YouMed

Dị ứng thuốc có thực sự nguy hiểm không?

Bác sĩ ĐẶNG HOÀNG THIÊN
Tác giả: Bác sĩ Đặng Hoàng Thiên
Chuyên khoa: Máu - Miễn dịch

Dị ứng thuốc là một phản ứng bất thường (phản ứng dị ứng) của hệ miễn dịch chống lại thuốc. Bất kì loại thuốc nào – kê đơn, không kê đơn, thảo dược – đều có thể gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, dị ứng thuốc thường xảy ra với vài loại thuốc nhất định. Triệu chứng thường gặp nhất là nổi mày đay, phát ban hoặc sốt. Phản ứng này cũng có thể gây ra các triệu chứng nặng nề đe dọa tính mạng (phản ứng phản vệ). Độc tính của thuốc khi sử dụng thuốc quá liều và tác dụng phụ của thuốc không được gọi là dị ứng thuốc.

1. Tại sao lại xảy ra dị ứng thuốc?

Hệ miễn dịch của bạn giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tật. Nó được hình thành để chống lại các tác nhân lạ như siêu vi, vi khuẩn, kí sinh trùng và các chất nguy hiểm khác. Đối với dị ứng thuốc, hệ miễn dịch lầm tưởng thuốc là vật thể lạ xâm nhập cơ thể. Nó nghĩ rằng thuốc là mối đe dọa với cơ thể nên nó bắt đầu tạo ra kháng thể. Kháng thể là những protein đặc biệt được lên chương trình tấn công vật thể lạ xâm nhập cơ thể. Trong trường hợp này, chúng tấn công thuốc.

dị ứng thuốc
Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây ra dị ứng

Đáp ứng miễn dịch này đưa đến tình trạng viêm, gây ra các triệu chứng như sốt, phát ban, nổi mày đay hoặc khó thở. Đáp ứng miễn dịch có thể xảy ra lần đầu tiên bạn dùng thuốc. Tuy nhiên, nó có thể xảy ra sau nhiều lần dùng thuốc mà trước đó không có vấn đề gì.

2. Các triệu chứng của dị ứng thuốc

Các triệu chứng nặng thường xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi sử dụng thuốc. Những phản ứng khác có thể xảy ra nhiều giờ, nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau đó.

2.1 Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp

  • Phát ban ở da
  • Nổi mày đay
  • Ngứa
  • Sốt
  • Sưng phù
  • Khó thở
  • Hắt hơi
  • Chảy mũi
  • Ngứa và chảy nước mắt
Nổi mày đay là 1 trong các triệu chứng thường gặp của dị ứng thuốc
Nổi mày đay là 1 trong các triệu chứng thường gặp của dị ứng thuốc

2.2 Phản ứng phản vệ

Phản ứng hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng gây suy giảm chức năng nhiều cơ quan trong cơ thể. Các triệu chứng bao gồm:

  • Thắt chặt đường thở, gây nghẹt thở
  • Buồn nôn và co cứng bụng
  • Nôn ói và tiêu chảy
  • Hoa mắt và chóng mặt
  • Mạch nhanh, yếu
  • Tụt huyết áp
  • Co giật
  • Mất tri giác
  • Rối loạn nhịp tim

Phản ứng phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Nếu bạn có bất kì dấu hiệu nào của phản vệ, gọi cấp cứu ngay hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Phản ứng thuốc không do dị ứng

Một số thuốc có thể gây ra phản ứng giống phản vệ trong lần đầu tiên bạn dùng thuốc. Các thuốc này gồm:

  • Morphine
  • Aspirin
  • Một số thuốc hóa trị liệu
  • Một số thuốc nhuộm hoặc thuốc cản quang sử dụng trong các xét nghiệm dùng tia X

Loại phản ứng này không liên quan đến hệ miễn dịch cơ thể và không phải dị ứng thật sự. Tuy nhiên, triệu chứng và điều trị giống như phản ứng phản vệ, và cũng nguy hiểm không kém.

