Châm cứu trị tiêu chảy và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Hiện nay, tiêu chảy là một bệnh khá phổ biến trong cuộc sống. Đối tượng của bệnh này có thể từ trẻ em đến người lớn, ai cũng có thể mắc phải. Với sự tiến bộ của nền y học, đã có rất nhiều những phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy hiệu quả. Trong đó, liệu pháp y học cổ truyền, đặc biệt là châm cứu trị tiêu chảy được ghi nhận mang lại những kết quả tích cực trên người bệnh. Cùng YouMed tìm hiểu sâu hơn về châm cứu trị tiêu chảy nhé.
Bệnh tiêu chảy dưới góc nhìn Y học hiện đại
Định nghĩa
Theo y học hiện đại, “tiêu chảy” là tình trạng đi tiêu phân lỏng bất thường >2 lần một ngày, với lượng phân >200g/ngày. Tùy thời gian diễn tiến mà được chia thành 3 nhóm:
- Tiêu chảy cấp: <2 tuần.
- Tiêu chảy dai dẳng: 2-4 tuần.
- Tiêu chảy mạn: >4 tuần.
Tình trạng đi tiêu phân bất thường còn được đánh giá qua các yếu tố như:
- Số lần đi tiêu tăng bất thường, đột ngột.
- Tính chất phân thay đổi về độ đặc, rắn, lượng dịch.
- Màu sắc bất thường, có máu, nhầy…
Các trường hợp cần được theo dõi chặt chẽ, hoặc nên đến các cơ sở y tế khám và làm thêm xét nghiệm cần thiết (máu, phân,…) như:
- Tinh thần không tỉnh táo, lơ mơ.
- Người lớn trên 70 tuổi, cơ địa suy giảm miễn dịch…
- Dấu hiệu mất nước: da môi khô, mắt trũng, khát…
- Đau bụng nhiều, tiêu phân có máu
- Sốt cao trên 38,5 độ C…
- Triệu chứng tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ mà không cải thiện.
Thông thường, tiêu chảy cấp sẽ tự giới hạn và nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm trùng. Mặt khác, các trường hợp tiêu chảy mạn tính đa số sẽ không do nhiễm trùng mà cần được thăm dò kỹ hơn, để loại trừ bệnh lý thực thể.
Nguyên nhân gây tiêu chảy
- Nhiễm trùng: các loại vi trùng như Salmonella, Shigella, E.coli… hoặc virus như Rota, Enterovirus… hoặc ký sinh trùng.
- Chế độ ăn uống, chất độc hại.
- Tác dụng phụ của một số thuốc như kháng sinh, đái tháo đường, thuốc kháng viêm…
- Các bệnh lý tiêu hóa như viêm, u, hội chứng ruột kích thích…
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tiêu chảy
- Thời tiết nóng ẩm, thường vào mùa hè, là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
- Các khu vực sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, nhà vệ sinh không sạch sẽ; phân, nước thải đổ ra cống mương, ao hồ mà không được xử lý.
- Ăn uống không đun sôi, nấu chín, hay ăn rau sống, thủy hải sản sống. Quá trình chế biến dụng cụ bếp, tay người nấu bị nhiễm bệnh…
- Không rửa tay thường xuyên, trước khi nấu ăn, sau khi đại tiện.
Biến chứng
Tiêu chảy là một vấn đề thường gặp với mỗi người. Triệu chứng rối loạn có thể đơn giản, nhanh chóng khỏi bệnh, không gây hại gì cho cơ thể. Tuy nhiên, một số trường nhiễm bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Các nguyên nhân chính gây ra tử vong là mất nước, điện giải và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ em.
Suy dinh dưỡng
Trẻ sẽ ăn ít hơn cũng như khả năng hấp thu các dưỡng chất bị suy giảm trong khi bị tiêu chảy. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến sự tăng trưởng và phát triển nhận thức của trẻ.
