Trẻ sinh non phải đối mặt với những vấn đề nào sau khi sinh?
Nội dung bài viết
Trẻ sinh non được định nghĩa là sinh ra trước 37 tuần mang thai. Khi ra đời càng sớm, trẻ càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Bởi vì trẻ không đủ thời gian trưởng thành để phát triển ở thế giới bên ngoài. Thai kì có nguy cơ sinh non có thể cần được chăm sóc và theo dõi trong bệnh viện cho đến gần ngày dự sinh.
1. Nguyên nhân sinh non
Nguyên nhân của sinh non thường không được biết rõ ràng. Đôi khi trẻ có thể cần được sinh sớm nếu có bất kì vấn đề về y tế đối với sức khỏe của người mẹ hay bào thai. Phổ biến hơn trong trường hợp song sinh hoặc những anh chị khác của trẻ cũng từng sinh non.
2. Điều gì xảy ra sau khi trẻ được sinh ra?
Vì con bạn còn nhỏ và được sinh ra sớm, trẻ có thể được chăm sóc tại đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU) trong vài ngày đến vài tháng. Những Bác sĩ chuyên khoa sơ sinh sẽ điều trị con bạn trong suốt thời gian ở phòng chăm sóc đặc biệt.
Chăm sóc da kề da hay còn gọi phương pháp kangaroo, có thể được thực hiện ngay sau khi sinh. Với chăm sóc da kề da, trẻ chỉ cần mặc tã và mũ. Sau đó, cha mẹ hoặc người chăm sóc sẽ giữ trẻ nằm trên ngực phía dưới quần áo. Ngoài ra, có thể phủ thêm một chăn ấm.
Mục đích của việc này là:
- Nhiệt độ, nhịp tim và nhịp thở của cơ thể trẻ được giữ trong phạm vi bình thường.
- Cân nặng cải thiện.
- Tạo điều kiện cho trẻ tập bú và giúp mẹ sản xuất nhiều sữa hơn.
- Làm giảm căng thẳng của trẻ và dễ dàng đi vào giấc ngủ.
- Đây là cách giúp gắn chặt tình cảm sâu sắc thêm mối liên kết giữa mẹ và trẻ.
Đôi khi con bạn bị bệnh nặng và phải nằm phòng cấp cứu. Do đó, bạn không thể bế trẻ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nắm tay, chạm và nói chuyện với trẻ. Trẻ vẫn có thể cảm nhận tình yêu thương của bạn. Nhờ vậy, trẻ sẽ mau chóng cải thiện sức khỏe.1
3. Những nguy cơ mà trẻ sinh non gặp phải
Có rất nhiều vấn đề mà một đứa trẻ sinh non phải đối mặt. Đặc biệt là trong những tuần đầu tiên. Hầu hết các vấn đề này sẽ dần cải thiện khi con bạn lớn lên.
3.1 Giữ ấm
Trẻ sinh non dễ mất nhiệt từ cơ thể hơn, nhất là qua da. Điều này dẫn đến trẻ có nguy cơ bị hạ thân nhiệt, có thể đe dọa tính mạng. Do đó, trẻ cần được hỗ trợ thêm năng lượng bằng cách giữ ấm và bú sữa mẹ đầy đủ. Chăm sóc da kề da là một phương pháp tốt để cải thiện vấn đề này.
3.2 Hô hấp
Trẻ có thể cần hỗ trợ oxy và thuốc để giúp phổi hoạt động tốt hơn. Trẻ có thể xuất hiện cơn ngưng thở ngắn, khò khè và dễ nhiễm trùng hơn so với trẻ đủ tháng.
Hội chứng suy hô hấp (hay Bệnh màng trong) là một bệnh lí liên quan đến phổi chưa trưởng thành ở trẻ sinh non. Nguyên nhân bởi vì phổi của trẻ sinh non thường thiếu chất giúp phổi vẫn căng phồng khi trẻ hít thở. Thông thường, nếu thai kì được dự báo có khả năng sinh non, Bác sĩ sẽ đề nghị dùng thuốc để hỗ trợ phổi cho trẻ.
