Đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì và câu trả lời từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Trên thế giới có khoảng 1 – 2% dân số trên thế giới mắc phải chứng đổ mồ hôi nhiều. Căn bệnh này chủ yếu liên quan đến các rối loạn hoạt động của hệ thần kinh thực vật. Nhiều người thường nghĩ đây không phải là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Nhưng khi họ nhận thức được về những tác hại mà nó gây ra thì có lẽ đã quá trễ. Vậy đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì? Cùng YouMed tìm hiểu về bệnh đổ mồ hôi nhiều qua bài viết dưới đây
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi nhiều
Trước khi biết được đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân gây tình trạng này.
Đổ mồ hôi thực chất là một cơ chế tự làm mát và duy trì thân nhiệt ổn định. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong cơ chế sốt. Ngoài ra còn có trong cơ chế vận động nhiều hoặc ở trong môi trường nóng bức. Quá trình bài tiết mồ hôi nằm trong hoạt động của hệ thần kinh giao cảm.
Một loạt các nguyên nhân có thể gây tăng tiết mồ hôi như:
Tăng nhiệt độ
Nhiệt độ môi trường hoặc nhiệt độ cơ thể tăng cao là nguyên nhân chính của tăng tiết mồ hôi.
Căng thẳng và cảm xúc
Nghiên cứu cho thấy, một số cảm xúc có thể khiến bạn tăng tiết mồ hôi. Ví dụ như:
- Phẫn nộ.
- Sợ hãi.
- Lúng túng.
- Lo lắng.
Thức ăn
Nghe có vẻ lạ, nhưng bạn thực sự có thể đổ mồ hôi do phản ứng với thức ăn. Chẳng hạn:
- Thức ăn cay, nóng.
- Thức uống chứa caffein: soda, cà phê, trà…
- Đồ uống có cồn.
Thuốc và bệnh lý
Mồ hôi được tiết ra do sử dụng thuốc và gặp trong một số tình trạng bệnh, như:
- Bệnh ung thư.
- Sốt.
- Nhiễm trùng.
- Hạ đường huyết.
- Thuốc giảm đau. Bao gồm cả morphin.
- Sử dụng hormone giáp tổng hợp.
- Mãn kinh. Phụ nữ mãn kinh thường ra mồ hôi đêm và đổ mồ hôi khi bị giận dữ, nóng bức.
Yếu tố nguy cơ gây tăng tiết mồ hôi
Ngoài nguyên nhân, khi tìm hiểu về vấn đề đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì, người ta cũng quan tâm đến các yếu tố nguy cơ gây tăng tiết mồ hôi. Một số yếu tố nguy cơ được liệt kê dưới đây:
- Căng thẳng, lo âu kéo dài, thức khuya, thiếu ngủ, mất ngủ…
- Yếu tố di truyền. Trong gia đình có người mắc chứng đổ mồ hôi nhiều thì con cái họ có 28% nguy cơ mắc chứng bệnh này.
- Tăng tiết mồ hôi thứ phát do các bệnh: đái tháo đường, cường giáp, gout, rối loạn nội tiết tuổi tiền mãn kinh, ung thư, nhiễm trùng…
- Sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, cà phê, thức ăn cay…
Đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì?
Ra mồ hôi nhiều được xem là bệnh có tính chất di truyền. Bệnh gặp phải ở 1 – 2% dân số thế giới. Trong những nguyên nhân đã đề cập ở trên, đa số các nguyên nhân là do môi trường và lối sống tác động. Thuốc và bệnh lý cũng là nguyên nhân được quan tâm hàng đầu.
Đối với nguyên nhân là bệnh lý, cơ chế do nhánh giao cảm của hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức. Từ đó làm sai lệch tín hiệu truyền đi khiến mồ hôi bài tiết liên tục không thể kiểm soát. Thuật ngữ y khoa gọi là: Hyperhidrosis, nghĩa là bệnh đổ mồ hôi nhiều.
Vậy đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì? Câu trả lời trong phần dưới đây:
Đổ mồ hôi nhiều là bệnh rối loạn thần kinh thực vật
Sự hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm đã làm cho bộ phận cảm biến thân nhiệt của cơ thể bị sai lệch. Chúng truyền những tín hiệu bất thường đến các hạch thần kinh và kích thích bài tiết mồ hôi liên tục. Triệu chứng biểu hiện thường là tăng tiết mồ hôi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách, đầu, mặt.
Mồ hôi ở lòng bàn tay, bàn chân đều khởi phát từ rất sớm. Thông thường chúng xuất hiện từ thời niên thiếu. Mồ hôi nách thì xuất hiện muộn hơn, khoảng ở cuối tuổi vị thành niên. Nếu không được điều trị sớm, vấn đề này có thể diễn tiến suốt đời làm mất đi sự tự tin của người bệnh.
Bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân đổ mồ hôi nhiều
Bạn thắc mắc không biết chứng đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì? Nếu bạn có kèm theo bệnh tiểu đường thì có thể đây là nguyên nhân của việc mồ hôi tăng tiết quá nhiều.
Tiểu đường lâu năm có thể gây rất nhiều biến chứng. Trong đó có biến chứng lên hệ thần kinh thực vật, làm rối loạn quá trình bài tiết mồ hôi.
Có trường hợp mồ hôi ra rất nhiều ở phần thân trên của cơ thể như vùng đầu mặt. Có trường hợp lại không hề bị ra mồ hôi hoặc ra rất ít ở phần thân dưới, thậm chí là bị tắc tuyến mồ hôi.
Hạ đường huyết
Đường huyết thấp có thể là lời giải đáp cho câu hỏi đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì.
Những người bị tiểu đường lâu năm thường bị hạ đường huyết. Do phản ứng phụ của thuốc gây hạ đường quá mức. Khi đó, lượng đường trong máu thấp kích thích hệ giao cảm bài tiết adrenaline. Đây là một hormone gây co mạch, tăng nhịp tim. Hậu quả là vã mồ hôi liên tục.
Hạ đường huyết nặng có thể gây tử vong. Mức độ hạ đường huyết được phân loại theo ADA (Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ) 2021 như sau:
- Mức độ nhẹ: đường huyết từ 54 – dưới 70 mg/dl.
- Mức độ trung bình: < 54 mg/dl.
- Mức độ nặng: có rối loạn tri giác.
Để xác định lượng đường trong máu không khó, chỉ cần đến xét nghiệm ở bệnh viện và phòng khám uy tín.
Bệnh cường giáp
Đổ mồ hôi liên tục có thể do tuyến giáp hoạt động quá mức. Cụ thể, bệnh cường giáp cũng là câu trả lời cho câu hỏi đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì. Khi có quá nhiều hormone giáp được sản xuất sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động.
Dấu hiệu để phân biệt là ngoài ra nhiều mồ hôi ở lưng, đầu mặt, người bệnh tuyến giáp còn có thể có một loạt các dấu hiệu sau:
- Run tay.
- Hồi hộp, đánh trống ngực.
- Nhịp tim nhanh.
- Mất ngủ, lo âu.
- Không chịu được nhiệt.
- Lồi mắt.
- Thèm ăn và ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh.
Đổ mồ hôi nhiều là bệnh suy giảm nội tiết tố
Đổ mồ hôi do suy giảm nội tiết tố có thể xảy ra ở cả hai giới. Khi nồng độ testosterone thấp, vùng dưới đồi nhận được tín hiệu sai rằng cơ thể quá nóng, cần đổ mồ hôi để hạ bớt nhiệt.
Đối với phụ nữ, đổ mồ hôi ban đêm có thể là một dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh. Đổ mồ hôi có thể nhiều hơn ở giai đoạn trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt vì đây là thời điểm nồng độ estrogen ở mức thấp nhất.
Phương pháp điều trị đổ mồ hôi nhiều
Thông qua việc đánh giá một cách có hệ thống các nguyên nhân và tác nhân gây ra bệnh đổ mồ hôi nhiều, bác sĩ sẽ tiếp cận điều trị thận trọng, từng bước.
Một số cách điều trị như sau:
- Thuốc chống ra mồ hôi không kê đơn. Các thuốc này có chứa một lượng muối kim loại thấp (thường là nhôm).
- Thuốc chống ra mồ hôi theo toa. Các thuốc này có chứa nhôm clorua hexahydrat hoạt động tốt hơn các thuốc chống ra mồ hôi không kê đơn.
- Liệu pháp ion (Iontophoresis). Phương pháp này sử dụng một thiết bị đưa nước máy được ion hóa qua da bằng cách sử dụng điện trực tiếp.
- Thuốc kháng cholinergic. Thuốc này ức chế hệ giao cảm làm giảm tiết mồ hôi.
- Botox (độc tố botulinum). Botox đã được FDA chấp thuận ở Hoa Kỳ để điều trị tăng tiết mồ hôi nách.
- Tia laser. Laser có thể nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tuyến mồ hôi dưới cánh tay.
- Phẫu thuật. Đây là phương pháp được thực hiện khi các phương pháp trên không còn hiệu quả. Phẫu thuật sẽ cắt bỏ phần thần kinh giao cảm ở lồng ngực làm giảm tiết mồ hôi.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi đổ mồ hôi nhiều là bệnh gì. Từ đó có một cái nhìn đúng hơn về chứng đổ mồ hôi nhiều. Bạn đừng ngần ngại mà hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu của các bệnh lý trên để được tư vấn và điều trị sớm nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.