Đổ mồ hôi chân là bệnh gì và những điều bạn cần lưu tâm
Nội dung bài viết
Đổ mồ hôi chân nhiều kèm theo mùi hôi ở chân là các vấn đề “khó nói”. Tình trạng này thường gặp ở độ tuổi trưởng thành hoặc thanh thiếu niên. Bài tiết mồ hôi là hoạt động bình thường của cơ thể. Nhưng việc mồ hôi chân ra nhiều không kiểm soát được có thể là dấu hiệu của một bệnh lý. Vậy mồ hôi chân ảnh hưởng ra sao và nguyên nhân do đâu? Cách khắc phục mồ hôi chân như thế nào? Mời bạn cùng YouMed khám phá trong bài viết sau.
Những ảnh hưởng của tình trạng đổ mồ hôi chân nhiều
Ra nhiều mồ hôi ở chân có thể ít bị người khác để ý. Chúng dễ che giấu hơn so với ra mồ hôi ở các vùng khác như nách, tay, mặt. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của tình trạng này khiến người bệnh gặp nhiều cản trở trong cuộc sống.
Người bệnh ngại đi giày vì mồ hôi ra nhiều khiến bàn chân luôn ẩm ướt. Hơn nữa tình trạng này tạo điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn cho phát triển. Từ đó khiến bàn chân có mùi hôi. Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về bàn chân như nấm bàn chân, nấm móng chân.
Ra nhiều mồ hôi chân thường kèm theo mùi hôi khó chịu. Do đó, người bệnh cảm thấy tự ti, xấu hổ, ảnh hưởng đến việc phát triển các mối quan hệ. Điều này lâu dài có thể gây ra chứng trầm cảm.
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi chân
Có nhiều lý do khiến chân đổ mồ hôi. Đa số tình trạng này là do các hoạt động thể chất như tập thể dục hoặc do căng thẳng, lo âu. Nhưng cũng có thể do một số nguyên nhân khác. Chẳng hạn như:
Di truyền
Di truyền được cho là đóng một vai trò trong việc làm tăng tiết mồ hôi ở chân. Bởi khoảng 80% những người ra mồ hôi chân có người trong gia đình mắc tình trạng tương tự.
Độc tố
Các chất độc cũng có thể khiến bàn chân đổ mồ hôi. Chất độc có thể từ thực phẩm nhiều chất béo bão hòa. Rượu cũng là một chất độc. Do đó, uống rượu có thể làm tình trạng đổ mồ hôi trở nên trầm trọng hơn.
Các chất độc này có thể tích tụ và làm chân ra mồ hôi cũng như các bộ phận khác trên cơ thể.
Do lối sống
Chân có thể bị đổ mồ hôi do loại tất mà bạn sử dụng. Một số loại tất nylon sẽ khó thoát mồ hôi. Do đó mồ hôi bị ứ đọng lại khiến bàn chân luôn ẩm ướt.
Do bệnh lý
Đổ mồ hôi chân là bệnh gì? Nếu bạn đang mắc bệnh liên quan đến thận, ung thư, huyết áp, rối loạn nội tiết thì mồ hôi sẽ ra nhiều hơn bình thường. Đặc biệt là nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường, việc ra mồ hôi nhiều ở chân cũng cần đặc biệt lưu tâm vì chúng sẽ rất dễ trở nên lở loét. Nhưng các nguyên nhân này chỉ chiếm khoảng 20% những người đổ mồ hôi chân.
Rối loạn thần kinh giao cảm cũng có thể được cho là nguyên nhân. Tuy nhiên nguyên nhân này vẫn còn đang được nghiên cứu.
Các triệu chứng đổ mồ hôi chân cần lưu tâm
Ra mồ hôi ở lòng bàn chân là triệu chứng phổ biến nhất. Các triệu chứng bổ sung có thể bao gồm:
- Có mùi hôi ở chân.