Mất nước và điện giải
Lượng nước và điện giải sẽ bị mất qua quá trình đi tiêu, mồ hôi, nôn, nước tiểu và cả hơi thở…Nếu rối loạn này không được bù đắp kịp thời sẽ có thể dẫn đến co giật, tổn thương các cơ quan cơ thể, thậm chí là tử vong.
Bên cạnh đó, khi đi ngoài quá nhiều lần có thể gây lở loét, viêm đỏ ở vùng quanh hậu môn.
Nguyên tắc điều trị chung bệnh tiêu chảy
- Bù nước và điện giải: Tối ưu là dùng dung dịch ORS-một hỗn hợp nước sạch, muối và đường, được hấp thụ ở ruột non và thay thế nước và chất điện giải bị mất trong phân. Ngoài ra, cần bổ sung lượng nước đầy đủ qua đường uống hoặc đường truyền tĩnh mạch nếu đường uống không đáp ứng kịp.
- Thuốc kháng sinh, điều trị nhiễm trùng (nếu có): hiệu quả khi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, ký sinh trùng.
- Điều chỉnh các thuốc đang sử dụng: nên giảm liều hoặc đổi sang loại thuốc khác thì tình trạng bệnh sẽ hết.
- Điều trị các bệnh lý là thực thể (nếu có) thông qua các việc thăm khám và xét nghiệm kỹ lưỡng, sẽ giúp điều trị vấn đề tận gốc.
- Xử lý kịp thời các biến chứng.
- Dinh dưỡng hợp lí.
Biện pháp phòng ngừa bệnh tiêu chảy
Đường lây nhiễm của bệnh tiêu chảy là qua đường phân-miệng. Do thức ăn và nước uống bị nhiễm bẩn do phân của người hoặc súc vật mang mầm bệnh. Chính vì vậy các biện pháp phòng ngừa có thể được thực hiện dễ dàng như:
- Tăng cường và đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh, nguồn nước, nơi ở…
- Giữ an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thức ăn, sử dụng.
- Sử dụng vacxin ngừa tiêu chảy do rotavirus cho trẻ em để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
Bệnh tiêu chảy dưới góc độ Y học cổ truyền
Khái niệm
Theo Y học cổ truyền, từ lâu, tiêu chảy được mô tả bằng chứng “tiết tả”. Đây là bệnh ở tạng Tỳ, Vị, Tiểu trường, Đại trường. Ngoài ra, các rối loạn chức năng hoặc tổn thương thực thể của dạ dày, ruột, gan… gây nên tiêu chảy như viêm ruột cấp tính, mạn tính, lỵ, lao ruột… cũng thuộc phạm vi chứng này. Bệnh có thể ở chứng cấp hoặc mạn.
Nguyên nhân
Do ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài)
- Thấp hay hàn tà xâm nhập vào Tỳ Vị, Tiểu trường, ngưng đọng lại làm mất cân bằng và công năng thăng thanh giáng trọc của tạng.
- Thử tà, nhiệt tà xâm nhập vào Tâm, Tiểu trường, do mối quan hệ biểu lý tương thông nên Tâm hỏa bị nhiệt tà xâm phạm không giúp Tiểu trường thăng thanh giáng trọc.
- Thấp tà xâm nhập vào cơ thể làm Tỳ Vị mất cân bằng.
Nội nhân (nguyên nhân bên trong)
- Chính khí suy giảm, dương khí hư suy ở hai tạng Thận và Tỳ gây Tỳ Thận dương hư.
- Theo học thuyết ngũ hành, do Tỳ Vị yếu, Can khắc Tỳ quá mạnh làm, nên bị rối loạn gây bệnh.
- Tình chí không điều hòa.
Khác (bất nội ngoại nhân)
- Thương thực: Ăn uống không điều độ hay sạch sẽ làm tổn thương công năng Tỳ Vị.
Biểu hiện triệu chứng
Tùy theo từng nguyên nhân, mà biểu hiện triệu chứng của các thể bệnh tiết tả cũng không giống nhau:
“Hàn thấp” tà
Nếu thiên về “thấp” tiêu chảy nước loãng, trong, nhiều kèm đau bụng, người mỏi mệt, không muốn ăn, không khát nước, rêu lưỡi trắng, mạch hoãn. Còn nếu thiên về tính “hàn” đau quặn bụng, thích nóng, người lạnh, tay chân lạnh, mạch trầm trì.
