YouMed

Châm cứu trị gai cột sống và những thông tin cần thiết

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Hiện nay, bệnh gai cột sống dần trở nên phổ biến ở người cao tuổi và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bệnh gây ra các vấn đề khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. May mắn thay, cùng với sự tiến bộ của ngành y học, nhiều phương pháp đã ra đời với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh. Trong số đó, liệu pháp châm cứu trị gai cột sống của y học cổ truyền được ghi nhận với nhiều kết quả khả quan, tích cực. Như vậy, liệu châm cứu trị gai cột sống có thực hiệu quả không? Cùng YouMed tìm hiểu nhé.

Bệnh gai cột sống là gì?

Khái niệm

“Gai cột sống” là hình ảnh phần xương nhô ra, dọc theo rìa ngoài hai bên các khớp đốt sống.

Là một yếu tố trong thoái hóa cột sống. Khi xảy ra quá trình thoái hóa, phần sụn bị hủy hoại, xương dưới sụn không được che chở. Vì các đòi hỏi về cơ học, cũng như cột sống không còn vững chắc như trước mà xương dưới sụn phản ứng bù trừ bằng cách tăng sinh xương, tái tạo bất thường. Quá trình này dẫn đến gai xương được tạo thành, xương đặc lại và tăng độ cứng.

Hầu như bệnh gai cột sống có thể ảnh hưởng lên bất cứ phần nào của cột sống. Tuy nhiên, thông thường vùng cổ và lưng, nơi chịu ảnh hưởng nhiều của các động tác vận động hằng ngày và trọng lượng lớn của cơ thể nên dễ xuất hiện gai nhất.

Triệu chứng

Ở giai đoạn đầu tiên, hầu như người bệnh không có triệu gì, hoặc nhức mỏi mơ hồ. Bệnh tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi. Khi gai lớn dần lên, chúng sẽ có thể chèn ép vào tủy sống và các dây thần kinh, cọ xát với phần mềm xung quanh… Tùy theo từng người bệnh, cũng như vị trí xuất hiện gai mà triệu chứng không giống nhau như đau tại chỗ, tê, có thể lan xuống phần chi phía dưới…

Các cận lâm sàng về hình ảnh học: Xquang, MRI… sẽ cho ta thấy hình ảnh của gai cột sống trên phim chụp.

Hầu như bệnh gai cột sống có thể ảnh hưởng lên bất cứ phần nào của cột sống.
Hầu như bệnh gai cột sống có thể ảnh hưởng lên bất cứ phần nào của cột sống.

Tiến triển

Nếu bệnh kéo dài và không được điều trị thích hợp dễ dẫn đến nhiều hệ quả xấu. Đặc biệt, việc chèn ép lên dây thần kinh gây gián đoạn quá trình dẫn truyền và chức năng của cơ quan mà thần kinh đó chi phối.

  • Rối loạn cảm giác chi dưới, yếu liệt cơ, teo cơ: Các rễ thần kinh bị gai cột sống chèn ép lâu dần sẽ bị tổn thương nặng, khó phục hồi. Cơ bắp không được nuôi dưỡng cũng như ít vận động sẽ teo dần, yếu đi, không đi lại được.
  • Rối loạn cơ vòng: là biến chứng nặng, bệnh nhân sẽ tiêu tiểu không tự chủ.
  • Biến dạng cột sống: Việc đi sai tư thế do sợ đau, khó khăn trong đi đứng lâu ngày sẽ gây vẹo, gù cột sống.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Sự lão hóa: theo quy luật tự nhiên, người càng lớn tuổi thì khả năng sinh sản và tái tạo sụn khớp giảm dần. Tiêu biểu là sự thoái hóa xương khớp, lắng đọng Canxi thừa, đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra gai cột sống.

Các tổn thương phần xương và sụn khớp như thói quen sinh hoạt sai tư thế, mang vác vật nặng, trọng lượng cơ thể lớn, u, loãng xương, chấn thương…

Quá trình viêm cột sống mạn tính sẽ tạo ra sự bất thường cấu trúc xương sụn. Từ đó, cơ thể sẽ tự điều chỉnh khắc phục tình trạng này bằng sự hình thành gai xương.

