Cúm dạ dày: tổng quan, biểu hiện, điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Cúm dạ dày hay còn gọi là viêm dạ dày ruột là một bệnh nhiễm trùng đường ruột với các biểu hiện như tiêu chảy cấp, đau quặn bụng, buồn nôn, và đôi khi có sốt. Mặc dù có tên gọi là cúm, nhưng bệnh không phải do virut cúm gây ra. Cúm dạ dày thường do virut tấn công, phổ biến nhất là norovirut, vào đường ruột và gây ra bệnh cảnh viêm dạ dày ruột.
Một trong những nguy cơ phổ biến bị cúm dạ dày tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc ăn phải thức ăn và nước bị ô nhiễm. Nếu một người khỏe mạnh, bệnh sẽ tự hồi phục mà không xảy ra biến. Tuy nhiên với đối tượng trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người có suy giảm miễn dịch , cúm dạ dày không điều trị kịp thời có thể gây tử vong.
Bệnh cúm dạ dày không có một phương pháp nào điều trị hiệu quả. Vì vậy phòng ngừa bệnh là vô cùng quan trọng. Ngoài việc tránh thực phẩm và nước có thể bị ô nhiễm, rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên là cách bảo vệ tốt nhất cho cơ thể.
1. Biểu hiện của cúm dạ dày là gì?
Mặc dù nó thường được gọi là bệnh cúm dạ dày, nhưng bệnh cúm dạ dày không giống như bệnh cúm. Bệnh cúm thực sự chỉ ảnh hưởng đến hệ hệ hô hấp của cơ thể. Trong khi đó, cúm dạ dày hay còn gọi là viêm dạ dày ruột tấn công vào đường ruột, gây ra các triệu chứng như:
- Tiêu chảy ra nước, thường không có máu. Tiêu phân máu thường do bệnh cảnh nhiễm trùng và nặng nề hơn.
- Đau quặn bụng từng cơn
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Thỉnh thoảng có đau đầu, đau mỏi toàn thân
- Có thể có sốt nhẹ
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng cúm dạ dày có thể xuất hiện trong vòng một đến ba ngày sau khi bạn bị nhiễm và có thể từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng thường chỉ kéo dài một hoặc hai ngày, nhưng đôi khi bệnh có thể kéo dài đến 10 ngày.
Vì các triệu chứng tương tự nhau, cúm dạ dày rất dễ nhầm lẫn với tiêu chảy do vi khuẩn, như Clostridium difficile, salmonella và E. coli, hoặc do ký sinh trùng.
2. Khi nào bạn nên đế cơ sở y tế để kiểm tra?
2.1 Nếu bạn là người lớn, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra nếu:
- Tiêu chảy ra nước trên 3 lần/ ngày quá 24 giờ
- Buồn nôn và nôn mửa hơn 2 ngày
- Nôn ra máu
- Tiêu phân ra máu
- Có dấu hiệu cơ thể bị mất nước như: khát nước nhiều, khô miệng, nước tiểu vàng đậm, ít hoặc không đi tiểu cả ngày. Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức, choáng váng khi đứng dậy.
- Sốt cao trên 39 độ
2.2 Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
Bé cần đi khám bác sỹ ngay nếu:
- Dưới 3 tháng tuổi
- Sốt từ 39 độ trở lên
- Lờ đờ, lúc nào cũng buồn ngủ
- Trẻ bỏ ăn bỏ bú
- Không còn linh hoạt hoặc chơi giỡn như thường ngày
- Nôn ói, nôn trớ nhiều dẫn đến kém ăn uống hoặc nôn ói nhiều liên tục hơn 4 giờ
- Tiêu phân ra máu hoặc tiêu chảy từ 3 lần/ngày trở lên
- Có dấu hiệu mât nước như khát nước (trẻ tìm hoặc với cầm bình nước liên tục), đi tiểu ít hơn thường ngày (tã không ít sau 6 tiếng)
- Thóp trên đỉnh đầu trũng
3. Nguyên nhân nào gây ra cúm dạ dày?
Bênh cúm dạ dày sẽ dễ nhiễm hơn khi ăn hoặc uống thực phẩm bị ô nhiễm, dùng chung đồ dùng, khăn tắm hoặc thức ăn với người bị nhiễm bệnh.
Một số loại vi rút có thể gây ra cúm dạ dày, bao gồm:
Norovirus: Cả trẻ em và người lớn đều có thể bị ảnh hưởng bởi norovirus. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh do thực phẩm trên toàn thế giới.
