YouMed

Những biểu hiện của suy tuyến yên bạn cần biết

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Tuyến yên là tuyến nội tiết có kích thước bằng hạt đậu nằm ở phần đáy não. Đây là nơi chịu trách nhiệm cho việc sản xuất các hormone quan trọng. Do đó, những bất thường xảy ra ở tuyến yên sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là suy tuyến yên. Để hỗ trợ cho quá trình điều trị, việc nhận biết sớm những biểu hiện của suy tuyến yên là vô cùng cần thiết. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.

Suy tuyến yên là gì?

Suy tuyến yên được định nghĩa là tình trạng tuyến yên hoạt động yếu đi, dẫn đến không sản xuất đủ các hormone cần thiết. Sự thiếu hụt hormone có thể cản trở chức năng của các quan hoặc quá trình chuyển hóa của cơ thể, bao gồm:

  • Sự tăng trưởng và trao đổi chất.
  • Cân bằng nước và điện giải.
  • Điều chỉnh huyết áp và các chức năng tình dục.

Suy tuyến yên tương đối hiếm gặp. Theo số liệu của bộ y tế, tỷ lệ mắc bệnh là 46 trường hợp/100.000 người và tỷ lệ mắc mới hằng năm là 4/100.000 người/năm.

Nguyên nhân gây suy tuyến yên

Bất kì nguyên nhân nào ảnh hưởng đến tuyến yên cũng có thể khiến chức năng tiết hormone của cơ quan này bị suy giảm. Những nguyên nhân suy tuyến yên phổ biến bao gồm:

  • Các tổn thương khối như u tuyến, u nang, viêm tuyến yên thâm nhiễm tế bào, di căn ung thư,…
  • Phẫu thuật tuyến yên.
  • Xạ trị vùng đầu hoặc cổ.
  • Nhồi máu tuyến yên do chảy máu sau sinh (hội chứng Sheehan).
  • Viêm các mô và cơ quan khác nhau (bệnh sarcoidose)
  • Yếu tố di truyền: các khiếm khuyến trong các gen mã hóa mang tính di truyền qua các thế hệ.
  • Chấn thương sọ não, nhiễm khuẩn hoặc viêm màng não do lao,…

Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng suy tuyến yên không rõ nguyên nhân.

Xạ trị ở vùng đầu hoặc cổ có thể dẫn đến suy tuyến yên
Xạ trị ở vùng đầu hoặc cổ có thể dẫn đến suy tuyến yên

Những biểu hiện của suy tuyến yên

Những biểu hiện của suy tuyến yên thường khác nhau tùy theo nguyên nhân và mức độ thiếu hụt hormone. Người bệnh có thể không có dấu hiệu rõ ràng hoặc chỉ có một vài triệu chứng không đặc hiệu. Ở nhiều trường hợp, những triệu chứng đến một cách đột ngột và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Thiếu hormone tăng trưởng GH

Trẻ em bị thiếu hormone tăng trưởng thường có vóc dáng thấp bé. Song người trưởng thành bị rối loạn hormone tăng trưởng GH sẽ có những biểu hiện sau:

  • Mệt mỏi.
  • Yếu cơ.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Tự tách bản thân khỏi xã hội.

Thiếu hụt hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH).

Đây là các hormone tác động trực tiếp đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Khi nồng độ của các hormone này nằm dưới giới hạn cho phép, cả nữ, nam giới trưởng thành hoặc trẻ em đều có thể bị ảnh hưởng. Những biểu hiện của suy tuyến yên ở những đối tượng trên bao gồm:

Với phụ nữ

  • Kinh nguyệt không đều hoặc ngừng hẳn.
  • Lông nách, lông mu, lông mày thưa dần.
  • Không có sữa trong quá trình mang thai.

Với đàn ông

  • Rối loạn cương dương.
  • Lông ở mặt hoặc những vùng khác ít hơn bình thường.
  • Tâm trạng dễ thay đổi.

Trẻ em hoặc trẻ vị thành niên thường không có nhiều triệu chứng như người lớn. Tuy nhiên, suy tuyến yên ở trẻ em có thể khiến các bé chậm phát triển.

