Châm cứu trị giãn tĩnh mạch và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Ngày nay, giãn tĩnh mạch chi là một bệnh khá phổ biến trong cuộc sống. Đối tượng khá đa dạng từ người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người làm việc nặng, văn phòng… đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của nền y học, đã có nhiều những phương pháp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch chi hiệu quả. Trong đó, liệu pháp y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch chi được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực.
Bây giờ, cùng YouMed tìm hiểu kỹ càng hơn về châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi nhé.
Bệnh giãn tĩnh mạch dưới góc nhìn Y học hiện đại
Khái niệm bệnh giãn tính mạch
Một số khái niệm về bệnh giãn tĩnh mạch chi như:
- Là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân. Do những van tĩnh mạch này bị tổn thương, suy, giãn…
- Điều này sẽ gây nên hiện tượng máu ứ đọng. Từ đó, dẫn đến những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Triệu chứng có thể gặp như nặng mỏi chân, phù chân, tê dị cảm kiểu kiến bò, chuột rút vào ban đêm… Ngoài ra, quan sát có thể thấy được tĩnh mạch nổi li ti hoặc hình mạng nhện bằng mắt thường. Khi sờ vào có thể cứng và ấn đau… Những triệu chứng sớm, thường dễ bị người bệnh bỏ qua, không để ý.
Các xét nghiệm cận lâm sàng dùng để chẩn đoán bệnh lý này như:
- Siêu âm Doppler mạch máu chi: thấy có huyết khối hay dòng máu phụt ngược…
- Chụp tĩnh mạch có bơm thuốc cản quang: chỉ thực hiện khi không xác định chính xác sự tồn tại và đặc điểm của các dòng trào ngược trong tĩnh mạch.
Yếu tố nguy cơ gây giãn tĩnh mạch chi
Thống kê cho thấy rằng bệnh có thể xảy ra ở cả 2 giới, tỉ lệ nữ nhiều hơn nam. Ở nữ giới, do sự ảnh hưởng bởi hệ nội tiết tố, khối lượng cơ thấp, thai nghén,… mà dễ gây nên tình trạng chèn ép, giãn tĩnh mạch nhiều hơn phái mạnh.
Nghề nghiệp: một số ngành nghề có tính chất phải ngồi lâu, đứng nhiều, mang vác nặng như bán hàng, dệt may, chế biến… Bởi tính chất công việc mà tạo điều kiện cho máu dồn xuống hai chân nhiều, tăng áp lực ở các khoang tĩnh mạch chân. Càng lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thống van, giảm sự lưu thông máu, ứ máu ở chân…
Thói quen sinh hoạt: lười vận động, ăn ít chất xơ, vitamin, sống trong môi trường ẩm thấp, béo phì, mang thai nhiều lần…
Người lớn tuổi, qua quá trình lão hóa các tĩnh mạch và van sẽ không còn bền chắc, dễ bị tắc nghẽn hoặc lưu thông kém.
Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi khác cũng góp phần gây nên tình trạng bệnh như di truyền, bất thường giải phẫu học, chấn thương, tai nạn, gãy xương, chèn ép do u…
Tiến triển của bệnh giãn tĩnh mạch chi
Bệnh có thế tiến triển thành phù chi ở vị trí bàn chân hoặc mắt cá. Do máu bị ứ ở tĩnh mạch lâu ngày dễ gây loạn dưỡng, thay đổi màu sắc da, xuất hiện những mảng bầm tím. Tĩnh mạch nổi rõ, phồng lên, đau nhức, không giảm khi nghỉ. Trường hợp nặng của bệnh, có thể dẫn loét, chảy máu, hoại tử đầu chi.
Nếu không được điều trị, huyết khối (cục máu đông) trong tĩnh mạch sẽ gây tắc mạch máu tại chỗ. Chúng có thể gây nên các bệnh lý như viêm tĩnh mạch, thuyên tắc tĩnh mạch nông, sâu, giãn vỡ tĩnh mạch, nhiễm khuẩn vết loét… Thậm chí, việc tắc nghẽn động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.
Hướng điều trị chung
Điều trị bảo tồn
- Các thuốc bền thành mạch, tăng trương lực mạch máu như rutin C, daflon…Tuy nhiên, chúng thường chỉ có tác dụng ở giai đoạn sớm, triệu chứng nhẹ, giảm ứ trệ, đau mỏi.
- Mang băng thun vớ điều trị giãn tĩnh mạch chi.
Một số phương pháp khác có xâm lấn
- Phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90 độ C.
- Phương pháp sử dụng tiêm các thuốc xơ hóa mạch máu tại chỗ.
- RFA-Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần: phương pháp hủy mô bằng nhiệt bởi sự ma sát của các ion trong mô.
