứng giống với mô tả chứng tý, chứng thống, chứng toạ cốt phong. Đây là những chứng bệnh được ghi nhận từ rất sớm trong các y văn kinh điển. Theo đó, các nguyên nhân gây bệnh sẽ làm khí trệ, huyết ứ, cản trở sự vận hành khí huyết mà gây nên đau. Các nguyên nhân bao gồm thời tiết thay đổi, lao động quá sức, mang vác nặng, sai tư thế, chấn thương, các bệnh lý lâu ngày. Châm cứu là một trong những phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm của Đông Y.
Nguyên nhân
Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của sự thoái hoá đĩa đệm, dây chằng hoặc do sang chấn, tư thế hoạt động không đúng. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm:
- Tuổi cao: Hệ thống xương khớp, dây chằng, đĩa đệm bị thoái hoá. Các đĩa đệm thường bị mất nước, giảm nhầy, xẹp, thoái hoá xơ cứng nên dễ dàng bị tổn thương. Đặc biệt, hệ thống dây chằng giữ đốt sống cũng trở nên lỏng lẻo làm đĩa đệm dễ dàng bị trượt ra ngoài hơn.
- Tư thế làm việc, lao động không đúng. Giữ một tư thế làm việc quá lâu làm tăng áp lực lên một vài đĩa đệm nhất định. Mặt khác, một số tư thế hoạt động sai như cúi khom người, ngồi vẹo lưng, kẹp điện thoại vào vai lâu dài cũng gây thoát vị.
- Chấn thương cột sống. Các chấn động mạnh đến cột sống do té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông cũng có thể gây thoát vị.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ làm tăng áp lực lên đĩa đệm như bép phì, gù vẹo cột sống, thoái hoá cột sống cũng có thể gây thoát vị đĩa đệm.
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm giai đoạn đầu có thể không có những triệu chứng đặc hiệu. Bệnh nhân chỉ có thể phát hiện bệnh thông qua việc khám sức khỏe tổng quát hoặc khi bệnh diễn tiến nặng hơn. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm có thể bao gồm:
- Đau nhức tại cột sống, tay – chân. Thoát vị đĩa đệm cột sống có thể gây ra những cơn đau buốt tại chỗ. Đau tăng khi làm việc nặng, cúi ngửa quá tầm, hắt hơi, ho. Đau thường tái phát thành nhiều đợt. Bên cạnh đó, cơn đau có thể lan ra vùng vai gáy, chân tay theo một đường đi nhất định.
- Tê bì tay chân. Tình trạng này là kết quả của việc nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài gây chèn ép rễ thần kinh. Cảm giác thường giống như kiến bò, hoặc kim châm lên vùng da. Ngoài ra, nếu diễn tiến nặng người bệnh có thể thấy một số rối loạn cảm giác, không phân biệt được nóng – lạnh…
- Yếu cơ, teo cơ. Triệu chứng này thường thấy ở những bệnh nhân thoát vị nặng, không điều trị. Rễ thần kinh bị tổn thương làm cho các cơ không được nuôi dưỡng. Mặt khác, người bệnh hạn chế đi lại, vận động do đau cũng làm các cơ yếu và teo nhanh hơn.
- Tiểu són, tiểu không tự chủ. Triệu chứng này xuất hiện ở những bệnh nhân thoát vị gây tổn thương chùm đuôi ngựa.
Tác dụng của châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Châm cứu chữa bệnh tác động trực tiếp lên huyệt vị bằng kim châm, giúp tăng cường lưu thông khí huyết, giải quyết tắc nghẽn. Từ đó, có tác dụng điều trị các triệu chứng đau, tê bì trong bệnh thoát vị đĩa đệm.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam báo cáo một số kết quả như sau:
- Châm cứu an toàn, không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người bệnh. Một số ít ghi nhân bầm tím da sau châm
- Châm cứu giảm đau hiệu quả tương đương (hoặc hơn) nhóm dùng thuốc NSAIDs – một nhóm thuốc giảm đau kháng viêm thông thường.
