Nhau thai: chức năng và các vấn đề thường gặp
Nội dung bài viết
Nếu bạn đang mang thai, bạn sẽ tự hỏi rằng nhau thai được hình thành từ đâu và chức năng là gì? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến nhau thai? Hãy cùng bác sĩ Hồ Ngọc Lợi tìm hiểu về các cơ quan quan trọng trong quá trình mang thai qua bài viết dưới đây. Điều này sẽ giúp bạn trong việc phát hiện các bất thường khi mang thai.
Nhau thai có chức năng gì?
Nhau thai là một cơ quan phát triển trong tử cung của phụ nữ khi mang thai. Cơ quan này cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi đang lớn và loại bỏ các chất thải ra khỏi máu của bé.
Nhau thai bám vào thành tử cung và kết nối với thai nhi thông qua dây rốn. Nó có thể được gắn ở phía trên, bên cạnh, phía trước hoặc phía sau của tử cung. Trong một số trường hợp, nó có thể bám ở vùng dưới của tử cung, làm che mất một phần hoặc hoàn toàn cổ tử cung. Tình trạng này còn được gọi là nhau bám thấp hay nhau tiền đạo.
Xem thêm: Sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ
Nhau thai được hình thành và phát triển như thế nào?
Mang thai bao gồm một loạt các sự kiện phức tạp. Một trong số đó là sự hình thành của nhau thai. Một khi trứng đã thụ tinh và làm tổ trên thành tử cung, nhau thai sẽ bắt đầu hình thành.
Quá trình hình thành hợp tử
Cụ thể, đến thời điểm phụ nữ rụng trứng, đây là khi buồng trứng xuất một hoặc nhiều hơn một trứng vào ống dẫn trứng. Nhờ vào các lông mao uyển chuyển ở trong ống dẫn trứng. Trứng đi vào lòng ống với hi vọng gặp tinh trùng và được thụ tinh. Nếu thành công, trứng kết hợp với tinh trùng hình thành hợp tử. Trong một vài ngày, hợp tử sẽ phân chia tế bào nhiều lần trong ống dẫn trứng.
Xem thêm: Tổng quan về buồng trứng và các bệnh lý thường gặp
Hình thành nhau thai
Khi hợp tử đến tử cung, các quá trình phân chia tế bào này vẫn tiếp tục. Sau đó hợp tử sẽ phát triển thành phôi nang. Ở giai đoạn này, một số tế bào bắt đầu hình thành nhau thai. Và những tế bào khác bắt đầu hình thành các phần của bào thai. Phôi nang lúc này sẽ bám và cấy sâu vào trong nội mạc tử cung. Đây còn gọi là sự làm tổ.
Để giúp hỗ trợ mang thai, nhau thai sản xuất một loại hormone gọi là gonadotropin màng đệm. Hay còn gọi là beta hCG. Thực tế, que thử thai thể hiện vạch như thế nào là do nồng độ beta hCG có tồn tại trong cơ thể hay không.
Trong quá trình mang thai, nhau thai phát triển từ một vài tế bào thành một cơ quan. Đến tuần thứ 12, nhau thai được hình thành và sẵn sàng tiếp nhận nuôi dưỡng em bé. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục phát triển về kích thước trong suốt thai kỳ của bạn. Nó được coi là hoàn tất việc trưởng thành sau 34 tuần.
Trong điều kiện bình thường, nhau thai sẽ bám vào thành tử cung. Khi quá trình mang thai tiến triển, nó sẽ di chuyển cùng với tử cung đang lớn dần.
Những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến nhau thai?
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến nhau thai trong thời kỳ mang thai. Những vấn đề thường gặp ở nhau thai có thể gây ảnh hưởng cho mẹ và thai nhi sẽ được đề cập đến ở mục sau.
Những yếu tố sẽ nêu sau đây, có những yếu tố kiểm soát được, một số thì không thể kiểm soát. Ví dụ:
Tuổi mẹ
Một số vấn đề về nhau thai phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi, đặc biệt là sau 40 tuổi.
