Dấu hiệu bệnh trĩ: Liệu bạn có đang mắc căn bệnh này?
Nội dung bài viết
Trĩ là một bệnh khá phổ biến ở cả nam lẫn nữ. Bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân bệnh trĩ chưa được xác định rõ ràng nhưng có liên quan đến một số yếu tố nhất định. Vậy bạn đã biết những dấu hiệu bệnh trĩ chưa? Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây và một số vấn đề mở rộng khác liên quan đến trĩ.
Tổng quát bệnh trĩ
Trước khi tìm hiểu dấu hiệu bệnh trĩ, chúng ta cần hiểu tổng quát về bệnh trĩ.
Bệnh trĩ theo dân gian gọi là bệnh lòi dom. Bệnh hình thành do các đám rối tĩnh mạch trĩ bị giãn. Hay y khoa còn gọi là sự phình tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn.
Trĩ là bệnh của hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch trĩ nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi.
Sự giãn tĩnh mạch trĩ có liên quan đến tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên. Chẳng hạn như rặn đi cầu, ứ máu liên tục làm tạo nên các búi trĩ trong lòng ống hậu môn.
Ngoài ra bệnh cũng có liên quan đến tuổi tác. Càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến sa búi trĩ.
Nguyên nhân bệnh trĩ
Bệnh trĩ xảy ra khi có sự gia tăng áp lực lên các tĩnh mạch xung quanh hậu môn. Các yếu tố có thể bao gồm:
- Rặn nhiều khi đi cầu.
- Ngồi lâu trên bồn cầu khi đại, tiểu tiện.
- Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính.
- Béo phì.
- Phụ nữ mang thai
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn
- Chế độ ăn ít chất xơ.
Dấu hiệu bệnh trĩ
Một số dấu hiệu bệnh trĩ có thể có là:
Dấu hiệu thường gặp
Đau rát, ngứa hậu môn
Đau rát, ngứa hậu môn có thể là dấu hiệu bệnh trĩ. Hậu môn là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển nếu không sạch sẽ. Từ đó gây đau rát và ngứa.
Khi bị ngứa hậu môn, bệnh nhân không nên sử dụng tay để gãi. Vì có thể khiến cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng nước muối ấm để rửa hậu môn. Điều này góp phần ngăn ngừa nguy cơ viêm nhiễm hậu môn và giảm nhẹ triệu chứng.
Chảy máu
Chảy máu hay cụ thể là đại tiện ra máu là dấu hiệu bệnh trĩ điển hình và dễ nhận biết nhất.
Nguyên nhân chảy máu là do các búi trĩ có niêm mạc mỏng và bị tổn thương khi va chạm với khối phân cứng khi đi qua hậu môn.
Ban đầu, máu sẽ chảy với số lượng ít. Bệnh nhân sẽ phát hiện khi thấy máu dính vào giấy vệ sinh. Trường hợp bệnh nhân sử dụng phương pháp rửa có thể không phát hiện trong giai đoạn này. Sau một thời gian, lượng máu chảy ra sẽ nhiều hơn, có thể chảy thành từng dòng, từng giọt.
Ở giai đoạn này nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu máu. Điều này gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể cho bệnh nhân.
Sa búi trĩ tại hậu môn
Dấu hiệu này thường gặp trong bệnh trĩ ngoại. Ở giai đoạn đầu bạn đã có thể thấy sự xuất hiện của các búi trĩ bên ngoài hậu môn. Ngược lại với bệnh trĩ nội thì phải tới những giai đoạn sau mới có hiện tượng sa búi trĩ.
Thông thường, các búi trĩ có kích thước khá nhỏ, chỉ bằng hạt ngô hoặc hạt đậu. Nhưng sau một thời gian, chúng có thể sẽ tăng kích thước và trở nên ngoằn nghèo. Từ đó bệnh nhân có thể gặp tình trạng sa, nghẹt búi trĩ.
Triệu chứng toàn thân
Bệnh nhân có thể có một số triệu chứng toàn thân sau:
- Thiếu máu, thiếu sắt dẫn đến đau đầu, choáng ngất.
- Sợ hãi mỗi khi đi đại tiện, hoặc không muốn đi đại tiện.
- Căng thẳng, lo âu quá mức.
Dấu hiệu bệnh trĩ có thể phụ thuộc vào vị trí
Trĩ nội
Trị nội được định nghĩa khi búi trĩ ở trên đường lược. Đường lược là đường hình răng lược chia 2/3 trên và 1/3 dưới của ống hậu môn. Nó là chỗ nối giữa phần cuối ống tiêu hóa và hậu môn. Đồng thời cũng là mốc ranh giới phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại.
Dấu hiệu bệnh trĩ nội không dễ nhận biết ở giai đoạn đầu do búi trĩ còn nhỏ nên không bị sa ra ngoài hậu môn. Tuy nhiên, khi bị mắc trĩ nội bệnh nhân có thể thấy một số thay đổi bất thường sau:
- Đại tiện ra máu: thường là máu dính ở giấy vệ sinh hoặc dính ở phân. Lượng máu ban đầu ít, càng về sau lượng máu càng nhiều.
- Đại tiện khó, ngứa hậu môn: Đây là triệu chứng của bệnh trĩ nói chung. Càng để lâu các triệu chứng này càng rõ ràng. Chúng gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.
- Sa trĩ: từ độ 2 người bệnh có nguy cơ bị sa búi trĩ tuy nhiên búi trĩ vẫn sẽ tự co lên được. Ở độ 3, cần phải dùng tay đẩy búi trĩ lên. Và độ 4 có thể sa hoàn toàn ra ngoài hậu môn.
Trĩ ngoại
Trĩ ngoại được định nghĩa là búi trĩ ở dưới đường lược. Trĩ ngoại sẽ gây khó chịu cho người bệnh. Bởi vùng da trên búi trĩ có thể bị kích thích và bị loét. Hơn nữa, nếu cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ ngoại, cơn đau có thể xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng.
Dấu hiệu bệnh trĩ ngoại hay gặp là:
- Chảy máu khi đại tiện, sưng tấy, ngứa ngáy, đau rát hậu môn là những triệu chứng của bệnh trĩ nói chung.
- Sa trĩ: triệu chứng này dễ nhận biết và khá điển hình cho trĩ ngoại. Vì các búi trĩ có thể sa ra ngoài hậu môn ngay ở giai đoạn đầu.
Bệnh trĩ không gây ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng các triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh rất nhiều. Đa số bệnh nhân thường đến khám muộn vì còn e ngại. Nếu không được điều trị bệnh có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, khi thấy có dấu hiệu bệnh trĩ, bạn đừng ngại ngần mà hãy đến ngay các trung tâm, phòng khám để được tư vấn và điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hemorrhoidshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hemorrhoids/symptoms-causes/syc-20360268
Ngày tham khảo: 06/06/2021
-
Hemorrhoidshttps://www.healthline.com/health/hemorrhoids#causes
Ngày tham khảo: 06/06/2021