Xem thêm: Bác sĩ YHCT giải đáp về phương pháp bấm huyệt thoát vị đĩa đệm
Chỉ định và chống chỉ định châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Châm cứu được chỉ định cho hầu hết các bệnh nhân thoát vị đĩa đệm với triệu chứng đau tại cột sống, đau hoặc tê bì lan tay hoặc chân thông thường.
Châm cứu không được khuyến cáo cho các bệnh có các chỉ định can thiệp ngoại khoa. Cụ thể như sau:
- Điều trị nội khoa thất bại sau 5 – 8 tuần. Điều trị nội khoa bao gồm điều trị thuốc, châm cứu, vật lý trị liệu, …
- Gây chèn ép thần kinh cấp tính với các triệu chứng yếu cơ, teo cơ, rối loạn tiêu tiểu, bí tiểu, …
- Thoát vị đĩa đệm gây rách bao xơ, thoát vị di trú.
Cách châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Theo Y học cổ truyền, bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Tùy vào từng thể bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng những phương huyệt khác nhau. Một số huyệt thường dùng trong châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm.
- A thị huyệt: huyệt tại nơi đau. Các huyệt này có tác dụng hành khí hoạt huyết tại chỗ, giúp giảm đau. Khí huyết thông giúp nuôi dưỡng cân mạch, xương cốt
- Thận du, Can du, Đại trữ, Huyền chung: Đây là những huyệt giúp bổ xương, bổ cốt tuỷ.
- Phong trì, Phong môn, Phong phủ: Nhóm huyệt có tác dụng khu phong. Phong tà là một trong những nguyên nhân lớn gây triệu chứng đau trong thoát vị đĩa đệm.
Tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ thực hiện các kỹ thuật bổ tả khác nhau. Số lượng huyệt tùy vào tình trạng của mỗi người. Người bệnh được sát trùng da vùng huyệt trước khi châm và sau khi rút kim. Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ châm nhanh qua da vào huyệt. Kim được kích thích cho đến khi người bệnh thấy căng, tức, nặng vừa phải, không đau vùng châm.
Lưu ý khi lựa chọn châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Châm cứu cần thực hiện ở những đơn vị uy tín, đảm bảo đúng thủ thuật bởi các bác sĩ, y sĩ có kinh nghiệm.
Người bệnh cần tuân theo lộ trình châm đầy đủ, không nên bỏ giữa chừng khi chưa đạt mong muốn. Hiệu quả của châm cứu diễn ra từ từ. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì theo liệu trình. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần hạn chế các vận động quá sức, cúi ngửa thẳng người, đúng tư thế.
Kết quả từ các nghiên cứu cho thấy, châm cứu với các phương pháp: Điện châm, hào châm, ôn châm, cấy chỉ, laser châm… đều mang lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh. Giúp giảm liều thuốc giảm đau, hạn chế tác dụng phụ do dùng thuốc.
Những phương pháp kết hợp cùng châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Một số các phương thức điều trị khác thuộc nhóm điều trị không dùng thuốc được kết hợp với châm cứu như:
- Xoa bóp giúp điều hoà khí huyết tại chỗ, đả thông kinh mạch giúp giảm đau.
- Vật lý trị liệu giúp giảm đau. Kéo cột sống bằng máy giúp giảm áp lực lên cột sống, giúp giảm đau, duy trì tầm vận động
- Các bài tập cho cột sống
- Các loại đai như đai lưng… giúp cố định thắt lưng và duy trì tầm vận động.
Xem thêm: Bác sĩ YHCT giải đáp về phương pháp bấm huyệt thoát vị đĩa đệm
Châm cứu là phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm an toàn, hiệu quả, không tác dụng phụ. Tuy nhiên cần được thực hiện tại các cơ sở uy tín. Hi vọng qua bài viết này, Youmed đã cung cấp cho bạn thông tin hữu ích.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Phan Quang Chí Hiếu (2007), Châm cứu học tập 1
- Trịnh thị Diệu Thường (2019), Châm cứu học.