- Phẫu thuật loại bỏ các tĩnh mạch giãn mà các điều trị bảo tồn không hiệu quả như Stripping, Chivas…
Thay đổi thói quen sinh hoạt để hạn chế tình trạng bệnh như: gác chân cao khi ngủ, nghỉ ngơi, không đứng hoặc ngồi lâu, chế độ ăn giàu chất xơ, hạn chế béo phì… Những điều này sẽ có thể ngăn chặn sự trào ngược và máu lưu thông ở tĩnh mạch tốt hơn.
Nên có những phòng ngừa bệnh từ sớm.
Biện pháp phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch chi
- Cải thiện điều kiện lao động, các nghề nghiệp mang tính chất phải ngồi lâu, đứng lâu…Nên thay đổi tư thế, đi lại thường xuyên,…
- Thay đổi thói quen sinh hoạt như thường xuyên tập thể dục, tránh đứng hay ngồi quá lâu, giảm cân,…
- Ban đêm khi ngủ, nên kê gối gác chân lên cao, nhằm giảm áp lực, máu lưu thông dễ dàng.
- Các hoạt động bơi lội, khiêu vũ, đi bộ chậm…đều là những phương pháp thể thao phòng tránh bệnh khá hiệu quả.
Dinh dưỡng
Trong bất kỳ tình trạng bệnh nào, dinh dưỡng luôn đóng vai trò quan trọng. Để tăng sức đề kháng cũng như góp phần phòng ngừa và giảm triệu chứng bệnh, cần sử dụng những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, flavonoid… đặc biệt là vitamin C. Cụ thể như các loại hạt, đậu, cải, bơ, trà xanh, việt quất…
Đồng thời kiêng ăn cay, rượu bia, sử dụng thuốc lá, hạn chế đồ ăn nhiều mỡ, muối, đường… là việc cần thiết.
Bệnh giãn tĩnh mạch dưới góc nhìn Y học cổ truyền
Khái niệm
Đông y mô tả bệnh giãn tĩnh mạch chi qua các chứng như cân lựu, mạch tý, tĩnh mạch lựu…
- Tĩnh mạch lựu là các tĩnh mạch nổi u cục.
- Cân lựu là chứng gân mạch xanh tím, xoắn lại từng hòn, từng búi, nổi rõ ở vùng bụng, mắt cá chân…
- Mạch tý: Mạch đau nhức, da có cảm giác nóng hoặc nổi rõ mạch máu, khí huyết lưu hành không thông lợi.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do khí huyết vận hành không thông, dẫn đến huyết ở tĩnh mạch bị trở ngại, làm tĩnh mạch sưng to.
Cụ thể có thể do khí hư, huyết hư, các yếu tố thấp (hàn thấp, thấp nhiệt, đàm thấp…), đứng ngồi lâu, chèn ép tắc trở mạch lạc, chấn thương…
Biểu hiện triệu chứng
Ban đầu, khi vận động, ngồi lâu, đứng lâu thì chân sưng, phù lên. Sau đó, tĩnh mạch bị tổn thương thành từng khúc, đoạn, cục nhỏ, cảm giác nặng nề, có thể kèm theo ngứa, tê mỏi, khó chịu… Cụ thể tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các biểu hiện đặc trưng như:
- Huyết ứ: Tĩnh mạch giãn, ngoằn ngoèo, đỏ bầm, xanh tím, loét da, ấn vào căng cứng,…
- Khí huyết hư: da lạnh, tê, ngứa, thay đổi màu da
- Đàm thấp: đau, nặng, mỏi, thậm chí phù, sưng.
- Hàn thấp: do tiếp xúc nơi ẩm ướt, thấp trệ thường xuyên làm tà khí ngấm vào gân mạch khiến chân tê dại, nặng nề nhiều vào chiều tối, nhẹ hơn vào ban sáng, đi lại khó khăn, khó có duỗi…
- Hóa nhiệt: nóng rát, chân không yên, tiểu vàng, rêu lưỡi vàng…
Tác dụng của châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi
Ngày nay, châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi được ghi nhận với hiệu quả tích cực, làm giảm triệu chứng bệnh. Thông qua việc kích thích, tác động vào các vị trí huyệt sẽ giúp bệnh nhân:
- Hành khí hoạt huyết: giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.
- Bổ khí huyết: kích thích, thúc đẩy tạng phủ sản sinh ra khí huyết, nuôi dưỡng mạch, cơ…
- Thông kinh hoạt lạc, thanh nhiệt.
- Lợi thủy, giảm phù, giảm tê, nặng mỏi…
Phương pháp châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi
Chỉ định của châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi
Người có các triệu chứng của bệnh như tê, nặng, mỏi,…
Chống chỉ định của châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi
- Đối với, các trường hợp bệnh lý cấp cứu, nhiễm trùng nặng, bệnh lý ngoại khoa,…
- Không châm vào những vùng da đang viêm nhiễm hoặc lở loét, phù nề nặng…
Cách phương pháp châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi
Với từng tình trạng bệnh lý mà các y, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi khác nhau. Mặc dù phương pháp này dường như không thể tác động trực tiếp đến các tổn thương, cũng như hồi phục mạch máu. Nhưng chúng có thể làm giảm đi một số triệu chứng của bệnh.
