Đan sâm: Vị thuốc làm tan huyết ứ
Nội dung bài viết
Đan sâm có nguồn gốc từ rễ cây Đan sâm, một loại cây thuộc họ Bạc hà. Vị thuốc Đan sâm được dùng trong Đông Y với công dụng trị kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực, bụng dưới kết hòn cục, khớp sưng đau, mụn nhọt sưng tấy. Để tìm hiểu về công dụng, cách dùng và những điều cần biết về vị thuốc Đan sâm, xin mời đọc trong bài viết sau.
1. Mô tả Đan sâm
Đan sâm còn có tên gọi khác là Tử sâm, Xích sâm, Huyết sâm, Đơn sâm. Tên khoa học là Salvia multiorrhiza Bunge. Thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae).
1.1 Cây Đan sâm
Đan sâm là một loại cỏ sống lâu năm, cao 30-80cm, toàn thân mang lông ngắn màu vàng trắng nhạt. Rễ nhỏ dài hình trụ, đường kính 0,5- 1,5cm, màu đỏ nâu. Thân vuông trên có các gân dọc. Lá kép, mọc đối: 3-5 lá chét, đặc biệt có thể có 7. Lá chét giữa thường lớn hơn cả. Lá kép có cuống dài, cuống lá chét ngắn có rìa. Lá chét dài 2-7,5cm, rộng 0,8-5cm.
Mép lá chét có răng cưa tù. Mặt trên lá chét màu xanh, có các lông mềm màu trắng, mặt dưới màu xanh tro, cũng có lông nhưng dài hơn. Gân nổi ở mạt dưới, chia phiến lá chét thành múi nhỏ.
Cụm hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá, chùm hoa dài 10-20cm. Hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa thường là 5 hoa. Hoa có tràng màu xanh tím nhạt, 2 môi, môi trên trông nghiêng hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ 3 thuỳ, thuỳ giữa có răng cưa tròn. Hai nhị ở môi dưới, bầu có vòi dài lòi ra ở môi trên. Quả nhỏ, dài 3mm, rộng 1,5mm. Mùa hoa từ tháng 5-8 (Tam Đảo) mùa quả tháng 6-9.
1.2 Dược liệu Đan sâm
Thân rễ ngắn, cứng chắc, đôi khi còn sót lại gốc của thân ờ đình. Rễ hình trụ dài, hơi cong, có khi phân nhánh và có rễ con dài 10 cm đến 20 cm, đường kính 0,3 cm đến 1 cm.
Mặt ngoài màu đỏ nâu hoặc đỏ nâu tối, thô ráp, có vân nhãn dọc. Vỏ rễ già có màu nâu tía, thường bong ra. Chất cứng và giòn, mặt bẻ gãy không chắc có vết nứt, hoặc hơi phẳng và đặc, phần vỏ màu đỏ nâu và phần gỗ màu vàng xám hoặc màu nâu tía với bó mạch màu trắng vàng, xếp theo hướng xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng và se.
Dược liệu từ cây trồng tương đối mập chắc, đường kính 0 5 cm đến 1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ, có nếp nhăn dọc, phần vỏ bám chặt vào gỗ không dễ bóc ra. Chất chắc, mật bẻ gãy tương đối phẳng, hơi có dạng chất sừng.
2. Thu hái và bào chế
2.1 Thu hái
Mùa xuân hay mùa thu, đào lấy rễ và thân rễ, rửa sạch, cẳt bỏ rễ con và thân còn sót lại, phơi hoặc sấy khô.
2.2 Bào chế
Đan sâm khô, loại bỏ tạp chất và thân sót lại. rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi khô để dùng.
Tửu đan sâm (Chế rượu): Lấy đan sâm đã thái phiến, thêm rượu, trộn đều, đậy kín, để 1 giờ cho ngấm hết rượu, đem sao nhỏ lửa đến khô, lấy ra, để nguội. Cứ 10 kg Đan sâm dùng 1 lít rượu.
