Chỉ số đường huyết và cập nhật mới nhất: bạn đã biết?
Nội dung bài viết
Chỉ số đường huyết là một trong những thông quan trọng của cơ thể. Qua đó, chúng ta sẽ theo dõi và phòng ngừa bệnh mạn tính – đái tháo đường. Vậy chỉ số đường huyết là gì? Những thông số nào đánh giá chỉ số này? ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ giải đáp thông qua bài viết sau đây.
Chỉ số đường huyết là gì?
Chỉ số đường huyết là giá trị đo lượng đường trong máu. Chỉ số này giúp chúng ta theo dõi sức khỏe nói chung và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường nói riêng. Hiện nay có ba cách phổ biến để nhận biết được chỉ số này.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Đây là chỉ số đường huyết trong máu sau khi nhịn ăn 8 giờ. Bình thường, nó sẽ thấp hơn 100 mg/dl.
Nghiệm pháp dung nạp glucose
\Đây là xét nghiệm tại phòng khám hay bệnh viện. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh đái tháo đường. Sau khi nhịn ăn 8 tiếng, bạn sẽ uống 75gr glucose. Sau đó 2 giờ, bạn sẽ được đo đường huyết. Người không có nguy cơ mắc bệnh, đường huyết của bạn sẽ thấp hơn 200 mg/dl.
Đo chỉ số đường huyết bất kỳ
Đây là phương pháp đo đường huyết không quan trọng bạn đã ăn gì hay chưa. Giới hạn bình thường của người khỏe mạnh sẽ dưới 200 mg/dl.
Vai trò của đường huyết trong cơ thể
Đường là nguồn năng lượng thiết yếu trong cơ thể. Đường sẽ được chuyển hóa dưới các dạng khác nhau để sử dụng và dự trữ.
Cung cấp năng lượng
Những tế bào beta trong tuyến tụy có nhiệm vụ theo dõi chỉ số đường huyết. Sau bữa ăn, lượng đường huyết tăng lên. Các tế bào này sẽ giải phóng insulin để chuyển đường vào các tế bào cơ, mỡ và gan. Nhờ vào insulin, đường lưu hành trong máu, đi đến và nuôi dưỡng tất cả các cơ quan trong cơ thể. Não bộ sẽ hoạt động kém hiệu quả nếu thiếu vắng năng lượng cung cấp từ glucose.
Dự trữ năng lượng
Sau khi năng lượng đã được sản xuất đủ, đường sẽ được lưu trữ ở gan. Tại gan, chúng chuyển thành glycogen. Khi đói, cơ thể vẫn có một lượng đường nhất định từ nguồn dự trữ này. Chúng sẽ vận hành các cơ quan hoạt động bình thường. Chính vì lẽ đó, đường luôn duy trì trong mức bình thường.
Các mức đường huyết cơ bản
Có thể nói rằng đường huyết không cố định. Do ảnh hưởng từ bữa ăn hay hoạt động thể trạng, đường huyết trong cơ thể sẽ tăng hoặc giảm. Nhìn một cách tổng quát, có ba ngưỡng chỉ số đường huyết:
Chỉ số đường huyết bình thường
Mức đường huyết mới nhất theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Mỹ ADA 2018 dao động trong giới hạn bình thường từ 60 mg/dl đến dưới 140 mg/dl khi đo. Đây là khoảng chỉ số bình thường đối với người lớn khỏe mạnh.
Khi chúng ta đói hay không ăn gì trong ít nhất 8 tiếng, đường huyết thấp hơn 100 mg/dl. Sau khi ăn, đường huyết sẽ tăng cao hơn nhưng vẫn dưới 140 mg/dl.
Chỉ số đường huyết thấp
Hạ đường huyết là khi chỉ số đường huyết dưới 60 mg/dl. Đây là chỉ số rất nguy hiểm cho sức khỏe. Nó khiến người ta dễ rơi vào trạng thái hôn mê hoặc không tỉnh táo. Bởi lẽ đường huyết sẽ không xuống thấp hơn 60 mg/dl ngay cả khi bạn nhịn ăn tương đối dài ngày. Về mặt sinh lý, gan sẽ chuyển hóa các chất béo và nguồn năng lượng khác thành đường nuôi cơ thể.