Nhiễm norovirus có thể dễ lây lan trong gia đình. Đặc biệt nó có khả năng lây lan ở những nơi sống tập thể như viện dưỡng lão, v.v. Trong hầu hết các trường hợp, virut này thường bị nhiễm từ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Ngoài ra, việc lây lan từ người sang người cũng có thể xảy ra.
Rotavirut: Trên toàn thế giới, đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cúm dạ dày do vi rút ở trẻ em. Trẻ thường bị nhiễm bệnh khi đưa ngón tay hoặc các vật dụng khác bị nhiễm vi rút vào miệng. Nhiễm rotavỉut hay nặng nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Người lớn bị nhiễm rotavirut có thể không có triệu chứng, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho trẻ em. Một số quốc gia và có ở Việt Nam, hiện nay đã có vắc xin rotavirut.
Một số động vật, đặc biệt là hàu sống hoặc chưa nấu chín, cũng có thể gây bệnh cúm dạ dày. Mặc dù nước uống bị ô nhiễm là nguyên nhân gây tiêu chảy do vi rút. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, vi rút được truyền qua đường phân – miệng. Tức là người bị vi rút xử lý chế biến thức ăn mà không rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
4. Những đối tượng nào có thể dễ mắc cúm dạ dày hơn?
Những đối tượng có thể dễ bị cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) hơn bao gồm:
Trẻ nhỏ: Trẻ em ở các trung tâm chăm sóc trẻ em hoặc trường tiểu học có thể đặc biệt dễ bị bệnh hơn. Vì lúc này hệ miễn dịch của trẻ trưởng thành.
Người cao tuổi: Hệ thống miễn dịch của người lớn có xu hướng trở nên yếu hơn theo tuổi tác. Đặc biệt, những người lớn tuổi trong viện dưỡng lão rất dễ bị nhiễm bệnh vì hệ thống miễn dịch suy yếu, kèm theo sống tiếp xúc gần gũi với nhiều người khác làm tăng nguy cơ dễ lây lan bệnh.
Học sinh, những nơi tập trung cộng đồng hoặc ký túc xá: Bất cứ nơi nào mà các nhóm người tập trung gần nhau đều có thể là môi trường dễ lây lan bệnh cúm dạ dày.
Bất kỳ ai có tình trạng suy giảm miễn dịch: Nếu khả năng chống nhiễm trùng của bạn thấp – ví dụ như HIV / AIDS, ung thư, đang tiếp nhận xạ trị, hóa trị hoặc bị tiểu đường, v.v.
Mắc bệnh theo mùa: Mỗi loại vi rút đường tiêu hóa thường hoạt động theo mùa. Ví dụ số ca nhiễm virus rota hoặc norovirus thường tăng đột biến trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 4 hằng năm.
5. Bệnh cúm dạ dày có gây thể gây biến chứng gì?
Biến chứng chính của cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) là mất nước và mất điện giải nặng.
Nếu bạn khỏe mạnh và uống đầy đủ nước để bù đắp đủ số lượng dịch trong cơ thể bị mất nôn mửa và tiêu chảy. Tình trạng mất nước sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người có suy giảm miễn dịch có thể bị mất nước nghiêm trọng. Những đối tượng này cần được bổ sung dịch qua đường tĩnh mạch nếu không thể bù dịch tốt qua đường uống. Mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong, dù điều này hiếm xảy ra.
6. Phòng ngừa bệnh cúm dạ dày như thế nào?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh cúm dạ dày là làm theo các biện pháp phòng ngừa sau:
Đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin: Hiện nay Việt Nam đã có vắc xin dạng uống rota virut phòng ngừa tiêu chảy.
Liều uống sau 6 tháng tuổi (tuổi bắt đầu ăn dặm), liều uống thứ 2 sau 4 tuần. Trẻ nên được chủng phòng rota virut trước 24 tuần tuổi.
Rửa tay sạch bằng xa phòng: Không chỉ ở người lớn mà cả trẻ em việc rửa tay bằng xà phòng vô cùng quan trọng. Khi trẻ đã lớn, hãy dạy rửa tay, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh. Tốt nhất là dùng nước sạch và xà phòng, chà tay trong ít nhất 30s giây. Đặc biệt khi rửa để ý các vùng hay bị bỏ sót trên tay như kẽ tay, móng tay, ngón cái và cổ tay. Sau đó rửa lại thật sạch. Nên chẩn bị cho mình chai nước rửa tay khô khi trong điều kiện không có bồn nước rửa tay
Sử dụng các vật dụng cá nhân riêng như khăn tắm, khăn lau, bàn chải đánh răng, muỗng, ly, v.v.