3. Thành phần hoá học
49 quynon diterpenoid, 36 axit phenolic ưa nước, và 23 thành phần tinh dầu, đã được phân lập và xác định từ Đan sâm. Các nghiên cứu hóa học và dược lý đã chỉ ra rằng các quinon diterpenoid và các axit phenolic ưa nước là các thành phần hoạt tính sinh học chính trong Đan sâm. Diterpenoid quinon đã được phân loại thành hai loạt, loạt phenanthro [1, 2-b] furan-10,11-dione và phenanthro [3,2-b] furan-7, 11-dione.
Các axit phenol ưa nước được coi là các dẫn xuất ngưng tụ của axit caffeic ở các dạng và số lượng liên kết khác nhau. Hai nhóm hợp chất hoạt động này hầu hết được phân lập từ rễ, trong khi tinh dầu chủ yếu được chiết xuất từ hoa của cây Đan sâm.
4. Tác dụng dược lý Đan sâm
4.1 Tác động lên các bệnh lý tim mạch
Đan sâm đã được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh mạch máu, bao gồm xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tăng lipid máu và đột quỵ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu. Các thuộc tính có lợi của Đan sâm cũng bao gồm thúc đẩy lưu lượng máu và giải quyết huyết ứ.
4.2 Chống xơ vữa
Sự chết tế bào của các tế bào nội mô mạch máu, một yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch, dẫn đến mất tính toàn vẹn của nội mô. Lipopolysaccharide (LPS) gây ra quá trình chết tế bào trong tế bào nội mô tĩnh mạch rốn của con người thông qua cơ chế liên quan đến caspase-3.
Điều trị bằng chiết xuất methanol của Đan sâm (50–500 μg/mL) trong 24 giờ có thể ức chế sự di chuyển do yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α) gây ra của tế bào cơ trơn động mạch chủ người phụ thuộc vào liều lượng, so với nhóm chứng. Do đó chứng minh Đan sâm có tác dụng chống xơ vữa.
4.3 Chống tăng huyết áp
Những kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự giãn mạch của Sodium tanshinone IIA sulfonate (DS-201)- một hoạt chất chiết xuất từ Đam sâm có liên quan đến sự hoạt hóa của BKCa. Điều trị trước với DS-201 trong 3 tuần có thể làm giảm sự tăng áp lực của động mạch phổi trung bình và trọng lượng tâm thất phải sang tâm thất trái với trọng lượng vách ngăn ở chuột bị tăng huyết áp phổi do thiếu oxy, nhưng không có tác dụng đáng kể trên chuột bình thường.
Những kết quả này chứng minh rằng DS-201 có tác dụng bảo vệ đối với bệnh tăng huyết áp thông qua việc giảm áp lực động mạch phổi trung bình và ức chế tái cấu trúc ở các động mạch phổi xa.
4.4 Chống tăng lipid máu
Những con chuột thí nghiệm được điều trị bằng Đan sâm trong 12 tuần đã giảm tăng trọng lượng cơ thể, cải thiện tỉ lệ lipid huyết thanh và ngăn ngừa sự hình thành gan nhiễm mỡ do chất béo cao trong chế độ ăn. Ngoài ra, Đan sâm có thể làm tăng sự điều hòa mạch máu phụ thuộc vào nội mô và biểu hiện sự bảo vệ mạch máu ở những con chuột thí nghiệm.
4.5 Chống đái tháo đường
Đan sâm thể hiện các hoạt động chống bệnh tiểu đường bằng cách điều trị các bệnh mạch máu lớn và nhỏ trong các thí nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng thông qua việc cải thiện cân bằng nội môi oxy hóa khử và ức chế quá trình apoptosis và viêm thông qua điều chỉnh nhiều kênh tín hiệu trong cơ thể.
Tác dụng chống đái tháo đường của loại thảo mộc này có thể liên quan đến các đặc tính cải thiện lưu thông máu và làm giảm ứ trệ máu theo Y học cổ truyền. Các thành phần chính của Đan sâm bao gồm axit salvianolic và tanshinones diterpenoid, đã được nghiên cứu kỹ trên động vật bị tiểu đường. Các nghiên cứu về độc tính cấp và bán cấp đã ủng hộ quan điểm rằng Đan sâm được dung nạp tốt.
