Chỉ số đường huyết sau ăn: dự báo tình trạng sức khỏe của bạn
Nội dung bài viết
Bạn có biết 34,2 triệu người mắc bệnh đái tháo đường ở Mỹ. ⅕ trong số bệnh nhân không biết tình trạng bệnh. Tất cả đều xuất phát từ việc chủ quan kiểm soát đường huyết. Trong đó, chỉ số đường huyết sau ăn chỉ ra cho ta thấy tình trạng sức khỏe chuyển hóa. Đồng thời, nó dự báo nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong tương lai. Thế nào là chỉ số đường huyết sau ăn? Mời bạn đọc cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Tổng quan về chỉ số đường huyết
Những thức ăn khi vào cơ thể sẽ được phân giải thành đường (còn được gọi là glucose). Sau đó, chúng được giải phóng vào hệ thống tuần hoàn. Đây được gọi là đường huyết. Chỉ số đường huyết là con số thể hiện đường huyết.
Tùy vào nguồn cung cấp, đường huyết rất dễ thay đổi, đặc biệt là chỉ số đường huyết sau ăn. Những thực phẩm phân hủy ra glucose thường là cacbohydrat như tinh bột trong các loại gạo, lúa mì, khoai,… Chúng cung cấp lượng glucose dồi dào. Từ đó, các tế bào trong cơ thể sử dụng làm năng lượng duy trì hoạt động sống.
Chỉ số đường huyết sau ăn thay đổi như thế nào?
Chỉ số này thường tăng cao hơn so với lúc đói. Khi đường huyết tăng lên, tuyến tụy sẽ nhân được tín hiệu và tiết ra insulin. Insulin có vai trò đưa đường trong máu vào các tế bào của cơ thể để sử dụng năng lượng.
Khi bụng đói, cơ thể sẽ tiết một chất gọi là glucagon giúp giải phóng lượng đường được tích trữ. Nhờ sự hài hòa của hai cơ chế này mà chỉ số đường huyết này luôn được duy trì ổn định.
Việc kiểm soát chỉ số đường huyết sau ăn rất quan trọng. Bởi lẽ chỉ số này khi quá cao sẽ gây những rối loạn. Khi cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hay sử dụng insulin không hiệu quả, bạn có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Đồng thời, khi đường huyết quá thấp, cơ thể sẽ không thể hoạt động hiệu quả do thiếu năng lượng. Người hạ đường huyết sẽ mệt mỏi, thậm chí rơi vào trạng thái mất đi nhận thức tạm thời.
Thời điểm đo đường huyết chính xác
Chỉ số đường huyết rất biến động tùy thuộc vào hiện trạng dinh dưỡng. Do đó, các chuyên gia y tế thường khuyên rằng nên đo đường huyết khi bụng đói. Lúc này, thức ăn đã được chuyển hóa hoàn toàn. Chỉ số lúc này sẽ được phản ánh chính xác nhất. Có những thời điểm trong ngày sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất:
- Đo ngay khi thức dậy trước khi bạn ăn uống bất cứ gì.
- Đo chỉ số đường huyết sau ăn 2 tiếng.
- Đo trước các bữa ăn.
- Đo trước khi đi ngủ.
Việc thực hiện đo đường huyết vào nhiều thời điểm trong ngày sẽ đánh giá đúng hơn cả. Nó giúp chúng ta nhìn nhận gần sát với chỉ số đường huyết nhất.
Mức chỉ số đường huyết an toàn
Mục tiêu chỉ số đường huyết sau ăn an toàn là gì?
Mục tiêu đường huyết an toàn là phạm vị đường huyết mà bạn cần cố gắng đạt được và duy trì. Những mức đường huyết an toàn dành cho người khỏe mạnh là:
- Chỉ số đường huyết trước bữa ăn là 80 đến 130 mg/dl.
- Chỉ số đường huyết sau ăn hai tiếng nên dưới 180 mg/dl.
Mức đường huyết an toàn khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, những bệnh lý hiện mắc trừ bệnh đái tháo đường nếu có. Nhưng đây là con số lý tưởng để bạn tham khảo. Những tình trạng đường huyết nằm ngoài mức an toàn này đều khá nguy hiểm. Như tình trạng lượng đường trong máu thấp hay chỉ số đường huyết này tăng cao.
Những dự báo về sức khỏe
Tình trạng đường huyết không được kiểm soát sẽ thúc đẩy nhiều bệnh lý. Trong đó, bệnh đái tháo đường được xem là nghiêm trọng nhất. Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 7 ở Mỹ. Bên cạnh đó, bệnh còn là nguyên nhân dẫn đến suy thận, cắt cục chi dưới và suy giảm thị lực ở người lớn. Con số bệnh nhân đang ngày càng gia tăng vì nhiều lý do. Trong đó ăn uống thiếu khoa học và sự thụ động thể chất (hay gặp ở nhân viên văn phòng) đáng chú ý hơn cả.
Cách kiểm soát đường huyết
Bệnh đái tháo đường hiện nay vẫn chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn. Bên cạnh đó, những biến chứng của bệnh đái tháo đường rất nặng nề. Bởi lẽ nó ảnh hưởng lên tim, mắt và thận. Đây là một gánh nặng bệnh tật lên cả gia đình và xã hội. Vì thế kiểm soát đường huyết để tránh bệnh đái tháo đường là rất quan trọng. YouMed gợi ý cho bạn những cách kiểm soát sau:
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
- Ăn đúng bữa và không bỏ bữa.
- Sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết sau ăn thấp.
- Uống nước thay vì các loại nước ngọt.
- Hạn chế đồ uống có cồn.
- Bổ sung trái cây nhiều hơn vào các bữa ăn.
- Ăn thực phẩm có lượng tinh bột vừa phải.
Theo dõi sức khỏe và chỉ số đường huyết sau ăn thường xuyên
- Theo dõi đường huyết thường xuyên.
- Gặp bác sĩ khi có chỉ số đường huyết sau ăn và trước ăn bất thường.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Lối sống khoa học
- Duy trì cân nặng lý tưởng theo chỉ số khối cơ thể – BMI.
- Tăng cường vận động thể chất phù hợp thể trạng.
- Ngủ đủ giấc và nâng cao chất lượng giấc ngủ.
- Giữ tinh thần lạc quan, tích cực.
Chỉ số đường huyết sau ăn là một chỉ số thể hiện mức độ chuyển hóa. Nó là giá trị song hành khi đánh giá tình trạng sức khỏe. Vì thế cần thực hiện đo chỉ số đường huyết vào những thời điểm thích hợp. Chỉ số này sẽ dự báo những nguy cơ bệnh lý trong tương lai như bệnh đái tháo đường, bệnh thận, bệnh liên quan võng mạc,… Mỗi cá nhân cần kiểm soát chỉ số này sớm bằng những sinh hoạt khoa học. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích dành bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
The Effects of Low Blood Sugar on Your Bodyhttps://www.healthline.com/health/low-blood-sugar-effects-on-body#Central-nervous-system
Ngày tham khảo: 05/07/2021
-
High Blood Sugar, Diabetes, and Your Bodyhttps://www.webmd.com/diabetes/how-sugar-affects-diabetes
Ngày tham khảo: 05/07/2021
-
Manage Blood Sugarhttps://www.cdc.gov/diabetes/managing/manage-blood-sugar.html
Ngày tham khảo: 05/07/2021