Những lựa chọn điều trị cường giáp hiện nay
Nội dung bài viết
Cường giáp là một vấn đề tương đối phổ biến, nhất là đối với nữ giới. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về tình trạng này và những lựa chọn điều trị cường giáp hiện nay.
Cường giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng có vai trò tiết hormone giúp kiểm soát nhiều hoạt động của cơ thể. Một số chức năng của tuyến giáp có thể kể đến như:
- Kiểm soát lượng canxi trong máu.
- Tăng cường quá trình trao đổi chất.
- Điều hòa nhiệt lượng cơ thể.
- Kích thích hoạt động của tim và hệ thần kinh.
Cường giáp, hay cường chức năng tuyến giáp, là bệnh lý xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức cần thiết. Khi đó, tuyến giáp sẽ sản xuất nhiều hormone và làm tăng nồng độ hormone trong máu. Người bệnh lúc này sẽ có các biểu hiện lâm sàng cụ thể.
Triệu chứng lâm sàng
Ở người bệnh một số triệu chứng cường giáp thường gặp có thể kể đến như:
- Thường xuyên đói, ăn nhiều hơn nhưng lại sút cân nhanh chóng.
- Thường khát nước.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Lòng bàn tay luôn ẩm ướt.
- Tim đập nhanh hoặc chậm bất thường. Đôi khi, người bệnh có thể có các vấn đề trên tim như rung tâm nhĩ hoặc đau thắt ngực.
Ngoài các dấu hiệu trên, cường giáp còn có những biểu hiện trên mắt hoặc trên các cơ.
- Người bệnh hay có cảm giác cộm ở mắt, hốc mắt đau nhức và thường chảy nước.
- Kết mạc đỏ, đau rát.
- Run tay liên tục, nhất là ở các đầu ngón tay, chân, lưỡi hoặc môi.
- Đôi khi có những cơn kích động hoặc lú lẫn, hoang tưởng.
Xét nghiệm chẩn đoán cường giáp
Để có được phương pháp điều trị cường giáp phù hợp, bạn nên tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Một số xét nghiệm cường giáp thường được tiến hành bao gồm:
Định lượng hormone giáp trong máu
Bác sĩ đo sự tăng nồng độ của các hormone như T3, T4, là các hormone được tiết ra bởi tuyến giáp. Các hormone này có nhiều trong máu báo hiệu tuyến giáp đang hoạt động quá mức.
Đo độ tập trung iod phóng xạ tại tuyến giáp
Mức độ hấp thu iod của bệnh nhân tại một số thời điểm thường tăng cao hơn so với người khỏe mạnh.
Định lượng nồng độ các kháng thể trong máu
Một số kháng thể như AntiTG, Anti TPO hoặc TRAb thường tăng cao ở người mắc cường giáp. Đặc biệt với những người bị Basedow, một biến chứng khác của cường giáp, chỉ số TRAb sẽ dương tính trong 80-90% trường hợp.
Ngoài ra, một số xét nghiệm không đặc hiệu khác cũng được tiến hành kèm theo như:
- Giảm lượng cholesterol, tăng đường hoặc calci trong máu.
- Công thức máu có sự giảm bạch cầu.
- Siêu âm tuyến giáp thấy các bướu giáp to lan tỏa.
Nguyên nhân gây cường giáp
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng cường giáp ở bệnh nhân. Do đó, việc hiểu rõ các nguyên nhân cường giáp này cũng là yếu tố cần thiết để đưa ra cách điều trị cường giáp phù hợp.
Theo các bác sĩ, 80 – 90% trường hợp cường giáp là do bệnh Graves hay còn gọi là bệnh bướu độc lan tỏa. Khi mắc bệnh, tuyến giáp sẽ bị tấn công nên buộc phải tiết ra nhiều hormone hơn để bảo vệ cơ thể. Người mắc bệnh Graves có một số biểu hiện như bướu cổ, lồi mắt hoặc bệnh da do thâm nhiễm.