Hướng điều trị

Hiện này, chưa có thuốc để điều trị hết hoàn toàn bệnh gai cột sống. Chỉ có thể điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng ngừa hạn chế các tổn thương và biến chứng của bệnh.

Trường hợp đau cấp tính nên hạn chế vận động và nằm nghỉ nơi giường phẳng trong vòng 3 ngày. Sau đó, tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp:

1. Điều trị nội khoa

Điều trị dùng thuốc

  • Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid, corticoid, giãn cơ, giảm đau thần kinh, an thần,…

Điều trị không dùng thuốc

  • Vật lí trị liệu: nhiệt trị liệu, điện trị liệu, tập vật lí trị liệu…để giảm đau và phục hồi vận động khớp, chống cứng khớp.
  • Các phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp bấm huyệt, chườm ngải, châm cứu trị gai cột sống
  • Dụng cụ hỗ trợ như đai thắt lưng, đai cột sống cổ…

Điều trị nguyên nhân gây ra các tổn thương xương, sụn khớp (nếu có) như u, viêm, loãng xương…

2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật được chỉ định ở các trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng, có dấu hiệu chèn ép rễ nặng (teo cơ nhanh, rối loạn cơ vòng, rối loạn cảm giác…), ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cột sống.

Biện pháp phòng ngừa bệnh, tránh tái phát

Tránh các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt, đặc biệt là khi mang vác vật nặng, khi ngồi đứng lâu nên giữ cho cột sống ở tư thế thẳng.

Tạo thói quen tập thể dục, vận động hợp lí giúp cơ thể dẻo dai, xương chắc khỏe.

Giữ cân nặng phù hợp, tránh béo phì, thừa cân…giảm trọng tải lên xương khớp.

Chế độ ăn đầy đủ, giàu vitamin, khoáng chất góp phần tăng sức đề kháng, nuôi dưỡng hệ xương khớp.

Bệnh gai cột sống dưới góc nhìn y học cổ truyền

Theo các tài liệu, gai cột sống biểu hiện bằng đau ở các vùng trên cơ thể, được mô tả trong phạm vi: chứng tý, yêu thống (đau lưng)

Triệu chứng

Bệnh lâu ngày, đau vùng cột sống, cảm giác nặng mỏi vùng cột sống, đau tăng khi vận động và gặp trời lạnh, nghỉ ngơi giảm…kèm theo đau lưng âm ỉ, ù tai, hay quên, gối mỏi, tiểu đêm… Ngoài ra, trong giai đoạn cấp của bệnh, triệu chứng đau có thể mang tính chất của yếu tố phong, hàn, thấp…

Nguyên nhân

Thừa lúc vệ khí suy giảm mà những tà khí như phong, hàn, thấp, nhiệt… xâm phạm vào khớp, cân, cơ, kinh lạc… Điều này khiến khí huyết vận hành không thông, bít tắc, ứ trệ mà gây đau, co cứng cơ…

Bên cạnh đó, còn thường kèm theo các nguyên nhân: gặp ở người lớn tuổi hoặc bệnh lâu ngày, ăn uống kém dẫn đến khí huyết suy giảm làm chức năng Can Thận hư. Nếu Thận không chủ được cốt tủy, Can huyết hư không nuôi dưỡng cân sẽ khiến xương khớp bị thoái hóa, biến dạng thành gai, xẹp, dính khớp, cơ teo…

Chấn thương, sai tư thế lâu ngày ảnh hưởng trực tiếp đến xương, đến cân mạch làm khí huyết ứ trệ, kinh lạc tắc trở gây đau.

Phép trị

Lưu thông khí huyết ở cân, cơ, kinh lạc, xương.

Bồi bổ khí huyết, bổ tạng Thận, Can.

