Dinh dưỡng trẻ 1 tháng như thế nào cho phù hợp?
Nội dung bài viết
Dinh dưỡng trẻ 1 tháng là một trong những vấn đề được các bà mẹ rất quan tâm. Trẻ 1 tháng đã bước qua giai đoạn sơ sinh và bắt đầu độ tuổi nhũ nhi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều biết chế độ dinh dưỡng của trẻ 1 tháng tuổi là như thế nào. Phải cung cấp nguồn dinh dưỡng ra sao cho phù hợp với hệ tiêu hóa non nớt của bé. Chính vì vậy, qua bài viết sau đây, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai sẽ chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề dinh dưỡng dành cho trẻ 1 tháng tuổi.
Sinh lý của trẻ 1 tháng tuổi?
Trước khi tìm hiểu chế độ dinh dưỡng trẻ 1 tháng, chúng ta nên biết được đôi nét về sinh lý của trẻ. Trẻ 1 tháng tuổi là trẻ đã vượt qua 28 đến 30 ngày tuổi (giai đoạn sơ sinh). Trẻ bắt đầu bước vào độ tuổi nhũ nhi. Trong 1 tháng đầu tiên, trẻ sẽ tăng cân trung bình 750 gram so với cân nặng lúc sinh. Bé vẫn duy trì phản xạ bú và tự động tìm vú mẹ để bú.
Chiều dài của bé trong 1 tháng đầu tiên có thể tăng đến con số 10 cm. Bé sẽ giao tiếp với thế giới xung quanh bởi những tiếng khóc náo nức, nhộn nhịp. Âm thanh ấy tạo nên tiếng trẻ con rất ấm áp cho gia đình chúng ta. Sau này, khi mắt và tai của bé phát triển hơn, bé sẽ nhận ra giọng nói cũng như những khuôn mặt quen thuộc.
Các cơ của bé 1 tháng tuổi cũng chắc dần hơn so với giai đoạn sơ sinh. Bé có xu hướng ngủ nhiều giờ trong ngày, trung bình từ 15 đến 21 giờ. Ban đêm, bé ngủ nhiều hơn ban ngày. Thậm chí có những giấc ngủ kéo dài tận 4 đến 6 giờ. Nhiều bé đôi khi cũng có thể nhoẻn miệng cười vui.
Dinh dưỡng trẻ 1 tháng tuổi cần chú ý những gì?
Thành phần dinh dưỡng trẻ 1 tháng tuổi chủ yếu vẫn là sữa mẹ. Không có bất kỳ loại sữa nào có thành phần dinh dưỡng và kháng thể thay thế được sữa mẹ. Đồng thời, sữa mẹ rất phù hợp với hệ tiêu hóa vốn dĩ còn non nớt của trẻ. Sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thu hơn bất cứ loại sữa nào khác.
Thậm chí cho đến giai đoạn bé ăn dặm thì các chuyên gia y tế vẫn khuyên nên ăn theo ô vuông thức ăn. Trong ô vuông ấy, sữa mẹ vẫn đóng vai trò trung tâm và là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trong ngày của bé. Còn lại 4 ô vuông ngoại vi là đạm, đường, chất béo và chất xơ.
Theo chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em Việt Nam, các chuyên gia y tế khuyến khích cho trẻ nhỏ bú sữa mẹ. Độ tuổi nên bú sữa mẹ hoàn toàn là trong vòng 4 đến 6 tháng đầu. Tốt nhất là chỉ nên cho trẻ ăn dặm kể từ tháng thứ 6 trở đi.
Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ
Sữa mẹ chứa những thành phần dinh dưỡng sau đây:
Protein (chất đạm)
Bao gồm Casein protein và Whey protein. Chất đạm trong sữa mẹ cung cấp các acid amin thiết yếu rất dễ cho trẻ hấp thu. Chúng giúp tăng trưởng cơ xương, hình thành kháng thể, làm dung môi cho các enzym quan trọng trong cơ thể.
Lipid (chất béo)
Cung cấp 50% năng lượng hàng ngày cho bé. Chất béo trong sữa mẹ hầu hết là Triglyceride và các axit béo chuỗi dài. Đặc biệt là DHA và AA giúp hoàn thiện sự phát triển các tế bào thần kinh, võng mạc cũng như hệ miễn dịch của bé.
Chất đường bột (Carbohydrate)
Chất đường bột chính trong sữa mẹ chính là đường Lactose. Nó cung cấp 40% năng lượng hàng ngày cho bé. Chất đường trong sữa mẹ kích thích tạo kháng thể. Đồng thời hỗ trợ cho hệ tiêu hóa của bé phát triển ổn định.
Kháng thể
Dinh dưỡng trẻ 1 tháng rất cần sữa mẹ. Bởi vì sữa mẹ có một thành phần rất quan trọng mà sữa bình không có. Đó chính là kháng thể. Kháng thể được của người mẹ được truyền cho bé thông qua sữa mẹ. Nhờ đó, bé 1 tháng sẽ có sức đề kháng thụ động để chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Các vitamin và khoáng chất
Sữa mẹ giàu chất sắt, selen và canxi tồn tại ở dạng rất dễ hấp thu. Những chất này giúp cho trẻ có một bộ xương vững chắc. Đồng thời kích thích hệ miễn dịch và sự phát triển trí tuệ.
Các enzym và hormone
Những enzym tiêu hóa có trong sữa mẹ bao gồm: Lipase, amylase. Hormon có trong sữa mẹ như prolactin, oxytocin, thyroid giúp đường ruột của trẻ khỏe mạnh.
Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ
Dinh dưỡng trẻ 1 tháng tuổi với chế độ 100% sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích thiết thực sau đây:
- Trẻ thông minh hơn.
- Thị lực tốt hơn.
- Những đổi thay của mùi vị sữa mẹ giúp bé dễ làm quen dần với các thực phẩm ăn dặm.
- Trẻ có kháng thể tốt hơn. Nhờ vậy ít bị các bệnh lý nhiễm trùng. Chẳng hạn như tiêu chảy, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,…
- Các nghiên cứu cho thấy trẻ bú mẹ thường có nồng độ cholesterol xấu thấp hơn trẻ bú bình.
- Trẻ giảm nguy cơ bị tiêu chảy. Nhờ vậy, trẻ ít bị bệnh đại tràng khi trưởng thành.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khi trưởng thành.
- Trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
- Thận của trẻ ít làm việc hơn. Song song với tình trạng đó là hệ tiết niệu ít bị viêm nhiễm.
- Ít bị dị ứng hơn so với trẻ bú sữa bình.
- Giảm nguy cơ bị táo bón hoặc loạn khuẩn đường ruột.
- Đặc biệt là động tác bú của trẻ giúp gắn kết tình mẹ con.
Chế độ dinh dưỡng trẻ 1 tháng không được bú sữa mẹ
Có nhiều trường hợp mà chế độ dinh dưỡng trẻ 1 tháng không được cho bú sữa mẹ bao gồm:
- Mẹ bị các bệnh truyền nhiễm có thể lây cho bé qua việc bú mẹ. Chẳng hạn như HIV – AIDS, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D, viêm gan E,…
- Mẹ bị suy nhược cơ thể, không đủ sữa cho bé bú.
- Người mẹ phải điều trị một thời gian dài do tai biến sản khoa. Tạm thời chưa cho bé bú được.
- Các trường hợp nhờ mang thai hộ mà bố là người chính chăm sóc cho bé.
- Mẹ bị viêm đầu vú, nấm đầu vú, tắc sữa.
- Người mẹ mắc các bệnh lý nặng như: suy tim, suy thận nặng, thiếu máu nặng,…
- Mẹ lạm dụng rượu, heroin hoặc các loại ma túy khác (ma túy đá, cocain, amphetamin,…).
- Người mẹ từng có tiền sử tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Hiện vẫn chưa xác định bản thân có bị nhiễm cấp hoặc mạn tính với các chất ấy hay không.
- Mẹ đang bị những bệnh lý viêm nhiễm cấp tính. Bắt buộc phải dùng kháng sinh. Mà những kháng sinh ấy có thể thấm qua sữa mẹ và gây ảnh hưởng xấu đến bé.
Đối với những trường hợp này, chế độ dinh dưỡng trẻ 1 tháng sẽ được thay thế bằng sữa bình. Tốt hơn hết là nên sử dụng sữa công thức. Sữa công thức là một dạng của sữa bột, có thể bảo quản được lâu dài. Nó chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể của trẻ.
Nên chọn sữa công thức loại nào?
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại sữa công thức. Sau đây là một số sữa công thức điển hình và phù hợp hợp cho chế độ dinh dưỡng trẻ 1 tháng:
- Frisolac Gold số 1 (giá tham khảo: 530.000đ/hộp 900g).
- S-26 số 1 (giá tham khảo: 495.000đ/hộp 900g).
- Meiji số 0 (giá tham khảo: 510.000đ/hộp 800g).
- Similac số 1 (giá tham khảo: 520.000đ/hộp 900g).
- Nan số 1 (giá tham khảo: 220.000đ/hộp 400g).
- Enfamil số 1 (giá tham khảo: 585.000đ/hộp 900g).
Tùy theo sở thích và mức giá mà các bậc phụ huynh có thể chọn loại sữa công thức mình ưng ý nhất.
Những lưu ý khi cho trẻ bú bình
- Cho trẻ bú ở tư thế dốc, đầu cao hơn những phần còn lại.
- Hãy giữ cho núm vú luôn đầy sữa khi cho trẻ bú bình.
- Vỗ lưng cho trẻ ợ hơi sau mỗi lần bú bình.
- Cho trẻ bú theo nhu cầu. Trung bình 100 đến 150 ml sữa/kg cân nặng trong 1 ngày.
Hy vọng với những thông tin trên, các bậc phụ huynh sẽ biết được chế độ dinh dưỡng trẻ 1 tháng tuổi. Từ đó, tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể mà các bạn hãy cung cấp loại sữa phù hợp. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là ưu tiên nhất. Trong những trường hợp bắt buộc không thể cho bé bú sữa mẹ thì hãy cho bé bú sữa công thức. Và các bạn hãy chú trọng những lưu ý cần thiết khi cho trẻ bú bình nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Baby Month 1: Your Newborn Guidehttps://www.whattoexpect.com/first-year/month-1
Ngày tham khảo: 23/06/2020
-
How Often and How Much Should Your Baby Eat?https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/feeding-nutrition/Pages/How-Often-and-How-Much-Should-Your-Baby-Eat.aspx
Ngày tham khảo: 23/06/2020
-
Human milk composition: nutrients and bioactive factorshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23178060/
Ngày tham khảo: 23/06/2020
-
Breastfeedinghttps://www.webmd.com/parenting/baby/nursing-basics
Ngày tham khảo: 23/06/2020