YouMed

Chronol là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý

dược sĩ phan tiểu long
Tác giả: Thạc sĩ, Dược sĩ Phan Tiểu Long
Chuyên khoa: Dược

Thuốc Chronol có công dụng là gì? Ai phù hợp sử dụng thuốc này? Thuốc cai rượu Chronol có cần lưu ý gì khi sử dụng không? Trong bài viết dưới đây Dược sĩ Phan Tiểu Long sẽ cung cấp đủ thông tin về thuốc Chronol cho bạn nhé!

Hoạt chất: Disulfiram

Thuốc chứa thành phần tương tự: Esperal của Sanofi, Rodogyl của Aventis

Chronol là thuốc gì?

Chronol 500 mg là sản phẩm được sản xuất bởi Charoon Bhesaj Co., Ltd, xuất xứ từ Thái Lan. Sản phẩm dưới dạng viên nén chứa thành phần chính là Disulfiram. Chronol được chỉ định sử dụng để điều trị các trường hợp cai nghiện rượu, nghiện rượu mạn tính, chống tái nghiện rượu.1

thuốc chronol
Thuốc cai rượu Chronol chứa disulfiram

Thành phần của Chronol

Trong mỗi viên nén Chronol có các thành phần chính sau:

  • Disulfiram với lượng là 500 mg.
  • Tá dược vừa đủ cho 1 viên.

Disulfiram có công dụng gì?

Disulfiram ức chế không đảo ngược enzym aldehyde dehydrogenase dẫn đến ứ trệ các chất chuyển hóa trung gian gây độc gọi là acetaldehyde do không được chuyển hóa.2

Nếu disulfiram có ở trong cơ thể, bất cứ khi nào bệnh nhân uống rượu sẽ bị tích tụ acetaldehyde, chất này có thể gây ra một phức hợp các cảm giác khó chịu như buồn nôn, nôn, bốc hỏa, tụt huyết áp…, được gọi là phản ứng disulfiram-ethanol.2

Khi sử dụng thuốc cai rượu disulfiram người nghiện sẽ cảm thấy sợ uống rượu do sự khó chịu của thuốc khi dùng cùng rượu. Mức độ của phản ứng tỷ lệ thuận với liều dùng của disulfiram và số lượng rượu được uống.2

Khi bệnh nhân uống rượu. disulfiram sẽ tạo phản ứng disulfiram-ethanoll gây khó chịu.
Khi bệnh nhân uống rượu, disulfiram sẽ tạo phản ứng disulfiram-ethanol gây khó chịu.

Tác dụng của Chronol

Hiện nay, thuốc Chronol với thành phần dược chất Disulfiram được chỉ định dùng để điều trị nghiện rượu mãn tính, giúp chống tái nghiện rượu.1

Cách dùng và liều dùng Chronol

Cách dùng

Do có dạng bào chế là viên nén nên dùng bằng đường uống với một cốc nước lọc.

Thuốc uống nguyên viên, không uống với sữa, các đồ uống có chứa cồn, nước trái cây.

Thuốc được uống bất kỳ lúc nào, trước hoặc sau bữa ăn, nhưng tốt nhất là uống vào buổi sáng. Thuốc nên được uống vào 1 thời điểm cố định trong ngày.1

Liều dùng cho từng đối tượng

Đối với người lớn, tùy thuộc vào tình trạng nghiện rượu của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng cụ thể. Thuốc chỉ được sử dụng khi có sự kê đơn của bác sĩ.

Trong giai đoạn điều trị ban đầu, trong 1 – 2 tuần dùng với liều tối đa là 500 mg/ngày. Sau đó ở giai đoạn duy trì dùng liều duy trì từ 125 – 500 mg, tùy theo khả năng dung nạp các tác dụng không mong muốn.

Liều dùng thông thường là 1 viên/lần, ngày dùng 1 lần và nên uống vào buổi sáng.

Chronol là thuốc cai rượu mạn tính nên cần được uống liên tục hằng ngày, duy trì từ 6 tháng – 2 năm. Khi đó cơ thể  tạo phản xạ sợ rượu bền vững, tự kiềm chế lâu dài.

Bất kì sự đổi liều nào trong quá trình điều trị cũng cần có sự chỉ định, cho phép của bác sĩ điều trị.2

Chronol giá bao nhiêu?

Giá tham khảo của Chronol 500 mg là 700.000 đồng/hộp 4 vỉ x 25 viên. Giá của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo nơi bán và thời điểm. Tốt nhất bạn nên liên hệ hoặc đến trực tiếp nhà thuốc để có được giá chính xác.

Tác dụng phụ của Chronol

Khi điều trị lần đầu, tác dụng phụ thường gặp là chóng mặt, mệt rũ.

Tác dụng phụ khác thường gặp trong 2 tuần đầu điều trị là: phát ban dạng trứng cá, mệt nhọc, bồn chồn, mề đay, run, chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa nhẹ, làm thay đổi vị giác, có vị tỏi hoặc vị kim loại.

Thường gặp: Ngủ lơ mơ, nhức đầu, mệt nhọc, thay đổi tâm trạng, độc thần kinh, ban da, dư vị kim loại hoặc vị tỏi, liệt dương.

Ít gặp Bệnh não, viêm gan.

