Cortisol: Hormone giảm stress và những điều nên biết
Nội dung bài viết
Cortisol thường được gọi là “hormone chống stress” bởi vì nó được tiết ra để phản ứng lại stress. Hiệu quả cortisol mang lại gồm: tăng sức mạnh tạm thời, cải thiện hiệu quả làm việc, tăng tốc độ phản ứng, cải thiện hoạt động của não, làm giảm đau… Đây là một đáp ứng bảo vệ tự nhiên, xảy ra khi ta nhận thức được mối đe dọa. Tuy nhiên, vai trò của cortisol không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn tham gia vào quá trình chuyển hóa, đáp ứng miễn dịch khác trong cơ thể. Hiểu về cortisol và tác động của cortisol sẽ giúp bạn cân bằng hormone và đạt được sức khỏe tốt. Hãy cùng Bác sĩ Đào Thị Thu Hương tìm hiểu qua bài viết sau.
Cortisol là gì?
Cortisol là một hormone steroid và được sản xuất ở vỏ tuyến thượng thận. Sự tiết hormone này được kiểm soát bởi vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến thượng thận. Sự kết hợp của các tuyến trên thường được gọi là trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận.
Quá trình điều chỉnh nồng độ cortisol trong cơ thể như thế nào?
Nồng độ cortisol trong máu thay đổi trong suốt cả ngày. Nhưng nhìn chung sẽ cao hơn vào buổi sáng khi chúng ta thức dậy và sau đó giảm trong ngày. Điều này được gọi là một nhịp điệu ngày đêm. Ở những người làm việc vào ban đêm, mô hình này bị đảo ngược. Do đó, thời gian giải phóng cortisol liên kết chặt chẽ với mô hình hoạt động hằng ngày.
Ngoài ra, để đối phó với căng thẳng, cortisol được giải phóng để giúp cơ thể phản ứng thích hợp. Lượng cortisol trong cơ thể còn được điều khiển bởi chế độ ăn uống và hoạt động thể chất.
Sự tiết cortisol chủ yếu được kiểm soát bởi ba vùng của cơ thể: vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến thượng thận. Đây được gọi là trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận. Khi nồng độ cortisol máu thấp, một nhóm tế bào trong não là vùng dưới đồi giải phóng hormone CRH. Hormone này khiến tuyến yên tiết ra hormone ACTH và kích thích tuyến thượng thận tiết cortisol vào máu. Cuối cùng, nồng độ cortisol trong máu tăng lên. Khi nồng độ cortisol tăng lên, chúng bắt đầu ngăn chặn sự giải phóng hormone CRH từ vùng dưới đồi và hormone ACTH từ tuyến yên. Do đó, nồng độ hormone ACTH bắt đầu giảm, dẫn đến giảm nồng độ cortisol. Đây được gọi là một vòng phản hồi âm (ức chế).
Tác động đến cơ thể
Cortisol, giống như tất cả các hormone steroid, là một hoạt chất mạnh. Các hormone steroid có khả năng xâm nhập vào tế bào và thay đổi hoạt động của gen trong DNA.
Hầu hết các tế bào cơ thể có thụ thể cortisol. Vì vậy nên nó ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể.
- Chức năng chính của cortisol là kích thích tế bào sản xuất glucose từ protein và axit béo. Quá trình này được gọi là tổng hợp glucose. Những gì cortisol đang làm là tiết kiệm glucose cho não. Nó buộc cơ thể sử dụng axit béo từ chất béo dự trữ làm năng lượng. Cortisol cũng buộc phân hủy protein được lưu trữ thành axit amin để cơ thể có thể sử dụng chúng. Các axit amin này giúp tạo enzyme hoặc sửa chữa tế bào.
- Cortisol có tác dụng kiểm soát cân bằng muối và nước và giúp kiểm soát huyết áp. Tăng huyết áp làm tăng lưu lượng máu. Từ đó, nó giúp phân phối glucose và các chất dinh dưỡng khác càng nhanh càng tốt cho các tế bào.
- Cuối cùng, cortisol giúp cơ thể chống lại căng thẳng và giảm phản ứng viêm cũng như phản ứng miễn dịch tổng thể trong cơ thể. Do đó, căng thẳng gây ra sự gia tăng lượng glucose, axit béo và axit amin trong máu. Tất cả được thúc đẩy bởi cortisol.
Ở phụ nữ, cortisol cũng hỗ trợ thai nhi phát triển trong thai kỳ. Tất cả các chức năng này làm cho cortisol trở thành một hormone quan trọng để bảo vệ sức khỏe.
