Tiêm ngừa viêm não Nhật Bản trễ có sao không?
Nội dung bài viết
Viêm não Nhật Bản không còn là cái tên xa lạ với chúng ta. Nó là một bệnh tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm và khó lường. Tuy nhiên, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh này bằng cách tiêm ngừa. Để đảm bảo việc phòng ngừa phát huy tối ưu nhất, bạn nên tiêm ngừa càng sớm càng tốt cho bản thân và gia đình. Vậy thì liệu chích ngừa viêm não Nhật Bản trễ có sao không? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh sẽ giải đáp cho bạn nhé.
Tổng quan về viêm não Nhật Bản
Trước khi đi đến thông tin chích ngừa viêm não nhật bản trễ có sao không? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu về căn bệnh viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng não do virus truyền nhiễm qua vết đốt của muỗi. Loại virus này được tìm thấy nhiều ở lợn và chim. Khi muỗi hút máu những sinh vật này và truyền sang người, chúng ta sẽ bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh không lây từ người sang người.1
Triệu chứng
Trong đa số trường hợp, người mắc bệnh viêm não Nhật Bản đều không có triệu chứng hoặc có các triệu chứng nhẹ trong khoảng thời gian ngắn. Do đó, bệnh này thường bị nhầm với cảm cúm thông thường. Đây cũng là đặc điểm khá nguy hiểm vì có thể đe dọa nhiều đến sức khỏe người mắc bệnh.1
Tuy nhiên, cứ 250 người thì sẽ có 1 người bị bệnh này và biểu hiện ra các triệu chứng nghiêm trọng. Khi này các nhiễm trùng đang lan đến não. Quá trình này thường xảy ra từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 15 sau khi nhiễm bệnh.1 Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên cụ thể như:2
- Sốt cao.
- Đau đầu đột ngột.
- Co giật.
- Mất phương hướng.
- Hôn mê.
- Run.
Sau đó, người bệnh bị thay đổi trạng thái tâm thần, xuất hiện các triệu chứng trên thần kinh, suy nhược và rối loạn vận động. Trẻ em dễ mắc chứng động kinh khi nhiễm virus viêm não Nhật Bản.2
Tiên lượng, điều trị và phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Trong số những bệnh nhân bị viêm não (dẫn đến nhiễm trùng), tỷ lệ tử vong chiếm từ 20% – 30%. Trên thực tế, một số triệu chứng bệnh có sự cải thiện sau đợt bệnh cấp tính. Nhưng trong đó khoảng 30% – 50% những người bệnh sống sót tiếp tục mắc các triệu chứng trên thần kinh, nhận thức hoặc tâm thần.2
Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị. Do đó, chúng ta cần chủ động tránh tác nhân nhiễm bệnh để cơ thể không nhiễm virus. Đặc biệt, hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Đây được xem là phương pháp ngừa tốt nhất ở hiện tại để cơ thể không bị tấn công bởi virus viêm não Nhật Bản.
Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị.
Ai có thể tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản?
Vắc-xin viêm não Nhật Bản được phê duyệt cho trẻ em từ vài tháng tuổi trở lên (số tháng khác nhau tùy vào loại vắc-xin). Do đó, bất kỳ ai thuộc độ tuổi trên đều có thể tiêm vắc-xin này để phòng ngừa virus gây bệnh.3
Một số trường hợp chống chỉ định tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản bao gồm:4
- Người từng bị sốc phản vệ sau khi tiêm một mũi vắc-xin viêm não trước đó.
- Người bị sốc phản vệ với bất kì thành phần nào của vắc-xin viêm não Nhật Bản.
- Người suy giảm miễn dịch.
- Phụ nữ mang thai. Đặc biệt, phụ nữ nên tránh mang thai trong 28 ngày sau khi tiêm phòng.
- Phụ nữ đang cho con bú cũng không nên tiêm vắc-xin vì chưa có thông tin rõ ràng về việc virus có bài tiết qua sữa mẹ hay không.
