YouMed

Loãng xương: Những điều cần biết về chẩn đoán và chế độ dinh dưỡng

bác sĩ lê hoàng ngọc trâm
Tác giả: Bác sĩ Lê Hoàng Ngọc Trâm
Chuyên khoa: Tâm thần

Như chúng ta đã biết, loãng xương là một căn bệnh diễn tiến “thầm lặng”. Rất nhiều người phát hiện mình bị loãng xương khi đã bị gãy xương. Vậy làm cách nào để có thể phát hiện căn bệnh này trước khi nó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc?

1. Xét nghiệm BMD trong chẩn đoán loãng xương là gì?

Xét nghiệm BMD, xét nghiệm mật độ khoáng xương hay được gọi là xét nghiệm mật độ xương. Làm xét nghiệm này giúp phát hiện xem bạn có bị loãng xương hay không. Loãng xương là một tình trạng “âm thầm”, có nghĩa hầu như không có bất kỳ triệu chứng nào. Nếu không xét nghiệm mật độ xương, bạn có thể không nhận ra mình bị bệnh này cho đến khi gãy xương.

2. Xét nghiệm kiểm tra mật độ xương BMD có đau không và kéo dài bao lâu?

Kiểm tra mật độ xương không đau và nhanh chóng. Nó ước tính độ đặc hoặc dày của xương bằng cách sử dụng tia X. Các tia X đo lượng canxi và khoáng chất trong một phần xương của bạn. Càng có nhiều khoáng chất thì càng hấp thụ tia nhiều. Điều đó có nghĩa là xương của bạn khỏe hơn, dày hơn và ít có khả năng bị gãy hơn. Hàm lượng khoáng chất của bạn càng thấp thì nguy cơ gãy xương do té ngã càng lớn.

Thông thường, xét nghiệm này kiểm tra xương ở cột sống, xương chậu và cẳng tay của bạn. Đây là những xương dễ bị gãy nhất khi bạn bị loãng xương. Có 2 dạng của xét nghiệm đo mật độ xương.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm cách phục hồi nhanh chóng khi bị gãy xương mắt cá chân

2.1. DEXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry) khu vực trung tâm

Xét nghiệm này tập trung xem xét cột sống và xương chậu của bạn. DEXA chính xác và có giá khá cao. DEXA là viết tắt từ tiếng Anh của “hấp thụ tia X bằng năng lượng kép”.
Trong quá trình kiểm tra, bạn nằm xuống mặt phẳng, mặc quần áo đầy đủ. Một cánh tay máy lướt trên bạn, chiếu tia X liều thấp qua cơ thể. Dựa trên mức độ tia X thay đổi sau khi đi qua xương, xét nghiệm đưa ra hình ảnh về bộ xương của bạn. Xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Xét nghiệm đo mật độ xương bằng DEXA
Xét nghiệm đo mật độ xương bằng DEXA

2.2. Đo mật độ xương ngoại biên

Đây là phương pháp đo ở xương ở cổ tay, ngón tay và gót chân của bạn. Xét nghiệm này tuy rẻ tiền hơn DEXA nhưng ít chính xác hơn. Ưu điểm của phương pháp này bao gồm:

  • Thiết bị được sử dụng là thiết bị cầm tay, vì vậy có thể dễ dàng mang đến các hội chợ và hiệu thuốc. Do đó, phương pháp có thể thực hiện được cho nhiều người.
  • Xét nghiệm này là một cách để sàng lọc, vì vậy những người có nguy cơ mắc loãng xương có thể được tầm soát nhiều hơn.

3. Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm?

Không uống viên bổ sung canxi trong 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.

Tránh mặc quần áo có khóa kéo kim loại, thắt lưng hoặc nút kim loại.

Nếu trước đó bạn đã tiêm barium hoặc thuốc nhuộm tương phản để chụp CT hoặc MRI thì hãy đợi 7 ngày sau mới làm xét nghiệm DEXA khu vực trung tâm. Lý do là vì thuốc nhuộm tương phản có thể ảnh hưởng đến mật độ xương của bạn.

Có rất ít rủi ro khi làm xét nghiệm vì mức phóng xạ rất thấp, ít hơn so với X quang ngực.

4. Đọc kết quả đo mật độ xương BMD như thế nào?