Và đặc biệt là nếu đang uống rượu mà dùng disulfiram thì sẽ có phản ứng disulfiram – rượu biểu hiện như: đỏ bừng mặt, trụy tim mạch, toát mồ hôi, chóng mặt, động kinh, đau đầu, buồn nôn, nhồi máu cơ tim, đau ngực, khó thở, và thậm chí tử vong.2

Tương tác thuốc

Thuốc gây ảnh hưởng đến chuyển hóa ở gan của rượu, thuốc chống đông máu coumarin, barbiturat, terfenadin, paraldehyd, phenytoin và chất cùng loại.

Disulfiram có thể làm tăng thời gian bán thải và kéo dài tác dụng của caffeine. Những thay đổi về hành vi, mất phối hợp và dáng đi không vững có thể xảy ra ở những bệnh nhân dùng isoniazid trong khi điều trị bằng disulfiram; nên tránh sử dụng đồng thời các thuốc này. Disulfiram chống chỉ định ở những người đang dùng metronidazole vì dùng đồng thời có thể gây rối loạn tâm thần cấp tính và lú lẫn ở một số bệnh nhân. Amprenavir (uống) được chống chỉ định kết hợp với disulfiram. Dùng disulfiram và amitriptylin cùng nhau có thể làm tăng phản ứng giữa rượu và disulfiram.2

Đối tượng chống chỉ định dùng Chronol

Các đối tượng chống chỉ định dùng thuốc là:

  • Người có bệnh tim mạch, ngộ độc rượu, loạn thần.
  • Những người có tiền sử quá mẫn với disulfiram hoặc những dẫn chất thiuram khác.
  • Trước khi dùng disulfiram, người có tiền sử bệnh viêm da tiếp xúc với cao su phải được thử về sự quá mẫn với các dẫn chất thiuram.2

Phụ nữ có thai và mẹ cho con bú có sử dụng được không?

Ở phụ nữ có thai hiện vẫn chưa xác định dùng thuốc Chronol có an toàn không. Thế nên, chỉ sử dụng thuốc nếu như lợi ích hơn nguy cơ. Đã có ghi nhận 2 trường hợp người mẹ khi mang thai uống disulfiram sinh trẻ nhỏ bị dị tật chân tay.

Đối với người đang cho con bú chưa xác định được vấn đề an toàn. Lưu ý cân nhắc về việc ngừng uống thuốc hoặc ngừng cho con bú khi uống.2

Đối tượng thận trọng khi dùng Chronol

Những đối tượng có các bệnh sau cần dùng thuốc thận trọng: người bệnh đái tháo đường, cơn động kinh, thiểu năng tuyến giáp, điện não đồ không bình thường, viêm thận mạn hoặc cấp tính, thương tổn não, xơ gan hoặc suy gan, hoặc nghiện nhiều loại thuốc.2

Xử lý khi quá liều

Triệu chứng quá liều có thể xảy ra là: Rối loạn tiêu hóa và nôn, ngủ lơ mơ, thay đổi ý thức, điện não đồ không bình thường, ảo giác, hôn mê, suy giảm khả năng nói, mất phối hợp.

Khi uống disulfiram quá liều thì biện pháp là hút hoặc rửa dạ dày có thể có hiệu quả cùng với liệu pháp hỗ trợ.2

Trường hợp quên liều

Bạn không được uống gấp đôi liều thuốc. Uống thuốc càng sớm càng tốt khi nhớ ra là quên uống. Nếu gần với liều kế tiếp thì bỏ qua và uống theo như lịch trình cũ nhé!

Lưu ý gì khi sử dụng

Khi dùng thuốc, tránh dùng siro ho, rượu ngọt, giấm, nước sốt, và những chế phẩm khác có chứa rượu.

Việc dùng các loại thuốc xoa, nước thơm dùng sau khi cạo râu, nước xoa lưng, thuốc rửa có chứa cồn cũng có thể đủ để gây phản ứng disulfiram – rượu.

Cần báo cho người bệnh biết là phản ứng disulfiram – rượu có thể xảy ra nhiều tuần sau khi đã ngừng dùng disulfiram.

Thông báo đầy đủ về nguy cơ của liệu pháp disulfiram cho người dùng disulfiram, hướng dẫn gia đình người bệnh về nguy cơ của phản ứng disulfiram – rượu.

Không dùng thuốc này để điều trị nghiện rượu cấp tính.

Phải làm xét nghiệm transaminase ban đầu và tiếp theo cứ 10 – 14 ngày một lần do có thể viêm gan do quá mẫn và loạn tạo máu.2

Cách bảo quản

Bảo quản thuốc ở nơi có nhiệt độ < 30°C, tránh nơi ẩm thấp, để ở nơi thoáng mát.

Bài viết trên đã cung cấp đủ các thông tin về thuốc Chronol. Hy vọng các bạn đã có thể hiểu thêm về loại thuốc này để sử dụng an toàn và chính xác hơn.

Video chia sẻ sự thật về các loại thuốc cai rượu:

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Disulfiram - Uses, Side Effects, and Morehttps://www.webmd.com/drugs/2/drug-1446/disulfiram-oral/details

    Ngày tham khảo: 22/08/2022

  2. Bộ Y Tế (2018). Dược thư quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 551-552.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=551

    Ngày tham khảo: 08/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người