YouMed

Dây thìa canh: Loài dây leo nhiều tác dụng

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Những năm gần đây, Dây thìa canh nổi lên như một dược liệu nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người đang sử dụng dây thìa canh một cách tràn lan, vô tội vạ để thay cho thuốc trị tiểu đường mà không hề biết về bộ phận nào của cây sẽ được sử dụng dẫn đến việc phá hủy toàn bộ cây một cách không cần thiết. Hãy cùng YouMed tìm hiểu sâu hơn về loài cây này!

1. Mô tả dược liệu

1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế

  • Dây thìa canh, dây muôi hay lõa ti rừng
  • Tên khoa học Gymnema sylvestre
  • Thuộc chi Lõa ti Gymnema họ Apocynaceae.

1.2. Đặc điểm thực vật

  • Dây leo cao 6 – 10 m, nhựa mủ màu trắng. Thân có lóng dài 8 – 12 cm, đường kính 3mm, có lỗ bì thưa. Lá có phiến bầu dục, trứng ngược, dài 6 – 7 cm, rộng 2,5 – 5 cm, đầu nhọn, có mũi, gân phụ 4 – 6 cặp, rõ ở mặt dưới, nhăn lúc khô, cuống dài 5 – 8 mm.
  • Hoa nhỏ, màu vàng, xếp thành xim dạng tán ở nách lá, cao 8 mm, rộng 12 – 15 mm. Đài có lông mịn và rìa lông, tràng không lông ở mặt ngoài, tràng phụ là 5 răng. Quả đại dài 5,5 cm, rộng ở nửa dưới, hạt dẹp, lông mào dài 3 cm.
  • Cây ra hoa vào tháng 7 và đậu quả vào tháng 8. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây Dây thìa canh hay cây muôi.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến

Dây thìa canh là một loài cây thân thảo bản địa của rừng nhiệt đới miền nam và miền trung Ấn Độ. Dây thìa canh được tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ. Dược điển Ấn Độ có ghi lại Dây thìa canh được sử dụng từ 2000 năm trước để trị bệnh “Nước tiểu ngọt như mật”. Loại cây này phát triển nhiều nhất ở thung lũng miền Trung Nam Ấn Độ, ngoài ra còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia.

Tại Việt Nam, loại cây này mới được tìm thấy vào năm 2006. Người đầu tiên phát hiện ra là TS. Trần Văn Ơn – Đại học Dược Hà Nội. Loại cây này ban đầu được tìm thấy tại một số nơi ở miền Bắc: Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Bắc, Ninh Bình, Thanh Hoá. Hiện nay loài cây này được quy hoạch trồng thành vùng tại Nam Định và Thái Nguyên. Thu hái các bộ phận của toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Mô tả dây thìa canh
Mô tả dây thìa canh

1.4. Bộ phận sử dụng

Dùng toàn cây: lá, thân

2. Thành phần hóa học

  • Dây thìa canh chứa acid gymnemic, một hoạt chất thuộc nhóm saponin triterpenoid. Dịch chiết cây cũng cho thấy có thành phần alkaloids.
  • Ngoài ra, cây còn chứa các thành phần khác như  peptide Gumarin, flavone, anthraquinone, hentri-acontane, pentatriacontane, α và β- chlorophylls, phytin, resins, d-quercitol, acid tartaric, acid formic, acid butyric, lupeol,…

>> Tham khảo thêm bài viết: Khám phá những lợi ích tuyệt vời từ Tảo biển. Đây là loại thực phẩm có thể bổ sung trong các khẩu phần ăn hằng ngày giúp ổn định lượng đường trong máu.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Tác dụng giảm đường huyết

Tác dụng được biết đến rộng rãi nhất của Dây thìa canh là hoạt động giảm đường huyết trong đái tháo đường.

Dây thìa canh có thể ngăn cản sự hấp thụ các phân tử đường của ruột, dẫn đến giảm lượng đường trong máu. Nó được tìm thấy có khả năng tăng tiết insulin và có thể có vai trò trong việc tái tạo insulin cũng như tế bào β ở tụy.

Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng dây thìa canh có thể gây hạ đường huyết ở cả bệnh nhân đái tháo đường và không đái tháo đường.

