Nhận biết dấu hiệu nổi mề đay khác nhau
Nội dung bài viết
Mề đay không phải là phản ứng da quá xa lạ và có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Tuy nhiên mỗi người sẽ có biểu hiện mề đay và triệu chứng đi kèm khác nhau. Bài viết sau đây của Bác sĩ Da liễu Nguyễn Thị Thảo sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu nổi mề đay khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Mề đay là gì?
Mề đay còn được gọi là mày đay. Đây là một tình trạng phản ứng của da, do tác động của chất trung gian hóa học histamin. Người bị nổi mày đay có biểu hiện phù nề, da mẩn đỏ từ dạng nốt nhỏ đến mảng lớn. Các đám sẩn này không đều, nổi nhiều hoặc ít có màu hồng hoặc xanh trắng. Kèm theo đó là triệu chứng ngứa ngáy không ngừng, càng gãi càng ngứa. Hiện tượng này sẽ hoàn toàn biến mất thường sau vài giờ đến dưới 24 giờ.1
Mề đay là một trong những chuỗi dấu hiệu của dị ứng. Do đó, người có cơ địa dị ứng hoặc mắc các bệnh như hen, viêm mũi dị ứng có nguy cơ thường xuyên nổi mề đay. Sau khi tiếp xúc với các yếu tố kích ứng da có thể có thêm tình trạng phù mạch. Phù mạch do sự tích tụ dịch sâu dưới da ở môi, mặt, có thể xuất hiện mà không kèm mề đay.
Dấu hiệu phân biệt các dạng mề đay
Ngứa nổi mề đay vùng nhỏ2 3
Nếu chỉ ngứa nổi mề đay một vùng da nhất định thường do kích ứng tại chỗ khi tiếp xúc tác nhân ô nhiễm hoặc độc hại. Dấu hiệu nổi mề đay dạng này là chỉ khiến da mẩn đỏ một vùng nhỏ và không kèm cac triệu chứng nặng. Bệnh nhân có thể tự khỏi sau vài giờ đến vài ngày. Nếu có sử dụng thuốc điều trị cũng chỉ là thuốc không kê đơn, thông thường chỉ để giảm ngứa. Một số tác nhân gây ngứa nổi mề đay vùng nhỏ phổ biến như:
- Virus, vi khuẩn. Bệnh nhân mắc khi vô tình cầm nắm, giẫm chân lên hoặc mặc quần áo có lẫn vi khuẩn, virus. Các tác nhân vi sinh này sẽ gây nhiễm trùng tại chỗ tiếp xúc, kích thích phản ứng viêm gây nổi mề đay. Chúng có thể nhiễm ở mọi vùng da. Ví dụ như: mặt, tay, chân, lưng, bộ phận sinh dục thậm chí ở niêm mạc.
- Côn trùng cắn. Các vết thương do côn trùng cắn thường dễ nhận biết ngay vì gây đau và ngứa ngay lập tức. Chúng là các vết đốt của một số côn trùng như muỗi, bọ chét, ong, kiến, sâu. Khi côn trùng cắn sẽ tiết chất lạ vào cơ thể. Từ đó làm vết thương nổi mụn nước và có thể kèm mẩn ngứa, mề đay.
- Hóa chất trong các loại mỹ phẩm, nước hoa, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, kem bôi, xà phòng, chất tạo màu thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm,…
- Tác nhân vật lý. Do áp lực tì đè, do nhạy cảm với môi trường (nóng, lạnh, ánh sáng), do áp lực tâm lý.
Nổi mề đay rải rác toàn thân2 3
Nổi mề đay khắp người là biểu hiện của bệnh dị ứng toàn thân. Dấu hiệu là mề đay ở nhiều vị trí cùng lúc như mặt, lưng, tay chân,… Bệnh nhân rất ngứa ngáy, khó chịu và có thể kèm phù mạch, suy hô hấp nếu trở nặng. Do vậy dạng mề đay này cần sử dụng thuốc giảm các triệu chứng trên theo chỉ định của bác sĩ. Thậm chí nổi mề đay khắp người có thể là báo hiệu trường hợp nặng cần cấp cứu.
Tác nhân gây nổi mề đay khắp người bao gồm:
- Thuốc uống: Là cách đưa hoạt chất có tác dụng toàn thân nên nếu bị dị ứng hoạt chất đó cả cơ thể sẽ phản ứng lại với dấu hiệu nổi mề đay. Các hoạt chất dễ gây dị ứng cần lưu ý là penicillin, aspirin, ibuprofen, naproxen sodium và các thuốc tim mạch.
