YouMed

Những dấu hiệu ung thư lưỡi mà bạn nên biết

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Phần lớn các vấn đề lưỡi là không nghiêm trọng và có thể được giải quyết một cách nhanh chóng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đó có thể là dấu hiệu ung thư lưỡi. Chỉ trong vòng hai năm 2015 – 2016, theo thống kê của Bệnh viện K, số ca ung thư lưỡi đã tăng gấp đôi.

Ung thư lưỡi là gì?

Ung thư lưỡi được xếp vào nhóm ung thư đầu – mặt – cổ. Đây là bệnh ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng.

Ung thư lưỡi là một loại ung thư vùng miệng, thường bắt đầu từ tế bào biểu mô vảy. Đây là những tế bào mỏng, có dạng dẹt. Tế bào vảy nằm ở bề mặt của da, miệng, lưỡi, thanh quản, tuyến giáp, cổ họng, lớp niêm mạc của đường tiêu hóa hay hô hấp… Trong các loại ung thư lưỡi, ung thư biểu mô vảy là phổ biến nhất. Ung thư gây ra các tổn thương như vết loét hoặc khối u.

Các giai đoạn của ung thư lưỡi

Dấu hiệu ung thư lưỡi có thể biểu hiện theo từng giai đoạn. Các bác sĩ phân loại quá trình phát triển của hầu hết các loại ung thư thành các giai đoạn. Việc này dựa vào hai yếu tố. Một là mức độ hiện diện của ung thư. Hai là liệu nó đã lây lan, hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa.

Hệ thống phân loại theo TNM

Hệ thống phân loại này được ký hiệu bằng các chữ cái và số. Chữ T (Tumor) chỉ khối. Chữ N (Nodes) chỉ các hạch bạch huyết ở cổ. Chữ M (Metastasis) chỉ mức độ di căn của khối u. Mỗi giai đoạn T hoặc N này kèm theo điểm tương ứng từ 1 – 4 hoặc 0 – 3.

Ung thư lưỡi được phân loại theo các giai đoạn và cấp độ. Cách phân chia này cho biết mức độ phát triển và di căn của ung thư. Mỗi giai đoạn có ba cách phân loại tiềm năng:

  • Những người có khối u T1, nghĩa là có khối u kích thước nhỏ nhất. Trong khi những người có khối u T4 có khối u với kích thước lớn nhất.
  • Phân loại N0 cho thấy ung thư lưỡi chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết vùng cổ nào. Khi ung thư lưỡi đã di căn đến một số lượng đáng kể các hạch bạch huyết thì có phân loại N3.
  • M (Metastasis) cho thấy việc có hay không có di căn (phát triển thứ phát) ở các bộ phận cơ thể khác.

Các cách phân loại cấp độ ung thư lưỡi khác

Để cho thấy mức độ nguy hiểm và khả năng lây lan, cũng có thể phân loại ung thư lưỡi như sau:

  • Thấp (phát triển chậm và không có khả năng lây lan).
  • Vừa phải.
  • Cao (rất ác tính và có khả năng lây lan).

Phân loại này thể hiện mức độ phát triển của ung thư và khả năng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Nguyên nhân của ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi có thể được gây ra bởi nhiều nguyên nhân, phối hợp với các yếu tố nguy cơ. Những vấn đề phổ biến cần lưu ý bao gồm:

1. Hút hoặc nhai thuốc lá

Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, sử dụng thuốc lá làm gia tăng nguy cơ ung thư miệng, lưỡi.

2. Uống nhiều rượu, bia

Một nghiên cứu đã cho thấy, có khoảng 70 – 80% bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư miệng hoặc ung thư lưỡi đều là những người nghiện rượu bia. Trong rượu có những chất kích thích các gene sinh ung. Đặc biệt nếu kết hợp với thuốc lá nguy cơ sẽ tăng gấp 10 lần .

3. Bị nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV)

Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục và là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư lưỡi.

4. Tiếp xúc với tia xạ

N guy cơ phát triển bệnh ung thư miệng và lưỡi ở những người thường xuyên tiếp xúc với các tia bức xạ cường độ cao tăng cao hơn so với người bình thường.

5. Các nguyên nhân khác

  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư lưỡi hoặc các bệnh ung thư miệng khác. Bao gồm: ung thư môi trên, môi dưới, mép; ung thư lợi hàm trên, lợi hàm dưới; ung thư khe liên hàm, khẩu cái cứng; ung thư lưỡi (phần di động); ung thư niêm mạc má và sàn miệng.
  • Tiền sử cá nhân về một số bệnh ung thư nói chung, các bệnh ung thư tế bào vảy khác nói riêng. Bao gồm các bệnh tương tự như trong yếu tố nguy cơ gia đình.
  • Chế độ ăn uống nghèo nàn (có một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn ít trái cây và rau quả).
  • Nam giới mắc bệnh lý răng lợi mạn tính dù có hút thuốc lá hay không cũng làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi. Phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi.

