Hạ huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí
Nội dung bài viết
Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe của cơ thể. Hiện nay, mọi người đã có xu hướng quan tâm nhiều đến vấn đề cao huyết áp. Tuy vậy, lại ít người biết rằng hạ huyết áp cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong bài viết này, Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ cùng bạn tìm hiểu cách để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề liên quan đến chứng hạ huyết áp.
Thế nào là hạ huyết áp?
Huyết áp là áp lực máu tác dụng lên thành mạch máu. Huyết áp ổn định sẽ giúp cho máu được lưu thông khắp cơ thể và giữ cho các cơ quan (tim, não, thận,…) hoạt động tốt. Chỉ số huyết áp thể hiện qua hai con số. Một là số đo huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu), thể hiện sức bơm máu của tim. Hai là số đo huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) thể hiện sức cản của mạch.
Bình thường, mức huyết áp tối ưu ở người khỏe mạnh nằm trong khoảng 90/60 – 120/80 mmHg. Khi huyết áp giảm xuống dưới 90/60 mmHg thì được xác định là hạ huyết áp (huyết áp thấp).
Một số người khỏe mạnh có thể có huyết áp dưới 90/60mmHg kéo dài mà không hề có triệu chứng. Tình trạng đó được gọi là hạ huyết áp mạn tính. Trong trường hợp này, cơ thể đã thích nghi với mức huyết áp đó nên không cần điều trị. Ngược lại, khi huyết áp tụt đột ngột, cơ thể không kịp điều chỉnh thì máu không được đưa đầy đủ đến các cơ quan. Từ đó dẫn đến nhiều triệu chứng với nhiều mức độ khác nhau. Huyết áp thấp ở người cao tuổi cũng có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. Thường gặp là các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tim mạch,…
Nguyên nhân dẫn đến hạ huyết áp
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng hạ huyết áp. Dưới đây là các nhóm nguyên nhân thường gặp:
1. Hạ huyết áp liên quan đến tư thế
Đột ngột thay đổi tư thế: xảy ra khi bệnh nhân đang nằm hoặc ngồi đột ngột đứng lên.
Đứng quá lâu: giữ tư thế đứng kéo dài có thể làm tụt huyết áp. Thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi.
2. Hạ huyết áp liên quan đến thuốc và chất độc
- Các thuốc làm giảm huyết áp. Thông thường bệnh nhân tăng huyết áp được kê toa đúng liều lượng để giữ mức huyết áp ổn định. Nếu người bệnh không tuân thủ đơn thuốc hoặc tự ý điều trị có thể dùng quá liều gây hạ áp.
- Các thuốc chống trầm cảm
- Đồ uống có cồn
3. Hạ huyết áp liên quan đến bệnh lí
- Bệnh tim mạch, nội tiết,…
- Bệnh gây mất máu mạn tính như nhiễm giun, thiếu máu,…
- Các trường hợp làm mất máu nhiều như chấn thương.
- Các tình trạng gây mất nước nhiều, nhanh như nôn ói liên tục, bỏng nặng,..
- Cùng các nguyên nhân khác như tình trạng nhiễm trùng nặng,…
Các triệu chứng thường gặp
Khi hạ huyết áp mà cơ thể chưa kịp điều chỉnh, máu sẽ không được bơm đầy đủ đến các cơ quan. Từ đó gây ra rối loạn chức năng của não, tim, thận, mắt,… thể hiện bởi các triệu chứng sau:
- Chóng mặt, choáng váng.
- Nhức đầu.
- Ngất.
- Hoa mắt.
- Mất tập trung, hay quên.
- Buồn nôn, nôn ói.
- Da lạnh, tái nhợt.
- Mệt mỏi.
Xem thêm: Cách phân biệt huyết áp thấp và rối loạn tiền đình
Các triệu chứng trên xuất hiện từ nhẹ đến nặng tùy từng bệnh nhân, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt với người cao tuổi sẽ dẫn đến nguy cơ té ngã, chấn thương. Có thể đi kèm với các triệu chứng của bệnh gốc gây ra tình trạng hạ huyết áp.
Cần lưu ý rằng biểu hiện của hạ huyết áp rất đa dạng, thay đổi trên từng người và có thể gặp trong nhiều bệnh khác. Vì vậy, khi phát hiện triệu chứng đừng tự ý chẩn đoán và xử trí. Nên đi khám để nhận được sự tư vấn chính xác từ bác sĩ.
Hạ huyết áp được chẩn đoán như thế nào?
Hạ huyết áp có thể vô tình được phát hiện khi đi khám tổng quát. Có khi bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng kể trên. Người bệnh sẽ được đo chỉ số huyết áp. Tiếp theo là hỏi bệnh, thăm khám và tiến hành một vài xét nghiệm cần thiết. Từ các thông tin thu được, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng hạ áp và nguyên nhân. Sau đó quyết định cách thức điều trị.
Những thông tin quan trọng cần cung cấp:
- Các triệu chứng liên quan.