“Thấp nhiệt”
Tiêu chảy nhiều, phân vàng, nát lỏng, hậu môn nóng rát, khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch sác.
“Thương thực”
Đau bụng rồi tiêu chảy, sau khi đi xong giảm đau bụng; tính chất phân thường loãng hoặc tròn nhỏ, mùi hôi thối, trung tiện nhiều, không muốn ăn.
“Tỳ vị hư hàn”
Thức ăn chưa tiêu hóa hết là tiêu chảy, phân nát, dễ tái phát, nhất là khi ăn đồ sống lạnh, dầu mỡ, bụng khó chịu, sắc nhợt, mệt mỏi, kém ăn, chân tay mát lạnh, lưỡi bệu, rêu trắng, mạch vô lực.
“Ngũ canh tả”
Đây là chứng do Thận dương suy hư không ôn ấm được tạng Tỳ, tiêu chảy thường xảy ra lúc rạng sáng (canh năm), đau bụng quanh rốn, sôi bụng, sau khi đi cầu xong giảm đau, bụng dưới lạnh, tay chân lạnh, người gầy, đau lưng, lưỡi nhợt, mạch trầm.
Ngoài ra còn có, khi tức giận, cảm xúc mạnh thì gây đau bụng, tiêu chảy, kèm ngực sườn đầy căng, ợ hơi, ăn kém.
Tác dụng của châm cứu trị tiêu chảy
Hiện nay, đã có rất nhiều những phương pháp điều trị bệnh được nghiên cứu, trong đó châm cứu trị tiêu chảy được ghi nhận là có những tác dụng hiệu quả. Thông qua việc kích thích, tác động vào các vị trí huyệt sẽ giúp bệnh nhân:
- Tiêu thực đạo trệ: làm thông trệ hệ thống tiêu hóa do ăn uống không tiêu, giảm các triệu chứng đầy bụng, ợ hơi, nôn mửa…
- Loại bỏ đi các yếu tố gây bệnh, thanh nhiệt, trừ hàn thấp.
- Chỉ tả: cầm, giảm triệu chứng tiêu chảy.
- Lợi thủy, điều hòa, ôn bổ Tỳ Vị, Thận.
Cách châm cứu trị tiêu chảy
Tùy theo tình trạng bệnh mà các y, bác sĩ sẽ áp dụng các liệu pháp châm cứu trị tiêu chảy với phác đồ điều trị cụ thể và công thức huyệt khác nhau. Đặc biệt, đối với chứng bệnh này cần phải phân biệt rõ bệnh ở thể hàn hay nhiệt, hư hay thực. Trong châm cứu trị tiêu chảy, nếu thể hàn nên kết hợp thêm cứu, nhiệt thì châm nhanh, hư thì bổ, thực thì tả.
Chỉ định của châm cứu trị tiêu chảy
Người đang bị vấn đề tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu…
Chống chỉ định của châm cứu trị tiêu chảy
- Trường hợp bệnh lý thuộc diện cấp cứu, nhiễm trùng, bệnh lý ngoại khoa…
- Mất nước, rối loạn điện giải nặng,
- Cơ thể suy kiệt, sức đề kháng giảm.
- Tránh châm vào những vùng huyệt có viêm nhiễm hoặc lở loét ngoài da.
Châm cứu trị tiêu chảy
Do hàn thấp
Châm huyệt Thiên khu, Trung quản, Khí hải, Túc tam lý, Đại trường du; cứu Thần khuyết.
Do thấp nhiệt
Huyệt: Đại trường du, Hợp cốc, Nội đình, Âm lăng tuyền, Túc tam lý, Trung quản.
Do Tỳ Vị hư hàn
Bổ: Tỳ du, Trung quản, Chương môn, Túc tam lý.
Cứu: Thiên khu, Quan Nguyên, Thần khuyết.
