Điểm Apgar: định nghĩa, cách tính điểm và ý nghĩa thực hành
Nội dung bài viết
Điểm Apgar là điểm đánh giá sức khỏe sơ sinh thường được áp dụng cho trẻ ngay sau khi sinh. Điểm số dựa trên các đánh giá yếu tố khác nhau để đo sức khỏe tổng thể của trẻ. Mục đích chính của thang điểm Apgar là giúp các bác sĩ xác định xem trẻ sơ sinh có cần can thiệp hoặc hỗ trợ y tế ngay lập tức hay không. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu sẽ giải thích về điểm Apgar là gì và hệ thống tính điểm như thế nào. Nhờ đó giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của nó.
Điểm Apgar là gì?
Điểm Apgar là một bài kiểm tra đánh giá tổng thể sức khỏe của trẻ sơ sinh. Thanh điểm này được sử dụng rộng rãi ở những cơ sở Sản phụ khoa. Phương pháp này đo lường dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm: sức cơ, nhịp tim, phản xạ và các tiêu chí khác của em bé. Mục tiêu của điểm Apgar là giúp ngăn ngừa tử vong ở trẻ sơ sinh và xác định xem có cần chăm sóc y tế ngay lập tức hay không.
Thử nghiệm thường được thực hiện hai lần vào những khoảng thời gian riêng biệt sau khi sinh. Tính điểm Apgar đầu tiên được thực hiện vào 1 phút đầu tiên sau khi sinh. Kết quả của tính điểm này được gọi là điểm Apgar 1 phút.
Việc kiểm tra thứ hai được thực hiện 5 phút sau khi sinh và được gọi là điểm Apgar 5 phút. Nếu em bé có điểm Apgar thấp, việc tính lại điểm Apgar có thể được thực hiện nhiều lần.
Điểm Apgar có từ năm 1952 khi nó được phát triển lần đầu tiên bởi một bác sĩ gây mê tên là Virginia Apgar. Đây cũng là bác sỹ nghiên cứu về ảnh hưởng của gây mê sản khoa đối với trẻ sơ sinh. Ngày nay hệ thống tính điểm Apgar được công nhận là phương pháp đánh giá sơ sinh tiêu chuẩn. Thực hiện xét nghiệm Apgar 1 phút và 5 phút là quy trình tiêu chuẩn trong các phòng sanh trên khắp Hoa Kỳ và cả Việt Nam.
Xem thêm: Sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ
Điểm Apgar được tính như thế nào?
Hệ thống tính điểm Apgar bao gồm 5 yếu tố. Mỗi yếu tố có thang điểm từ 0 đến 2 điểm. Vì thế, một đứa trẻ sẽ nhận được điểm cao nhất là 10 điểm. Tuy nhiên, thực tế, trẻ hiếm khi đạt 10 điểm trong những giây phút đầu đời. Điều này là do hầu hết trẻ sơ sinh có bàn tay hoặc bàn chân vẫn chưa hồng hào, còn màu xanh hoặc tím xanh ngay sau khi sinh.
1. Bác sĩ sẽ kiểm tra màu da của trẻ, tập trung vào màu da của bàn tay và bàn chân
- Điểm 0: Cơ thể trẻ sơ sinh hoàn toàn nhợt nhạt hoặc có màu xanh, không có vùng nào ửng hồng.
- Điểm 1: Cơ thể trẻ sơ sinh hồng hào nhưng tay chân vẫn xanh.
- Điểm 2: Toàn thân ửng hồng, không có vùng nào bị biến màu hoặc xanh.
2. Nhịp tim của trẻ
Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để đo nhịp tim của trẻ sơ sinh. Đây thường được coi là yếu tố quan trọng nhất của điểm Apgar.
- Điểm 0: Khi nhịp tim dưới 80 lần/phút.
- Điểm 1: Có mạch ổn định, nhưng đập từ 80-100 nhịp mỗi phút.
- Điểm 2: Mạch của trẻ sơ sinh ổn định và duy trì trên 100 nhịp mỗi phút.
3. Kiểm tra phản xạ
Kiểm tra phản xạ của điểm Apgar còn được gọi là phản xạ cáu kỉnh. Việc kiểm tra là xem phản ứng của em bé với kích thích. Bác sĩ véo nhẹ trẻ để kiểm tra phản xạ của trẻ.
- Điểm 0: Không phản ứng với kích thích vật lý.
- Điểm 1: trẻ sơ sinh phản ứng với kích thích vật lý, nhưng chỉ phản ứng yếu hoặc nhăn mặt.
- Điểm 2: trẻ sơ sinh có phản xạ tốt, cử động tứ chi.
4. Kiểm tra trương lực cơ
Ở bước này, bác sĩ sẽ mở rộng cánh tay và chân và quan sát trẻ sơ sinh uốn cong và cử động cơ của chúng để đánh giá đáp ứng.
