Dầu gió Kim: giá, tác dụng và những lưu ý khi sử dụng
Nội dung bài viết
Dầu gió Kim làm từ gì? Dầu gió có tác dụng trong điều trị các tình trạng bệnh nào? Cần lưu ý những điều gì khi dùng dầu gió: liều dùng, cách dùng và các tác dụng phụ? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên để hiễu rõ hơn nhé!
Thành phần Dầu gió Kim
Dầu gió Kim có ở dạng dung dịch chai 6 ml. Thành phần trong công thức là:
- Eucalyptol hàm lượng 2100 mg.
- Bạc hà hàm lượng 2340 mg.
- Methyl salicylate hàm lượng 258 mg.
- Long não hàm lượng 102 mg.
Tác dụng của dầu gió Kim là gì?
Dầu gió Kim được sử dụng trong các trường hợp:
- Các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm.
- Người bệnh bị nhức đầu, sổ mũi.
- Tình trạng đau khớp, đau cơ bắp.
- Hoặc chữa các chứng đầy hơi, khó tiêu.
- Khi bị đau dây thần kinh.
Không những vậy, dầu gió còn được dùng khi người bệnh bị say tàu xe. Ngoài ra, với một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn đã được phê duyệt thì chỉ được sử dụng nếu có sự đồng ý của bác sĩ.
Cần lưu y rằng, chỉ sử dụng dầu gió này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.
Liều dùng dầu gió Kim cho người lớn và trẻ em
Tùy theo từng đối tượng cụ thể mà liều lượng sử dụng dầu gió Kim cũng sẽ tương ứng khác nhau, cụ thể:
Đối tượng là người lớn:
- Có thể thoa dầu lên da hoặc cho người bệnh ngửi/ xông hoặc thực hiện xoa bóp.
- Tần suất sử dụng: có thể dùng 2 – 3 lần/ ngày.
Đối tượng sử dụng là trẻ em:
- Cần sử dụng dầu gió Kim trên đối tượng trẻ em một cách cẩn thận.
- Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
Nên dùng dầu gió Kim như thế nào?
Đối với trẻ > 2 tuổi, khi dùng dầu gió phải có người lớn bên cạnh và theo dõi:
- Đầu tiên, trước khi bôi dầu, cần phải rửa sạch và lau khô tay cũng như vùng da bị đau.
- Tiếp đó, dùng đầu ngón tay trỏ lấy một lượng dầu thích hợp với trường hợp cần dùng.
- Sau đó, bôi dầu lên hoặc xoa bóp chỗ đau nhức hoặc thoa lên vết côn trùng cắn đốt.
Trường hợp bị đau bụng do lạnh hoặc khó tiêu: Có thể bôi dầu vào vùng quanh rốn.
Người bệnh nhức đầu: Lấy một lượng nhỏ lên ngón trỏ và bôi vào thái dương. Sau đó miết nhẹ nhàng, day tròn và ấn bằng ngón tay trỏ để góp phần làm thuyên giảm cơn đau nhanh chóng.
Một số trường hợp khác có thể dùng dầu gió Kim như sau:
- Có thể sử dụng thuốc này bằng cách thoa, hít dầu hoặc xoa bóp. Sử dụng với tần suất ngày dùng 2 – 3 lần. Trường hợp đối với người lớn, có thể tăng số lần sử dụng lên.
- Khi người bệnh bị đau, sưng hay bầm tím, có thể thoa một lớp dầu mỏng vào vùng bị đau và nên xoa đều để giúp làm tan máu bầm bị tụ máu.
- Trường hợp người bệnh bị các chứng nghẹt mũi hay sổ mũi, khi hít dầu vào mũi để giúp thông mũi và cảm giác dễ chịu hơn.
- Nếu bị say tàu xe, hãy thoa dầu gió Kim vào vùng thái dương để giúp giảm triệu chứng say tàu như đau đầu, buồn nôn…
- Trong trường hợp bị côn trùng cắn, nên thoa dầu ngay để giúp giảm triệu chứng ngứa.
- Nếu có bất kì thắc mắc nào về cách dùng hãy gọi ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng hợp lí và an toàn nhé.
Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng dầu gió Kim
Khi dùng dầu gió Kim, có thể sẽ trải qua các triệu chứng như sau:
- Chóng mặt.
- Tình trạng nhức đầu.
- Người bệnh buồn nôn.
- Xuất hiện cảm giác mệt mỏi.
- Nổi ban đỏ hoặc gây tình trạng ngứa da.
Đây chỉ là một số tác dụng phụ phổ biến sau khi dùng dầu gió Kim được báo cáo. Nếu có bất cứ triệu chứng nào bất thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hãy gọi cho bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Cần lưu ý khi dùng dầu gió Kim trong các trường hợp đặc biệt
Trước khi dùng dầu gió Kim, nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu người bệnh bị dị ứng với bất kì thành phần nào của dầu gió này.
Cần thận trọng khi dùng dầu gió cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Lưu ý, dầu gió chỉ dùng để bôi ngoài da, không được uống vì có thể gây tình trạng ngộ độc.
Ngoài ra, chỉ bôi dầu gió ở những điểm đau, vùng đau, vùng cạo gió.
Lưu ý không bôi dầu vào niêm mạc, vùng mắt hoặc bôi dầu lên các vết thương hở, vùng da trầy xước.
Không dùng nhiều >3 – 4 lần/ ngày.
Nên ngừng dùng dầu gió ngay khi cơn đau, sự mệt mỏi đã chấm dứt.
Trẻ em <2 tuổi không được dùng dầu gió.
Hiện tại, vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định các nguy cơ khi dùng dầu gió trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Do vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ và cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc.
Tương tác thuốc
Dầu gió Kim có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả của các thuốc nếu dùng cùng lúc.
Do vậy, tốt nhất nên báo cho bác sĩ tất cả các thuốc đã, đang và dự định sẽ dùng để bác sĩ đưa ra các tư vấn về sử dụng thuốc an toàn, hợp lí và hiệu quả.
Bảo quản thuốc
- Bảo quản dầu gió Kim ở nhiệt độ phòng.
- Cần tránh ẩm và tránh ánh sáng cho sản phẩm.
- Lưu ý, không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá.
- Tốt nhất nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ
- Một lưu ý quan trọng nữa là nên giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Dầu gió Kim giá bao nhiêu?
Trên thị trường, dầu gió Kim được sản xuất từ công ty Sanofi giá tham khảo dao động khoảng 100.500 VNĐ/ chai.
Lưu ý mức giá có thể thay đổi theo thời điểm và phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Bên trên là thông tin chung về dầu gió Kim. Mặc dù dầu gió khá lành tính và dễ dùng nhưng phải thật thận trọng đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hãy luôn theo dõi tình trạng trẻ sau khi dùng, nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường hãy đưa trẻ đến bệnh viện gần đó để được cấp cứu, xử trí kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Medicated oils and balmshttps://www.hsa.gov.sg/medicated-oils-and-balms
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
MEDICATED OIL- menthol, methyl salicylate oilhttps://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/lookup.cfm?setid=979a50b9-ea76-4ce2-bcbd-6252349ae1ec
Ngày tham khảo: 24/05/2021