Tránh thực phẩm sống, trái cây cần gọt vỏ, rau sống và xà lách cần rửa sạch. Tránh thịt và cá nấu chưa chín.
7. Chẩn đoán bệnh cúm dạ dày như thế nào?
Thông thường, với những trường hợp chỉ tiêu chảy cấp mất nước, nôn, hơi sốt nhẹ, đặc biệt là ở trẻ em phần lớn là do cúm dạ dày do virut. Vì thế điều trị chủ yếu là bổ sung dịch, men tiêu hóa và theo dõi thêm. Nếu tình trạng không thuyên giảm, có thể do các nguyên nhân khác như nghi ngờ bệnh cảnh nhiễm trùng hay nghi tả. Bác sỹ có thể làm thêm xét nghiệm máu, soi phân, cấy phân, cấy máu, v.v. để chẩn đoán.
8. Bệnh cúm dạ dày được điều trị như thế nào?
Thường không có điều trị cụ thể cho bệnh cúm dạ dày do vi rút. Thuốc kháng sinh không có hiệu quả chống lại vi rút. Ngoài ra, lạm dụng chúng có thể góp phần vào sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh. Điều trị ban đầu bao gồm các biện pháp hỗ trợ, nâng tổng trọng.
8.1 Các biện pháp điều trị tại nhà:
Để giúp cơ thể thoải mái hơn và ngăn ngừa mất nước, hãy thử những cách sau:
- Nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để hạn chế kích thích đường ruột. Ngừng ăn nếu cảm giác buồn nôn trở lại.
- Uống nhiều nước hơn một ngày. Một người bình thường uống cần uống khoảng 2 lít nước/ ngày. Ngoài ra bạn cần bù thêm lượng nước tương đương với lượng dịch mất qua nôn ói và tiêu chảy.
- Nghỉ ngơi nhiều: Triệu chứng nhiễm virut và mất nước có thể làm cho cơ thể trở nên yếu và mệt mỏi.
8.2 Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em:
Nếu trẻ có các biểu hiện cần nhập viện kể trên. Mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được kiểm tra và điều trị thích hợp.
Nếu không, bạn có thể làm một số điều sau để giúp trẻ thoải mái hơn:
- Giúp trẻ bù nước: Cho trẻ uống dung dịch bổ sung điện giải oresol mỗi lần nôn hoặc tiêu chảy.
- Bạn có thể tham khảo thêm: Thuốc Oresol: Liệu pháp bù nước và điện giải hiệu quả
- Trường hợp trẻ còn bù, cần được tiếp tục bú sữa mẹ. Trường hợp trẻ đã ăn dặm, cần nên bổ sung thêm dịch, nước trái cây, v.v.
- Hạn chế ăn thực phẩm có nhiều đường như kem, nước ngọt và kẹo. Những thứ này có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.
- Tránh cho trẻ dùng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn, trừ khi được bác sĩ khuyên. Những thuốc chống tiêu chảy có thể khiến cơ thể con bạn khó đào thải vi-rút ra ngoài hơn.
- Nếu bạn có trẻ sơ sinh bị bệnh, hãy để dạ dày của trẻ nghỉ ngơi trong vòng 15 đến 20 phút sau khi nôn mửa hoặc tiêu chảy. Sau đó hãy cho trẻ bú. Nếu trẻ uống sữa công thức, bạn không cần phải pha loãng sữa mà chỉ cho trẻ bù thêm nước bên ngoài.
Có thể bạn muốn tham khảo thêm: Tiêu chảy cấp ở trẻ: Một số vấn đề phụ huynh cần biết
Cúm dạ dày là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa phổ biến. Biện pháp tốt nhất là dự phòng bằng cách ăn chín uống sôi, rửa tay sạch trước khi chế biến món ăn, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, v.v. Với những trẻ nhỏ đang tập ăn dặm, nên được chích ngừa rota virut trước 24 tuần tuổi. Nếu tiêu chảy và nôn ói không tự cải thiện sau 24-48 giờ, bạn cần nên đến cơ sở y tế để thăm khám.
Người viết: Hoàng Yến
Tham vấn y khoa: Bác sĩ NGUYỄN TRUNG NGHĨA
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.