Châm cứu khi mang thai có hiệu quả và an toàn?
Nội dung bài viết
Có thể nói rằng, mang thai là một quá trình đầy vất vả của người phụ nữ. Bởi từng giai đoạn, đều có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cả cơ thể và tâm lý của họ. Việc sử dụng các phương pháp điều trị trong thời gian này cũng cần được cân nhắc kỹ càng. Các liệu pháp không dùng thuốc ngày càng được quan tâm hơn, trong đó có châm cứu. Vậy châm cứu khi mang thai có an toàn và hiệu quả? Hãy cùng YouMed tìm hiểu và khám phá nhé.
Người có thai châm cứu được không
Từ xa xưa, châm cứu là phương pháp chữa bệnh truyền thống và thông dụng ở Trung Quốc. Qua quá trình lâu dài được nghiên cứu và ứng dụng, châm cứu được khoa học thừa nhận là phương pháp điều trị bệnh hữu ích. Ngoài ra, theo y học hiện đại, châm cứu sẽ tác động các tế bào thần kinh, kích thích não giải phóng chất giảm đau, điều hòa hormone…
Bên cạnh đó, theo y học cổ truyền, liệu pháp này hoạt động dựa trên nguyên tắc thiết lập sự cân bằng dòng chảy của năng lượng, nhằm giải quyết các vấn đề của cơ thể. Dùng kim châm vào huyệt đạo-nơi tụ lại của năng lượng (khí) tạng phủ, kinh lạc, cân cơ,…Việc làm này, sẽ giúp kích thích các vị trí và bộ phận tương ứng của cơ thể, đạt được hiệu quả mong muốn trong phòng và điều trị bệnh.
Đã có rất nhiều nghiên cứu về việc châm cứu khi mang thai liệu có an toàn không? Và cho tới thời điểm này, vẫn không có bằng chứng cho thấy liệu pháp có hại cho thai phụ. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành cho thấy, châm cứu khi mang thai cũng không làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hay ảnh hưởng lên thai nhi.
Những lợi ích của châm cứu đối với sức khỏe mẹ và bé
Thời kỳ mang thai kéo dài mệt mỏi, mẹ bầu đôi khi không thể tránh việc mắc một số bệnh lý, ảnh hưởng đến cơ thể. Có thể kể đến như:
Giảm đau
Nhiều thai phụ đã lựa chọn châm cứu thay cho dùng các loại thuốc giảm đau. Bởi liệu pháp này không chỉ hỗ trợ giảm khó chịu của đau đầu, đau nhức khớp, cơ… mà còn hạn chế được rủi ro khi sử dụng thuốc.
Ốm nghén, buồn nôn, nôn
Là hiện tượng thường gặp vào buổi sáng, xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, có thể do rối loạn nội tiết, thể dịch, giao cảm… tùy theo cơ địa mỗi người. Theo đông y, châm cứu có thể hỗ trợ các trường hợp nôn nhẹ do thai khí nghịch lên, vị mất chức năng giáng hóa, khí huyết không điều hòa. Đặc biệt nên kết hợp với các phương pháp khác nếu tình trạng nặng hơn như mất nước, mạch nhanh, có dấu hiệu bệnh lý thực thể, nhiễm độc…
Phù khi có thai
Tình trạng hay xuất hiện vào tháng thứ 3 trở đi, cần theo dõi kỹ huyết áp, protein niệu và các triệu chứng khác để phòng ngừa chứng sản giật. Nguyên nhân hầu hết là do chức năng Tỳ hư không vận hóa được thủy thấp, do khí trệ…Vì vậy, châm cứu giúp lợi thủy, hành khí hóa trệ, thông kinh lạc… hỗ trợ điều trị tình trạng này.
Chuyển dạ kéo dài
Tình trạng sinh đẻ chậm, ảnh hưởng đến sự ra đời của trẻ. Nguyên nhân có thể do dạ con co bóp chậm và yếu. Ở một số tài liệu, châm cứu có thể kích thích chuyển dạ bằng cách tăng sự co bóp dạ con.