Dây thìa canh có tác dụng giảm đường huyết
Dây thìa canh có tác dụng giảm đường huyết

3.2. Tác dụng giảm lipid máu

Dây thìa canh làm giảm mức cholesterol toàn phần, triglycerid, LDL – cholesterol xấu và tăng mức HDL – cholesterol tốt. Trong các cuộc nghiên cứu, người ta thấy rằng nó có khả năng làm giảm lipid do sự hiện diện của các thành phần có tính axit như flavonoid, saponin, tannin, v.v.

3.3. Tác dụng chống ung thư

Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất của cây có tác dụng chống khối u: ung thư biểu mô tuyến phổi, ung thư vú,… Hoạt tính chống ung thư bằng cách cải thiện chức năng miễn dịch thông qua việc tăng chức năng thực bào, nâng cao nồng độ hemolysin huyết thanh, …

3.4. Tác dụng chống oxy hóa

Dây thìa canh có hoạt động thu dọn gốc tự do hydroxyl và khả năng chống oxy hóa đáng kể khi ức chế DPPH ở mức 87,3% và ức chế gốc tự do hydroxyl là 59,8%. Đây là các chất oxy hóa, gây nên các tình trạng bệnh mạn tính, lão hóa sớm.

Dây thìa canh có tác dụng ức chế một số loại khối u, chống oxy hóa
Dây thìa canh có tác dụng ức chế một số loại khối u, chống oxy hóa

3.5. Tác dụng điều hòa miễn dịch, chống viêm

Dây thìa canh kích thích chức năng thực bào của bạch cầu trung tính ở người khi có một tác nhân xâm nhập. Nó có tác dụng chống viêm ở chuột Wistar, có thể làm giảm sự giải phóng các chất trung gian gây viêm.

3.6. Tác dụng kháng khuẩn

Các chiết xuất khác nhau và các hợp chất hoạt tính sinh học được phân lập của Dây thìa canh đã được báo cáo là có khả năng chống vi khuẩn đối với một số vi sinh vật:  S. aureus,  E. coli, B. cereus, K. pneumoniaP. aeruginosa, C . albicans, C . kefyr, các loài Salmonella gây bệnh ( Salmonella typhi, S. Typhimurium , và S. paratyphi ),…

>> Xem thêm bài viết: Nhiễm Salmonella: Những cây hỏi thường gặp

3.7. Tác dụng lên hệ tiêu hóa

Dây thìa canh có làm giảm đáng kể chỉ số loét ở môn vị của dạ dày và làm giảm độ axit tự do, tổng độ axit và thể tích dịch vị, đồng thời làm tăng độ pH của dịch vị. Người ta cho rằng hoạt động chống loét là do sự hiện diện của các thành phần hóa thực vật như saponin, flavanoid, tannin, sterol, glycosid, alkaloid, carbohydrate, protein, triterpenoids.

4. Liều dùng, cách dùng

Liều dùng 4 – 6 gram dược liệu khô, nấu cùng 1 lít nước.

5. Lưu ý

  • Cần theo dõi đường huyết hằng ngày khi sử dụng dây thìa canh, cần cẩn trọng hạ đường huyết.
  • Không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú.
  • Tuyệt đối không dùng dược liệu khi chưa rõ nguồn gốc.

Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Khan F, Sarker MMR, Ming LC, et al. Comprehensive Review on Phytochemicals, Pharmacological and Clinical Potentials of Gymnema sylvestre. Front Pharmacol. 2019;10:1223. Published 2019 Oct 29. doi:10.3389/fphar.2019.01223

  2. Kanetkar P, Singhal R, Kamat M. Gymnema sylvestre: A Memoir. J Clin Biochem Nutr. 2007;41(2):77-81. doi:10.3164/jcbn.2007010.

  3. Zuñiga LY, González-Ortiz M, Martínez-Abundis E. Effect of Gymnema sylvestre Administration on Metabolic Syndrome, Insulin Sensitivity, and Insulin Secretion. J Med Food. 2017 Aug;20(8):750-754. doi: 10.1089/jmf.2017.0001. Epub 2017 May 1. PMID: 28459647.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người