Ngoài ra, một số trẻ sinh non sớm, cũng có thể được điều trị bổ sung chất này cùng với máy thở để giúp trẻ thở tốt hơn và duy trì lượng oxy đầy đủ trong máu. Đôi khi, trẻ sinh non có thể cần điều trị oxy dài hạn và có thể về nhà kèm theo liệu pháp thở oxy hỗ trợ.
Bệnh phổi mạn (BPD) là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả những trẻ cần hỗ trợ oxy trong vài tuần hoặc vài tháng. Hầu hết trẻ sơ sinh phục hồi sau khi trẻ lớn lên. Nhưng một số trẻ có thể bị khó thở trong thời gian dài. Mức độ sinh non ở trẻ sơ sinh được xem là yếu tố nguy cơ chính mắc bệnh phổi mạn. Phần lớn trẻ sơ sinh mắc bệnh phổi mạn được sinh ra sớm hơn 10 tuần, cân nặng lúc sinh dưới 2000 gam và có vấn đề về hô hấp sau sinh. Bệnh phổi mạn hiếm gặp ở trẻ được sinh ra sau 32 tuần mang thai.2
3.3 Nuôi ăn
Giai đoạn đầu, trẻ có thể quá yếu hoặc có những bệnh lí nặng đi kèm nên không thể bú mẹ trực tiếp. Một số trường hợp, trẻ sẽ đường ăn qua một ống đặt từ miệng hoặc mũi đến dạ dày. Nếu có vấn đề về đường ruột hay không thể ăn sữa, trẻ sẽ được truyền dịch bổ sung dinh dưỡng. Có thể mất vài tuần trước khi con bạn sẵn sàng với sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Vì trẻ sinh non có thể chưa hình thành phản xạ bú (ngậm và mút núm vú) ngay sau sinh, nếu bạn muốn cho con ăn sữa qua ống, bạn cần phải vắt sữa mẹ ra ngoài. Sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ chống lại nhiễm trùng. Hơn nữa, đó là nguồn thức ăn dễ tiêu hóa nhất đối với trẻ sơ sinh.
3.4 Vàng da
Bilirubin là một chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Thông thường, gan sẽ giúp chuyển hóa bilirubin trong máu và đưa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, gan của trẻ sơ sinh chưa trưởng thành ngay sau khi sinh. Do đó, bilirubin sẽ ứ đọng trong cơ thể. Nguy cơ tăng cao hơn ở trẻ sinh non.
Khi có nhiều bilirubin, da và mắt sẽ có màu vàng. Đây được gọi là bệnh lí vàng da sơ sinh. Tùy vào mức độ vàng da, điều trị bằng cách chiếu đèn với ánh sáng xanh đặc biệt hay thay máu.
Để biết thêm thông tin về bệnh lí Vàng da sơ sinh, bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết: Vàng da sơ sinh: Những điều cần biết
3.5 Nhiễm trùng
Trẻ sinh non không thể tự bảo vệ mình tránh khỏi nhiễm trùng/ Bởi vì sức đề kháng của trẻ rất yếu. Một khi bị nhiễm trùng, con bạn có thể diễn tiến nặng trong thời gian rất ngắn. Nếu nghi ngờ có vấn đề nhiễm trùng, trẻ có thể cần làm một số xét nghiệm máu, chụp X-quang hay siêu âm. Khi đó, điều trị bằng kháng sinh là cần thiết. Có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
3.6 Xuất huyết trong não
Trẻ sinh non càng sớm càng có nguy cơ chảy máu trong não. Khoảng 1 trong 5 trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2000 gam gặp phải vấn đề này. Một bệnh lí khác liên quan đến tổn thương não do thiếu oxy. Chảy máu hoặc thiếu oxy cung cấp cho não có thể dẫn đến một số hậu quả. Trong đó, bao gồm bại não, chậm phát triển và khó khăn trong học tập. Siêu âm thóp của con bạn sẽ được thực hiện để kiểm tra và theo dõi dấu hiệu chảy máu ở não.
