Cúc bách nhật: loài cây cảnh chuyên chữa bệnh hô hấp
Nội dung bài viết
Cúc Bách Nhật có tên khoa học là Gomphrena globosa L. Cây còn được gọi là Bông nở ngày, Bách nhật hồng, Thiên kim hồng. Thuộc họ Rau dền (Amaranthaceae). Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về vị thuốc này.
1. Tổng quan về Cúc Bách nhật
1.1. Mô tả dược liệu
Cúc Bách nhật là cây thảo, mọc hàng năm, có chiều cao trung bình từ 20 – 60cm, có lông mềm áp sát. Thân cây mọc đứng, phình lên ở các mấu.
Lá mọc đối, có cuống ngắn, hình bầu dục, gốc tròn hoặc hình tim, đầu nhọn, dài 4 – 7cm, rộng 2-3cm, mặt trên xanh lục sẫm, có ít lông, mặt dưới nhạt phủ lông mềm màu trắng nhạt, dày hơn ở lá non; cuống lá dài 1-2cm.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành màu đỏ tía hoặc hồng tím, có 2 lá tiêu giảm ở gốc; lấ bấc thuôn nhọn, khô xác, lá bấc con ép vào hoa; hoa nhiều; đài hoa có 5 răng họp thành ống; nhị 5; bầu hình trứng.
Qủa có vỏ mỏng như màng; hạt hình trứng màu nâu đỏ, nhẵn bóng.
Mùa hoa: tháng 7-12.
1.2. Phân bố, sinh thái
Gomphrena L. là 1 chi lớn, gồm 1 số loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Mỹ và châu Úc. Ở Việt Nam có 2 loài, loài lớn hơn là loài đươc trồng làm cảnh.
Cúc bách nhật có nhiều giống, phân biệt với nhau bằng màu sắc và độ lớn của cụm hoa. Cây sống 1 năm, ưa sáng và có thể thích nghi với nhiều loại đất. Cây mọc từ hạt, sau 2-2,5 tháng bắt đầu có hoa; nhiều hạt, phát tán gần. Để làm cảnh có thể trồng 2 vụ trong 1 năm.
1.3. Bộ phận dùng
Cụm hoa, cành và lá.
1.4. Hoạt chất
Hai saponin có trong cây đã được chứng minh là các chất ức chế sự hình thành IL-6 cần thiết cho điều trị viêm khớp, nhiễm trùng, ung thư, phản ứng viêm, loãng xương.
1.5. Thu hái, sơ chế
Hoa được thu hoặc vào mùa Hạ hoặc mùa Thu. Bông hoa được hái mang về rửa sạch, phơi hoặc sấy cho đến khi khô hẳn.
2. Vị thuốc cúc bách nhật
Tính vị: vị ngọt, tính bình.
Quy kinh: Chưa có tài liệu ghi nhận về thông tin này.
Tác dụng dược lý của: dược liệu có công dụng làm mát tạng can, tán ứ, giảm ho, hạ áp, làm sáng mắt, bình suyễn.
3. Công dụng của Cúc bách nhật
Theo Đông y, cụm hoa có vị ngọt nhạt, hơi chát, tính bình, không độc, có tác dụng bình suyễn, khu đàm, chỉ khái, tiêu viêm, bình can, minh mục.
Cụm hoa hoặc toàn cây dùng để chữa hen phế quản, viêm khí phế quản cấp và mạn tính, ho, ho gà, ho ra máu, ho lao, đau mắt, đau đầu, trẻ em khóc đêm, bụng trướng đau, đầy hơi, tiểu tiện khó.
Liều dùng hàng ngày: Người lớn 8-16g. Trẻ em 5-10 tuổi dùng 4 – 8g. Dùng toàn cây cho người lớn với liều 20-30g.
Dùng ngoài, Cúc bách nhật có thể để tươi giã đắp, nấu nước xông hoặc tắm rửa để trị chấn thương bầm giập, bệnh ngoài da.
4. Bài thuốc có chứa Cúc bách nhật
4.1. Chữa hen suyễn, viêm khí phế quản
Cụm hoa cúc bách nhật 6g, tỳ bà diệp 6g, bảy lá 1 hoa 6g, lá nhót 10g, sắc chia 2 lần uống trong ngày. Có thể nghiền thành bột, mỗi lần uống 1,5-3g, ngày 2-3 lần.
Cụm hoa 30g, kim tiền thảo 30g, sắc nước uống.
Cụm hoa 16g, cóc mẳn 12g, lá táo gai 12g, hương nhu 12g, củ sả 8g, gừng sống 2g. Sắc, chia 2 lần uống trong ngày.
>> Xem thêm: Cây Bồng bồng: Vị thuốc chữa hen suyễn hiệu quả
4.2. Chữa ho, ho ra máu, ho lao, ho gà
Cụm hoa cúc bách nhật 10g, long nha thảo 9g. Sắc uống.
>> Xem thêm: Ngọc trúc: Vị thuốc công dụng cho bệnh ho khan
4.3. Chữa trẻ em hay khóc về đêm
Cụm hoa cúc bách nhật 5g, xác ve sầu 3g, cúc hoa 2g. Sắc uống. Có thể thêm ít đường cho dễ uống.
4.4. Chữa mắt mờ, mắt đỏ sưng đau, trẻ em kinh phong
Cụm hoa cúc bách nhật 15g, cầu đàng 15g, cương tầm 6g, cúc hoa 2g. Sắc uống. Có thể dùng độc vị hoa 2g sắc uống để chữa mắt mờ, trẻ em kinh phong.
Cúc bách nhật với vị ngọt nhạt, hơi chát, tính bình, không độc, có tác dụng bình suyễn, khu đàm, chỉ khái, tiêu viêm, bình can, minh mục. Tuy nhiên cũng giống như các dược liệu khác, Quý bạn đọc trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến chuyên gia để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội