Điều trị bệnh vảy nến như thế nào?
Vảy nến là một tình trạng viêm da mạn tính do nhiều yếu tố tác động với nhau gây nên. Biểu hiện của bệnh là những mảng đỏ tróc vảy ở một số vị trí hoặc toàn cơ thể. Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà tình trạng này có thể ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh. Vảy nến tác động xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị thực sự hiệu quả. Trong bài viết này, YouMed sẽ chia sẻ đến bạn đọc phương pháp chẩn đoán, điều trị và kiểm soát bệnh vảy nến.
Chẩn đoán bệnh vảy nến?
Bệnh vảy nến được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng trên da là chính. Bác sỹ da liễu sẽ thăm khám da và đánh giá các biểu hiện ở da. Dấu hiệu chính của bệnh là những mảng đỏ tươi, tróc vảy, có thể có ngứa hoặc không và thường là đối xứng hai bên cơ thể. Một vài trường hợp có tổn thương móng hoặc viêm khớp kèm theo.
Trong trường hợp các triệu chứng khó xác định và khó phân biệt với các bệnh lý khác. Bác sĩ sẽ sinh thiết vùng da bị tổn thương giúp chẩn đoán chính xác vảy nến.
Biến chứng của vảy nến?
Tùy mức độ nặng hay nhẹ mà vảy nến có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Các biến chứng có thể xảy ra ở người bệnh vảy nến bao gồm:
- Viêm khớp: một số người bệnh vảy nến có biểu hiện viêm khớp. Tình trạng này xảy ra ở tất cả các khớp với biểu hiện viêm cứng cột sống, viêm đa khớp… Không kiểm soát tốt bệnh vảy nến cùng với tình trạng viêm khớp dễ dẫn đến cứng khớp hoặc biến dạng khớp.
- Đỏ da toàn thân: vảy nến thường xuất hiện ở một hoặc một số vị trí trên cơ thể. Biến chứng đáng sợ nhất của bệnh là gây đỏ da toàn thân. Khi ấy các mảng đỏ da kèm tróc vảy chiếm toàn bộ hay gần hết diện tích da và không chừa phần da lành.
- Biến chứng khác: các biến chứng ít gặp hơn như nhiễm trùng hoặc ung thư vùng da bị tổn thương.
Vảy nến có lây hay không?
Bệnh vảy nến khiến cho vùng da của cơ thể trông kém thẩm mỹ. Vì thế nhiều người vẫn còn e ngại trong việc giao tiếp với người bệnh. Điều này càng tạo cho họ tâm lý bị xa lánh, ghê sợ. Một sự thật cần được khẳng định là bệnh vảy nến không lây nhiễm từ người này sang người khác. Chúng ta có thể tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các vật dụng cá nhân mà không bị lây bệnh. Vì vậy, mọi người không cần phải cách ly hay xa lánh người bệnh. Tránh tạo cảm giác bị kỳ thị, gây ảnh hưởng tâm lý không tốt cho người mắc bệnh vảy nến.
Điều trị bệnh vảy nến?
Rất khó để dự đoán tiến triển của bệnh vảy nến. Một số trường hợp bệnh ổn định, tổn thương da chỉ khu trú ở một vùng cơ thể. Một số trường hợp khác tổn thương da lan rộng từ từ ra toàn thân. Cũng có trường hợp bệnh tự nhiên hết nhưng lại tái phát. Nhìn chung, hiếm khi bệnh khỏi hẳn hoàn toàn.
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh vảy nến hoàn toàn. Điều này gây khó khăn, chán nản cho người bệnh. Cả bác sỹ và người bệnh đều cần phải kiên trì trong trị liệu để kiểm soát bệnh hạn chế tái phát.
Các phương pháp giúp kiểm soát bệnh bao gồm:
- Thuốc bôi
– Bác sĩ thường kê toa các loại thuốc bôi chứa thành phần corticoid, tarazotene, dẫn xuất vitamin D3 giúp chống viêm và chống nhiễm trùng vùng da bị tổn thương.
– Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc bôi chứa thành phần salicylic acid, vaselin giúp làm mềm da và tiêu vảy.
– Cần lưu ý bôi thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng hoặc tự ý ngưng thuốc làm cho bệnh khó kiểm soát.
- Thuốc uống
– Các loại thuốc uống được bác sĩ kê toa tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Thuốc uống chứa thành phần methotrexate, cylosporin, corticoid có tác dụng chống viêm và kiểm soát hệ miễn dịch của cơ thể. Vitamin A, vitamin D3 cũng được sử dụng và có kết quả tốt trong kiểm soát bệnh vảy nến.
– Một số loại thuốc uống có thể gây tác dụng phụ ở gan, thận, xương. Vì vậy cần xét nghiệm toàn bộ trước và trong quá trình điều trị để kịp thời phát hiện và xử lý tác dụng phụ.
- Chiếu ánh sáng
– Chiếu ánh sáng UVB, UVA có thể kết hợp với sử dụng thuốc giúp tăng hiệu quả kiểm soát bệnh. Chú ý che chắn kỹ những vùng dễ bị tổn thương như mắt, cơ quan sinh sản và những vùng không bị vảy nến, đặc biệt là vùng mặt.
– Các tác dụng không mong muốn của phương pháp này bao gồm đỏ da, ngứa, khô da, lão hóa da do ánh sáng và có thể bị ung thư da.
Phòng bệnh vảy nến?
Vì bệnh có liên quan đến gen và di truyền nên cha mẹ bị vảy nến thì con cái của họ dễ bị giống như vậy. Đối với những ai có người thân trong gia đình mắc bệnh vảy nến cần thực hiện những điều sau để phòng bệnh xảy ra:
- Chế độ ăn uống giàu vitamin và chất dinh dưỡng. Hạn chế những thực phẩm nhiều chất béo.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá.
- Tránh làm tổn thương, trầy xước da.
- Luôn giữ gìn tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng kéo dài.
- Không tự ý sử dụng các thuốc chứa thành phần corticoid mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Bảo vệ da trước tác hại của ánh sáng mặt trời.
Hiện nay, phương pháp điều trị còn giới hạn và chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Vì vậy đối với các đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh vảy nến do di truyền cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh xảy ra hay trở nên nặng hơn.
Tác giả: Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Bệnh vảy nến, Bài giảng da liễu, Đại học Y dược TPHCM
Bệnh vảy nến, Phác đồ điều trị bệnh da liễu, Bệnh viện Da liễu TPHCM