4. Các tình trạng khác gây ra bởi dị ứng thuốc

Những phản ứng dị ứng thuốc ít gặp hơn xảy ra nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi dùng thuốc và kéo dài dai dẳng ngay cả sau khi bạn đã ngưng thuốc. Các tình trạng này bao gồm:

  • Bệnh huyết thanh (serum sickness). Gây ra các triệu chứng như sốt, đau khớp, phát ban, sưng phù và buồn nôn.
  • Thiếu máu gây ra do thuốc (drug-induced anemia). Giảm số lượng hồng cầu, dẫn đến mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, khó thở và các triệu chứng khác
  • Phát ban do thuốc với tăng bạch cầu ưa axít và triệu chứng toàn thân (Drug rash with eosiphilia and systemic symptoms – DRESS). Phát ban, tăng bạch cầu trong máu, phù toàn thân, sưng hạch bạch huyết và có thể tái phát viêm gan.
  • Viêm thận (Nephritis). Sốt, có máu trong nước tiểu, phù toàn thân, lú lẫn và các triệu chứng khác.

5. Các loại thuốc nào thường gây dị ứng nhất?

Các loại thuốc khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đối với cơ thể. Do đó, một vài loại thuốc có xu hướng gây ra phản ứng dị ứng hơn các loại thuốc khác. Bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh như penicillin hoặc nhóm sulfa như sulfamethoxazole – trimethoprim.
  • Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs),như Aspirin và Ibuprofen.
  • Các thuốc chống co giật như Carbamazepine và Lamotrigine
  • Các thuốc dùng trong liệu pháp kháng thể đơn dòng như Trastuzumab và Ibritumomab tiuxetan
  • Thuốc hóa trị liệu điều trị ung thư như Paclitaxel, Docetaxel, và Procarbazine
Penicillin là 1 trong các loại thuốc thường gây dị ứng
Penicillin là 1 trong các loại thuốc thường gây dị ứng

6. Sự khác nhau giữa dị ứng thuốc và tác dụng phụ của thuốc

Dị ứng thuốc chỉ ảnh hưởng đến một vài người nhất định. Nó luôn liên quan đến hệ miễn dịch và gây ra tác dụng xấu.

Tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra với bất cứ ai sử dụng thuốc. Nó không liên quan đến hệ miễn dịch. Nó có thể có tác dụng phụ xấu hoặc tốt không liên quan đến tác dụng chính của thuốc.

Một số ví dụ:

  • Aspirin dùng để giảm đau, thường có tác dụng phụ không tốt lên dạ dày. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng phụ tốt giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • Acetaminophen (Tylenol) cũng dùng để giảm đau, hạ sốt, có tác dụng phụ gây độc gan.
  • Nitroglycerin dùng để giãn mạch và tăng lưu lượng máu. Nó có thể cải thiện tình trạng tâm thần như là 1 tác dụng phụ tốt.

Bảng 1. So sánh sự khác nhau giữa tác dụng phụ của thuốc và dị ứng thuốc

 

Tác dụng phụ

Dị ứng thuốc

Tốt hoặc xấu

Có thể cả 2

xấu

Ai bị ảnh hưởng?

Bất kì ai

Chỉ 1 số người nhất định

Liên quan hệ miễn dịch?

Rất hiếm

Luôn luôn

7. Các yếu tố thuận lợi dẫn đến dị ứng thuốc

Một vài yếu tố có thể gia tăng nguy cơ dị ứng của bạn bao gồm:

  • Bạn có tiền sử bị dị ứng khác như dị ứng thức ăn hoặc sốt hoa cỏ (Hay Fever)
  • Gia đình bạn có tiền sử dị ứng thuốc
  • Bạn dùng thuốc trong thời gian dài hoặc dùng liều cao
  • Bệnh lí liên quan đến phản ứng dị ứng thuốc như nhiễm HIV hoặc siêu vi Epstein – Bar (EBV)

8. Dị ứng thuốc chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán chính xác rất cần thiết. Chẩn đoán nhầm có thể gây ra hậu quả sử dụng thuốc khác kém hiệu quả hoặc đắt tiền hơn.

