YouMed

Hướng dẫn bạn cách chăm sóc sau mổ mũi xoang

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Phẫu thuật mũi xoang được lựa chọn để điều trị nhiều bệnh lý mũi xoang khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là viêm xoang mạn tính và viêm xoang tái phát. Ngày nay phẫu thuật mũi xoang đã có nhiều tiến bộ. Phẫu thuật xoang hở ít phổ biến hơn. Ngoài sự chăm sóc từ bác sĩ, người bệnh cần biết cách tự chăm sóc bản thân sau mổ mũi xoang để kết quả điều trị tối ưu.

Phẫu thuật nội soi đem lại nhiều lợi ích như ít đau hơn, giảm nguy cơ chảy máu sau mổ. Tuy vậy, để đảm bảo kết quả lâu dài, việc chăm sóc sau phẫu thuật là vô cùng quan trọng. 

1. Sơ lược về phẫu thuật mũi xoang

Bệnh lý mũi xoang rất đa dạng và có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Phẫu thuật mũi xoang thường được lựa chọn sau khi các phương pháp điều trị khác thất bại. Chỉ định phổ biến nhất của phẫu thuật mũi xoang là viêm mũi xoang mạn tính và viêm mũi xoang tái phát. Nó cũng được chỉ định trong các bệnh lý khác như polyp mũi, u hốc mũi.

Phẫu thuật nội soi mũi xoang là phẫu thuật mũi xoang phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên phẫu thuật xoang hở cũng đóng vai trò nhất định trong một số trường hợp. Phẫu thuật nội soi sử dụng các ống soi và dụng cụ phẫu thuật để thực hiện các thao tác trong hốc mũi. Nhờ vậy bệnh nhân không bị rạch da từ bên ngoài, tránh được vấn đề sẹo xấu.

Khác với một số phẫu thuật khác khi một phần cơ quan bị bệnh được lấy đi, phẫu thuật mũi xoang có tính bảo tồn hơn. Mục tiêu của phẫu thuật mũi xoang là loại bỏ một phần các mô bệnh và phục hồi chức năng niêm mạc mũi xoang. Do đó bệnh nhân sau mổ sẽ ít đau hơn, các tổn thương cũng lành nhanh hơn. Tuy nhiên việc chăm sóc sau mổ xoang vì vậy cũng quan trọng không kém để hoạt động sinh lý của mũi xoang có thể tự phục hồi.

Phẫu thuật mũi xoang qua nội soi giúp bệnh nhân ít đau đớn hơn
Phẫu thuật mũi xoang qua nội soi giúp bệnh nhân ít đau đớn hơn

2. Tình trạng của bạn sau mổ mũi xoang

Sau phẫu thuật mũi xoang, bạn có thể được nhét vật liệu cầm máu vào trong mũi. Sử dụng hay không sử dụng vật liệu cầm máu mũi tùy vào từng loại phẫu thuật khác nhau. Có vật liệu tan và không tan. Nếu vật liệu cầm máu là loại không tan, bác sĩ sẽ rút ra trước khi bạn xuất viện. 

Sau phẫu thuật người bệnh có thể có những cảm giác sau: Khó chịu nhẹ, mệt mỏi, nghẹt mũi, đau vùng mổ, chảy ít máu mũi. Nếu những cảm giác này trở nên trầm trọng, kéo dài và ảnh hướng nhiều, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để loại trừ các biến chứng.

Vấn đề thường gặp sau mổ 

  • Chảy máu: Thông thường chảy máu ở các mức độ khác nhau và có thể kéo dài 3-5 ngày. Hầu hết các trường hợp lượng máu mất nằm trong khả năng chịu đựng của người bệnh. Việc truyền máu sau mổ là rất hiếm.
  • Đau: Bệnh nhân có thể cảm thấy nặng và đau ở hốc mũi vài ngày sau mổ. Cảm giác này cũng giống như một đợt viêm mũi xoang cấp. Phần lớn đau sau mổ có thể kiểm soát nhờ thuốc giảm đau thông thường.
  • Mệt mỏi: Hầu hết bệnh nhân sau mổ cần 1 tuần nghỉ ngơi để phục hồi. Một số người có thể làm việc lại sớm hơn.
  • Nghẹt mũi, chảy mũi: Thông thường sẽ kéo dài khoảng 2-3 tuần. Triệu chứng chảy nước mũi trong liên tục có thể là dấu hiệu của rò dịch não tủy sau mổ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bị chảy dịch mũi trong suốt liên tục sau mổ đề loại trừ tình trạng này.
  • Phù nề, sưng đau quanh mắt, vùng mặt sau mổ: Có thể sưng nề nhẹ nhưng thị lực bình thường. Báo ngay với bác sĩ nếu bạn cảm thấy nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
  • Thay đổi giọng nói: có thể xảy ra vì xoang góp phần trong cộng hưởng âm thanh và tạo âm sắc giọng riêng ở mỗi người.