Do Tỳ Thận dương hư (Ngũ canh tả)
Bổ: Trung quản, Khí hải, Quan nguyên, Túc tam lý, Tỳ du, Thận du, Chương môn, Tam âm giao.
Tác dụng một số huyệt như:
- Trung quản, Túc tam lý, Thiên khu điều hòa Vị và Đại trường.
- Hợp cốc vừa thanh nhiệt vừa điều hòa Đại trường.
- Quan Nguyên, Thần khuyết để tán hàn, làm, ấm nóng hạ và trung tiêu.
Lưu kim khoảng 20 phút.
Châm cứu trị tiêu chảy bằng phương pháp nhĩ châm
Thấp nhiệt: Các vùng dạ dày, đại trường, giao cảm, thần môn.
Tỳ hư hàn thấp: Các vùng lách, dạ dày, giao cảm, thần môn.
Lưu ý khi châm cứu trị tiêu chảy
Sau khi châm cứu điều trị tiêu chảy, cần theo dõi toàn trạng người bệnh.
Vựng châm
- Khi người bệnh có dấu hiệu hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt.
- Xử trí bằng cách: tắt máy điện châm (nếu có), rồi rút kim ngay. Sau đó lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước đường nóng và cho người bệnh nằm nghỉ tại chỗ. Bên cạnh đó, có thể day bấm các huyệt Thái dương, Nội quan. Đặc biệt là phải theo dõi sát mạch và huyết áp của người bệnh.
Chảy máu khi rút kim
Sử dụng bông gòn vô khuẩn ấn chặt tại chỗ chảy máu, không day.
Những phương pháp đông y khác giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Xoa bóp bấm huyệt
Không chỉ có châm cứu trị tiêu chảy mà xoa bóp bấm huyệt cũng có nhiều ích lợi đối với bệnh này. Nguyên lý của phương pháp này là bấm vào huyệt đạo để kích thích, điều chỉnh các rối loạn chức năng, thông kinh lạc, cân bằng âm dương…
Thực hiện bằng các xoa, xát, miết, day, bóp, lăn… vùng bụng kèm bấm ấn huyệt (công thức huyệt tương tự như châm cứu). Có thể xoa bóp 30 phút/lần/ngày, một liệu trình từ 15-30 ngày, tùy theo mức độ và diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên không nên thực hiện ở các đối tượng bị bệnh ngoài da ở vùng cần xoa bóp, cũng như có những dấu hiệu bệnh cấp cứu, ngoại khoa…
Thuốc và dinh dưỡng
Từ lâu, trong nền y học cổ truyền, có khá nhiều dược liệu và bài thuốc đông y giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, cũng như giải quyết các vấn đề rối loạn đường ruột. Tuy nhiên để có thể sử dụng hiệu quả và tránh tác dụng phụ, bạn cần phải tham khảo ý kiến chuyên môn của các y bác sĩ.
Bên cạnh đó, vấn đề dinh dưỡng trước trong và sau khi bị tiêu chảy cũng cần được quan tâm kỹ càng. Trong bữa ăn hàng ngày, nên tạo chế độ ăn hợp lí, hợp vệ sinh với nhiều rau xanh, vitamin, khoáng chất… Có như vậy, hệ tiêu hóa mới luôn khỏe mạnh, có sức miễn dịch cao và hạn chế bệnh tật.
Trên đây là những thông tin cơ bản tổng quan về bệnh tiêu chảy theo y học hiện đại và y học cổ truyền, đặc biệt là cách châm cứu trị tiêu chảy. Thế nhưng để áp dụng và đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến từ các y, bác sĩ, những người có chuyên môn để có liệu trình phù hợp nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Triệu chứng học nội khoa. Chủ biên Châu Ngọc Hoa, Bộ môn nội, Đại học Y dược TPHCM, NXB Y học
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, Bộ Y tế (2015)
- Bài giảng Y học cổ truyền tập 1, tập 2 trường Đại học Y Hà Nội, NXB Y học
- Châm cứu, Đại học Y Hà Nội, NXB Y học (2005).