YouMed

Củ Niễng – Loại rau quen thuộc và tác dụng làm mát cơ thể

Bác sĩ LÊ NGỌC BẢO
Tác giả: Bác sĩ Lê Ngọc Bảo
Chuyên khoa: Phục hồi chức năng, Y học cổ truyền

Củ niễng là một loại rau dùng để chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc. Không chỉ vậy, nó cũng là một thảo dược thường được dùng để làm mát cơ thể, giải nhiệt. Hãy cùng tìm hiểu về cây thuốc này, công dụng cũng như những nghiên cứu gần đây về nó qua bài viết sau.

1. Giới thiệu cây thuốc

Củ niễng có tên khác là Cây lúa miêu, Giao bạch tử, Giao cẩu, Cao duẩn. Tên khoa học là Zizania latifolia Turcz. thuộc họ Lúa (Poaceae).

Củ niễng là cây thân thảo, sống lâu năm, trông giống lau, sậy. Cây thường mọc chìm dưới nước hoặc chỗ có nhiều bùn, có thể cao khoảng 1 – 2m. Cây có rễ nhiều, thân rễ và thân bò rất phát triển. Thân rỗng, có vách ngang, phần dưới phát triển lớn, xốp.

 Củ niễng là cây thân thảo, sống lâu năm, trông giống lau, sậy
Củ niễng là cây thân thảo, sống lâu năm, trông giống lau, sậy

Lá phẳng, hình mác, thuôn, dài khoảng 30 – 100 cm, chiều rộng khoảng 2 – 3 cm. Cả 2 mặt lá đều ráp, bên mép lá dày, bẹ lá nhẵn, có nhiều khía rãnh, bẹ lá có hình bầu dục. Ở các nách lá có nhiều chồi, đến mùa sẽ phát triển và đâm ra các lá mới.

Cụm hoa Củ niễng mọc thành hình chùy, hẹp, dài khoảng 30 – 50 cm. Cuống chung của hoa khỏe, phân thành nhiều nhánh. Hoa đực ở phía dưới, hoa cái ở phía trên.

Trên thân có một loại nấm ăn được ký sinh là nấm Ustilago esculentum Hennings. Loại nấm này khiến cho thân cây phồng lên, có nhiều đốm đen, càng già thì đốm đen càng nhiều. Các đốm đen này tạo bởi bào tử của nấm. Chính bộ phân thân non bị nấm ký sinh này được bán với tên củ niễng để xào nấu. Phần này có đường kính 2,5-3cm. Do bị nấm ký sinh, củ niễng trở thành bùi và béo.

2. Phân bố, sinh trưởng

Niễng có nguồn gốc ở miền Đông Xiberia. Từ thế ký X, người Trung Quốc đã sử dụng niễng như một loại thực phẩm lấy chất buột. Hiện nay, niễng được trồng rộng rãi, thậm chí trở nên hoang dại hóa ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên và các nước khác thuộc châu Á.

Tại Việt Nam, củ Niễng thường được trồng ở ven các bờ ao, áo cạn, ven hồ hoặc vùng nước có bùn lầy nhão, ruộng nước. Ở vùng ngoại thành Hà Nội (Kim Mã, Hồ Tây, Vân Hồ), người ta trồng lấy củ làm rau ăn.

Thường vào tháng 9, người ta trồng bằng cách lấy mầm rồi trồng ở những nơi nhiều bùn, nước luôn luôn ngập. Có nơi trồng vào tháng 11 – 12, sau khi đã phơi nắng cây một thời gian. Sau 1 năm thì thu hoạch được

3. Bộ phận sử dụng dược liệu

Củ niễng thân to, phồng, xốp, chình chùy. Như đã nhắc ở trên, Củ niễng là kết quả của sự ký sinh của 1 loài nấm, làm cho phần gốc của thân cây phát triển bất thường, gồm hầu hết các mô xốp, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Loài nấm ký sinh này không gây độc.

 Củ niễng là kết quả của sự ký sinh của 1 loài nấm, làm cho phần gốc của thân cây phình to
Củ niễng là kết quả của sự ký sinh của 1 loài nấm, làm cho phần gốc của thân cây phình to

Củ niễng thường được sử dụng tươi, do đó nếu thu hái vừa đủ để sử dụng. Nếu sử dụng không hết có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Tại Trung Quốc, người ta chờ cho có quả mới hái quả phơi khô, gọi là giao bạch tử, hoặc giao cẩu.

Nó dược dùng ăn sống (thái lát), luộc, hay xào đều là những món ăn thông dụng, nhiều người ưa thích.

 Hạt của cây Niễng nấu thành cơm
Hạt của cây Niễng nấu thành cơm

4. Thành phần hóa học

Trong củ niễng có chứa 9,2% nước, 12,5% protein, 1,6% lipid, 70,2% carbo hydrat, 5,2% sợi. Nó chứa các khoáng chất đa lượng cần thiết như Canxi, Kali, Magie, Natri, …; các khoáng chất vi lượng Kẽm, Mangan, Phospho, sắt, … Củ niễng còn có nhiều vitamin như B1, B2, PP, E, …

Loài vi khuẩn phân lập từ niễng chịu được nhiệt. Nó có thể làm phân hủy tinh bột, gelatin, casein, đường, …. Lá niễng chứa vitamin C. Còn trong quả khô (Giao bạch tử) có 1,2% protid, 0,1% chất béo và 2,8% chất Carbohydrat.