Điều gì xảy ra nếu chúng ta có quá nhiều cortisol?
Quá nhiều cortisol trong thời gian dài có thể dẫn đến một tình trạng gọi là hội chứng Cushing. Điều này có thể được gây ra bởi một loạt các yếu tố. Chẳng hạn như khối u tiết hormone ACTH (do đó làm tăng tiết cortisol), dùng một số loại thuốc. Các triệu chứng bao gồm:
- Tăng cân nhanh chủ yếu ở mặt, ngực và bụng. Tương phản với điều đó là cánh tay và chân lại thon mảnh.
- Một khuôn mặt đỏ ửng và tròn.
- Huyết áp cao.
- Loãng xương.
- Thay đổi làn da (vết thâm và vết rạn màu tím).
- Yếu cơ.
- Thay đổi tâm trạng, thể hiện sự lo lắng, trầm cảm hoặc cáu kỉnh.
- Tăng tần suất khát và đi tiểu.
Nồng độ cortisol cao trong một thời gian dài cũng có thể gây ra tình trạng thiếu ham muốn tình dục và ở phụ nữ. Thời gian một chu kỳ kinh có thể trở nên bất thường. Kinh nguyệt ít thường xuyên hơn hoặc ngừng hoàn toàn (vô kinh).
Ngoài ra, có một mối liên hệ lâu dài giữa việc điều chỉnh tăng hoặc giảm mức độ cortisol và một số tình trạng tâm thần như lo lắng và trầm cảm. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc này vẫn chưa được hiểu rõ ràng.
Điều gì xảy ra nếu chúng ta có quá ít cortisol?
Quá ít cortisol có thể là do vấn đề ở tuyến yên hoặc tuyến thượng thận (bệnh Addison). Sự khởi đầu của các triệu chứng thường rất chậm. Các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, chóng mặt (đặc biệt là khi đứng), giảm cân, yếu cơ, thay đổi tâm trạng và làm tối các vùng da.
Đôi khi, sự giảm sản xuất cortisol có thể kết hợp với stress gây ra suy tuyến thượng thận. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị. Những triệu chứng của có thể gồm:
- Đau khởi phát đột ngột tại vùng thắt lưng, bụng, hoặc chân.
- Nôn ói và tiêu chảy, dẫn đến mất nước.
- Hạ huyết áp.
- Rối loạn tri giác.
Thăm khám khẩn cấp bởi một bác sĩ chuyên khoa Nội tiết là cần thiết khi nghi ngờ mắc phải hội chứng Cushing hoặc bệnh Addison. Khi đó, một xét nghiệm kiểm tra nồng độ corticol có thể được đề nghị.
Sự xáo trộn cortisol ở phụ nữ và nam giới có gì khác biệt không?
Ở phụ nữ
Có thể thấy các dấu hiệu xáo trộn hormone ở phụ nữ bằng sự xuất hiện của các triệu chứng như nhịp tim nhanh bắt đầu trước khi có kinh nguyệt. Khi căng thẳng xảy ra, họ muốn sử dụng một số loại thực phẩm, chẳng hạn như đồ ngọt. Mức độ hormone tăng lên ở tuổi dậy thì và tăng nhiều lần trong thai kỳ. Giảm nồng độ bắt đầu với thời kỳ mãn kinh.
Nồng độ cortisol trong máu của phụ nữ vào buổi sáng là từ 130 đến 610 nmol/l. Thiếu hụt có thể gây ra:
- Tăng rậm lông.
- Nổi các nốt phát ban.
- Sự xuất hiện của nhiều đốm sắc tố.
- Rối loạn kinh nguyệt. Tăng khoảng cách giữa các chu kỳ, giảm lượng kinh, ngưng ra kinh hoàn toàn.
- Mất khả năng sinh sản.
Điều này bộc lộ các tác dụng của hormone testosterone trên cơ thể phụ nữ.
Ở nam giới
Hormone này có tác dụng đặc biệt đối với cơ thể của nam giới. Nó là kẻ thù của testosterone. Testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển của tinh trùng, làm tăng ham muốn tình dục. Với một cơ thể ổn định, các hormone được cân bằng. Khi nồng độ cortisol tăng, testosterone giảm, nhiều vấn đề phát sinh.
Nồng độ cortisol trong máu của nam giới vào buổi sáng là 65 – 330 nmol/l. Khi nồng độ cortisol tăng sẽ gây ra các triệu chứng:
- Giảm khối cơ bắp.
