Huyết rồng – Tác dụng đối với sức khỏe của loại thảo dược quý
Nội dung bài viết
Huyết rồng một loại thảo dược có nhiều tác dụng chữa bệnh và hay được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền. Huyết rồng còn có các tên gọi khác là hồng đằng, huyết đằng, kê huyết đằng, dây máu… Sở dĩ cây có tên gọi này là do thân cây khi cắt ra có chất nhựa màu đỏ như máu. Cùng ThS.BS Nguyễn Thị Lệ Quyên tìm hiểu về vị thuốc huyết rồng và công dụng trong việc điều trị bệnh qua bài viết dưới đây.
Đặc điểm thực vật của huyết rồng
Huyết rồng có tên khoa học là Sargentodoxa cuneata, họ Huyết đằng Sargentodoxceae.1
Mô tả cây
Huyết rồng thuộc loại dây leo. Thân có thể dài đến 10 m. Vỏ ngoài có màu hơi nâu. Lá mọc so le gồm 3 lá chét, cuống là dài 4,5 – 10 cm. Lá chét giữa có cuống ngắn, lá chét hai bên gần như không có cuống. Mặt trên màu xanh, mặt dưới màu xanh nhạt hơn. Hoa đơn tính mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả mọng hình trứng dài 8 – 10 mm. Khi chín có màu lam đen. Mùa hoa vào tháng 3 – 4, mùa quả vào tháng 7 – 8.1
Phân bố, sinh thái2
Cây mọc hoang thường được tìm thấy ở vùng núi phía bắc nước ta. Đặc biệt nơi ẩm thấp (Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Hòa Bình, Lạng Sơn…).
Ở Trung Quốc, cây thường được tìm thấy ở các tỉnh như: Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam, Tứ Xuyên, Hải Nam, Hồ Bắc…
Huyết rồng có thể thu hái quanh năm, thường vào các tháng 9 – 10. Chặt toàn cây về, phơi khô, cắt bỏ lá và cành rồi phơi hoặc sấy khô trước khi sử dụng.
Bộ phận dùng1
Toàn cây phơi hoặc sấy khô.
Thành phần hóa học1
Các nghiên cứu cho thấy trong huyết đằng có chứa nhiều tanin và một số các hợp chất khác như: salidroid, liriodendrin, emodin, formonetin, calycosin, 4 loại sapogenol triterpen và flavonoid.
Liều lượng dùng
Liều dùng hàng ngày 10 -15 g. Có thể sắc nước uống hoặc ngâm rượu uống.
Tác dụng của cây huyết rồng
Tác dụng theo Y học cổ truyền1 2
Huyết rồng là vị thuốc đã được dùng lâu đời trong y học cổ truyền. Thuốc có vị đắng, tính bình. Quy kinh can, tiểu trường, vị. Có tác dụng bổ huyết – hoạt huyết, chỉ thống, thanh nhiệt – giải độc, thư cân.
Huyết rồng được dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân. Thường dùng hỗ trợ chữa các triệu chứng thiếu máu, lưng đau gối mỏi, chân tay tê liệt, kinh nguyệt không đều. Hoặc sử dụng để hỗ trợ giảm triệu chứng đau bụng, phong thấp, giun kim, giun đũa.
Lợi ích sức khỏe theo Y học hiện đại1 2 3 4
Theo Y học hiện đại, cây huyết rồng có khả năng hỗ trợ giảm các triệu chứng sau:
- Tăng nồng độ cAMP trong huyết tương và khả năng chịu đựng tình trạng thiếu oxy.
- Làm giãn nở động mạch vành và thu hẹp phạm vi nhồi máu cơ tim.
- Ức chế kết tập tiểu cầu, tăng lưu lượng mạch vành, chống huyết khối.
- Giảm sưng đau, điều trị chấn thương và sưng đau do sung huyết.
- Thanh nhiệt, thải độc, chữa lở loét do nhiệt độc.
- Thúc đẩy quá trình lưu thông máu và làm tan huyết ứ, giảm chứng vô kinh và đau bụng kinh do huyết ứ.
- Giảm đau khớp do phong thấp và đau nhức khớp do thay đổi thời tiết.
- Hỗ trợ điều trị vô sinh viêm tắc ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, viêm tủy xương mãn tính, sỏi đường mật.
- Có khả năng ức chế Staphylococcus aureus, Streptococcus beta, Escherichia coli, Staphylococcus albicans, Catarrhalis, Streptococcus, Pseudomonas aeruginosa khi nghiên cứu trên thực nghiệm.