Tinh thần căng thẳng, lo lắng
Châm cứu khi mang thai hỗ trợ giấc ngủ, điều hòa hormone, giảm căng thẳng…
Bên cạnh đó, các liệu pháp điều trị không dùng thuốc nói chung và châm cứu nói riêng hầu như không đau đớn, khó chịu, mang lại sự thoải mái. Hơn nữa, chúng còn giúp hạn chế các vấn đề lo lắng khi sử dụng thuốc trong thai kỳ, tránh tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến thai nhi của một số loại dược chất.
Thời điểm mẹ bầu có thể bắt đầu châm cứu
Theo một số tài liệu, có thể bắt đầu châm cứu vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.
Ngay từ những tháng đầu tiên (tam cá nguyệt đầu), mẹ bầu có thể lựa chọn châm cứu như là phương pháp giảm căng thẳng, đau mỏi, ốm nghén khó chịu…bởi những thay đổi trong cơ thể đầu tiên. Liệu pháp giúp nâng cao sức khỏe, tạo hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ tuyệt vời cho mẹ và bé.
Các tháng tiếp theo, mẹ bầu luôn phải đối mặt với các vấn đề đau lưng, trầm cảm, căng thẳng,… Châm cứu sẽ hỗ trợ giảm thiểu các vấn đề trên, cân bằng nội tiết tố, điều chỉnh tâm trạng…
Ở giai đoạn cuối cùng của thai kỳ, châm cứu vẫn có thể được sử dụng như liệu pháp kích thích chuyển dạ hiệu quả. Nghiên cứu trên các thai phụ có thai từ 39-41 tuần tuổi tại đại học Bắc Carolina cho thấy: 20% đối tượng áp dụng phương pháp này sẽ dễ sinh nở hơn.
Những cách châm cứu dành cho mẹ bầu trong và sau sanh
Quá trình thực hiện châm cứu khi có thai cần phải kích thích nhẹ nhàng, thời gian vừa phải. Có thể áp dụng kỹ thuật châm thông thường, điện châm, nhĩ châm, thủy châm, cứu… theo chỉ định bác sĩ.
Kích thích chuyển dạ
Châm cứu: các huyệt Hợp cốc, Tam âm giao, Thái xung, Chí âm, Độc âm.
Ý nghĩa:
- Hợp cốc, Tam âm giao: lợi khí, hoạt huyết, tăng co bóp dạ con.
- Chí âm, Độc âm: trị khó sinh, thúc đẻ.
Cách châm: Từ lúc cổ tử cung mở, bắt đầu kích thích liên tục trong 15 phút các huyệt Tam âm giao, Hợp cốc và cứu hai huyệt Chí âm, Độc âm.
Nhĩ châm: các vùng Nội tiết, Tử cung, Thận, Lách.
An thần
Sử dụng các huyệt: Bách hội, Thượng tinh, Thái dương, Phong trì
Nôn ói
Các huyệt Túc tam lý, Nội quan, Giản sử, Thiên đột…kích thích nhẹ vừa phải.
Tắc tia sữa
Hiện tượng bà mẹ khi cho bú thì bầu vú bị tắc tia sữa, sữa không xuống được. Điều này dễ dẫn đến áp xe vú nếu không được điều trị kịp thời.
Châm tả: A thị huyệt, Kiên tĩnh, Hợp cốc, Chiên trung, Nhũ căn, Thái xung, Hành gian, Phong long…
Châm bổ: Tam âm giao, Âm lăng tuyền, Can du, Đởm du.
Đặc biệt lưu ý: Không được châm vào núm vú.
Hoặc Nhĩ châm các vùng loa tai sau: Tuyến vú, Nội tiết, Giao cảm, Thần môn, Đại trường…
Thiếu sữa
Do vú không căng, sữa không xuống đủ nhu cầu của trẻ. Nguyên nhân có thể do suy nhược, chán ăn, tinh thần lo lắng, cho con bú không đúng cách…
Kích thích vừa phải huyệt Đản trung, Nhũ căn, Thiếu trạch, Túc tam lý…Trong đó, châm Đản trung hướng chếch kim từ ngoài vào vú; huyệt Nhũ căn hướng mũi kim lên trên.