Một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn, bao gồm:
- Viêm tuyến giáp: tuyến giáp bị viêm nhiễm nên giải phóng nhiều hormone ở dạng dự trữ.
- Bướu độc: là một khối u tuyến giáp tiết ra hormone. Người có bướu độc thường không thuyên giảm bệnh.
- Sử dụng quá nhiều thuốc tuyến giáp: Một số thuốc có thể gây rối loạn tuyến giáp. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ khi sử dụng các thuốc này.
- Ăn quá nhiều iod.
Cường giáp đôi khi có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân cụ thể. Bệnh lý cũng có thể di truyền trong gia đình nhưng không lây nhiễm. Do đó, bệnh cường giáp có lây không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể đối với những người trong gia đình.
Cách điều trị cường giáp
Mục tiêu điều trị cường giáp là đưa người bệnh trở về trạng thái bình giáp và duy trì tình trạng này. Đồng thời, bệnh nhân cũng được dự phòng và chữa trị các biến chứng nếu có.
Hiện nay, y học có 3 phương pháp cơ bản thường được áp dụng.
Dùng thuốc
Thuốc dùng trong cường giáp được chia làm 2 nhóm chính: thuốc kháng giáp tổng hợp và các chế phẩm chứa iod.
Thuốc kháng giáp tổng hợp
Loại thuốc được bác sĩ kê đơn bao gồm: Methimazole và propylthiouracil. Thuốc sẽ ngăn cản sự xuất hiện của các hormone tuyến giáp. Bệnh nhân có thể dùng thuốc trong vài tháng, vài năm hoặc lâu hơn. Song bạn có thể thấy sự thuyên giảm của các triệu chứng trong 1-2 năm dùng thuốc. Nếu tình trạng bình giáp được duy trì liên tục trong suốt thời gian điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc ngưng thuốc sau 18-24 tháng.
Iod và các chế phẩm chứa iod
Iod và các chế phẩm thường được pha với nước, chia làm 2-3 lần và uống vào các bữa chính.
Phẫu thuật
Nếu bệnh nhân có tuyến giáp quá lớn hoặc phụ nữ đang trong thời kì mang thai hay cho con bú, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Thông thường, bệnh nhân sẽ được cắt toàn bộ tuyến giáp và chỉ để lại 2-3g ở mỗi thùy. Ở những trường hợp đã điều trị bằng thuốc nhưng bệnh vẫn tái phát, bạn cũng có thể cần đến phẫu thuật.
Mặc dù đã có phương pháp điều trị; song với câu hỏi bệnh cường giáp có thai được không, các bác sĩ vẫn khuyên bạn nên điều trị bệnh trước khi chuẩn bị mang thai. Để có thể tránh được những nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn thai nhi.
Dùng đồng vị phóng xạ
Đây là phương pháp phổ biến nhất được sử dụng trong điều trị cường giáp tại Mỹ. Phương pháp này được áp dụng cho tất cả bệnh nhân, kể cả trẻ em. Bác sĩ sẽ dùng muối iod hoạt động phóng xạ I131, radioiodine.
Ở Việt Nam, phương pháp này được cân nhắc cho những đối tượng sau:
- Dùng thuốc kháng giáp trong thời gian dài nhưng không có kết quả khả quan.
- Bệnh nhân >40 tuổi có bướu giáp không quá lớn.
- Tái phát bệnh sau phẫu thuật.
- Suy tim nặng nên không dùng được thuốc kháng giáp lâu dài.
Đồng vị phóng xạ không được khuyến nghị cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Nguyên nhân là do phóng xạ có thể đi qua nhau thai và làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Cường giáp là vấn đề có thể gặp phải ở bất kỳ ai, đặc biệt là nữ giới. Vậy cường giáp có nguy hiểm không? Bệnh có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Bài viết trên giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về những nguyên nhân gây bệnh cũng như những phương pháp điều trị cường giáp hiện có. Người bệnh có thể tham khảo và đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hyperthyroidism (overactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659
Ngày tham khảo: 16/05/2021