Những dấu hiệu sinh non mà bố mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Chuyển dạ sinh non là tình trạng khi cơ thể sản phụ bắt đầu có những dấu hiệu sinh quá sớm trong thai kỳ. Tình trạng này có thể xảy ra trước ba tuần so với ngày dự sinh. Việc xuất hiện những dấu hiệu sinh non có thể dẫn đến nguy cơ sinh non. Nếu trẻ được nuôi dưỡng trong bụng mẹ càng lâu thì khả năng trẻ gặp vấn đề sau khi sinh càng ít. Vậy nên, nhận biết dấu hiệu sinh non là điều rất quan trọng và cần thiết mà các bậc phụ huynh cần quan tâm.
Dấu hiệu sinh non
Dấu hiệu chung
Để giảm nguy cơ chuyển dạ sớm, bạn cần nhận biết các dấu hiệu sinh non càng sớm càng tốt. Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có những triệu chứng sau:
- Đau lưng – thường xuất hiện ở phần lưng phía dưới. Cơn đau có thể kéo dài liên tục; hoặc xảy ra từng đợt. Tuy nhiên, cơn đau không dễ dàng giảm đi. Ngay cả khi bạn thay đổi vị trí hoặc cố gắng tìm cách để cơ thể thoải mái.
- Xuất hiện các cơn co thắt ở bụng (cơn gò tử cung) xảy ra thường xuyên hơn.
- Chuột rút xuất hiện ở các cơ vùng bụng dưới. Có thể giống như đau bụng kinh. Những cơn đau này khiến bạn có cảm giác giống đầy hơi, có thể kèm theo tiêu chảy.
- Tăng tiết dịch từ âm đạo. Ngoài ra, có thể thay đổi màu sắc dịch tiết như nước ối hay máu.
- Các triệu chứng tiêu hóa khác bao gồm buồn nôn, ói mửa. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn dù chỉ là trường hợp nhẹ.
- Nếu bạn không thể hấp thu bất kì loại thức ăn nào trong hơn 8 giờ, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Một vài dấu hiệu sinh non trên có thể khó nhận biết; bởi lẽ nó khá giống các triệu chứng thông thường của thai kì như đau lưng. Nhưng bạn nên thận trọng nếu có bất kì khó chịu nào.
Cơn co thắt ở bụng
Thường xuyên kiểm tra các cơn co thắt ở bụng (cơn gò tử cung) là một trong những cách giúp phát hiện chuyển dạ sớm, sinh non. Bạn có thể tự thực hiện tại nhà bằng cách sau:
- Đặt bàn tay của bạn phía trên bụng.
- Nếu bạn cảm thấy tử cung của mình co thắt lại và mềm ra, đó được xem là một cơn co thắt.
- Ghi lại thời gian bắt đầu và kết thúc một cơn co thắt, cũng như những cơn co thắt tiếp theo.
- Cố gắng ngăn các cơn co thắt xảy ra; bằng cách thả lỏng toàn thân, thay đổi tư thế của bạn. Bạn cũng nên để cơ thể thư giãn; hoặc uống thêm hai hoặc ba cốc nước.
- Đến bệnh viện nếu bạn tiếp tục có các cơn co thắt sau mỗi 10 phút và thường xuyên hơn. Hoặc nếu bất kỳ triệu chứng nào của bạn trở nên tồi tệ hơn và không biến mất.
Nhiều phụ nữ có những cơn gò tử cung nhưng chỉ là dấu hiệu chuyển dạ giả. Chúng hoàn toàn không gây hại. Thường được gọi là cơn gò Braxton Hicks. Những cơn gò thường không liên tục và dừng lại khi bạn di chuyển hoặc nghỉ ngơi. Chúng không được xem là biểu hiện của chuyển dạ. Nếu bạn không chắc chắn về tính chất cơn co thắt mà bạn đang cảm thấy, hãy tìm đến lời khuyên của bác sĩ.
Chẩn đoán sinh non
Nếu bác sĩ sau khi hỏi bệnh và khẳng định bạn có các dấu hiệu sinh non cũng như nguy cơ sắp chuyển dạ, một số liệu trình dưới đây có thể được tiến hành:
- Kiểm tra mạch, huyết áp và nhiệt độ.
- Đặt đầu dò trên bụng của bạn để kiểm tra nhịp tim của thai nhi và các cơn co gò tử cung của bạn.
- Xét nghiệm miễn dịch tìm enzym fibronectin của bào thai giúp dự đoán nguy cơ sinh non.
- Khám âm đạo để kiểm tra cổ tử cung mở hay đóng.
- Siêu âm thai để đánh giá tuổi thai hiện tại. Siêu âm qua ngã âm đạo để đo chiều dài của cổ tử cung.