Suy tuyến yên có thể khiến trẻ chậm lớn
Suy tuyến yên có thể khiến trẻ chậm lớn

Thiếu hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

TSH là hormone giúp kiểm soát hoạt động của tuyến giáp. Do đó, khi nồng độ TSH thấp, bạn sẽ bị suy giáp và có các triệu chứng lâm sàng như:

  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân.
  • Da khô.
  • Nhạy cảm với nhiệt độ thấp, khó giữ ấm.

Thiếu hormone vỏ thượng thận (ACTH)

Các biểu hiện của suy tuyến yên bắt nguồn do thiếu ACTH xuất hiện khá sớm. Ở những người phải cắt bỏ hoàn toàn tuyến yên, những triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 4 -14 ngày sau khi ngưng thuốc điều trị thay thế. Người bệnh có thể trải qua những dấu hiệu sau:

  • Buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, sút cân.
  • Huyết áp hạ, có thể ngất xỉu.
  • Có thể bị cơn hạ đường huyết.

Những triệu chứng trên sẽ rõ hơn nếu bệnh nhân bị stress.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị suy tuyến yên

Suy tuyến yên có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi hoặc giới tính nào. Tuy nhiên những đối tượng sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường:

  • Có tiền sử mất máu sản khoa.
  • Từng bị chấn thương ở vùng sọ.
  • Đã trải qua xạ trị vùng dưới đồi tuyến yên hoặc đã phẫu thuật lấy khối y tuyến yên.
  • Có các khối u tuyến hoặc khối u não.
  • Tuyến yên bị chấn thương và chảy máu.

Nếu có những yếu tố trên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Điều trị suy tuyến yên

Các biểu hiện của suy tuyến yên thường ít khi xuất hiện rầm rộ. Ở nhiều trường hợp, bệnh nhân chỉ nhận thấy triệu chứng khi bệnh đã diễn tiến nặng. Do đó, việc nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường và xét nghiệm chẩn đoán bệnh là điều tiên quyết trong quá trình điều trị.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị suy tuyến yên cũng dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu người bệnh bị suy tuyến yên do khối u, xạ trị là liệu pháp phù hợp. Bạn sẽ cần dùng thuốc hormone suốt đời để thay thế cho những hormone không được sản xuất bởi các cơ quan dưới sự kiểm soát của tuyến yên, bao gồm:

  • Hormone tăng trưởng.
  • Hormone giới tính (testosterone cho nam và estrogene cho nữ).
  • Hormone thyroid.
  • Desmopressin.
Tiêm hormone suốt đời là cách để bù lại lượng hormone đã mất do suy tuyến yên
Tiêm hormone suốt đời là cách để bù lại lượng hormone đã mất do suy tuyến yên

Các thuốc trên cũng có khả năng khắc phục tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ. Nếu bạn được kê glucocorticoid để điều trị sự thiếu hụt ACTH, hãy biết khi nào cần tăng liều thuốc. Bạn nên trò chuyện với nhân viên y tế để được hướng dẫn sử dụng thuốc.

Việc điều chỉnh liều thuốc thường xảy ra khi bạn có sự thay đổi về thể chất hoặc tình trạng bệnh. Do đó, nếu bạn bị các vấn đề về sức khỏe, tăng/giảm cân hoặc mang thai, hãy nhanh chóng thông báo cho bác sĩ.

Suy tuyến yên là tình trạng rối loạn tương đối hiếm gặp nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Bệnh lý này kéo dài suốt đời và buộc bệnh nhân phải luôn dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, người bệnh hoàn toàn có thể có cuộc sống khỏe mạnh và ổn định. Do đó, nếu nhận thấy những biểu hiện của suy tuyến yên, hãy thông báo với bác sĩ để được hỗ trợ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hypopituitarismhttps://medlineplus.gov/ency/article/000343.htm

    Ngày tham khảo: 04/07/2021

  2. Hypopituitarismhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hypopituitarism/symptoms-causes/syc-20351645

    Ngày tham khảo: 04/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người