Đau mắt đỏ có lây không? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến gây viêm kết mạc. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Và nhiều người thường thắc mắc liệu đau mắt đỏ có lây không? Hoặc viêm kết mạc có lây không? Nếu có thì bệnh có thể lây qua đường nào? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu các thắc mắc trên trong bài viết sau nhé.
Một số thông tin về đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tên thường gọi là chứng viêm kết mạc. Đây là tình trạng viêm phần kết mạc mắt do nhiễm trùng hoặc dị ứng. Bệnh thường trở nên tốt hơn trong một vài tuần mà không cần điều trị. Người bệnh có thể bị viêm kết mạc ở một hoặc cả hai mắt.
Các triệu chứng đau mắt đỏ của có thể bao gồm:1
- Cảm giác có gì đó ở trong mắt hoặc cảm giác có sạn trong mắt.
- Mắt đỏ.
- Cay mắt, ngứa mắt.
- Đau mắt (điều này thường xảy ra với dạng vi khuẩn).
- Chảy nước mắt.
- Mí mắt sưng húp.
- Tầm nhìn mờ hoặc mơ hồ.
- Nhạy cảm hơn với ánh sáng.
- Nhiều chất nhầy, mủ hoặc dịch đặc màu vàng chảy ra từ mắt.
Đau mắt đỏ có lây không?
Khả năng lây truyền bệnh đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân có thể do virus, do vi khuẩn, do dị ứng hoặc do chất gây kích ứng gây ra. Viêm kết mạc do vi khuẩn và virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác. Viêm kết mạc dị ứng và do chất gây kích ứng không lây nhiễm.2
Tuy nhiên, thực tế, có thể khó xác định nguyên nhân chính xác của viêm kết mạc vì một số triệu chứng có thể giống nhau bất kể nguyên nhân là gì. Do đó, cần thực hiện biện pháp phòng ngừa để phòng tránh tối đa việc nhiễm bệnh.
Đau mắt đỏ lây qua đường nào?
Các đường lây của bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể truyền sang người khác theo cách giống như các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác có thể lây lan. Chúng thường lây lan từ người bệnh sang người khác thông qua:1 3
- Tiếp xúc cá nhân gần gũi, chẳng hạn như chạm hoặc bắt tay.
- Tiếp xúc với dịch tiết từ người nhiễm bệnh như ghèn mắt, rỉ mắt, nước bọt, nước mắt,…
- Tiếp xúc vào đồ vật hoặc bề mặt có vi khuẩn hay virus. Sau đó chạm vào mắt trước khi rửa tay.
- Có thể lây lan qua không khí từ các giọt đường hô hấp do ho và hắt hơi.
- Sử dụng chung đồ dùng cá nhân bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Ngoài ra, nguy cơ bị đau mắt đỏ sẽ cao hơn ở người đeo kính áp tròng. Đặc biệt nếu chúng là loại kính áp tròng đeo lâu, kính không được làm sạch đúng cách hoặc không phải của chính bạn. Đó là bởi vì vi khuẩn hay virus có thể sống và phát triển trên kính.
Đau mắt đỏ nhìn có lây không? Vì sao?
Nhiều người thường nhầm tưởng rằng sẽ bị lây bệnh đau mắt đỏ khi nhìn vào mắt người bệnh. Việc nhìn vào mắt người bệnh đau mắt đỏ không thể khiến bệnh lây truyền.
Như đã nêu phía trên, đối với trường hợp viêm kết mạc do lây nhiễm thì nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn hoặc virus. Và con đường lây nhiễm là qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh, dịch tiết hay đồ dùng có vi khuẩn hay virus.
Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Về phía người bệnh1 4
Viêm kết mạc do virus và vi khuẩn có thể lây lan từ người này sang người khác. Làm theo những lời khuyên này để không lây nhiễm cho người khác hoặc tự lây nhiễm lại cho mình:
- Sử dụng khăn tay hoặc khăn giấy sạch mỗi khi bạn lau mặt và mắt.
- Che miệng và mũi khi hắt hơi và bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.
- Rửa tay thường xuyên bằng nước xà phòng ấm. Luôn rửa sạch tay trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Giặt vỏ gối, khăn trải giường, khăn mặt và khăn tắm thường xuyên bằng nước nóng và chất tẩy rửa. Rửa tay sau khi xử lý các vật dụng như vậy.
- Cố gắng không chạm vào mắt, nhất là bên mắt bị bệnh. Nếu vô tình chạm phải, bạn cần rửa tay ngay lập tức.
- Không trang điểm mắt khi mắt đang bị nhiễm trùng. Thay đồ trang điểm khác nếu bạn bị nhiễm trùng mắt. Không dùng chung dụng cụ trang điểm mắt với người khác.
- Đảm bảo làm sạch hoặc thay thế kính áp tròng theo khuyến nghị của bác sĩ Nhãn khoa.
- Không nên đeo kính áp tròng cho đến khi hết viêm kết mạc.
Về phía người khỏe mạnh4
Nếu ở gần người bị viêm kết mạc, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bằng cách làm theo các bước sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước ấm, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn có chứa ít nhất 60% cồn để làm sạch tay.
- Rửa tay sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hoặc đồ vật mà người đó sử dụng. Ví dụ, rửa tay sau khi giúp người bệnh nhỏ thuốc nhỏ mắt hoặc sau khi giặt drap giường, vỏ gối,… của người bệnh.
- Tránh chạm vào mắt khi chưa rửa tay.
- Không dùng chung đồ dùng với người bệnh đau mắt đỏ. Ví dụ: không dùng chung gối, khăn lau, khăn tắm, thuốc nhỏ mắt, đồ trang điểm mắt hoặc mặt, cọ trang điểm, kính áp tròng, hộp đựng kính áp tròng hoặc kính đeo mắt,…
Hy vọng bài viết đã giải đáp thắc mắc về vấn đề “Đau mắt đỏ có lây không?”. Hãy lưu ý đường lây lan của đau mắt đỏ để giữ an toàn cho bản thân và gia đình. Bệnh có thể khó chịu và có thể có một số biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn đọc và gia đình hãy thực hiện phòng tránh để ngăn ngừa viêm kết mạc hiệu quả nhất. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị đúng cách nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Conjunctivitis: What Is Pink Eye?https://www.aao.org/eye-health/diseases/pink-eye-conjunctivitis
Ngày tham khảo: 15/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Causeshttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/causes.html
Ngày tham khảo: 15/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Transmissionhttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/transmission.html
Ngày tham khảo: 15/05/2023
-
Conjunctivitis (Pink Eye) - Preventionhttps://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/prevention.html
Ngày tham khảo: 15/05/2023