Căn cứ vào triệu chứng thiên về tính chất phong, hàn, thấp, nhiệt…mà đưa ra phép trị phù hợp như khu phong, tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt… (nếu có).

Bệnh gai cột sống có châm cứu được không?

Từ xa xưa, châm cứu là liệu pháp đã được ghi nhận và nghiên cứu từ các tổ chức uy tín trên thế giới với nhiều công dụng đặc biệt. Đó là phương pháp làm giảm thiểu tối đa những tác dụng không muốn, dị ứng khi sử dụng thuốc hay các biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật có độ xâm lấn cao.

Thế nhưng, cần lưu ý rằng, châm cứu trị gai cột sống chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh, điều trị triệu chứng… Cụ thể là khả năng giảm đau, giãn cơ, kích thích thần kinh, bổ tạng phủ, tăng lưu thông tuần hoàn máu, an thần, thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết,…

Phương pháp châm cứu trị gai cột sống

1. Chỉ định

Các trường hợp bị gai cột sống, có các triệu chứng như đau, mỏi, tê,…

2. Chống chỉ định

Các nguyên nhân thực thể như u, viêm, chấn thương…cần được tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Ngoài ra, những trường hợp bệnh lý ngoại khoa, cấp cứu, viêm nhiễm nặng….cũng không nên châm cứu.

3. Cách châm cứu trị gai cột sống

Dựa vào tình trạng bệnh khác nhau mà lựa chọn phác đồ huyệt cụ thể phù hợp phép trị, có thể chọn các huyệt chung như:

  • A thị huyệt: những huyệt khi ấn vào đau nhiều.
  • Huyệt lân cận vùng đau.

Tùy theo vị trí đau vùng lưng hay cổ mà chọn các huyệt phù hợp:

  • Huyệt Hoa đà giáp tích: huyệt nằm dọc hai bên cột sống, từ gai đốt sống đo ra 2 bên, mỗi bên 0,5 thốn.
  • Huyệt ở kinh Bàng quang như: Thận du, Đại trường du, Can du, Ủy trung,…

Bệnh mới mắc, đau nhiều, thực chứng… châm tả.

Bệnh lâu ngày, hư chứng,… châm bổ, gia thêm huyệt:

  • Bổ tạng Thận: Thận du, Thái khê, Quan nguyên.
  • Bổ tạng Can: Thái xung, Tam âm giao, Thận du.
  • Bổ tạng Tỳ: Thái bạch, Tam âm giao.
  • Bổ khí huyết: Quan nguyên, Khí hải.

Tùy trường hợp, liệu trình châm cứu có thể kéo dài 15-30 ngày, lưu kim 30 phút/mỗi ngày/lần.

4. Kỹ thuật châm khác

Nhĩ châm: Dùng kim châm vào vùng loa tai tương ứng: vùng Não, Cột sống, Cổ…

Thủy châm: Sử dụng thuốc theo y lệnh tiêm bắp vào các huyệt như châm, mỗi lần 2-3 huyệt. Liệu trình ngày 1 lần, kéo dài khoảng 10-15 ngày.

Cấy chỉ là phương pháp cải tiến từ châm cứu truyền thống. Liệu pháp sử dụng chỉ tự tiêu đưa vào các vị trí huyệt. Dựa vào kích thích huyệt, các tác động cơ học của chỉ mà giảm đau, phục hồi tổn thương cột sống.

Bên cạnh đó, còn có các kỹ thuật khác như điện châm, điện mãng châm, ôn châm, laser châm, cứu… Lựa chọn các huyệt phù hợp tương tự như trên, dưới sự chỉ định của bác sĩ.

Châm cứu trị gai cột sống là liệu pháp được áp dụng rộng rãi.
Châm cứu trị gai cột sống là liệu pháp điều trị bệnh được áp dụng rộng rãi.