- Các bệnh đã mắc, các thuốc đang dùng.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Tùy từng trường hợp mà các biện pháp thăm khám và xét nghiệm được chỉ định sẽ khác nhau. Thông thường, cần khảo sát chức năng tim mạch, thần kinh, thận, tình trạng thiếu máu, các vấn đề nội tiết,…
Điều trị tình trạng hạ huyết áp ra sao?
Điều trị hạ huyết áp bao gồm nhiều mức độ. đi từ cải thiện triệu chứng (nôn ói, chóng mặt,…) cho đến giải quyết nguyên nhân gốc. Như đã đề cập, hạ huyết áp có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cần có cách xử trí khác nhau. Vì vậy việc thăm khám và xét nghiệm để tìm đúng nguyên nhân rất quan trọng. Chẩn đoán đúng bệnh gốc sẽ quyết định hiệu quả của việc điều trị.
1. Điều trị không dùng thuốc
Hạ huyết áp mạn tính có thể được điều trị hiệu quả nhờ thay đổi lối sống và chế độ ăn.
Thay đổi chế độ ăn uống |
Bổ sung muối vào bữa ăn |
Uống nhiều nước, đủ 2 l/ngày |
|
Hạn chế bia rượu |
|
Tư thế sinh hoạt |
Nằm đầu cao lên khoảng 10-20 độ (khoảng 1 cái gối mềm), chân kê cao. |
Đứng lên, ngồi xuống từ từ |
|
Các bài tập vật lí trị liệu |
Ngồi xổm, chéo chân,… |
Các bài tập thể dục |
Đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp,… |
2. Điều trị dùng thuốc
Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ kê các loại thuốc nâng huyết áp lên. Kế đến là thuốc điều trị bệnh sẵn có gây hạ áp: tim mạch, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp,…
Các biện pháp phòng ngừa
Chế độ ăn uống và tập luyện
Ăn đủ chất, uống đủ 2 l nước mỗi ngày, hạn chế bia rượu, thuốc lá.
Các bài tập nâng cao sức bền có thể cải thiện sức bơm máu của tim, tránh hạ huyết áp như: chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội,…
Những bài tập thể dục và bài tập tư thế có thể thay đổi ở người có vấn đề về cơ xương khớp. Đặc biệt là người cao tuổi thường mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Cần có sự tư vấn của bác sĩ để có chế độ và bài tập phù hợp, tránh chấn thương.
Tư thế sinh hoạt và lao động
- Tránh đứng lâu hoặc nằm lâu.
- Hạn chế làm việc quá sức, làm việc ngoài trời nắng lâu dẫn đến đổ mồ hôi, mất nước.
- Mang vớ chuyên dụng hỗ trợ lưu thông máu ở chân
- Không nên thay đổi tư thế đột ngột. Từ từ đứng lên hoặc ngồi, nằm xuống sẽ hạn chế hạ huyết áp và té ngã.
Thường xuyên thăm khám và tuân thủ điều trị
Với người khỏe mạnh, nên khám tổng quát 6 tháng/ lần. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao hạ huyết áp: thai phụ, người trên 65 tuổi cần được theo dõi thường xuyên hơn. Việc này giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và điều trị kịp thời.
Với người có sẵn bệnh lí, cần tuân thủ đơn thuốc và các biện pháp điều trị khác. Nên báo cho bác sĩ đầy đủ tình trạng bệnh và các thuốc đang dùng, (như các thuốc chống trầm cảm,..) Uống đúng thuốc, đủ liều, tái khám đúng hẹn để kịp thời điều chỉnh khi có bất thường. Đặc biệt không nên tự ý điều trị.
Mẹo nhỏ cải thiện triệu chứng khi tụt huyết áp đột ngột
- Uống nước cam, chanh, tắc sẽ giảm cảm giác buồn nôn.
- Uống ngay khoảng nửa lít nước (1 chai nước suối) sẽ giúp nâng nhẹ huyết áp.
Xem thêm: Bác sĩ giải đáp: Tụt huyết áp có nên uống nước đường không?
Hạ huyết áp là tình trạng thường gặp và gây nhiều phiền toái, đặc biệt với người cao tuổi. Một chế độ ăn lành mạnh, đủ chất và tập luyện nâng cao sức khỏe sẽ ngăn ngừa hạ huyết áp và các bệnh lí khác. Bên cạnh đó, tư thế sinh hoạt như nằm, ngồi, đứng cũng rất cần được lưu tâm. Bạn cần nhận biết được các triệu chứng để đi khám kịp thời. Phát hiện sớm và tìm đúng nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Low blood pressure (hypotension)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20355465
Ngày tham khảo: 03/03/2020
-
Understanding Low Blood Pressure -- the Basicshttps://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics
Ngày tham khảo: 03/03/2020
-
Huyết áp thấphttp://www.benhvien103.vn/huyet-ap-thap/
Ngày tham khảo: 04/03/2020