- Thực phẩm: Loại thức ăn gây dị ứng mề đay khác nhau ở mỗi người. Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng mề đay toàn thân như: hải sản, các loại đậu, lúa mì, trứng, sữa,…
- Bệnh hệ thống: Bao gồm các bệnh như lupus ban đỏ, tiểu đường, cường giáp, viêm mạch máu,… Các dị ứng nguyên trong môi trường kích thích hệ thống miễn dịch có thể là khói bụi, phấn hoa,… Các tác nhân này tiếp xúc với cơ thể đề kháng yếu sẽ xuất hiện mề đay kèm theo triệu chứng giảm hô hấp trên và dưới.
Nổi mề đay rải rác khắp người có thể được chia thành 2 dạng: mề đay cấp tính và mề đay mạn tính. Mề đay cấp tính thường xuất hiện và kéo dài dưới 6 tuần. Dạng mề đay này thường có nguyên nhân rõ ràng, có thể là do tiếp xúc với một dị ứng nguyên nào đó.
Mề đay mãn tính thường kéo dài lên đến trên 6 tuần với tần suất lặp lại trên 2 lần/tuần. Loại mề đay này phức tạp hơn và có đến 80% xuất hiện vô căn. 20% còn lại có thể do các tác nhân vật lý (nhiệt độ, áp lực tì đè, mề đay do rung lắc, mày đay do mồ hôi – cholinergic). Đôi khi mề đay xảy ra là do nhiễm ký sinh trùng.
Để điều trị chính xác bạn cần biết rõ tình trạng mề đay của mình. Có thể kể đến như mề đay xuất hiện trong bao lâu thì hết, tái phát thường xuyên không? Nếu tình trạng trở nặng và kéo dài bạn nên đi khám tại chuyên khoa da liễu hoặc dị ứng để được tư vấn và điều trị cụ thể.
Cách giảm triệu chứng nổi mề đay
Trong hầu hết các trường hợp, mề đay vô hại và có thể hết hoàn toàn sau vài ngày. Các thuốc điều trị thường dựa vào dấu hiệu nổi mề đay và giảm triệu chứng cụ thể như:3
Giảm triệu chứng ngứa
Thuốc giảm triệu chứng mề đay mẩn ngứa thường là các thuốc kháng histamin. Bạn đọc cần lưu ý, thuốc kháng histamin thế hệ mới không gây buồn ngủ, ngược lại, các thuốc thuộc thế hệ cũ có thể gây buồn ngủ. Do đó, cần chú ý trong việc lái xe, làm việc trên cao khi dùng các loại thuốc kháng histamin thế hệ cũ (Clophehydramin, Cetirizin,…).
Thuốc kháng histamin là thuốc không kê đơn. Vì thế, bạn có thể chủ động mua dùng nếu mề đay kéo dài, lâu hết mà không có triệu chứng nặng đi kèm.
Giảm triệu chứng viêm
Đối với các trường hợp nặng có kèm phù mạch, bạn có thể cần dùng tới thuốc kháng viêm corticosteroids. Hoạt chất thường dùng trong nhóm này để trị mề đay là prednisone. Thuốc làm giảm phản ứng viêm như sưng phù, đỏ da và giảm ngứa. Đây là thuốc kê đơn nên cần có chỉ định của bác sĩ và không tự ý tăng liều.
Giảm triệu chứng suy hô hấp
Nếu bạn có nổi mề đay kèm phù mạch, suy hô hấp với mức độ nặng cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ sẽ tiêm một liều adrenaline. Khuyến cáo bệnh nhân đã từng bị dị ứng nặng có thể mang theo một cây bút tiêm adrenaline để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Sử dụng thuốc này cần được tư vấn và giám sát bởi bác sĩ.
Mề đay là tình trạng da liễu phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân. Các dấu hiệu nổi mề đay khác nhau cho thấy nguyên nhân và cách điều trị khác nhau. Vì thế, việc tìm hiểu kỹ dấu hiệu nổi mề đay là điều rất quan trọng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Nhận diện chứng mề đayhttps://suckhoedoisong.vn/nhan-dien-chung-me-day-169186131.htm
Ngày tham khảo: 30/12/2022
-
Hiveshttps://www.healthline.com/health/hives#types
Ngày tham khảo: 30/12/2022
-
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh mày đayhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/huong-dan-chan-doan-dieu-tri-cac-benh-da-lieu.pdf#page=150
Ngày tham khảo: 30/12/2022
-
Hives and Your Skinhttps://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/hives-urticaria-angioedema
Ngày tham khảo: 30/12/2022