- Điểm 0: Không có hoạt động của tay và chân, trẻ sơ sinh không cố gắng cử động hoặc gập cơ khi bị kích thích.
- Điểm 1: Có cử động nhẹ của tay và chân, nhưng không vận động yếu.
- Điểm 2: Tich cực cử động cả tay, chân và các cơ.
5. Đánh giá hô hấp
Chỉ số hô hấp đo khả năng thở của trẻ sơ sinh sau khi sinh.
- Điểm 0: Trẻ sơ sinh hoàn toàn không thở, cần được cấp cứu ngay để kích thích hệ hô hấp.
- Điểm 1: Thở được nhưng thở chậm, yếu, thở nông. Em bé không thể hoặc khó khóc.
- Điểm 2: Thở mạnh với nhịp độ đều đặn, khóc mạnh sau khi sinh.
Điểm Apgar bình thường là bao nhiêu?
Điểm Apgar cuối cùng được tính bằng cách cộng điểm của cả 5 yếu tố sau khi đã kiểm tra. Tổng điểm cao nhất có thể là 10 và thấp nhất là 0. Nếu đánh giá cao hơn 7 thường được coi là dấu hiệu cho thấy trẻ có sức khỏe tốt, chỉ cần theo dõi, chưa cần hồi sức. Nhưng trên thực tế, phần lớn em bé có tổng điểm dưới 10 vì những lý do vô hại như các bộ phận cơ thể ở xa tim như tay và chân cần nhiều thời gian hơn để hồng hào.
Nếu Apgar 4 – 7 điểm: trẻ bị ngạt, cần được hồi sức tốt.
Nếu Apgar < 3 điểm: Tình trạng ngạt nguy kịch, phải hồi sức tích cực.
Chỉ số này thường được đánh giá sau 1 phút bé chào đời và 5 phút sau sẽ đo lại. Nếu điểm 5 phút dưới 7, có thể lặp lại mỗi 5 phút cho đến 20 phút.
Điểm Apgar 1 phút thấp có thể cho biết bé cần chăm sóc ngay về mặt y khoa. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết báo hiệu trẻ sẽ có vấn đề sức khoẻ lâu dài. Đặc biệt khi trẻ có cảm thiện mức điểm lúc 5 phút.
Nếu chỉ số Apgar dưới 3 vào những thời điểm sau (5-10-20 phút), bé có nguy cơ bị tổn thương thần kinh lâu dài.
Điểm Apgar thấp có ảnh hưởng đến trẻ về sau?
Nếu một em bé có điểm số thấp, điều đó không nhất thiết là đứa trẻ không thể phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, trẻ có thể cần được chăm sóc kĩ càng và chặt chẽ hơn tại thời điểm này.
Một số trẻ có thể có điểm Apgar thấp hơn, bao gồm: trẻ sinh non, trẻ sinh bằng phương pháp mổ hoặc trẻ đã trải qua một cuộc sinh nở phức tạp.
Cha mẹ không nên ngay lập tức lo lắng nếu đứa bé có điểm Apgar thấp. Đặc biệt là chỉ trong vài phút đầu tiên sau khi sinh. Hầu hết trẻ sơ sinh nhận được điểm Apgar thấp sẽ vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường, ngay cả đối với những trẻ có thể gặp biến chứng. Điểm thấp không dẫn đến việc đứa trẻ không khỏe mạnh về sau.
Kết luận về điểm Apgar
Mặc dù điểm Apgar có giá trị trong việc giúp nhân nhân viên y tế nắm được tình trạng của em bé ngay sau khi sinh. Tuy nhiên điểm số này thường không ảnh hưởng đến mức độ khỏe mạnh lâu dài của em bé.
Điểm số này không dùng để để dự đoán sức khỏe, hành vi, trí thông minh của em bé. Nó được thiết kế để giúp đội ngũ đỡ sanh cho biết tình trạng tổng thể của trẻ sơ sinh. Từ đó họ có thể nhanh chóng quyết định xem em bé có cần được chăm sóc y tế ngay lập tức hay không.
Ngoài ra, bởi vì đây là điểm tự đánh giá qua quan sát. Vì thế điểm Apgar có tính chủ quan. Một người có thể cho em bé 7 điểm trong khi người khác có thể cho em bé 6 điểm. Đây là lý do tại sao điểm Apgar chỉ là một trong số thang điểm được sử dụng để đánh giá tình trạng chung cho trẻ sơ sinh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Your Baby’s First Test: Understanding the Apgar Scorehttps://childdevelopmentinfo.com/development/babys-first-test-understanding-apgar-score/#gs.iahmyp
Ngày tham khảo: 07/10/2020