Lưu ý khi lựa chọn châm cứu trị gai cột sống

Khi lựa chọn châm cứu trị gai cột sống, người bệnh có thể gặp các vấn đề cần lưu ý:

Trong quá trình châm cứu, có trường hợp kim gãy do bị gỉ sắt hoặc gấp khúc nhiều lần. Lúc này, cần giữ nguyên tư thế người bệnh, từ từ rút kim ra theo chiều kim. Nếu kim gãy lút sâu vào trong da nên mời ngoại khoa xử lý. Để phòng ngừa, cần kiểm tra mỗi cây kim châm trước khi thực hiện thao tác.

Bên cạnh đó, choáng do châm có thể gặp phải. Nếu nhẹ, người bệnh sẽ mệt, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, sắc mặt nhợt,…khi nặng hơn có thể dẫn đến ngất, tay chân lạnh dần. Cần xử trí nhanh bằng cách rút hết máy điện châm (nếu có) và kim châm. Tiếp theo đó, cho người bệnh nằm đầu thấp, uống nước ấm, theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn,…

Sau khi châm, rút kim có máu chảy ra hoặc máu tụ dưới da. Lúc này, lấy bông gòn vô trùng chặn lên vùng tổn thương.

Những phương pháp đông y khác giúp hỗ trợ điều trị gai cột sống

Xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh

Bên cạnh châm cứu trị gai cột sống, xoa bóp bấm huyệt và dưỡng sinh cũng có nhiều ích lợi cho bệnh nhân. Liệu pháp hỗ trợ giảm đau, hạn chế tình trạng tê nhức do rễ thần kinh bị chèn ép, tăng tuần hoàn và dinh dưỡng, giãn cơ, an thần, kích thích huyệt đạo, thư giãn gân cốt…do đó cải thiện tình trạng bệnh. Hơn nữa, biện pháp này còn có ưu điểm là hầu như không làm người bệnh đau đớn, bị phụ thuộc hay có tác dụng phụ…có thể thực hiện lâu dài, giúp phòng ngừa bệnh tái phát.

Xoa bóp bấm huyệt: Thực hiện thủ thuật xoa bóp bấm huyệt tác động lên da, cơ, huyệt…ở các vùng bị bệnh, đau nhức…mỗi ngày 30 phút/lần. Công thức huyệt lựa chọn tương tự như khi châm cứu, cần được tham khảo qua y bác sĩ chuyên môn.

Kèm theo đó cần phải tập vận động vùng lưng, cổ…hay các động tác dưỡng sinh phù hợp để tránh tình trạng cứng khớp, dính khớp, teo cơ, tăng sự dẻo dai, độ đàn hồi cho các khớp xương, chậm quá trình lão hóa…

Lưu ý rằng: không nên thực hiện các thủ thuật này trên bệnh nhân cấp cứu, ngoại khoa, chấn thương nặng…hoặc ở các vùng da lở loét, viêm nhiễm…

Các phương pháp Đông y không dùng thuốc khác

Một số phương pháp y học cổ truyền như chườm ngải, giác hơi vùng cột sống, cồn xoa bóp…cũng được áp dụng điều trị bệnh hiệu quả.

Thuốc Đông y

Tùy từng thể bệnh lâm sàng và phép trị mà các thầy thuốc sẽ đưa ra bài thuốc phù hợp. Thuốc Y học cổ truyền có thể dùng dưới dạng dùng ngoài, sắc uống, viên hoàn…gia giảm thành phần, khối lượng để thích hợp với từng trường hợp bệnh lý.

Có thể nói rằng, bệnh gai cột sống gây ra nhiều vấn đề khó chịu, cần được điều trị kịp thời và hợp lí để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Trong đó, châm cứu trị gai cột sống là một trong các liệu pháp hữu ích, mang lại nhiều kết quả khả quan, được ứng dụng rộng rãi.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.

  2. PGS.TS Nguyễn Thị Bay. Bệnh học và điều trị nội khoa kết hợp Đông-Tây y . NXB Y học Hà Nội (2007).

  3. Trường Đại học Y Hà Nội. Bài giảng Y học cổ truyền tập 1, 2. NXB Y học.

  4. Trường Đại học Y Hà Nội. Châm cứu. NXB Y học (2005).

  5. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh theo Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người