Những biểu hiện thường gặp sau mổ nên được loại trừ với các biến chứng của phẫu thuật mũi xoang.

Merocel là vật liệu không tan thường được dùng cầm máu sau mổ xoang
Merocel là vật liệu không tan thường được dùng cầm máu sau mổ xoang

3. Bạn cần làm gì sau mổ mũi xoang?

3.1. Những ngày đầu

Chảy máu sau mổ là thường gặp nhất. Do đó điều quan trọng trong chăm sóc sau mổ xoang là phòng ngừa và giảm nguy cơ chảy máu. Bạn có thể thực hiện những biện pháp sau: 

  • Nên nằm đầu cao trên vài cái gối hoặc trên ghế dựa trong 24 đến 48 giờ đầu sau mổ. Điều này giúp giảm lượng máu đến mũi, giảm phù nề và chảy máu.
  • Dùng các túi nước đá chườm vùng mũi má để giảm chảy máu và phù nề vùng mổ. Đồng thời cách làm này còn giúp giảm nhau nhẹ.
  • Tránh xì mũi và ho mạnh vì có thể gây chảy máu hay làm chảy máu nặng hơn. Bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc sau mổ giúp làm giảm tình trạng này.
  • Tránh dùng các thuốc tăng nguy cơ chảy máu như aspirin hay NSAID.
  • Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng nhưng cần hạn chế vận động hay gắng sức mạnh
  • Khi ngồi bạn nên hơi nghiêng đầu ra trước. Nên thở nhẹ nhàng qua mũi.
  • Không đưa tay hay bất kỳ vật gì vào bên mũi mới mổ, dù cảm thấy khó chịu.

Một số trường hợp sau mổ có chỉ khâu hoặc vật liệu cầm máu trong mũi. Bạn tuyệt đối không được tự ý rút ra vì có thể gây chảy máu nhiều. Thời gian rút ra tùy từng trường hợp cụ thể và nên được rút bởi các bác sĩ có chuyên môn.

Chườm các túi đá vào vùng mũi để giảm phù nề và chảy máu sau mổ xoang
Chườm các túi đá vào vùng mũi để giảm phù nề và chảy máu sau mổ xoang

Xử lý theo hướng dẫn khi bị chảy máu

  • Không nên khịt mũi mạnh vì có thể làm tình trạng này nặng hơn. Cần nghiêng người về phía trước. Nếu máu chảy xuống họng, bạn nên nhổ nhẹ nhàng ra ngoài, tuyệt đối không khạc mạnh. Bạn cũng không nên nuốt xuống vì có thể gây buồn nôn, nôn hay đau bụng.
  • Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai bên cánh mũi, ngay cả khi chỉ chảy máu một bên mũi. Thở nhẹ nhàng bằng miệng. Tiếp tục bóp chặt trong khoảng 10 – 15 phút. Động tác này giúp chèn chặt vào điểm chảy máu và thường có thể làm ngưng chảy máu.
  • Đặt một túi nước đá chườm lên mũi để các mạch máu mũi co lại và làm đông máu nhanh hơn, giúp giảm chảy máu.
  • Lúc này có thể sử dụng các thuốc xịt mũi gây co mạch như Phenylephrine 0.5% hoặc Oxymetazoline 0.05%.
  • Khi chảy máu đã ngưng, tiếp tục thực hiện các cách phòng ngừa chảy máu như đã nêu ở trên.
Tư thế đúng và sai khi chảy máu mũi
Tư thế đúng và sai khi chảy máu mũi

Ngoài giảm nguy cơ chảy máu là quan trọng nhất, người bệnh cũng nên thực hiện những điều sau:

  • Uống đủ nước để tránh khô miệng và bồi hoàn lại dịch sau phẫu thuật.
  • Sử dụng đầy đủ thuốc theo toa của bác sĩ. Những loại thuốc thường được kê đơn sau phẫu thuật bao gồm nước muối xịt rửa mũi, kháng viêm, kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng histamine.
  • Tái khám đúng theo hẹn
Chảy máu sau mổ thường gặp
Chảy máu sau mổ thường gặp

3.2. Vài tuần sau mổ

  • Ăn thức ăn lỏng từ những ngày đầu sau mổ. Tránh các thức ăn và thức uống nóng, cay do có thể gây dãn mạch làm chảy máu.
  • Tránh hắt hơi hay xì mũi mạnh trong vòng một tuần đầu. Thường bạn sẽ được kê toa thuốc để giảm tình trạng này. Nếu bạn không thể kiểm soát, nên mở miệng khi hắt hơi.
  • Tiếp tục hạn chế vận động mạnh trong tuần đầu, như làm việc quá sức, nâng các vật nặng. Sau 1 tuần các hoạt động có thể thực hiện ở mức 50% so với trước mổ. Sau 2 tuần người bệnh có thể hoạt động bình thường.
  • Không đi máy bay hoặc bơi lội trong vòng 2 tuần. Không nên lặn trong vòng 4 tuần đầu.
  • Hạn chế đi du lịch xa trong vòng 3 tuần đầu sau mổ để có thể theo dõi kịp thời tình trạng chảy máu tái phát và các biến chứng.
  • Tiếp tục rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc rửa mũi nên được thực hiện 2 đến 3 lần trong 1 ngày và kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng sau phẫu thuật. Việc này giúp làm sạch hố mổ, giảm đóng vảy ở mũi và giảm chảy máu.