Theo châm cứu học Thượng Hải, công thức huyệt châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi gồm:
- Chi trên: Giáp tích cổ 6- ngực 3, Khúc trì, Thiếu hải, Nội quan, Ngoại quan.
- Chi dưới: Giáp tích thắt lưng L1-L3, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Huyền chung, Tam âm giao.
Có thể kích thích mạnh, vê kim từ 2-3 phút, lưu kim khoảng 15 phút, hoặc sử dụng phương pháp điện châm. Liệu trình mỗi ngày áp dụng 1 lần, kéo dài trong khoảng 20 ngày.
Bên cạnh đó, còn có một số huyệt thường được sử dụng: Thận du, Túc tam lý, Mệnh môn, Dương lăng tuyền, Thái xung, các huyệt tại chỗ…
Lưu ý khi châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi
Sau khi thực hiện châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi, cần theo dõi toàn trạng người bệnh, cũng như các triệu chứng có thể xảy ra như:
Vựng châm:
- Các dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt, vã mồ hôi, kèm mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
- Tắt máy điện châm (nếu có), sau đó rút kim ngay. Thực hiên lau mồ hôi, ủ ấm, và cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ. Quan trọng là phải theo dõi kỹ các dấu hiệu sinh tồn và tình trạng người bệnh.
Rút kim thì máu chảy ra: Sử dụng gòn vô khuẩn ấn chặt ở vị trí chảy máu, không day.
Ở một số trường hợp bị tê nhiều, giảm hay mất cảm giác ở chi cũng cần phải được chú ý, để tránh xảy ra những tai biến không muốn.
Những phương pháp đông y khác giúp chữa giãn tĩnh mạch chi
Xoa bóp bấm huyệt
Bên cạnh châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi, xoa bóp bấm huyệt cũng có nhiều ích lợi đối với bệnh này. Nguyên lý là xoa bấm vào huyệt đạo để kích thích, điều chỉnh các rối loạn chức năng, thông kinh lạc, tăng cường lưu thông khí huyết, cân bằng âm dương…
Thực hiện bằng các thủ thuật xoa bóp các vùng chi kèm bấm ấn huyệt (công thức huyệt tương tự như châm cứu), thực hiện khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Tùy theo tình trạng và diễn tiến bệnh, liệu trình từ 15-30 ngày. Lưu ý rằng, không nên thực hiện việc này trên các vùng da bị bệnh, lở loét…cũng như có những dấu hiệu bệnh cấp cứu, ngoại khoa…
Dưỡng sinh
Những động tác dưỡng sinh giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, tăng khí huyết vận hành, giảm triệu chứng đáng kể… Cụ thể như thở 4 thời có kê mông và giơ chân, trồng chuối, cái cày…Nên thực hiện mỗi ngày để tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc Đông y
Các bài thuốc Đông y, dược liệu dùng để giảm triệu chứng bệnh, thường có công dụng:
- Bổ khí, hành khí giúp lưu thông máu huyết như hoàng kỳ, đảng sâm,…
- Hoạt huyết, khử ứ, thông kinh lạc như xích thược, đan sâm, xuyên khung, đào nhân…
- Đặc biệt hòe hoa (nụ hoa cây hòe), với hàm lượng rutin cao, được chứng minh có khả năng chống xơ vữa, bền chắc thành mạch máu, giảm tình trạng phù, sưng… hỗ trợ điều trị các bệnh mạch máu.
Có thể nói rằng, ở thời điểm hiện tại, các kỹ thuật điều trị và chăm sóc, châm cứu chữa bệnh, đặc biệt là châm cứu trị giãn tĩnh mạch chi đang mang lại nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương pháp hỗ trợ trị bệnh. Để áp dụng và đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, bạn nên tham khảo từ các ý kiến của các y, bác sĩ, những người có chuyên môn nhé
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Soạn giả Thượng Trúc. Y án châm cứu thực nghiệm.
-
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dướihttps://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/benh-suy-gian-tinh-mach-chi-duoi?inheritRedirect=false
Ngày tham khảo: 16/06/2021
-
Traditional Chinese Medicine treatment of systemic factors causing varicose veins and spider veins
https://pacificwellness.ca/traditional-chinese-medicine-treatment-of-systemic-factors-causing-varicose-veins-and-spider-veins/
Ngày tham khảo: 16/06/2021
-
5 ACUPRESSURE POINTS FOR TREATING VARICOSE VEINS
https://www.modernreflexology.com/acupressure-points-treating-varicose-veins/
Ngày tham khảo: 16/06/2021