Lưu ý và tuân thủ khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học
Nội dung bài viết
Trị vảy nến bằng thuốc sinh học được biết đến là phương pháp mang lại hiệu quả và tính an toàn cao. Vậy, người bệnh cần lưu ý và tuân thủ gì khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo nhé!
Khi nào người bệnh có thể điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học?
Thuốc sinh học điều trị vảy nến được chỉ định cho bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên có kèm 1 trong các điều kiện sau:1
- Mắc vảy nến ở mức độ trung bình – nặng.
- Viêm khớp vảy nến.
- Các phương pháp điều trị toàn thân cổ điển kém đáp ứng hay có chống chỉ định.
Những đối tượng người bệnh vảy nến sau không nên sử dụng thuốc sinh học:1
- Người mẫn cảm (dị ứng) với thành phần của thuốc.
- Người đang có nhiễm trùng nặng/nhiễm trùng đang hoạt động.
- Phụ nữ mang thai/đang cho con bú.
- Suy tim độ 3,4 (đối với thuốc infliximab và adalimumab).
Hiện nay, tại Việt Nam vẫn chưa có chỉ định thuốc sinh học dùng cho trẻ em. Các thuốc sinh học hầu hết ở dạng tiêm nên quá trình sử dụng thuốc cần được thực hiện bởi các nhân viên y tế tại bệnh viện.
Điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học có an toàn không?
Dữ liệu từ các nghiên cứu cho thấy thuốc sinh học không gây biến cố nghiêm trọng nào hơn so với các phương pháp trị vảy nến khác.2
Các thuốc sinh học hầu hết đều có tác dụng phụ nhẹ và không khiến bệnh nhân phải ngưng dùng thuốc. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:3
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Phản ứng da nơi tiêm sinh học.
- Các triệu chứng giống như cúm.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Đau đầu.
Bởi vì thuốc sinh học hoạt động bằng cách làm ức chế một phần hệ thống miễn dịch của bạn, nên bất kỳ ai dùng thuốc sinh học đều có nguy cơ bị nhiễm trùng. Các bác sĩ sẽ theo dõi kỹ tình trạng cơ thể khi dùng thuốc sinh học thông qua các triệu chứng và các xét nghiệm khi tái khám. Người bệnh nên chú ý các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ho, đau bụng,.. và báo với nhân viên y tế ngay khi có các triệu chứng này.
Cần theo dõi gì khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học?
1. Theo dõi trước điều trị
Trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ kĩ càng, đảm bảo hiểu được mục tiêu điều trị, tác dụng và thời gian sử dụng thuốc cũng như các vấn đề khác liên quan đến việc sử dụng thuốc sinh học.
Người bệnh cũng nên chia sẻ với bác sĩ các mong muốn liên quan đến việc điều trị, như: chi phí, thời gian tái khám nếu ở xa,… Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn loại thuốc sinh học phù hợp với bệnh nhân. Vì việc trị vảy nến, nhất là trị bằng thuốc sinh học, là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tuân thủ cao từ người bệnh.
Trước khi bắt đầu trị vảy nến bằng thuốc sinh học, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm để đảm bảo cơ thể đủ điều kiện sử dụng thuốc. Bao gồm các xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng, lao, viêm gan,…
2. Theo dõi trong điều trị
Quá trình tiêm thuốc sẽ được tiến hành tại cơ sở y tế, bệnh nhân thường sẽ được theo dõi khoảng 30 phút sau khi tiêm tại bệnh viện. Trong lúc này, người bệnh nên chú ý các dấu hiệu trên cơ thể và báo ngay với nhân viên y tế khi có bất thường.
3. Theo dõi sau điều trị
Bệnh nhân vảy nến nên ghi nhận mức độ tổn thương da trước điều trị. Có thể ghi nhận bằng cách chụp ảnh và cần thực hiện liên tục sau mỗi lần dùng thuốc. Điều này có thể giúp bác sĩ đánh giá được mức độ đáp ứng của cơ thể người bệnh với thuốc sinh học.
Trong quá trình điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học, người bệnh cần chú ý hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ kích thích sự tiến triển bệnh. Đồng thời, cần tuân thủ các phương pháp điều trị khác theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo đạt hiệu quả tối ưu.
Quá trình trị vảy nến bằng thuốc sinh học
1. Một liệu trình điều trị kéo dài bao lâu?
Vảy nến là một bệnh mạn tính, gần như không thể điều trị dứt điểm căn nguyên. Vậy nên, người bệnh cần duy trì điều trị lâu dài, mục tiêu là hạn chế các đợt bùng phát triệu chứng nặng.
Thuốc sinh học được khuyến cáo nên dùng lâu nhất có thể. Một liệu trình sử dụng thuốc sinh học bao gồm giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì.1
Trong giai đoạn tấn công, người bệnh sẽ được tiêm thuốc cách nhau từ 1-4 tuần, tùy theo từng loại thuốc. Sau đó, thời gian tiêm thuốc sẽ được giãn ra, cách nhau từ 1 đến vài tháng.1
2. Ngưng thuốc sinh học có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh vảy nến?
Với quá trình điều trị kéo dài, sẽ có lúc người bệnh muốn ngưng điều trị thuốc sinh học. Khi có ý định này, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ trước khi ngưng thuốc. Bởi vì:4
- Ngưng thuốc sinh học có thể làm nặng hơn triệu chứng vảy nến hiện tại.
- Một vài loại thuốc sinh học cần giảm liều trước khi ngưng.
- Người bệnh cần được thông tin về quá trình điều trị tiếp theo và các triệu chứng cần theo dõi khi ngưng thuốc.
Trên đây là bài viết về những lưu ý và tuân thủ khi điều trị vảy nến bằng thuốc sinh học. Hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều thông tin hữu ích qua bài viết. Để liệu trình điều trị đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối ưu, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của y bác sĩ, cũng như thực hiện tái khám đều đặn, đúng lịch nhé!
VN2312215823
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Joint AAD-NPF guidelines of care for the management and treatment of psoriasis with biologicshttps://www.jaad.org/article/S0190-9622(18)33001-9/fulltext
Ngày tham khảo: 21/12/2023
-
Systemic pharmacological treatments for chronic plaque psoriasis: a network meta‐analysishttps://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD011535.pub2/full
Ngày tham khảo: 21/12/2023
-
PSORIASIS TREATMENT: BIOLOGICShttps://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/treatment/medications/biologics
Ngày tham khảo: 21/12/2023
-
HOW LONG WILL I HAVE TO TREAT MY PSORIASIS?https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/treatment/medications/how-long
Ngày tham khảo: 21/12/2023