Bác sĩ sẽ khám và đặt ra một số câu hỏi. Chi tiết về thời gian dùng thuốc và xuất hiện triệu chứng, các yếu tố làm cải thiện hoặc xấu đi triệu chứng rất quan trọng giúp bác sĩ của bạn đưa ra chẩn đoán.

Một số xét nghiệm sẽ được chỉ định hoặc bạn sẽ được đến chuyên khoa về dị ứng.

8.1 Test da (Skin test)

Bác sĩ sẽ tiêm hoặc áp vào da bạn 1 lượng nhỏ loại thuốc nghi ngờ gây dị ứng. Phản ứng dương tính khi xuất hiện 1 nốt nhô lên khỏi bề mặt da, màu đỏ và ngứa.

Phản ứng dương tính có ý nghĩa bạn có khả năng bị dị ứng thuốc.

Tuy nhiên, phản ứng âm tính cũng không thể loại trừ hoàn toàn khả năng bạn bị dị ứng.

8.2 Xét nghiệm máu (Blood test)

Xét nghiệm máu được thực hiện để loại trừ các bệnh lí có thể gây ra triệu chứng của bạn.

Mặc dù có các loại xét nghiệm máu để xác định phản ứng dị ứng với 1 số thuốc, nhưng chúng không thường được sử dụng do độ chính xác của chúng chưa được chứng nhận. Tuy nhiên, nếu test da của bạn cho phản ứng nặng nề, chúng có thể được sử dụng.

9. Dị ứng thuốc điều trị như thế nào?

Có 2 mục tiêu điều trị chính:

  • Điều trị các triệu chứng dị ứng hiện tại
  • Điều trị giúp bạn có thể sử dụng thuốc gây dị ứng nếu thuốc đó cần thiết phải uống.

9.1 Phương pháp điều trị các triệu chứng hiện tại

Ngưng thuốc gây dị ứng

Nếu bác sĩ đã xác nhận bạn bị dị ứng thuốc thì ngưng thuốc là biện pháp đầu tiên trong điều trị. Trong nhiều trường hợp, đây có thể là biện pháp điều trị duy nhất.

Thuốc kháng Histamine

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng Histamine như diphenhydramine. chúng có tác dụng ngăn chặn các chất hóa học do hệ miễn dịch phóng thích ra.

Thuốc Corticosteroid

Thuốc được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm để điều trị viêm liên quan đến dị ứng nặng.

Epinephrine

Phản ứng phản vệ cần được tiêm Epinephrine ngay lập tức và gọi cấp cứu ngay để đảm bảo duy trì huyết áp và hỗ trợ hô hấp.

Thuốc Epinephrine dùng xử trí cấp cứu phản ứng phản vệ
Thuốc Epinephrine dùng xử trí cấp cứu phản ứng phản vệ

9.2 Phương pháp giúp bạn có thể dùng được thuốc gây dị ứng

Nếu bạn bị dị ứng thuốc, bác sĩ sẽ không kê đơn thuốc đó nữa trừ khi nó cần thiết. Trong một số trường hợp, khi chẩn đoán của bạn chưa chắc chắn hoặc không có loại thuốc nào khác thay thế loại thuốc gây dị ứng, bác sĩ sẽ sử dụng 1 trong 2 cách sau để bạn có thể sử dụng được thuốc này.

Trong cả 2 cách, bạn sẽ được theo dõi sát và có đầy đủ dụng cụ hồi sức khi có phản ứng nặng nề xảy ra.

Hai cách này sẽ không thực hiện nếu bạn có những phản ứng nặng nguy hiểm tính mạng khi dùng thuốc trước đây.

Test nồng độ thuốc (Graded challenge)

Bạn sẽ dùng 2 đến 5 liều thuốc nghi ngờ gây dị ứng. Bắt đầu bằng liều thấp nhất, sau đó tăng dần đến liều điều trị.

Nếu bạn đạt đến liều điều trị mà không có phản ứng gì xảy ra, bác sĩ sẽ kết luận bạn không dị ứng với thuốc này. Bạn sẽ được được kê đơn thuốc này để điều trị bệnh.

