Chênh lệch huyết áp 2 tay: Đo tay nào đúng?
Nội dung bài viết
Chênh lệch huyết áp 2 tay là tình trạng rất thường gặp khi đo huyết áp. Từ đó, nhiều người thắc mắc rằng sự chênh lệch này do sinh lý hay bệnh lý? Nên lấy chỉ số huyết áp của tay nào mới chính xác. Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!
Chỉ số huyết áp
Trước khi tìm hiểu vấn đề chênh lệch huyết áp 2 tay, chúng ta hãy tham khảo những thông tin cơ bản về chỉ số huyết áp. Cách duy nhất để biết huyết áp của bạn đó chính là kiểm tra huyết áp bằng máy đo huyết áp. Hiểu kết quả đo được là chìa khóa giúp kiểm soát huyết áp được tốt hơn.
Chỉ số huyết áp bình thường (sinh lý của cơ thể) khi:
- Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 90 đến không quá 130 mmHg.
- Huyết áp tâm trương nằm trong khoảng 60 đến không quá 90 mmHg.
Vậy thì tại sao đo huyết áp ở cánh tay?
Các bạn hãy hình dung hệ thống mạch máu của cơ thể là một bình chứa chất lỏng. Theo đó, áp suất của chất lỏng sẽ tăng lên theo chiều sâu của bình. Vì vậy, máu ở bắp chân sâu hơn máu ở cánh tay nên áp suất sẽ cao hơn. Thường đo huyết áp ở vị trí cánh tay bởi vì cánh tay có chiều cao ngang mức với tim. Khi đo, người được đo nên đặt cánh tay trên bàn và ngang tầm ngực để mức độ chính xác của kết quả sẽ cao hơn.
Đo huyết áp tay nào đúng khi có sự chênh lệch giữa hai tay?
Lời khuyên từ các chuyên gia khi huyết áp hai tay không đều
Chính bởi vì huyết áp ở hai tay chênh lệch nhau nên nhiều người thắc mắc nên lấy kết quả huyết áp của tay nào. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo mọi người nên đo huyết áp ở cả 2 tay trong một vài lần.
Những tình huống có thể xảy ra khi huyết áp hai tay khác nhau
Nếu huyết áp ở tay trái cao hơn hoặc bằng với tay phải, bạn hãy tiếp tục đo huyết áp ở tay trái vào những lần kế tiếp. Nếu chỉ số huyết áp ở tay phải cao hơn tay trái thì bạn hãy tiếp tục đo huyết áp ở cánh tay này. Như vậy, sự đồng nhất trong quá trình đo sẽ mang lại kết quả tin cậy. Và những lần đo huyết áp khác nhau sẽ có độ chính xác cao hơn.
Nếu sự cao thấp về huyết áp ở hai tay thay đổi luân phiên thì bạn nên kiểm tra lại thao tác đo huyết áp. Mục đích là để đảm bảo rằng bạn đã thực hiện đúng hướng dẫn đo huyết áp. Nếu đo lại nhiều lần vẫn thấy có sự chênh lệch lớn huyết áp giữa 2 tay thì bạn nên đi khám. Bởi vì đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm.
Chênh lệch huyết áp 2 tay có sao không?
Vì sao huyết áp hai tay khác nhau?
Theo các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, huyết áp hai tay chênh lệch nhẹ hoặc bằng nhau. Đây là thực tế thường gặp ở những người bình thường, không có bệnh lý về huyết áp. Trong những trường hợp sinh lý bình thường, huyết áp hai tay khác nhau và mức chênh lệch thường không quá 10 mmHg.
Nếu huyết áp hai tay không đều và độ chênh lệch cao hơn 10 mmHg thì chứng tỏ cơ thể đang bị rối loạn. Rất có thể là tay huyết áp thấp có sự giảm lưu lượng máu. Lúc này, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân gây nên bất thường ấy.
Vì sao huyết áp tay phải cao hơn tay trái?
Từ nhiều thế kỷ trước, các nhà khoa học đã chứng minh rằng sự chênh lệch huyết áp giữa hai tay có liên quan đến tình trạng sức khỏe kém hơn. Sự khác biệt huyết áp giữa hai cánh tay càng lớn thì nguy cơ tim mạch càng cao. Vì vậy, việc đo huyết áp ở cả hai tay thật sự vô cùng quan trọng.
1. Những trường hợp bình thường
Theo lý thuyết, không có sự chênh lệch lớn về trị số huyết áp ở tay phải và tay trái. Tuy nhiên, trên thực tế, huyết áp tay phải cao hơn tay trái một ít. Hoặc có những trường hợp huyết áp tay trái cao hơn tay phải một ít. Nguyên nhân là vì huyết áp bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xung quanh. Chẳng hạn như băng đeo tay buộc chặt hay lỏng. Hoặc tâm lý của người được đo huyết áp thay đổi khi đo mỗi bên tay.
Mặt khác, do cấu trúc giải phẫu nên thường gặp những trường hợp huyết áp tay phải cao hơn tay trái. Nguyên nhân là vì hệ thống động mạch bên phải xuất phát từ thân động mạch cánh tay đầu. Đây là vị trí gần tim hơn so với hệ động mạch ở tay trái. Vì vậy nên khi tim co bóp, hệ động mạch bên tay phải sẽ có áp suất hơi cao hơn. Từ đó, huyết áp cũng cao hơn so với bên trái.
2. Những trường hợp bệnh lý
Trong những trường hợp bất thường, huyết áp tay phải sẽ cao hơn tay trái trên 10 mmHg. Cơ chế bệnh lý là do hệ động mạch ở tay phải bị thu hẹp do xơ vữa, chấn thương,… Từ đó, sức cản ngoại biên sẽ tăng kéo theo huyết áp cũng cao hơn so với tay trái.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về vấn đề chênh lệch huyết áp 2 tay. Từ đó, các bạn hãy thực hiện theo những khuyến cáo của các chuyên gia. Đồng thời đi khám ngay khi phát hiện những sự chênh lệch bất thường.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Diastole vs. Systole: Know Your Blood Pressure Numbershttps://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/diastolic-and-systolic-blood-pressure-know-your-numbers
Ngày tham khảo: 08/08/2021
-
Cảnh báo khi chỉ số huyết áp ở hai cánh tay khác nhauhttps://suckhoedoisong.vn/canh-bao-khi-chi-so-huyet-ap-o-hai-canh-tay-khac-nhau-169185609.htm
Ngày tham khảo: 08/08/2021
-
Blood pressure: Can it be higher in one arm?https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/blood-pressure/faq-20058230
Ngày tham khảo: 08/08/2021
-
Big arm-to-arm difference in blood pressure linked to higher heart attack riskhttps://www.health.harvard.edu/blog/big-arm-arm-difference-blood-pressure-linked-higher-heart-attack-risk-201403057064#:~:text=Small%20differences%20in%20blood%20pressure,arm%20with%20higher%20blood%20pressure.
Ngày tham khảo: 08/08/2021