Thông thường, việc sử dụng kháng sinh có thể gây ra một số khó chịu ở đường tiêu hóa. Điều này có thể cải thiện bằng các sản phẩm hỗ trợ như men tiêu hóa hoặc sữa chua. Tình trạng tiêu chảy ít gặp hơn. Nếu tiêu chảy nặng, người bệnh cần ngưng kháng sinh đang sử dụng và gặp bác sĩ để thay đổi.

Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý

3.3. Theo dõi lâu dài sau mổ

Việc phẫu thuật thành công chỉ là một phần của quá trình điều trị. Sau đó bệnh nhân cần thực hiện những điều sau để duy trì hiệu quả điều trị:

  • Tái khám đúng hẹn, thông thường vào các thời điểm 1, 3 và 6 tuần sau mổ. Nhờ nội soi, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng vết mổ kĩ hơn.
  • Giữ cho niêm mạc mũi đủ độ ẩm. Điều này giúp quá trình làm sạch của niêm mạc mũi xảy ra dễ dàng. Do vậy, cần uống nhiều nước, rửa mũi và làm ẩm hốc mũi. Không nên uống nhiều cà phê, rượu, tránh khói thuốc lá.
  • Tránh các kích thích từ môi trường ngoài như bụi bẩn, dị ứng nguyên.
Nên uống nhiều nước sau phẫu thuật
Nên uống nhiều nước sau phẫu thuật

4. Trường hợp cần gặp bác sĩ sớm

Nếu xảy ra những điều sau, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể:

  • Chảy máu đột ngột, lượng nhiều từ mũi không cầm được bằng ép mũi, chườm đá và nâng cao đầu.
  • Sốt cao hơn 38.5°C không thể hạ dù đã uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt.
  • Đau mức độ nhiều, kéo dài không đáp ứng thuốc giảm đau.
  • Mờ mắt, nhìn đôi (nhìn 1 hình thành 2 hình) hoặc sưng, đau rõ quanh hốc mắt.
  • Chảy dịch trong, loãng giống nước, kéo dài thường từ một bên mũi. Đây là dấu hiệu của rò dịch não tủy. Cần phân biệt với dịch trong nhưng nhầy, đặc thông thường của niêm mạc mũi.
  • Đau đầu nhiều hoặc cảm giác cứng cổ. Có thể đây là dấu hiệu của viêm màng não.
Dịch trong, loãng như nước chảy ra từ mũi có thể là dấu hiệu rò dịch não tủy
Dịch trong, loãng như nước chảy ra từ mũi có thể là dấu hiệu rò dịch não tủy

Nhờ những cải tiến về mặt kĩ thuật và dụng cụ mà phẫu thuật mũi xoang ngày càng nhẹ nhàng và hiệu quả. Tuy nhiên nhìn chung phẫu thuật cũng chỉ là một khâu trong cả quá trình điều trị. Việc chăm sóc và theo dõi sau mổ thực tế đóng vai trò quan trọng không kém. Vì vậy việc điều trị viêm mũi xoang nói riêng và các bệnh lý mũi xoang cần phẫu thuật nói chung cần sự phối hợp từ nhiều phía. Trong đó vai trò của người bệnh cũng rất quan trọng.

Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Stanford Sinus Center – Endoscopic Sinus Surgery: Postoperative Care Instructions, http://med.stanford.edu/content/dam/sm/ohns/documents/Sinus%20Center/Stanford_Post-FESS_Instructions.pdf
  • National Jewish Health – Endoscopic Sinus Surgery: Postoperative Care, https://www.nationaljewish.org/conditions/tests-procedures/adult-surgery-procedures/endoscopic-sinus-surgery-postoperative-care
  • Otolaryngology Associates, P.C – Sinus Surgery Pre&Postoperative Instructions. http://www.otolaryngology-assoc.com/for_patients/sinus_surgery_pre__post_operative_instructions.aspx
  • Johns Hopkins Medicine – Endoscopic Sinus Surgery: Postoperative Instructions, http://hopkinsmedicine.org/otolaryngology/specialty_areas/sinus_center/procedures/post_operative_instructions.html.
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người