Giảm sự nhạy cảm thuốc (Drug desensitization)

Bạn sẽ dùng thuốc với liều rất thấp và tăng liên tục đến liều cao hơn mỗi 15-30 phút. Có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày. Nếu bạn dùng đến liều điều trị mà không có phản ứng gì, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc này để điều trị bệnh cho bạn.

10. Cách phòng ngừa dị ứng thuốc

Nếu bạn dị ứng thuốc, cách phòng ngừa tốt nhất là tránh sử dụng chúng. Những bước bạn có thể làm để bảo vệ bản thân mình:

  • Thông báo cho các nhân viên y tế. Đảm bảo rằng tình trạng dị ứng thuốc của bạn đã được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án. Thông báo đến các bác sĩ của bạn như nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa.
  • Đeo vòng tay y khoa. Đeo vòng tay có ghi nhận tình trạng dị ứng của bạn. Thông tin này có thể đảm bảo việc điều trị phù hợp trong trường hợp cấp cứu.  

11. Khi nào cần gặp bác sĩ

Hãy gọi cấp cứu ngay hoặc đến ngay trung tâm y tế gần nhất khi bạn có các phản ứng nặng nề hoặc phản ứng phản vệ sau khi sử dụng thuốc.

Nếu bạn có triệu chứng nhẹ hơn, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

12. Cần chuẩn bị gì khi gặp bác sĩ

Hãy chuẩn bị sẵn sàng để trả lời các câu hỏi sau. Mọi câu trả lời càng chi tiết càng giúp ích cho bác sĩ trong việc chẩn đoán.

  • Bạn có những triệu chứng gì? (đừng bỏ qua cả những triệu chứng mà bạn nghĩ không liên quan)
  • Các triệu chứng bắt đầu khi nào? (càng cụ thể càng tốt)
  • Triệu chứng kéo dài bao lâu?
  • Gần đây bạn có uống loại thuốc nào mới không?
  • Bạn uống nó khi nào?
  • bạn đã ngưng uống loại thuốc mới đó chưa?
  • Các loại thuốc khác bạn đang sử dụng là thuốc gì?
  • Các loại vitamin, thảo dược hoặc thuốc bổ bạn đang sử dụng là gì?
  • Thời điểm nào trong ngày bạn uống các loại thuốc đó?
  • Khi có triệu chứng, bạn có uống gì để cải thiện nó không?
  • Bạn có từng bị dị ứng thuốc chưa? Nếu có thì bạn dị ứng với thuốc gì?
  • Bạn có bị dị ứng thức ăn, sốt hoa cỏ (Hay fever) hoặc các loại dị ứng khác không?
  • Gia đình bạn có ai bị dị ứng thuốc không?

Bạn có thể chụp hình lại các triệu chứng như nổi ban hoặc sưng phù cho bác sĩ xem. Điều này có thể giúp ích cho bác sĩ nếu lúc đến khám các triệu chứng đã biến mất.

Tóm lại, đây là một phản ứng bất thường của hệ miễn dịch chống lại thuốc. Bất cứ loại thuốc nào cũng có thể gây ra phản ứng này. Các triệu chứng thay đổi từ nhẹ (nổi mày đay, phát ban…) đến phản ứng phản vệ đe dọa tính mạng. Do đó cần nhận biết và phát hiện kịp thời để sử dụng thuốc cho phù hợp. Khi bạn có các triệu chứng nặng nề hoặc phản ứng phản vệ, hãy gọi ngay cấp cứu để được tiêm Epinephrine và hỗ trợ duy trì huyết áp và hô hấp. Nếu bạn có thắc mắc hoặc lo lắng gì về tình trạng dị ứng thuốc, hãy liên hệ ngay với bác sĩ của bạn nhé.

Bác sĩ Đặng Hoàng Thiên

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Healthline Editorial Team, “What is a drug allergy”, 13/12/2016, https://www.healthline.com

Mayo Clinic Staff, “Drug allergy”, 16/12/2017, https://www.mayoclinic.org

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người