Dấu hiệu ung thư lưỡi

Dấu hiệu ung thư lưỡi thường mờ nhạt, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lí thông thường khác. Thế nên bệnh nhân thường phát hiện bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Dấu hiệu ung thư lưỡi đáng quan tâm nhất là vết loét không lành trên lưỡi kèm đau lưỡi.

Các dấu hiệu có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh bao gồm:

  • Có cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi: cảm giác này giống như có dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi nhưng chỉ thoáng qua.
  • Có khối gồ nổi lên bề mặt lưỡi: Xuất hiện phía cạnh lưỡi tiếp xúc với răng có thể là một khối u. Nếu các khối u này không được điều trị sẽ lớn dần và loét ra. Khối u này có thể có các tính chất như: Màu sắc thay đổi; Niêm mạc trắng; Tổn thương chắc, rắn, có thể ở dạng xơ hóa hoặc loét nhỏ. Cục u có thể gây khó khăn khi ăn, nhai, uống nước, thậm chí là nói.

Ở giai đoạn tiến xa hơn có thể xuất hiện các triệu chứng:

  • Đau lưỡi: Thông thường tổn thương ở các giai đoạn đầu không gây đau. Đau là triệu chứng xuất hiện trong giai đoạn thứ tư của ung thư. Ngứa hoặc đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc tiếp xúc với axit trong các loại thức ăn. Đau khi nhai nuốt hoặc còn có thể bị đau ở tai nếu khối u ác tính phát triển lớn.
  • Khó nuốt: bệnh nhân có thể cảm thấy như có một khối nào đó trong cổ họng làm cho họ khó nuốt.
  • Viêm loét và nhiệt miệng: được gây ra khi ung thư lưỡi tiến triển, hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu. Bệnh nhân có thể bội nhiễm; tăng tiết nước bọt; chảy máu: nước bọt được nhổ ra có lẫn máu; chảy máu khi va chạm, nhiều và không cầm; hơi thở hôi thối; một số trường hợp gây khít hàm, cố định lưỡi làm lưỡi hạn chế vận động, không di động được. Bệnh nhân khó nói và khó nuốt.

Đa số ung thư lưỡi phát triển ở bờ tự do của lưỡi. Thi thoảng cũng gặp ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc ở đầu lưỡi.

dấu hiệu ung thư lưỡi
Lưỡi có mảng trắng bất thường gợi ý ung thư lưỡi

Lưu ý

Hầu hết ung thư lưỡi không gây cảm giác đau ở giai đoạn đầu vì vậy người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên, ung thư vào giai đoạn diễn tiến, mới xuất hiện nhiều triệu chứng khiến người bệnh quan tâm.

Nếu các biểu hiện đã nêu ở trên tái đi tái lại nhiều lần, phải nghĩ đến ung thư lưỡi.

Tổng kết

Nhầm lẫn phổ biến về ung thư lưỡi là với các bệnh răng miệng thông thường khác như nhiệt miệng, vì dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn đầu thường rất mơ hồ. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu bị loét lưỡi lâu ngày tại một vị trí cố định. Sau 3 tuần dùng thuốc không khỏi cần khám chuyên khoa ung thư ngay. Để phòng bệnh ung thư lưỡi, chúng ta cần: Vệ sinh răng miệng đúng cách; Bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, nhai trầu; hạn chế tối đa uống rượu.

Lưu ý tầm soát với người có tiền sử gia đình hoặc bản thân từng mắc ung thư khoang miệng khác. Hãy gặp nha sĩ định kỳ 6 tháng một lần để đảm bảo sức khỏe khoang miệng bạn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Dấu hiệu sớm của ung thư lưỡihttps://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-som-cua-ung-thu-luoi-n113237.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  2. Ung thư lưỡi có thể phát hiện sớmhttps://suckhoedoisong.vn/ung-thu-luoi-co-the-phat-hien-som-n171014.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  3. Những giai đoạn phát triển của bệnh ung thư lưỡihttps://suckhoedoisong.vn/nhung-giai-doan-phat-trien-cua-benh-ung-thu-luoi-n128378.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  4. Dấu hiệu cảnh báo ung thư lưỡihttps://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-canh-bao-ung-thu-luoi-n126942.html

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  5. Everything You Need to Know About Tongue Cancerhttps://www.healthline.com/health/oral-cancer/tongue-cancer

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

  6. What are the early signs of tongue cancer?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322519

    Ngày tham khảo: 11/04/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người