- Không tiêm vắc-xin trong vòng 6 tuần cho người tiêm globulin miễn dịch hoặc các sản phẩm máu có chứa loại huyết thanh này.
- Người bị thiếu hụt IFNAR1 – một tình trạng di truyền hiếm gặp.
Viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?
Hiện tại, ở Việt Nam, Jevax và Imojev là 2 loại vắc-xin được dùng để phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Tùy vào từng loại vắc-xin, từng đối tượng mà số lượng mũi tiêm sẽ khác nhau.
Để rõ hơn về số mũi tiêm phòng viêm não Nhật Bản, độc giả có thể xem thêm bài viết Vắc-xin viêm não Nhật Bản tiêm mấy mũi?
Quên tiêm các mũi vắc-xin 2, 3 phòng viêm não Nhật Bản thì có sao không?
Với những bộn bề của cuộc sống và công việc, nhiều phụ huynh quên lịch tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản cho con mình. Điều này làm cho họ lo lắng và thắc mắc không biết chích ngừa viêm não Nhật Bản trễ có sao không.
Khi phụ huynh quên lịch tiêm và dẫn đến những mũi vắc-xin sau đó bị trễ, con của bạn hoặc chính bản thân bạn (trường hợp người lớn chưa tiêm đủ) sẽ gặp nguy hiểm. Nếu trong khoảng thời gian chậm trễ mà cơ thể bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản thì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh. Để dẫn chứng rõ hơn cho điều này, bạn có thể tham khảo tỷ lệ % hiệu lực của từng mũi vắc-xin Jevax:5
- Chỉ tiêm mũi 1 sẽ không có hiệu lực bảo vệ.
- Tiêm mũi 2 thì khả năng bảo vệ tăng lên đến 80%.
- Tiêm đủ 3 mũi thì sẽ đạt được 90% – 95% trong 3 năm sau đó. Sau đó hiệu lực giảm dần và cần tiêm nhắc lại như đã nêu ở trên.
Quên tiêm mũi 3 viêm não Nhật Bản: Có nên tiêm tiếp hay tiêm lại từ đầu?
Nếu bạn lỡ quên tiêm mũi 3 viêm não Nhật Bản, không cần tiêm lại từ đầu mà hãy tiêm các mũi tiếp theo. Việc tiêm các mũi tiếp cho đến năm 15 tuổi vẫn giúp tăng hiệu lực vắc-xin và đảm bảo trẻ được bảo vệ tối ưu nhất.
Để hiểu rõ hơn về tiêm chủng viêm não Nhật Bản, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Những điều cần biết về vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về vấn đề chích ngừa viêm não Nhật Bản trễ có sao không. Bạn đọc và gia đình nên tiêm đầy đủ và đúng lịch trình vắc-xin viêm não Nhật Bản để có thể phòng ngừa bệnh một cách tối ưu.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Overview - Japanese encephalitishttps://www.nhs.uk/conditions/japanese-encephalitis/
Ngày tham khảo: 07/02/2023
-
Japanese Encephalitis Virushttps://www.cdc.gov/japaneseencephalitis/index.html
Ngày tham khảo: 07/02/2023
-
Japanese Encephalitis VIShttps://www.cdc.gov/vaccines/hcp/vis/vis-statements/je-ixiaro.html
Ngày tham khảo: 07/02/2023
-
Japanese encephalitishttps://immunisationhandbook.health.gov.au/contents/vaccine-preventable-diseases/japanese-encephalitis
Ngày tham khảo: 07/02/2023
-
LỊCH TIÊM VIÊM NÃO NHẬT BẢN CHO TRẺ VÀ NGƯỜI LỚN: CẬP NHẬT 2022https://vnvc.vn/lich-tiem-viem-nao-nhat-ban-tuan-thu-dung-hieu-qua-cao/
Ngày tham khảo: 07/02/2023