Ý nghĩa: Nhũ căn, Thiếu trạch là huyệt tác dụng thông sữa, còn Đản trung là điều hòa khí huyết.
Hoặc có thể nhĩ châm vào các vùng Ngực, Nội tiết, Tuyến thượng thận,…
Rủi ro có thể gặp phải khi châm cứu
Bất kỳ phương pháp điều trị nào đều có thể gặp tác dụng phụ, đặc biệt với thai phụ. Dù châm cứu khi mang thai được xem là liệu pháp khá an toàn. Thế nhưng, một số rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp này. Đó là việc kích thích một số huyệt đạo trên cơ thể có thể gây co thắt tử cung, dễ dẫn đến sinh non hay sảy thai. Ngoài ra, các sản phụ có cơ địa nhạy cảm, dễ sinh non, mắc bệnh lý cấp cứu…cũng không nên châm cứu.
Mỗi liệu trình châm cứu không nên kéo quá dài, khoảng 15 phút. Nếu thai phụ cảm thấy bất kì cơn đau hay khó chịu nào nên dùng ngay việc châm cứu.
Bên cạnh đó, những rủi ro khác có thể gặp phải khi châm cứu như vựng châm, gãy kim, đau nhức, chảy máu khi rút kim… Do đó, thai phụ cần cân nhắc kỹ và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ có chuyên môn trước khi điều trị. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn và hạn chế tác dụng không mong muốn, mẹ bầu nên đến những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, đưa ra phác đồ thích hợp với tình trạng bệnh.
Sau khi sinh con có nên tiếp tục châm cứu?
Như chúng ta đã biết rằng, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu nhất cho trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp sau sinh gặp vấn đề về lượng sữa như tắc tia sữa, thiếu sữa…thường xuyên xảy ra. Châm cứu không chỉ hỗ trợ điều tiết lượng sữa mẹ mà còn giảm những mệt mỏi, căng thẳng của phụ nữ trong thời gian này. Chính vì vậy mà, việc châm cứu sau sinh là điều an toàn và phải được thực hiện dưới sự theo dõi của người có chuyên môn.
Những phương pháp Đông y khác giúp hỗ trợ sức khỏe cho thai phụ
Để tránh những rủi ro có thể gặp trong quá trình châm cứu, thai phụ có thể lựa chọn những phương pháp điều trị không dùng thuốc khác như xoa bóp bấm huyệt vào các huyệt đạo nhẹ nhàng. Điều này cũng mang lại tác dụng như giảm đau, giãn cơ, thư giãn, an thần…
Sau sinh, phụ nữ bị tắc tia sữa hãy thực hiện các động tác xoa bóp bấm huyệt: xoa, xát, bóp, day bên vú bị tắc kèm bấm huyệt Đản trung, Trung Phủ, Vân môn, Nhũ căn, Trung quản…và day bổ huyệt Tam âm giao, Can du…
Điều quan trọng không kém là trước, trong và sau thai kỳ, mẹ bầu phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, cùng với nghỉ ngơi hợp lí, tinh thần thoải mái và tập luyện vận động nhẹ nhàng nhằm nâng cao sức khỏe.
Có thai châm cứu được không là câu hỏi mà rất nhiều mẹ bầu quan tâm? Dù hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh về tính an toàn của châm cứu khi mang thai. Tuy nhiên, để hạn chế những rủi ro không đáng có, thai phụ nên đến gặp bác sĩ có chuyên môn, những cơ sở y tế uy tín để được tư vấn về tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bộ y tế. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu.
- Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc (2000). Châm cứu học Trung Quốc. NXB Y học.
- Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam (2011). Giáo trình châm cứu
- Trường Đại học Y Hà Nội. Châm cứu. NXB Y học (2005)
- Trường Đại học Y Hà Nội. Bài giảng Y học cổ truyền tập 1, 2. NXB Y học
-
The safety of acupuncture during pregnancy: a systematic reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4112450/
Ngày tham khảo: 26/06/2021
-
Acupuncture – can it help pregnancy?https://www.irishtimes.com/life-and-style/health-family/acupuncture-can-it-help-pregnancy-1.2999825
Ngày tham khảo: 26/06/2021