Cách điều trị sinh non
Điều trị dự phòng sinh non
Mặc dù nguyên nhân sinh non vẫn chưa được biết rõ và bạn có thể không ngăn ngừa được việc chuyển dạ sinh non. Tuy nhiên, bạn có thể cố gắng nuôi dưỡng cho thai kỳ khỏe mạnh bằng cách:
- Khám thai đầy đủ và thường xuyên theo lịch hẹn. Việc thăm khám trước khi sinh có thể giúp bác sĩ sản khoa theo dõi sức khỏe của bạn và thai nhi. Nếu bạn đã từng có tiền sử chuyển dạ sinh non hoặc tiến triển các dấu hiệu nghi ngờ chuyển dạ sinh non, bạn có thể khám thai thường xuyên hơn để đảm bảo thai nhi được khỏe mạnh.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Kết quả thai kì khỏe mạnh thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng tốt. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng chế độ ăn nhiều axit béo không bão hòa đa có liên quan đến việc giảm nguy cơ sinh non. Những chất béo này được tìm thấy trong các loại hạt, cá và dầu thực vật.
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất có nguy cơ như thuốc lá hay chất gây nghiện…
- Thận trọng khi sử dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Nếu áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản để mang thai, hãy cân nhắc số lượng phôi sẽ được cấy ghép. Những trường hợp đa thai sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn.
- Kiểm soát các bệnh lí mãn tính. Một số bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp và béo phì, có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Vậy nên, bạn hãy cố gắng tuân thủ điều trị cũng như theo dõi định kì theo lời khuyên bác sĩ nhé.
Điều trị chuyển dạ sinh non
Trong một số trường hợp, khoảng 3 trong số 10 phụ nữ có chuyển dạ sinh non có thể tự ổn định. Nếu không, các phương pháp điều trị có thể được lựa chọn để cố gắng trì hoãn việc sinh non. Ngoài ra, điều trị cũng có thể làm giảm nguy cơ biến chứng nếu em bé được sinh ra sớm.
Bác sĩ sẽ xem xét hướng xử trí thích hợp và tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và thai nhi khi bạn có những dấu hiệu sinh non. Nếu bạn được chẩn đoán là chuyển dạ sinh non, bạn có thể cần điều trị với những phương pháp sau:
1. Thuốc giảm co
Đây là thuốc có tác dụng làm chậm lại hoặc ngưng xuất hiện thêm những cơn co tử cung. Nhờ đó, ngăn được sự chuyển dạ ít nhất trong 48 giờ. Nếu việc chuyển dạ bị trì hoãn, thậm chí chỉ trong vài giờ, có thể có thêm thời gian để tiêm thuốc hỗ trợ phổi cho thai nhi. Sự trì hoãn này cũng có thể giúp bạn có thời gian chuyển đến bệnh viện có dịch vụ chăm sóc chuyên biệt cho trẻ sinh non.
2. Thuốc Corticosteroid
Corticosteroid có thể giúp tăng tốc độ phát triển phổi, não và các cơ quan tiêu hóa của thai nhi. Việc chích thuốc hỗ trợ phổi (liệu pháp corticosteroid) được khuyến cáo cho các trường hơp có nguy cơ sinh non từ 28 – 34 tuần. Đặc biệt là thai kỳ có nguy cơ sinh trong vòng 7 ngày. Mục đích nhằm giảm nguy cơ trẻ bị hội chứng suy hô hấp tử vong sơ sinh và các bệnh tật khác.
3. Truyền dịch, thuốc kháng sinh
Nhằm giảm nguy cơ nhiễm trùng, bạn có thể được bác sĩ chỉ định thuốc kháng sinh uống hoặc tiêm tùy trường hợp.
Nếu quá trình chuyển dạ vẫn tiếp tục, một đội ngũ chuyên gia sẽ chăm sóc con bạn ngay sau sinh. Việc chăm sóc trẻ sinh non sẽ phụ thuộc vào thời điểm thai kì chuyển dạ và khả năng trẻ thích nghi với môi trường bên ngoài như thế nào.
Nếu cần thiết, trẻ cần được theo dõi tại đơn vị chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU). Tuổi thai lúc sinh càng nhỏ, thời gian trẻ cần phải ở lại NICU càng lâu; có thể nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng.
Qua hỏi bệnh sử, khám sức khỏe và thực hiện các kết quả xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ sản khoa sẽ đánh giá kỹ lưỡng để xác định xem liệu bạn có đáp ứng các tiêu chuẩn để chuyển dạ sinh non hay có thể điều trị trì hoãn chuyển dạ; bởi vì trẻ sinh non có rất nhiều nguy cơ sau sinh. Bên cạnh những vấn đề xuất hiện sớm như suy hô hấp, trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng về tinh thần và thể chất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Premature Laborhttps://www.webmd.com/baby/guide/premature-labor
Ngày tham khảo: 05/04/2021
-
Preterm Labor and Birthhttps://www.acog.org/womens-health/faqs/preterm-labor-and-birth
Ngày tham khảo: 05/04/2021
-
Premature Laborhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preterm-labor/symptoms-causes/syc-20376842.
Ngày tham khảo: 05/04/2021