Thuốc điều trị suy giáp và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Bạn có biết suy giáp là một rối loạn nội tiết của tuyến giáp. Bệnh có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Nhờ vào sự phát triển của y học, điều trị suy giáp ngày nay trở nên hiệu quả và dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong bài viết sau đây, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ chia sẻ với bạn những nhóm thuốc điều trị suy giáp và những vấn đề liên quan khi sử dụng.
Tổng quan về bệnh suy giáp
Bệnh suy giáp xảy ra khi tuyến giáp giảm bài tiết hormon chuyển hóa, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác. Rối loạn này có thể gặp ở bất kì nhóm tuổi nào, với tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở nữ giới.
Bệnh nhân thường đến khám vì những triệu chứng:
- Mệt mỏi, khó tập trung làm việc.
- Cảm thấy ớn lạnh, da khô.
- Tăng cân bất thường, không có lý do.
- Nhịp tim chậm.
Những thuốc điều trị suy giáp
Thuốc điều trị suy giáp bẩm sinh
Suy giáp bẩm sinh là nhóm bệnh thường diễn ra ở trẻ trong thời kì bú mẹ hay trong giai đoạn thanh thiếu niên. Nhóm thuốc điều trị suy giáp được dùng hiện nay là Thyroxin.
– Cơ chế
Nhóm thuốc điều trị suy giáp này có tác dụng sinh lý dài. Tại tổ chức ngoại vi có hiện tượng chuyển đổi T4 sang T3, dễ dàng kiểm tra nồng độ thuốc đưa từ bên ngoài. Vì thế bác sĩ sẽ theo dõi điều trị trên bệnh nhân nhanh chóng.
– Cách dùng thuốc
Thyroxin có dạng viên dùng đường uống. Theo khuyến nghị, bệnh nhân nên uống trước bữa ăn sáng 1 giờ.
– Theo dõi điều trị
Việc theo dõi điều trị cần sự phối hợp nhịp nhàng của bác sĩ và ba mẹ. Ba mẹ nên lưu ý những dấu hiệu sau đây để sớm thông báo với các bác sĩ:
- Trẻ trở nên kích thích.
- Nhịp tim nhanh.
- Ra nhiều mồ hôi.
- Khó ngủ.
- Tiêu chảy và nôn.
Ngoài ra, trẻ sẽ cần theo dõi trong suốt năm đầu điều trị, tái khám lại mỗi 3 tháng.
Giai đoạn điều trị suy giáp ở trẻ có thể có nhiều khó khăn. Tuy vậy, khi trẻ được điều trị suy giáp thích hợp, các dấu hiệu suy giáp sẽ giảm dần, trẻ nhanh nhẹn, đi học bình thường đồng thời phát triển đuổi kịp chiều cao so với trẻ cùng tuổi.
Thuốc điều trị suy giáp ở người lớn
Theo dược điển của Hoa Kỳ, có ba nhóm hormon giáp và chế phẩm có chứa hormon được sử dụng trong lâm sàng ngày nay:
- Levothyroxin (L-T4).
- Liothyronin (L-T3).
- Liotrix (L-T4 và L-T3).
Levothyroxin (L-T4)
Là hormon tuyến giáp được ưa dùng nhất để điều trị suy giáp tiên phát. Một số biệt dược thường dùng như: levo-T, levothroid, levoxyl, synthroid.
– Cơ chế
Levothyroxin có thời gian bán thải dài (7 ngày) cho nên chỉ cần uống một lần trong ngày.
– Cách dùng thuốc
Dạng thuốc điều trị suy giáp này thường dùng là viên nén, cũng có thể dạng tiêm hoặc thuốc nước uống. Mỗi bệnh nhân sẽ dùng thuốc với hàm lượng khác nhau, thường bắt đầu với liều thấp, sau đó tăng dần. Khi đạt được nình giáp (TSH và hormone tuyến giáp về bình thường), bệnh nhân sẽ được giảm liều.
Liothyronin (L-T3)
Thuốc còn có những tên gọi khác là: cynomel, cytomel. Liothyronin thường được dùng để điều trị hôn mê do suy giáp hoặc làm nghiệm pháp Werner. Trong một số trường hợp, thuốc được sử dụng cho những trường hợp suy giáp tiên phát, dùng từng đợt ngắn.