 Củ Niễng được trồng, thu hoạch như một loại rau củ
Củ Niễng được trồng, thu hoạch như một loại rau củ

5. Tính vị, công dụng

Quả và củ niễng đều có vị ngọt, tính hàn. Theo Y học cổ truyền, nó quy vào các kinh Đại trường, Vị. Người ta dùng củ Niễng với tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, sinh tân, chỉ khát, lợi đại tiểu tiện. Tức là chức năng làm mát cơ thể, trừ cảm giác nóng, khô khát. Bên cạnh đó giúp tăng phần dịch trong cơ thể, và giúp đại tiện, tiểu tiện thuận lợi hơn.

Củ niễng được ứng dụng để trị nóng trong người, khô khát, mắt đỏ, vàng da, kiết lỵ, đại tiểu tiện không thông. Thường dùng 15g  mỗi ngày, sắc nước uống. Củ niễng dùng xào nấu có vị thơm, béo. Ở Nhật Bản, quả Niễng được dùng làm thực phẩm ăn độn với cơm.

6. Củ niễng trong các nghiên cứu gần đây

1 nghiên cứu tiến hành trên chuột, trong đó chuột được cho ăn nhiều chất béo, đây là nguy cơ của béo phì, đái tháo đường. Người ta thấy rằng khi được cho ăn phối hợp với củ niễng đã giúp chúng cải thiện chuyển hóa glucose bất thường và giảm đề kháng insulin. Đây là các cơ chế chính dẫn đến bệnh đái tháo đường. Kết quả nghiên cứu hứa hẹn một loại thực phẩm thay thế dùng cho bệnh nhân đái tháo đường.

Nghiên cứu trên thân và bẹ lá, với các thành phần hóa học như vitamin C, đường, pectin, … Người ta thấy nó có tính chống oxy hóa tốt, đồng thời có có tác dụng ức chế men chuyển. Ức chế men chuyển là một cơ chế dùng để điều trị tăng huyết áp. Từ kết quả này cho thấy thân và bẹ lá (thường bỏ đi) có thể chế biến thành thức ăn cho người bệnh tăng huyết áp.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh tác dụng chống oxy hóa của củ niễng. Ngoài ra người ta còn thấy nó giúp giảm lipid (mỡ) máu thông qua việc tăng chuyển hóa và giảm tích tụ mỡ ở gan. Tác dụng này sẽ có lợi cho người thường ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo.

7. Kiêng kỵ

Do có tác dụng làm mát cơ thể, không nên dùng củ niễng trong trường hợp Tỳ vị hư hàn. Đây là trường hợp người bệnh tiêu hóa kém, đầy bụng, lạnh bụng, tiêu chảy, …

Củ Niễng làm một cây thân cỏ sống lâu năm. Ta thường dùng phần thân rễ bị nhiễm nấm của nó trong thực phẩm cũng như trị bệnh. Niễng có tác dụng làm mát cơ thể, trị bệnh do nóng trong người gây ra. Các nghiên cứu gần đây có thấy nó có tác động chống oxy hóa, tăng chuyển hóa lipid, giảm đề kháng insulin,…

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi, (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học, Hà Nội

  2. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung và cs. (2004), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

  3. Han, S., Zhang, H., Qin, L., & Zhai, C. (2013). Effects of dietary carbohydrate replaced with wild rice (Zizania latifolia (Griseb) Turcz) on insulin resistance in rats fed with a high-fat/cholesterol diet. Nutrients, 5(2), 552-564.

  4. Qian, B., Luo, Y., Deng, Y., Cao, L., Yang, H., Shen, Y., & Ping, J. (2012). Chemical composition, angiotensin‐converting enzyme‐inhibitory activity and antioxidant activities of few‐flower wild rice (Zizania latifolia Turcz.). Journal of the Science of Food and Agriculture, 92(1), 159-164.

  5. Zhang, H., Cao, P., Agellon, L. B., & Zhai, C. K. (2009). Wild rice (Zizania latifolia (Griseb) Turcz) improves the serum lipid profile and antioxidant status of rats fed with a high fat/cholesterol diet. British journal of nutrition, 102(12), 1723-1727.

  6. Han, S. F., Zhang, H., & Zhai, C. K. (2012). Protective potentials of wild rice (Zizania latifolia (Griseb) Turcz) against obesity and lipotoxicity induced by a high-fat/cholesterol diet in rats. Food and chemical toxicology, 50(7), 2263-2269.

  7. Lee, E. J., Whang, E. Y., Whang, K., Lee, I. S., & Yang, S. A. (2009). Anti-allergic effect of Zizania latifolia Turcz extracts. Korean Journal of Food Science and Technology, 41(6), 717-721.

  8. Yan, N., Xu, X. F., Wang, Z. D., Huang, J. Z., & Guo, D. P. (2013). Interactive effects of temperature and light intensity on photosynthesis and antioxidant enzyme activity in Zizania latifolia Turcz. plants. Photosynthetica, 51(1), 127-138.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người