Cốt toái bổ: Vị thuốc quý bổ gân cốt
Nội dung bài viết
Cốt toái bổ có tên khoa học là Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J.Sm., thuộc họ Dương xỉ (Polypodiaceae), mọc hoang ở khắp núi đá, trên cây hay dọc suối vùng rừng núi nước ta. Dùng chữa đụng dập chấn thương, đau xương khớp, bong gân, sai khớp, tai ù răng đau, thận hư. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của Cốt toái bổ
1. Giải thích tên gọi
Cốt toái bổ còn có tên gọi là Bổ cốt toái, Co tạng tố (Thái ở châu Quỳnh Nhai), Co in tó (Thái ở Điện Biên). Hay một số tên ít phổ biến khác là Cây tổ phượng, Cây tổ rồng, Tổ điều, Tắc kè đá.
Cốt toái bổ là thân rễ phơi khô của cây bổ cốt toái. Gọi là bổ cốt toái vì người ta cho rằng cây này có tác dụng làm liền những xương đập gãy.
Tên Co tạng tó, vì tạng có nghĩa là đặt vào, tó có nghĩa là liền lại, vì vị thuốc này đặt vào thì làm liền lại. Chữ in có nghĩa là gân, là vì vị thuốc có tác dụng nối liền gân cốt.
2. Phân bố và bào chế
2.1 Phân bố
Cây sống riêng trên các hốc đá, mọc trên những đám rêu, hoặc sống trên các thân cây lớn như cây đa, cây si. Cây sống lâu năm, có thân rễ dày mẫm, phủ nhiều vẩy màu vàng, bóng. Mọc hoang ở khắp núi đá, trên cây hay dọc suối vùng rừng núi nước ta. Còn có mọc ở Lào, Trung Quốc (miền Trung và miền Nam).
Việc thu hái có thể tiến hành quanh năm, vào những lúc ít công việc đồng áng, thường vào các tháng 4 đến tháng 8 – 9.
2.2 Bào chế
Hái về, rửa sạch đất cát, trừ bỏ các lá là dùng được.
Nếu dùng dược liệu khô thì rửa sạch, cạo sạch lông, thái mỏng phơi khô. Có khi tẩm mật hoặc tẩm rượu sao qua. Có thể lấy cát sao khô rồi cho cốt toái bổ đã làm sạch vào, sao đến khi có màu vàng xám, phồng lên. Lấy ra, loại bỏ cát, để nguội đập cho sạch lông.
3. Thành phần hoá học
Trong Cốt toái bổ Drymria fortunei có hesperi – din (CA., 1970, 73, 11382j) và 25 – 34,89% tinh bột (Trung Quốc thực vật chí, 1961, 447).
Những nghiên cứu mới cho thấy trong Cốt toái bổ có tổng cộng 369 hợp chất đã được phát hiện, so với ít hơn 50 hợp chất khi không phân tách. Trong đó có flavonoid, proanthocyanidin, triterpenoids, axit phenolic và lignans.
4. Tác dụng dược lý
4.1 Ngăn ngừa loãng xương
Dựa trên tác dụng của một polysacarit đồng nhất (DFPW) đã được phân lập và tinh chế từ thân rễ khô của Cốt toái bổ lên xương chuột bị cắt bỏ buồng trứng (OVX). Có khả năng kết luận việc uống DFPW hàng ngày sẽ là phương thuốc hữu ích để điều trị chứng loãng xương sau mãn kinh ở chuột, có thể so sánh với Raloxifene.
Chức năng này có liên quan đến tác dụng của DFPW về sự cân bằng giữa quá trình tạo xương và tái hấp thu xương. Do đó, việc mất xương có thể thuyên giảm ở chuột OVX. Đồng nghĩa với việc DFPW có thể ngăn ngừa loãng xương.
>> Xem thêm: Loãng xương: Những điều cần biết về chẩn đoán và chế độ dinh dưỡng
4.2 Diệt vi khuẩn đường miệng
Cloroform từ Cốt toái bổ kết hợp với ampicillin hoặc gentamicin đã tiêu diệt 100% hầu hết các vi khuẩn được thử nghiệm trong vòng 3 – 4 giờ. Kết quả của nghiên cứu cho thấy hoạt động kháng khuẩn và hiệp đồng của cloroform này là kháng sinh chống lại mầm bệnh đường miệng.
5. Công dụng và liều dùng
5.1 Theo tài liệu cổ
- Cốt toái bổ có vị đắng, tính ấm và không độc, vào hai kinh can và thận. Có khả năng bổ thận, trị đau xương, hành huyết phá huyết ứ, làm thuốc hoà hoãn, sát trùng đỡ đau. Dùng chữa đập xương, đau xương, bong gân, sai khớp, tai ù răng đau, thận hư.
- Dùng uống trong hay đắp ở ngoài. Liều dùng hàng ngày là 6 đến 12g. Dùng ngoài không có liều lượng.
- Có thể dùng dưới hình thức thuốc sắc hay ngâm rượu, hoặc giã đắp lên vết thương.
5.2 Theo nghiên cứu
Năm 1963, tại Quân y viện 6 (Tây Bắc) có dùng cốt toái bổ điều trị có kết quả 4 trường hợp bong gân, tụ máu như sau:
Cốt toái bổ tươi hái về, bóc bỏ hết lông tơ và lá khô, sau đó đem rửa sạch, giã nhỏ. Dấp một ít nước vào, gói vào lá đã nướng cho mềm, rồi đắp lên các vết đau. Những loại gãy xương hở không dùng cách này. Trong ngày thay thuốc bó nhiều lần. Nếu không đủ cốt toái bổ, có thể lấy bã thuốc ra, dấp nước rồi lại băng lại. Thường chỉ sau 3 ngày đến 1 tuần là bệnh nhân đỡ và ra viện. Trong khi đó, dùng các phương pháp khác kéo dài có khi hàng tháng mà không đỡ.
5.3 Tóm lại
Cốt toái bổ có công dụng:
- Bổ Thận, trị đau xương khớp, chữa bong gân tụ máu
- Ngăn ngừa loãng xương và diệt vi khuẩn đường miệng
5.3 Đơn thuốc kinh nghiệm
5.3.1 Trị chứng răng đau, răng lung lay, răng chảy máu
Bột Cốt toái bổ vừa đủ sao đen xát vào răng.
Hoặc Thục địa 16g, Sơn dược, Sơn thù, Phục linh, Đơn bì, Trạch tả mỗi thứ 12g, Tế tân 2g, Cốt toái bổ 16g, sắc uống.
5.3.2 Trị chấn thương phần mềm, gãy xương kín
Cốt toái bổ, lá Trắc bá diệp tươi, quả Bồ kết tươi, lượng bằng nhau, tán nhỏ, mỗi thứ 12g, ngày 2 lần, hãm nước sôi uống hoặc trộn với hồ bó ngoài.
6. Lưu ý
- Người âm hư, huyết hư không dùng được.
- Không dùng cốt toái bổ cho các trường hợp thiếu âm kèm nhiệt nội và các triệu chứng ứ máu.
Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, khi muốn sử dụng Cốt toái bổ, bạn nên hỏi trực tiếp ý kiến bác sĩ điều trị. YouMed hi vọng bài viết này đã giúp ích được cho bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
- Dược điển Việt Nam.
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học.