- Trầm cảm.
- Đẩy nhanh quá trình lão hóa.
- Rối loạn tinh thần.
- Vấn đề tình dục.
>> Nam giới có nhiều “tâm sự” thầm kín trong chuyện tình dục vì một số bệnh lý đặc thù, ví dụ như rối loạn cương. Đọc thêm: Rối loạn cương ở nam giới: Cương cứng kéo dài.
- Tăng sức căng cơ bắp trong quá trình tập thể hình.
- Sự xuất hiện của cơn đau sau khi tập thể dục.
- Suy yếu, phá hủy cơ bắp.
Bạn nên biết những gì trước khi xét nghiệm nồng độ cortisol?
Hội chứng Cushing thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm tìm cortisol trong nước tiểu 24 giờ thay vì xét nghiệm cortisol trong máu.
Có một vài xét nghiệm khác cũng có thể giúp xác định tình trạng tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Chúng bao gồm xét nghiệm kích thích nội tiết tố vỏ thượng thận (ACTH) và nghiệm pháp ức chế bằng dexamethasone. Xét nghiệm kích thích ACTH có thể được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh Addison.
Nóng, lạnh, nhiễm trùng, chấn thương, luyện tập, béo phì và suy nhược có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ cortisol trong máu của bạn. Thai kỳ, stress về thể lực và cảm xúc có thể làm tăng nồng độ cortisol trong máu. Cortisol có thể giảm do tác động của bệnh cường giáp hay béo phì. Một số thuốc, nhất là thuốc tránh thai đường uống, cortisol tổng hợp và thuốc lợi tiểu spinorolactone có thể làm tăng nồng độ cortisol trong máu của bạn.
Người lớn có nồng độ cortisol hơi cao hơn so với trẻ em.
Trước khi tiến hành kỹ thuật y tế này, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý.
Những điều cần chuẩn bị trước khi thực hiện xét nghiệm nồng độ cortisol?
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm xét nghiệm vào buổi sáng. Điều này rất quan trọng bởi vì mức độ cortisol sẽ thay đổi liên tục trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, nồng độ cortisol cao nhất lúc khoảng 6 – 8 giờ sáng và giảm từ từ đến mức thấp nhất vào nửa đêm.
Bạn cũng sẽ được yêu cầu không tập thể dục mạnh trong vòng một ngày trước khi xét nghiệm.
Bạn có thể được yêu cầu tạm ngưng dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc xét nghiệm. Các loại thuốc này bao gồm:
- Thuốc chống động kinh.
- Estrogen (trong một số loại thuốc tránh thai).
- Androgen.
- Các loại glucocorticoids tổng hợp như hydrocortisone, prednisone và prednisolone (thường dùng như điều trị kháng viêm).
Giải pháp làm cân bằng cortisol cho một cơ thể khỏe mạnh?
Để đưa mức độ hormone trở lại bình thường, bạn cần phải sử dụng thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa và có vitamin C như rau, trái cây và nước ép.
Làm thế nào để giảm cortisol? Chúng ta có thể thực hiện các điều sau đây:
- Cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày.
- Loại bỏ các nguyên nhân gây trầm cảm.
- Tránh căng thẳng quá mức.
- Uống cà phê, trà.
- Tăng lượng protein.
- Uống viên vitamin C.
Để giảm mức độ cao của hormone, có thể thực hiện các điều sau:
- Thư giãn cơ.
- Thiền.
- Giảm cân.
- Dùng corticosterone.
- Uống dầu cá.
- Liệu pháp thay thế testosterone.
- Phương pháp của y học cổ truyền.
- Sử dụng các chất bổ sung trong thể thao – thuốc ức chế hormone.
Cortisol là một hormone rất bận rộn. Nó phải thực hiện nhiều nhiệm vụ để duy trì sự sống của cơ thể. Vì vậy, cần duy trì sự ổn định nồng độ hormone này để nó hoạt động một cách hiệu quả. Sự điều chỉnh và cân bằng cortisol diễn ra mạnh mẽ khi chúng ta ngủ vào buổi tối. Do đó, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi thích hợp, tránh thức khuya góp phần cho một sức khỏe lành mạnh và trẻ trung.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
High Cortisol Symptoms: What Do They Mean?https://www.healthline.com/health/high-cortisol-symptoms
Ngày tham khảo: 29/07/2020
-
Cortisolhttps://en.wikipedia.org/wiki/Cortisol
Ngày tham khảo: 29/07/2020