Chỉ số đường huyết cao
Tùy theo thể trạng, một số người có đường huyết bình thường là 60 mg/dl. Một số người khác lại có đường huyết ở mức 90 mg/dl. Tuy vậy, theo Hiệp hội Đái Tháo Đường Mỹ ADA 2018, chỉ số đường huyết lúc đói từ 100 mg/dl đến 125 mg/dl là tình trạng tăng đường huyết. Hay nói cách khác, đây là tiền đái tháo đường.
Cách kiểm soát đường huyết
Đây có lẽ là băn khoăn của nhiều đọc giả. Bởi lẽ tránh nguy cơ đái tháo đường là chìa khóa để sống lâu hơn. Cách kiểm soát đường huyết hiệu quả nhất chính là quản lý chế độ ăn uống, sinh hoạt và rèn luyện của bản thân.
Chế độ dinh dưỡng
Lựa chọn loại thực phẩm có chỉ số đường huyết phù hợp
Theo như nghiên cứu, những nguồn thực phẩm từ tự nhiên có lượng đường thấp. Trong khi đó, những loại thực phẩm đã được chế biến như: thức ăn nhanh, đồ hộp,… lại có lượng đường tương đối cao. Hiểu rõ giá trị năng lượng của những bữa ăn sẽ giúp bạn có chế độ ăn với mức đường huyết thấp hơn nhiều.
Chú ý cách chế biến thực phẩm
Cách chế biến thực phẩm quyết định khả năng hấp thu dinh dưỡng trong cơ thể. Chỉ số đường huyết mà thực phẩm mang lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bao gồm: thành phần dinh dưỡng, độ chín của thức ăn, phương pháp chế biến.
Ví dụ như chuối chín lâu sẽ mang lại mức đường huyết cao hơn chuối vừa chín tới. Khi bạn ăn mì hay các dạng tinh bột nấu quá chính, chỉ số đường trong máu cũng sẽ tăng cao hơn. Đồ chiên sẽ có lượng đường thấp do chất béo ngăn cản quá trình hấp thu đường. Sự ít đường nhưng nhiều chất béo lại mang đến sự mất cân đối dinh dưỡng trầm trọng.
Tập luyện thể thao
Đây chính là một trong những cách kiểm soát đường huyết tốt nhất. Bạn nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, và ít nhất 3 ngày/ tuần. Khi tập luyện, cơ thể sẽ đốt nguồn năng lượng dư thừa. Từ đó, nó sẽ giúp duy trì chỉ số đường huyết ổn định.
Xây dựng lối sống có chỉ số đường huyết lành mạnh
Bạn có biết những người có chỉ số đường huyết cao thường béo phì hoặc có lối sống thụ động. Một lối sống lành mạnh hài hòa giữa chế độ ăn uống và luyện tập sẽ duy trì đường huyết hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Biến chứng nguy hiểm khi đường huyết tăng cao
Khi lượng đường trong máu tăng cao quá mức, nó sẽ gây rối loạn. Dù cho vì lý do gì, chúng cũng sẽ như một liều thuốc độc dần dần bào mòn các cơ quan khác. Tụy là cơ quan bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Khi đường tăng cao, tụy sẽ sản sinh ra insulin để bù đắp. Sự bù đắp này về lâu dài sẽ làm mất chức năng tụy vĩnh viễn.
Ngoài ra, đường tăng cao sẽ gây hệ quả lên nhiều cơ quan khác như:
- Suy thận hay các bệnh thận khác.
- Bệnh tim mạch và xơ vữa mạch máu.
- Ảnh hưởng đến võng mạc.
- Gây những vết thương lâu lành, dễ bị hoại tử ở bàn chân.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu.
Bạn cần lưu ý rằng những hậu quả này là vĩnh viễn và không thể hồi phục.
Đường huyết mang đến thông điệp sức khỏe thể chất cho mỗi chúng ta. Nó phản ánh tình trạng năng lượng của cơ thể. Trong bất kì tình huống nào đường huyết tăng hay giảm đều gây suy nhược các cơ quan, đặc biệt là tuyến tụy. Kiểm soát được các chỉ số đường huyết sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và những bệnh nguy hiểm khác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How sugar affects diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/how-sugar-affects-diabetes
Ngày tham khảo: 22/06/2021
-
Glycemic indexhttps://www.healthline.com/nutrition/glycemic-index#low-glycemic-diet
Ngày tham khảo: 22/06/2021
-
Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/glucose-diabetes
Ngày tham khảo: 22/06/2021