YouMed

Châm cứu đốt xạ hương: định nghĩa, tác dụng

bác sĩ NGUYỄN VŨ THU THẢO
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Vũ Thu Thảo
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Trong Đông y, có nhiều phương pháp điều trị độc đáo, ví dụ như phương pháp châm cứu đốt xạ hương. Xạ hương là gì? Châm cứu đốt xạ hương được sử dụng như thế nào? Chúng có công dụng ra sao. Chúng ta cùng tìm hiểu với YouMed trong bài viết này nhé.

Sơ lược về châm cứu

Châm là gì?

Nhằm mục đích phòng và trị bệnh, dùng kim châm vào những điểm (huyệt) trên cơ thể gọi là châm. Có nhiều loại kim châm khác nhau: hào châm, trường châm, nhĩ hoàn,…

  • Hào châm (châm bằng kim nhỏ, độ dài ngắn khác nhau): đây là loại kim thường được dùng phổ biến nhất hiện nay.
  • Trường châm (châm bằng kim dài): thường dùng để châm huyệt Hoàn khiêu (ở mông), vì huyệt nằm sâu dưới lớp cơ mông (ở mông).
  • Nhĩ hoàn (kim cài loa tai): là loại kim mới, dùng để găm vào da và lưu lâu ở loa tai.

Châm có nhiều hình thức châm khác nhau.

  • Thủy châm: Cho thuốc vào kim để châm qua da. Khi kim đã vào đến huyệt vị, thầy thuốc bắt đầu tiêm thuốc, bơm từ từ, lúc đầu bệnh nhân sẽ cảm thấy căng và tức ở chỗ thủy châm. Mỗi huyệt vào 0,5 – 2 ml thuốc. Khi thủy châm ở đầu hoặc ngực, dùng thuốc lượng ít hơn ở bộ phận khác.
  • Điện châm: Lấy huyệt làm vị trí cơ bản để tác động lên cơ thể, sau đó, gắn các điện cực. Dùng tác dụng của dòng điện xung và phương pháp truyền điện qua kim để chữa bệnh. Lúc này, trong lúc lưu kim, dòng điện đóng vai trò như vê kim, sóng liên tục hoặc ngắt quãng.
  • Châm cứu: Dùng kim châm vào huyệt, và kết hợp với cứu ngải, cứu quế,…

Cứu là gì?

Nhằm mục đích phòng và trị bệnh, dùng sức nóng tác động lên huyệt để kích thích tạo nên phản ứng của cơ thể là cứu.

Cứu thường dùng ngải nhung (phơi khô phần xơ lá cây ngải cứu, vò nát, bỏ cuống và gân lá).

Có thể dùng điếu ngải và mồi ngải để cứu. Điếu ngải là ngải nhung được quấn thành điếu lớn, rồi đốt hơ trên huyệt. Mồi ngải là một nhúm ngải, được ép chặt sau khi nhúm 3 ngón tay chụm vào nhau. Mồi ngải sẽ được đặt trực tiếp hoặc gián tiếp (phía dưới là gừng) lên huyệt và đốt từ trên xuống. Cách này kém phổ biến hơn.

Ngoài ra, để có tác dụng nhiệt, thầy thuốc có thể phối hợp đèn hồng ngoại để cứu ấm (dùng trên một vùng có nhiều huyệt).

Cứu xạ hương bằng điếu ngải
Hình ảnh cứu xạ hương bằng điếu ngải

Khái quát về châm cứu đốt xạ hương

Châm cứu là dùng kim mỏng như tóc để đưa vào các huyệt đạo trên cơ thể. Hầu hết, mọi người thường cảm thấy đau nhẹ khi kim được đâm vào. Khi đưa kim đến một điểm nhất định, nó tạo ra cảm giác áp lực và đau nhức. Kim được làm nóng trong quá trình điều trị bằng ngải, được gọi là cứu.

Xạ hương là một loại dược liệu quý. Xạ hương là chất hạch đặt ở sát dương vật của hươu xạ đực từ 3 tuổi trở lên. Vì giá thành đắt đỏ, mà người ta thường trộn xạ hương với quế, ngải cứu để đốt nóng kim. Và đó gọi là châm cứu đốt xạ hương.

Xạ hương là một loại dược liệu quý
Xạ hương là một loại dược liệu quý thường được dùng trong cứu ngải

Kỹ thuật châm cứu đốt xạ hương

Cũng giống như phương pháp cứu, cũng có 2 kỹ thuật cho cứu xạ hương

Dưới dạng điếu ngải

Ngải nhung làm nguyên liệu chính, và trộn với các vị có tính cay, nóng, tỏa mùi thơm nồng như Khương hoạt, Tế Tân, Quế chi, Xuyên Khung… Phối phương này tán mịn trộn chung với Ngải nhung rồi được cuốn thành điếu bằng giấy vỏ cây dâu, gọi là điếu ngải.

Dưới dạng mồi ngải

Cứu bằng mồi ngải cách gừng là phương pháp an toàn và thuận tiện. Đầu tiên, gừng được cắt lát 2-3mm, dùng que dùi 5 lỗ, rồi chấm Xạ hương đẩy vào 5 lỗ. Đặt các miếng gừng đó lên huyệt cần tác động. Vê ngải nhung thành các khối chặt, to nhỏ tùy mục đích điều trị, đây là mồi ngải. Đặt mồi ngải lên lát gừng, sau đó, châm đến khi bén lửa là được.

Phương pháp này khá hiệu quả, nhưng nên cẩn thận, có thể gây bỏng, gây mất thẩm mỹ.

