Chườm nóng và chườm lạnh: bạn có đang làm đúng cách?
Nội dung bài viết
Chắc có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc khi nghe về chườm nóng và chườm lạnh. Sau khi bị chấn thương hay đau, mọi người thường hay có xu hướng dùng túi đá hay dùng trứng gà nóng để chườm và lăn trên vị trí đau. Tuy nhiên khi nào nên chườm nóng, khi nào nên chườm lạnh? Nếu dùng sai hai phương pháp này sẽ gây hại gì?
1. Chườm lạnh
Nguyên tắc điều trị của liệu pháp chườm lạnh là làm giảm lưu lượng máu đến một khu vực bị thương. Vì sao lại vậy? Khi bị chấn thương trong giai đoạn đầu, tốc độ máu đến khu vực tổn thương này sẽ tăng lên.
Khi chườm lạnh, độ lạnh sẽ làm cho mạch máu ở khu vực tổn thương này đột ngột co lại. Dẫn đến tốc độ dòng máu chậm lại và giảm tuần hoàn tại chỗ, giảm tiêu thụ oxy, giảm chuyển hóa, giảm tính thấm thành mạch và khả năng xuyên mạch của bạch cầu. Từ đó giảm phản ứng viêm và đau cấp, giảm phù nề, giảm trương lực co cơ. Nó cũng làm tê vùng tổn thương nên cũng có tác dụng giảm đau cục bộ.
Chườm lạnh có thể giúp điều trị các vấn đề về khớp hoặc cơ bị sưng và viêm. Nó chỉ có hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ sau chấn thương. Chú ý rằng nó chỉ có hiệu quả khi được thực hiện đúng cách và điều độ. Để một túi nước đá trên da quá lâu sẽ chỉ làm cho vết thương của bạn trầm trọng hơn.
Các phương pháp chườm lạnh
Một số cách sử dụng liệu pháp lạnh bao gồm:
- Sử dụng một túi chườm lạnh hoặc một túi lạnh bằng hóa chất áp trực tiếp vào khu vực bị viêm trong 20 phút, cứ sau 4 đến 6 giờ, trong 3 ngày.
- Ngâm hoặc nhúng vị trí tổn thương trong nước lạnh, nhưng không dùng nguyên tảng đá.
- Mát xa khu vực tổn thương bằng một khối đá lạnh hoặc một túi nước đá theo chuyển động tròn từ 2-5 lần một ngày, trong tối đa 5 phút, để tránh bị bỏng lạnh.
Trong trường hợp mát xa bằng nước đá, nước đá có thể được bôi trực tiếp lên da. Không nên chườm đá trực tiếp vào các phần xương cột sống.
Trong trường hợp không mua được những túi chườm lạnh chuyên biệt. Bận có thể dùng túi nước đá thay thế. Nhưng không áp lên da quá lâu sẽ gây bỏng lanh.
Nên chườm lạnh trong những tính huống nào?
Như đã mô tả ở trên. Chườm lạnh có tác dụng trong những trường hợp viêm cấp. Do vậy, các chỉ định của chườm lạnh chủ yếu trong trường hợp viêm mới như:
- Chườm lạnh được chỉ định trong các chứng đau cấp như: đau răng, đau đầu, đau ngay sau chấn thương.
- Giảm viêm cấp.
- Hạ thân nhiệt khi sốt cao.
- Hạn chế chảy máu, côn trùng cắn, nổi ban, đau đầu migraine.
- Giảm đau trong một số trường hợp tổn thương thần kinh ngoại vi, đau co cứng cơ, những đợt gout bùng phát.
>> Xem thêm: 4 sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt
Những trường hợp nào không nên chườm lạnh?
Chườm lạnh không nên sử dụng trong các trường hợp:
- Vị trí tổn thương là vết thương hở.
- Những người nhạy cảm với lạnh, dễ bị tê khi lạnh.
- Những người có bệnh lí về mạch máu, hoặc có bệnh lí về hệ thần kinh giao cảm gây ảnh hưởng đến lưu lượng dòng máu.
- Đối với những trường hợp đau lưng, chườm lạnh có vẻ không hiệu quả. Có lẽ đa phần đau lưng là đau mãn tính và thường là do căng cơ nên khi chườm lạnh sẽ làm nặng hơn các triệu chứng. Chưa hết vị trí lưng gần cột sống. Một vị trí nhạy cảm không nên áp lạnh vào vị trí cột sống này.
2. Chườm nóng
Trái ngược với chườm lạnh là dùng trên những tổn thương cấp tính thì chườm nóng được áp dụng trên những tổn thương mãn tính. Chườm lạnh làm co mạch máu vùng tổn thương nên sẽ làm giảm tiến trình sưng viêm. Ngược lại chườm nóng lại làm giãn mạch máu ra, từ đó làm tăng lưu lượng máu tới vùng tổn thương.
Vì sao vậy? đối với các tổn thương hay đau mãn tính. Lượng máu qua khu vực mãn tính cũng giảm hơn, cơ khu vực này thường xuyên phải căng lên cộng với lượng máu tới giảm nên làm tăng lượng acid lactic (một loại acid gây tăng đau mỏi cơ). Từ đó, khi sử dụng chườm nóng, cơ được giãn ra, mạch máu cũng giãn ra làm tăng lưu lượng dòng máu đến vị trí tổn thương. Giúp loại bỏ sự tích tụ của acid lactic.
Một số phương pháp chườm nóng
Các loại trị liệu nhiệt bao gồm:
- Các thiết bị sưởi ấm an toàn cho khu vực đau. Bao gồm các miếng sưởi điện, chai nước nóng, túi nén nóng hoặc bọc nhiệt.
- Ngâm vị trí đau trong bồn nước nóng, từ 92 đến 100 độ F hoặc 33 đến 37,7 độ C.
- Chườm nóng thường được áp lên khu vực tổn thương trong 20 phút, tối đa ba lần một ngày, trừ khi có chỉ định khác.
Nên chườm nóng khi nào?
Như đã giải thích ở trên, chườm nóng có hiệu quả trong những trường hợp viêm mạn tính. Nên nó có hiệu quả trong những trường hợp đau cơ xương khớp mãn tính và kéo dài, đau đầu dạng căng thẳng, đau bụng kinh,… Lưu ý không chườm nóng quá lâu 20 phút và không để nhiệt độ quá nóng sẽ gây bỏng da.
Không nên chườm nóng khi nào?
- Vết thương hở, vết thương sưng nóng đỏ.
- Những người nhạy cảm với nhiệt hay có bệnh lí mạch máu.
- Đặc biệt, với các ổ viêm đã có mủ, viêm cấp, chấn thương mới đang sung huyết, các khối u ác tính, lao, vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, giãn tĩnh mạch da thì không dùng được phương pháp phương nóng.
>> Xem thêm: Bị sưng sau tai, nguyên nhân là gì?
Tổng kết
Chườm nóng và chườm lạnh là một phương pháp tự điều trị rất phổ biến. tuy nhiên việc không hiểu kĩ về các phương pháp này sẽ không hiệu quả thậm chí còn gây hại thêm. Hãy nhớ chỉ chườm lạnh cho những vết thương cấp tính và chườm nóng trên những vết thương mãn tính. Nếu bạn vẫn chưa rõ, hãy hỏi thêm ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các phương pháp này nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hot or cold: Which therapy works best?https://www.medicalnewstoday.com/articles/29108#heat_therapy
Ngày tham khảo: 07/05/2020