Tác dụng phụ của huyết rồng
Huyết rồng đã được sử dụng trên lâm sàng trong nhiều năm. Hầu như không có tác dụng phụ.4
Tuy nhiên, nếu dùng quá liều lâu dài có thể gây đau bụng hoặc chảy máu.4
Các bài thuốc có huyết rồng
Những bài thuốc từ cây huyết rồng được ghi nhận như sau:5
Chữa đau khớp
Huyết rồng 12 g, ngũ gia bì 10 g, độc hoạt 12 g, uy linh tiên 12 g, tang chi 10 g. Sắc uống mỗi ngày.
Chữa viêm khớp dạng thấp
Các vị thuốc như:
Dược liệu huyết rồng 16 g, hy thiêm 14 g, thổ phục linh 16 g, vòi voi 16 g.
Dược liệu ngưu tất 12 g, sinh địa 12 g, nam độc lực 10 g, rễ cà gai leo 10 g.
Cùng với rễ cây cúc áo 10 g, huyết dụ 10 g.
Tất cả phối hợp thành thang thuốc. Sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa phong tê thấp, đau mỏi xương khớp
Dược liệu huyết rồng 12 g, cây mua núi 12 g, rễ gối hạc 12 g, rễ phòng kỷ 10 g.
Vỏ thân ngũ gia bì 10 g, dây đau xương 10 g.
Các dược liệu này được thái nhỏ, phơi khô rồi ngâm rượu uống. Ngày 2 lần, mỗi lần từ 15 – 30 ml.
Chữa đau dây thần kinh tọa
Huyết rồng 20 g, ngưu tất 12 g, hồng hoa 12 g, đào nhân 12 g, nghệ vàng 12 g, nhọ nồi 10 g, cam thảo 4 g. Sắc uống hàng ngày.
Chữa đau lưng, mỏi gối
Dược liệu huyết rồng 16 g, rễ trinh nữ 16 g, tỳ giải 16 g, ý dĩ 16 g.
Dược liệu cỏ xước 12 g, quế chi 8 g, rễ lá lốt 8 g, thiên niên kiện 8 g, trần bì 6 g.
Sắc uống một thang mỗi ngày.
Hỗ trợ chữa chứng thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt
Dược liệu huyết rồng 16 g, hà thủ ô đỏ 15 g, đương quy 12 g.
Phối hợp với các dược liệu như: nhân sâm 10 g, thục địa 12 g, đan sâm 12 g.
Sắc uống mỗi ngày một thang.
Chữa các chứng chân sưng đau với biểu hiện các mạch máu nổi ở chân như chuỗi thừng, đau, nóng, rát: Huyết rồng 30 g, ngưu tất 15 g, mộc qua 15 g, xích thược 15 g, thương truật 9 g, đào nhân 9 g, trạch tả 9 g, ô dược 6g, trạch lan 30 g. Sắc uống hàng ngày.
Chữa chứng ra mồ hôi chân tay
Dược liệu huyết rồng 16 g, đương quy 15 g, bạch truật 10 g, hoàng kỳ 12 g.
Phối hợp với ý dĩ nhân 12 g, thương truật 10 g, sa sâm 12 g, hoài sơn 12 g.
Cùng với mẫu lệ 8 g, sài hồ 10 g, ô tặc cốt 8 g, lá lốt 10 g, tỳ giải 12 g.
Sắc uống mỗi ngày.
Chữa kinh nguyệt không đều
Dược liệu huyết rồng 12g, nghệ vàng 6g, ngưu tất 10g, ích mẫu 10g. Sắc uống.
Các bài thuốc trên được sắc uống ngày 1 thang, dùng trong khoảng 5 – 10 ngày.
Lưu ý khi sử dụng huyết rồng
Những đối tượng sau cần cẩn trọng khi sử dụng cây huyết rồng:2
- Phụ nữ có thai và trẻ em không nên tự ý dùng, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh bất lợi.
- Người bị rối loạn đông máu hoặc các bệnh lý về máu thì không nên dùng.
- Những người thấp nhiệt ứ trệ lâu ngày cũng không nên dùng.
- Không dùng cho các trường hợp bị dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong dược liệu.
- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng phối hợp với các loại thuốc đặc hiệu khác.
Huyết rồng là loại dược liệu quý dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, với một số lưu ý khi dùng đã được đề cập, người bệnh nên hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng bất kì loại dược liệu nào để hạn chế tác dụng phụ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 890-891.
- Viện dược liệu (2004). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. NXB khoa học và kĩ thuật Hà Nội. Trang 1053-1056.
- Phạm Thiệp, Lê Văn Thuần, Bùi Xuân Chương (2000). Cây thuốc, bài thuốc và biệt dược. NXB Y học TP.HCM. Trang 136-137.
- Hempen, Carl-Hermann, Fischer, Toni (2009), A materia medica for Chinese medicine plants, minerals and animal products, Elsevier Churchill Livingstone, 236-237.
-
Cây huyết rồng trị đau khớphttps://suckhoedoisong.vn/cay-huyet-rong-tri-dau-khop-169110068.htm
Ngày tham khảo: 13/08/2022