– Cơ chế
Nhóm này có thời gian bán thải ngắn (24 giờ) và được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Liotrix (L-T4 và L-T3)
Phối hợp liothyronin với levothyroxin.
Một số biệt dược có trên thị trường như: euthyral, thyrolar.
Một viên liotrix chứa 12,5µg T3 và 12,5µg T4 có tác dụng tương đương với100 µg T4.
Nồng độ L-T4 phối hợp với L-T3 của liotrix thường là 4/1; 5/1; 7/1.
Một số biệt dược được biết đến như là: armoun, thyroid, extract thyroidien choay.
Theo dõi và điều trị
Theo dõi khi dùng thuốc điều trị suy giáp: cân nặng, tần số tim, táo bón, cholesterol máu, T4, FT4 và TSH xét nghiệm lại cứ mỗi 6- 8 tuần / lần.
Một lưu ý nhỏ dành cho bệnh nhân cao tuổi. Người bệnh cao tuổi nên bắt đầu bằng liều thấp (1µg/ kg/ ngày). Trong quá trình điều trị cần theo dõi các biểu hiện tim mạch, điện tâm đồ. Nếu có cơn đau thắt ngực hoặc thiếu máu cơ tim cục bộ thì cần giảm liều thuốc điều trị suy giáp.
Các phương pháp khác điều trị suy giáp
Bột giáp đông khô.
Bột giáp đông khô còn gọi là tinh chất tuyến giáp, được bào chế từ tuyến giáp của gia súc. Viên nén với nhiều hàm lượng khác nhau: 16, 32, 60, 325 mg/ viên. Dược điển Hoa Kỳ quy định 1 viên nén hàm lượng 1gam tương ứng với 60mg bột giáp đông khô.
Thói quen giúp quá trình điều trị hiệu quả
YouMed xin bật mí với bạn rằng một lối sống lành mạnh là nhân tố then chốt trong điều trị suy giáp bên cạnh việc dùng thuốc điều trị suy giáp.
Nhiều nghiên cứu nêu rõ là chế độ ăn cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất sẽ giúp bệnh nhân suy giáp phục hồi nhanh chóng.
- Chất đạm nên dùng các loại thịt nạc lợn, bò, gà, vịt… tôm, cua, cá.
- Chất đường khuyến khích chỉ ăn đường chuyển hóa chậm (hay gọi là đường chậm) như các loại ngũ cốc: gạo, ngô, khoai, sắn, đậu (ngoại trừ đậu nành). Hạn chế ăn các loại đường nhanh như: đường kính, bánh kẹo, hay đường nhân tạo khác.
- Chất béo chỉ nên ăn các loại dầu thực vật như dầu gạo, dầu oliu, chất béo trong thủy hải sản… Không nên ăn thịt mỡ và mỡ động vật.
Tăng cường vitamin và khoáng chất có nhiều trong thịt cá tươi, rau củ quả, trái cây các loại.
Đảm bảo ngủ đủ giờ mỗi ngày từ 7-8 giờ.
Trên đây là một số loại thuốc điều trị suy giáp hiện nay cùng với những gợi ý thói quen hữu ích dành cho bệnh nhân suy giáp. Hormon giáp hoàn toàn có thể trở về mức bình thường (bình giáp) nếu bạn kiên trì điều trị. Trong trường hợp bạn thấy tình trạng triệu chứng suy giáp của mình không cải thiện, hãy thông báo với bác sĩ điều trị hay liên hệ YouMed để nhận được sự hỗ trợ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội tiết - chuyển hóa của Bộ Y Tếhttps://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/07/Ch%E1%BA%A9n-%C4%91o%C3%A1n-v%C3%A0-%C4%91i%E1%BB%81u-tr%E1%BB%8B-b%E1%BB%87nh-N%E1%BB%99i-ti%E1%BA%BFt-chuy%E1%BB%83n-h%C3%B3a.pdf
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
Best Diet for Hypothyroidism: Foods to Eat, Foods to Avoidhttps://www.healthline.com/nutrition/hypothyroidism-diet
Ngày tham khảo: 24/05/2021