Vỡ ối trước khi chuyển dạ
Khi mang thai, em bé của bạn được bao bọc và đệm bởi một lớp màng chứa đầy chất lỏng gọi là túi ối. Nếu túi ối bị rò rỉ hoặc vỡ ra trước khi quá trình chuyển dạ bắt đầu, còn được gọi là vỡ ối sớm hoặc vỡ ối non. Lúc này nguy cơ mắc một số vấn đề về nhau thai sẽ tăng lên.
Xem thêm: Ối vỡ non: Định nghĩa, dấu hiệu, cách xử trí
Huyết áp cao
Huyết áp cao có thể ảnh hưởng đến nhau thai khi mang thai.
Xem thêm: Tăng huyết áp: Vấn đề cần được quan tâm khi mang thai
Song thai hoặc đa thai khác
Nếu mang thai nhiều hơn một em bé, bạn có thể tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về nhau thai.
Rối loạn đông máu
Bất kỳ tình trạng nào làm giảm hoặc làm tăng khả năng đông máu đều làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về nhau thai.
Đã từng phẫu thuật tử cung
Nếu bạn đã từng phẫu thuật tử cung trước đó, trường hợp như: sinh mổ, phẫu thuật cắt bỏ u xơ cơ tử cung, v.v. Sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhau cài răng lược, nham bám vết mổ cũ.
Có tiền sử các vấn đề về nhau thai trước đây
Nếu bạn từng gặp vấn đề về nhau thai trong lần mang thai trước, bạn có thể có nguy cơ gặp lại nó cao hơn.
Sử dụng chất kích thích
Một số vấn đề về nhau thai sẽ tăng cao hơn ở phụ nữ hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích trong khi mang thai.
Chấn thương bụng
Chấn thương vùng bụng – chẳng hạn như do ngã, tai nạn ô tô hoặc các loại va đập khác – làm tăng nguy cơ nhau thai tách khỏi tử cung trước khi sinh. Tình trạng này còn gọi là nhau bong non.
Những vấn đề về nhau thai thường gặp nhất?
Trong thời kỳ mang thai, các vấn đề về nhau thai có thể xảy ra bao gồm: nhau bong non, nhau tiền đạo và sót nhau. Những tình trạng này có thể gây chảy máu âm đạo nhiều.
Nhau bong non
Nếu nhau bong ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh – một phần hoặc toàn bộ – tình trạng này được gọi là nhau bong non. Nhau bong non có thể làm hạn chế dẫn oxy và chất dinh dưỡng đến em bé. Đồng thời làm cho mẹ bị chảy máu nhiều.
Nhau tiền đạo
Tình trạng này xảy ra khi bánh nhau che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung – lối ra của tử cung. Nhau tiền đạo phổ biến hơn ở giai đoạn đầu của thai kỳ và có thể cải thiện vị trí khi tử cung lớn lên.
Nhau tiền đạo có thể gây chảy máu âm đạo nghiêm trọng khi mang thai hoặc sinh nở. Việc xử trí tình trạng này phụ thuộc vào lượng máu chảy ra, máu có ngừng chảy hay không, thai kì bao nhiêu tuần, vị trí của bánh nhau, sức khỏe của bạn và thai nhi. Nếu nhau tiền đạo vẫn còn tồn tại trong tam cá nguyệt thứ ba, bác sĩ có thể đề nghị mẹ mổ lấy thai chủ động.
Nhau cài răng lược
Thông thường, bánh nhau sẽ bong ra khỏi thành tử cung sau khi sinh con. Với nhau cài răng lược, một phần hoặc toàn bộ bánh nhau vẫn bám chặt vào thành tử cung. Tình trạng này xảy ra khi các mạch máu và các bộ phận khác của bánh nhau phát triển quá sâu vào thành tử cung. Nhau cài răng lược có thể gây mất máu nghiêm trọng trong khi sinh.