Có hai kỹ thuật châm cứu đốt xạ hương
Có hai kỹ thuật châm cứu đốt xạ hương

Kỹ thuật khác

Ngoài ra, xạ hương còn dùng để đốt cứu trong cấp cứu các chứng hôn mê. Ta lấy đầu sợi bấc chấm vào lọ xạ hương. Sau khi đốt thì dập lửa, khói bay lên, đưa vào mũi để bệnh nhân hít hơi đó. Vì xạ hương có tác dụng khai mở các khiếu, nên có thể cứu tỉnh trẻ em động kinh co giật, bệnh nhân hôn mê do đột quỵ,…Hoặc đốt trực tiếp xạ hương trên da, vun xạ hương thành ụ nhỏ giống như mồi ngải, đốt tại các huyệt có công dụng cứu tỉnh như Phong phủ, Á môn, Bách hội, v.v…

Công dụng của châm cứu đốt xạ hương

Kháng viêm, giảm sưng

Nghiên cứu tiến hành trên chuột thí nghiệm, cho thấy tác dụng giảm viêm hiệu quả của xạ hương. Xạ hương có hiệu quả hơn nhóm chuột được điều trị bằng hydrocortisol và phenylbutazone trong điều trị viêm khớp phản ứng. Làm giảm đáng kể nồng độ histamin và 5-HT (hóa chất gây viêm) trong máu.

Tỉnh táo, cải thiện tuần hoàn não

Nếu dùng liều nhỏ, xạ hương làm hưng phấn hệ thần kinh trung ương, nhưng nếu dùng liều cao thì lại ức chế. Thuốc sử dụng xạ hương làm giảm rõ phù não, cải thiện tuần hoàn não. Nhờ các tác dung trên mà thuốc có tác dụng khai khiếu (tỉnh não) (theo Trung Dược Học).

Cải thiện tuần hoàn

Thuốc có tác dụng kích thích cơ tim, tăng cung lượng, tăng lưu lượng máu đến động mach vành tăng gấp đôi.

Tăng co bóp tử cung

Thuốc làm tăng co bóp cơ tử cung của thỏ nhà, chuột đồng và chuột Hà Lan. Đặc biệt, tác dụng kích thích đối với tử cung khi mang thai càng mạnh hơn (Trung Dược Học). Vì vậy, phụ nữ mang thai nên cẩn trọng khi tiếp xúc với xạ hương

Tác dụng chống ung thư

Xạ hương có tác dụng ức chế tế bào ung thư. Đối với các loại ung thư thực quản, ung thư dạ dày, đại tràng, bàng quang, dùng nồng độ cao xạ hương có tác dụng mạnh. Nhưng đối với ung thư tâm vị, nó không mang lại tác dụng rõ rệt (Hiện Đại Trung Dược Học). Tuy nhiên, nghiên cứu dùng xạ hương điều trị ung thư vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, vì vậy, không nên dùng mà không hiểu rõ nó.

Tại sao xạ hương được phối hợp với châm cứu?

Theo Đông Y, xạ hương vị cay, tính ôn, ôn ấm toàn kinh lạc. Có tác dụng thông khắp 12 kinh chính, thông khiếu, tỉnh táo tinh thần. Nhờ vào tác dụng ôn ấm, và thông kinh, giúp nâng cao tác dụng của châm cứu. Khai mở các huyệt hay các vị trí bị bế tắc, giúp khí huyết lưu thông.

Tác dụng phụ, chỉ định, chống chỉ định của châm cứu đốt xạ hương

Tác dụng phụ của châm cứu đốt xạ hương

Chưa có bằng chứng khoa học cụ thể việc liệu xạ hương có an toàn nếu dùng làm thuốc hay không, nhưng có nghiên cứu cho rằng, dùng xạ hương có thể gây kích ứng trên da.

Chỉ định

  • Trong đau cấp và mạn tính: đau do đụng giập, đau sau mổ, đau khớp hoặc phần mềm quanh khớp, đau bụng do rối loạn tiêu hóa, đau trong các bệnh lý về thần kinh…
  • Điều chỉnh các rối loạn cơ năng của cơ thể: mất ngủ không rõ nguyên nhân, rối loạn chức năng thần kinh tim, kém ăn, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, cảm cúm, nấc, bí tiểu chức năng…
  • Còn chỉ định trong một số bệnh lý thực thể nhất định.
  • Các bệnh lý thuộc thể “Hàn” theo Đông y. Thường hay sử dụng trong những trường hợp tay chân lạnh, tiêu chảy kèm ói mửa, các trường hợp đau nhức tăng khi gặp thời tiết lạnh.

Chống chỉ định

  • Đối với xạ hương, chống chỉ định với phụ nữ có thai, hiếm muộn, hay bị lưu thai hoặc khó thụ thai.
  • Người bị suy nhược, sức khỏe yếu cẩn trọng khi dùng
  • Đối với châm cứu, không châm ở những chỗ lở loét, có vết thương hở

Bên cạnh tác dụng có lợi, xạ hương cũng có thể gây ra nguy hiểm nếu người sử dụng không biết cách. Vì dược lực xạ hương rất mãnh liệt, nên khi uống hay đốt cứu bên ngoài đều cần người có chuyên môn cho chỉ định và thực hiện. Hi vọng quý bạn đọc đã có được những thông tin hữu ích qua bài viết này của YouMed.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Xạ hương

    https://www.thaythuoccuaban.com/vithuoc/xahuong.htm

    Ngày tham khảo: 17/06/2021

  2. Studies on the anti-inflammatory

    https://www.ijpp.com/IJPP%20archives/1973_17_3/241-247.pdf

    Ngày tham khảo: 17/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người