3.7 Tim bẩm sinh
Khi trẻ sinh non, khả năng cao về việc xuất hiện những bệnh tim bẩm sinh ở trẻ. Thường triệu chứng xảy ra rất sớm ngay sau sinh hoặc trong sáu tháng đầu đời. Triệu chứng phổ biến nhất là tím tái hay khó thở. Một số bệnh tim bẩm sinh có thể được phát hiện từ lúc mang thai. Nhờ đó, trẻ sẽ được theo dõi và chuẩn bị các phương tiện chăm sóc bởi Bác sĩ tim mạch nhi ngay lập tức lúc ra đời.
Chúng có thể là do lỗ thông bất thường giữa các buồng bơm trong tim (khiếm khuyết vách ngăn) hoặc các mạch máu chính xuất phát từ tim (như chuyển vị đại động mạch).
3.8 Vấn đề về mắt
Ở một số trẻ sinh non, các mạch máu bất thường có thể bắt đầu phát triển bên trong mắt. Tình trạng này có thể tự biến mất khi trẻ lớn. Nhưng nó cũng có thể tiến triển rất nghiêm trọng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến suy giảm thị lực hoặc mù. Thông thường, trẻ sinh non sẽ được kiểm tra mắt khi trẻ được khoảng 4 tuần tuổi.
3.9 Thiếu máu
Cơ thể trẻ sinh non tạo quá ít tế bào hồng cầu trong 2 tháng đầu đời. Ngoài ra, hầu hết trẻ sinh non dễ bị bệnh và thường cần xét nghiệm máu. Nếu thiếu máu nặng, có thể trẻ cần được truyền máu để đảm bảo các cơ quan được phát triển.
4. Một số lời khuyên dành cho cha mẹ có trẻ sinh non
- Trẻ sinh non có nguy cơ bị những khiễm khuyết sẽ ảnh hưởng đến chúng suốt đời. Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ phụ thuộc vào thời điểm trẻ được sinh ra sớm như thế nào, chất lượng chăm sóc mà trẻ nhận được ngay sau sinh và trong những tuần tiếp theo.
- Hầu hết trẻ sinh non khi lớn lên phát triển khỏe mạnh giống như mọi trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, trẻ sinh ra với cân nặng thấp có nguy cơ cao gặp các vấn đề về học tập, tăng trưởng hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Một số hỗ trợ từ vật lý trị liệu thần kinh hay các phản xạ bú nuốt và các chương trình khác có thể giúp giảm bớt rủi ro này.
- Tất cả các lần hẹn để kiểm tra sau khi con bạn từ bệnh viện về nhà cần đượcthực hiện đầy đủ. Bác sĩ sẽ theo dõi liệu trẻ có tăng cân và phát triển tốt hay có những bất thường cần tầm soát khác. Trong đó có thể bao gồm cả kiểm tra thị lực và thính giác.
- Ngoài ra, vấn đề chủng ngừa theo đúng lịch cũng rất quan trọng.
- Những người chăm sóc trẻ, nhất là cha mẹ nên tìm hiểu khóa học hồi sức tim phổi cho trẻ nhỏ (CPR). Ngay cả khi bạn không bao giờ cần đến CPR, tốt nhất nên chuẩn bị khi có trẻ con nhỏ. Những tai nạn ngưng thở thường thấy sau khi trẻ bú sữa và bị hít sặc.
Bởi vì những đứa trẻ sinh non phải ra đời trước khi chúng sẵn sàng rời khỏi bụng mẹ, chúng thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì những lo ngại về điều này, trẻ sinh non cần được chăm sóc y tế và hỗ trợ thêm ngay sau khi sinh. Những lo lắng của cha mẹ khi sắp có một đứa con chào đời sẽ càng nhiều hơn ở trẻ sinh non. Do đó, ngoài chú ý đến tình trạng của trẻ, cha mẹ cũng nên chăm sóc bản thân để tránh căng thẳng trong giai đoạn vất vả nhưng cũng vô vàn hạnh phúc này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Premature Baby: Hospital Care
https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_premie_pep.htm
Ngày tham khảo: 25/04/2020
-
Health Issues of Premature Babieshttps://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/preemie/Pages/Health-Issues-of-Premature-Babies.aspx
Ngày tham khảo: 25/04/2020