Sót nhau
Nếu nhau không tự bong tróc trong vòng 30 phút sau khi sinh, bác sĩ sẽ chủ động bóc nhau nhân tạo.
Một số trường hợp nhau bong không hết hoặc khi bóc nhau nhân tạo không soát lòng tử cung kĩ sẽ đẫn đến sót nhau trong tử cung. Nếu không được điều trị, phần nhau sót có thể gây nhiễm trùng nặng hoặc mất máu rỉ rả đe dọa tính mạng người mẹ.
Hãy gặp bác sĩ hoặc đến cơ sở Sản phụ khoa trong khi mang thai nếu bạn có
- Chảy máu âm đạo.
- Đau bụng.
- Đau lưng nhiều.
- Xuất hiện cơn co tử cung gây đau.
Có thể làm gì để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về nhau thai?
Hầu hết các vấn đề về nhau thai không thể được ngăn chặn trực tiếp. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện các việc sau đây để hướng đến một thai kỳ khỏe mạnh:
- Thường xuyên thăm khám thai theo lịch của bác sĩ Sản phụ khoa. Nhờ có các thiết bị tân tiến, chẳng hạn như siêu âm, sẽ phát hiện sớm các bất thường về nhau thai (nếu có). Từ đó sẽ định hướng theo dõi và thiết lập quản lý thai nghén chặt chẽ hơn.
- Trao đổi và nhận sự tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn khi có bất kỳ tình trạng sức khỏe nào, chẳng hạn như huyết áp cao.
- Không hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích khi mang thai.
- Nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro trước khi quyết định tự chọn sinh mổ.
Nếu bạn gặp vấn đề về nhau thai trong lần mang thai trước và đang có kế hoạch mang thai lại. Hãy trao đổi với bác sĩ về những cách để giảm nguy cơ gặp lại tình trạng này. Ngoài ra, nếu bạn đã từng phẫu thuật liên quan đến tử cung, hãy cung cấp điều này cho bác sĩ. Khi có đầy đủ các thông tin, bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và con trong suốt thai kỳ.
Nhau thai được tống xuất ra khỏi âm đạo như thế nào?
Nếu bạn sinh con qua đường âm đạo, bạn cũng sẽ tống xuất nhau thai qua đường âm đạo – trong giai đoạn thứ ba của quá trình chuyển dạ.
Xem thêm: Quá trình chuyển dạ và sinh nở diễn ra như thế nào?
Sau khi sinh, bạn sẽ tiếp tục có những cơn co thắt nhẹ. Tuy nhiên bác sĩ có thể cho bạn một loại thuốc gọi là oxytocin (Pitocin) để tiếp tục co bóp tử cung và giảm chảy máu sau sinh. Bác sĩ đỡ sanh cũng có thể xoa bóp vùng bụng dưới của bạn để khuyến khích tử cung co bóp và tống xuất nhau ra ngoài. Nếu bạn sinh mổ, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy nhau thai ra khỏi tử cung của bạn trong quá trình phẫu thuật.
Khi bánh nhau xuất ra khỏi tử cung, bác sĩ sẽ kiểm tra tính toàn vẹn của bánh nhau. Điều này để đảm bảo rằng không có nhau sót trong lòng tử cung. Bất kỳ phần nhau sót nào trong lòng tử cung đều phải được rà soát và bóc nhân tạo. Khi phần nhau sót không được phát hiện, sẽ gây nhiễm trùng hoặc mất máu rỉ rả kéo dài.
Nếu bạn có thắc mắc hoặc các vấn đề về nhau thai. Hãy chia sẻ nhưng mối bận tâm này với bác sĩ đang phụ trách thai nghén của bạn. Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của nhau thai trong thai kỳ. Đồng thời đưa ra các giải pháp và tiên lượng khi có các vấn đề về nhau thai.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Placenta: How it works, what's normalhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/placenta/art-20044425
Ngày tham khảo: 08/10/2020
-
Placenta Delivery: What to Expecthttps://www.healthline.com/health/pregnancy/placenta-delivery
Ngày tham khảo: 08/10/2020