- Có các vấn đề về da.
- Chân thường xuyên ngứa ngáy.
- Nấm móng chân.
- Quần áo thường xuyên bị thấm mồ hôi
Các biện pháp khắc phục đổ mồ hôi chân
Bạn có thể khắc phục tình trạng chân ra mồ hôi bằng những cách sau:
Chọn tất và giày phù hợp
Bạn nên mang những loại tất cotton để bàn chân được thông thoáng. Tránh mang các loại tất làm từ nilon vì loại vải tổng hợp này làm mồ hôi khó thoát ra hơn.
Bạn cũng nên lựa chọn giày có đúng kích cỡ chân của mình. Bởi giày quá chật sẽ chèn ép các ngón chân và góp phần làm đổ mồ hôi chân.
Miếng lót giày cũng có thể giúp giảm tiết mồ hôi chân. Bạn nên sử dụng các loại lót giày có chất thấm hút hoặc khử mùi để loại bỏ hơi ẩm và ngăn ngừa mùi hôi.
Sử dụng chất chống nấm chân
Bột trị nấm da chân sẽ giúp bàn chân khô thoáng và giảm mùi hôi. Một lựa chọn khác thay thế là thoa một lớp bột ngô nhẹ lên bàn chân. Bột ngô cũng có tác dụng ngăn mồ hôi chân. Tuy nhiên, bột ngô và chất chống nấm có cơ chế làm giảm đổ mồ hôi không giống nhau.
Thoa chất chống mồ hôi
Sử dụng chất chống mồ hôi là cách khắc phục dễ thực hiện để giảm đổ mồ hôi chân. Các sản phẩm này hoạt động bằng cách ngăn các tuyến mồ hôi bài tiết tạm thời.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyên nên thoa chất chống mồ hôi trước khi đi ngủ và rửa sạch vào buổi sáng. Và nên lặp lại trong 3 hoặc 4 đêm liên tục. Sau đó sẽ giảm tần suất sử dụng xuống 1 – 2 lần/tuần.
Uống đủ nước
Uống nhiều nước, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng hoặc khi tập thể dục giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể và giảm khả năng đổ mồ hôi.
Biện pháp ngăn ngừa đổ mồ hôi chân
Bạn có thể ngăn ngừa ra mồ hôi chân bằng cách:
- Lau khô chân sau khi tắm hoặc sau khi làm ướt chân.
- Mang tất và giày đúng loại, kích cỡ.
- Rửa chân hàng ngày.
- Giặt giày thường xuyên.
- Thay tất ít nhất một lần mỗi ngày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu thực hiện các biện pháp trên không làm giảm mồ hôi chân, tốt nhất bạn đến gặp bác sĩ.
Bác sĩ có thể giúp xác định nguyên nhân chính xác của tình trạng ra mồ hôi chân. Từ đó có một kế hoạch điều trị và khắc phục đối với từng người.
Ngoài ra nếu tình trạng ra mồ hôi ở chân đi kèm với các dấu hiệu sau bạn cần đến gặp bác sĩ ngay:
- Đổ mồ hôi nhiều ở chân và những bộ phận khác trên cơ thể mà không phải do nguyên nhân thời tiết hoặc vận động thể chất.
- Sốt.
- Xuất hiện các mảng bong tróc, lở loét trên bàn chân.
- Móng chân ngả màu bất thường.
Đổ mồ hôi chân nhiều không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng nó ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Nếu không được khắc phục đúng cách, tình trạng có thể trở nên ngày càng trầm trọng hơn và phát triển các vấn đề về da. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc bạn quá lo lắng về tình trạng chân ra mồ hôi nhiều của mình bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What causes feet sweating?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322578
Ngày tham khảo: 16/06/2021
-
Sweaty Feet – Causes, Prevention & Treatment
https://www.footvitals.com/skin/sweaty-feet.html
Ngày tham khảo: 16/06/2021