4.6 Các tác dụng khác
Ngoài các tác dụng được nêu trên, Đan sâm còn thể hiện nhiều tác dụng dược lý khác đã được nghiên cứu:
- Chống thiếu máu cục bộ cơ tim
- Chống thiếu máu não
- Chống huyết khối
- Chống lại bệnh Alzeimer
- Chống bệnh Paskinson
- Giảm đau kiểu thần kinh
- Chống viêm
- Chống oxy hoá
5. Công dụng và liều dùng
5.1 Công dụng
Theo Đông Y, Đan sâm có tác dụng cải thiện lưu thông máu, làm máu chảy, thông kinh lạc, giảm đau.
Chù trị: Kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, huyết tích hòn cục, đau thắt ngực; mất ngủ, tức nặng ngực.
5.2 Liều dùng
Ngày dùng từ 9 g đển 15 g, dạng thuốc sắc.
6. Bài thuốc kinh nghiệm
6.1 Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, phụ nữ sau sinh mất máu
Bài Thiên vương bổ tâm đan: Đan sâm 8g; huyền sâm, địa hoàng, mỗi vị 12g, thiên môn, mạch môn, mỗi vị 10g; phục linh, viễn chí, đương quy, bá tử nhàn, toan táo nhân, mỗi vị 8g; ngũ vị tử, cát cánh, mỗi vị 6g; chu sa 0,6g. Uống thuốc sắc (chu sa gói riêng, uống cùng với thuốc đã sắc), ngày một thang. Hoặc tán bột làm viên, mỗi ngày uống 20g.
6.2 Bồi bổ cơ thể, bổ Can Thận
Đan sâm 400g, đương quy 2000g, hoài sơn, ngọc trúc, hà thủ ô đỏ, mỗi vị 400g, đơn bì, bạch linh, mạch môn, trạch tả, mỗi vị 200g, thanh bì, chỉ thực, thù nhục, mỗi vị 200g. Các vị thuốc tán nhỏ,dùng mật ong hoặc siro luyện thành viên hoàn nặng 5g, ngày uống 4-6 viên.
6.3 Chữa đau tức ở ngực, đau nhói vùng tim
- Đan sâm 32g, xuyên khung, trầm hương, uất kim, mỗi vị 20g; hồng hoa 16g, xích thược, hương phụ chế, hẹ, qua lâu, mỗi vị 12g; đương quy vĩ 10g. Sắc uống ngày một thang.
- Đan sâm 32g, xích thược, xuyên khung, hoàng kỳ, hồng hoa, uất kim, mỗi vị 20g; đảng sâm, toàn đương quy, trầm hương, mỗi vị 16g; mạch môn, hương phụ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
6.4 Chữa tim hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt, ù tai
Đan sâm 12g, sa sâm 12g, thiên môn 12g, mạch môn 12g, thục địa 12g, long nhãn 12g, đảng sâm 12g, toan táo nhân 8g, bá tử nhân 8g, viễn chí 8g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.
Tóm lại, Đan sâm là vị thuốc có công dụng làm cải thiện lưu lượng máu, làm máu chảy, giảm đau. Ngoài ra còn có tác dụng ngăn ngừa huyết khối, chống tăng lipid máu, chống tăng huyết áp, chống đái tháo đường,… Những thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, khi muốn sử dụng thuốc, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa điều trị. Chúc bạn có một sức khoẻ tốt!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Dược điển Việt Nam
- Gs Đỗ Tất Lợi, Cây thuốc và vị thuốc Việt nam
- Jia Q, Zhu R, Tian Y, Chen B, Li R, Li L, Wang L, Che Y, Zhao D, Mo F, Gao S, Zhang D. Salvia miltiorrhiza in diabetes: A review of its pharmacology, phytochemistry, and safety. Phytomedicine. 2019 May;58:152871. doi: 10.1016/j.phymed.2019.152871. Epub 2019 Feb 18. PMID: 30851580
- Su CY, Ming QL, Rahman K, Han T, Qin LP. Salvia miltiorrhiza: Traditional medicinal uses, chemistry, and pharmacology. Chin J Nat Med. 2015 Mar;13(3):163-82. doi: 10.1016/S1875-5364(15)30002-9. PMID: 25835361