2 chỉ số được nêu ra trong kết quả bao gồm điểm T và điểm Z.

4.1. Điểm T

Điểm này so sánh mật độ xương của bạn với một người trưởng thành trẻ, khỏe mạnh.

  • 1 trở lên: Mật độ xương của bạn là bình thường.
  • 1 đến – 2,5: Mật độ xương của bạn thấp và có thể dẫn đến loãng xương.
  • – 2,5 trở lên: Bạn bị loãng xương.

4.2. Điểm Z

Điểm Z so sánh khối lượng xương bạn có so với những người khác ở cùng độ tuổi, giới tính và kích thước. Nếu điểm Z dưới – 2.0 nghĩa là bạn có khối lượng xương ít hơn so với người cùng tuổi và nguyên nhân có thể do một thứ khác chứ không phải là lão hóa.

5. Những ai nên được thực hiện xét nghiệm đo mật độ xương để chẩn đoán loãng xương?

Bất cứ ai cũng có thể bị loãng xương. Nó phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi nhưng đàn ông cũng có thể bị. Nguy cơ loãng xương tăng lên khi bạn già đi. Một số đối tượng sau nên được chỉ định xét nghiệm:

  • Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên.
  • Phụ nữ mãn kinh từ 50 tuổi trở lên.
  • Bị gãy xương sau 50 tuổi.
  • Giảm hơn 1.5 inch (khoảng 3.8 cm) chiều cao so với trước đó.
  • Lưng bỗng nhiên bị gù.
  • Bị đau lưng mà không có nguyên nhân rõ ràng.
  • Chu kỳ kinh nguyệt của bạn đã ngừng hoặc không đều mặc dù bạn không mang thai cũng không mãn kinh.
  • Những người đã được ghép tạng.
  • Những người bị giảm nồng độ hormone.

6. Bị loãng xương nên ăn gì?

6.1. Canxi

Những nguồn thực phẩm bổ sung canxi tốt nhất là: các chế phẩm từ sữa, phô mai và sữa chua (những loại ít béo là tốt nhất). Những loại sữa làm từ hạt giàu canxi như đậu nành, gạo hoặc yến mạch khá ít béo. Các loại cá ăn được xương chẳng hạn như cá mòi đóng hộp cũng được khuyên dùng.

Nguồn canxi khác bao gồm: các loại rau lá xanh như cải bắp, cải xoăn, bông cải xanh, cải xoong. Một số loại đậu như đậu xanh, một số loại hạt và trái cây khô.

Nếu bạn không thể ăn nhiều sản phẩm từ sữa hoặc các chất thay thế giàu canxi thì có thể cần bổ sung viên canxi uống. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng thuốc.

Các nhóm thực phẩm cung cấp canxi
Các nhóm thực phẩm cung cấp canxi

6.2. Vitamin D

Vitamin D cần thiết cho cơ thể để hấp thụ và xử lý canxi. Một số bằng chứng cho thấy viêm khớp tiến triển nhanh hơn ở những người thiếu vitamin D. Vitamin D đôi khi được gọi là “vitamin ánh nắng” vì nó được cơ thể sản xuất khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Người ta thấy rằng con người sống ở Anh thiếu một chút vitamin D vào mùa đông.

Vitamin D cũng có thể được lấy từ một số thực phẩm, đặc biệt là dầu cá hoặc các chất bổ sung như dầu gan cá. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng vì không nên sử dụng quá nhiều dầu gan cá.

Những nguồn bổ sung vitamin D
Những nguồn bổ sung vitamin D

Với nhiều người, canxi và vitamin D được kê đơn cùng các thuốc điều trị loãng xương khác.

Loãng xương tuy là một căn bệnh thầm lặng nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Việc xác định các yếu tố có nguy cơ gây loãng xương để điều trị phòng ngừa và bổ sung thực phẩm đầy đủ giúp cải thiện hiệu quả phòng chống loãng xương.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Osteoporosis: Diagnosis and Treatmenthttps://www.webmd.com/osteoporosis/guide/understanding-osteoporosis-treatment

    Ngày tham khảo: 28/10/2019

  2. Osteoporosishttps://www.versusarthritis.org/about-arthritis/conditions/osteoporosis/

    Ngày tham khảo: 28/10/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người