Đương quy: Loại sâm quý chữa bệnh phụ khoa
Nội dung bài viết
Đương quy là vị thuốc bổ chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắt kinh, thai tiền sản hậu… Hầu hết các bệnh phụ khoa và một số bệnh lý khác. Sau đây, bài viết sẽ làm rõ hơn về đặc điểm, công dụng, cách dùng và những điều cần lưu ý.
Đặc điểm của Đương quy
Phân bố
Nhìn chung các giống đương quy đều có nguồn gốc từ vùng ôn đới ưa khí hậu ẩm mát. Từ lâu đã được trồng phổ biến ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Ở Việt Nam cũng được trồng ở các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, vùng ven Hà Nội, nhưng cũng phải lựa chọn thời vụ sao cho mùa gieo hạt và sinh trưởng của cây trùng với thời gian có nhiệt độ thấp trong năm, nhìn chung hiệu quả chưa cao.
Bộ phận dùng
Rễ Đương quy trồng được 3 tuổi, đào vào mùa thu, bó thành bó nhỏ, xếp lên giá đốt xông nóng (không đốt trực tiếp) cho đến khi dược liệu có màu đỏ tươi hay màu vàng kim tuyến, rồi sấy than. Không phơi chỗ râm mát (đương quy có màu xanh) và cũng không phơi nắng (mất tinh dầu).
Rễ to, thịt chắc dẻo, màu trắng hồng, nhiều tinh dầu, có mùi thơm đặc biệt, vị ngọt sau cay là loại tốt.
Nếu không phân biệt các bộ phận với nhau thì toàn bộ rễ chính, rễ phụ gọi là Toàn quy. Ngoài ra, dựa vào tính chất của mỗi bộ phận mà người ta còn phân biệt ra 3 loại:
- Quy đầu là phần đầu của rễ chính, đường kính 1.5 – 4cm, đầu tù và tròn, tác dụng chỉ huyết.
- Quy thân là rễ đã loại bỏ phần đầu và đuôi, tác dụng bổ huyết.
- Quy vĩ là rễ phụ nhỏ hay rễ nhánh, đường kính 0.3 – 1cm, tác dụng hành huyết, giảm đau.
Thành phần hóa học
Đương quy chứa 0.2 – 0.4% tinh dầu tùy loại và nơi trồng. Tinh dầu đương quy là chất lỏng màu vàng sẫm.
Tác dụng dược lí
Theo Y học cổ truyền: Đương quy có vị ngọt hơi đắng, hơi cay, mùi thơm, tính ấm. Tác dụng bổ huyết hoạt huyết, chỉ huyết chủ trị chứng kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, tắt kinh, các bệnh thai tiền sản hậu, tổn thương do té ngã, đau tê chân tay, mụn nhọt lở loét, táo bón kinh niên.
Theo Y học hiện đại: Đương quy có cả hai tác dụng co thắt và thư giãn tử cung. Nó còn đóng vai trò như một chất kháng viêm giảm đau làm giảm triệu chứng đau bụng kinh.
Đương quy không trực tiếp liên kết với thụ thể estrogen, cũng không làm dày màng nhày tử cung trong chu kì kinh nguyệt, nhưng gián tiếp thay đổi nội tiết tố nữ. Mặt khác nó làm mạnh tuần hoàn, đặc biệt là tuần hoàn ở bộ phận sinh dục, giúp điều hòa kinh nguyệt.
Bài thuốc thường dùng
Liều thường dùng: 5 – 15 g. Trường hợp bổ huyết, cải thiện tuần hoàn, táo bón dùng liều cao, có thể dùng đến 40 – 80 g.
Cách dùng đơn giản nhất là lấy nguyên củ Đương quy
- Hấp chín, thái phiến, ăn vài phiến mỗi ngày để bổ huyết.
- Nấu trà: Dùng một củ đương quy với 6 quả táo tàu. Uống hàng ngày để bổ huyết.
Hai cách này dùng trong trường hợp trễ kinh mà người mệt mỏi, xanh xao, ăn uống kém.
Bài thuốc Tứ vật thang
Đương quy, Thục địa mỗi vị 12 g, Bạch thược 8 g, Xuyên khung 6 g, nước 600 ml sắc còn 200 ml. Chia làm 3 lần, uống trong ngày. Trị kinh nguyệt không đều, người mệt mỏi xanh xao, đau bụng kinh, thai tiền sản hậu.
Gà ác hầm Đương quy để bổ huyết
Trị trễ kinh mà bụng dưới đau âm ỉ, thích xoa bóp, chóng mặt, ù tai, lưng gối đau mỏi.
- Đương quy (sao với dầu mè 40 g), sắc uống. Trị táo bón lâu ngày người mệt mỏi yếu sức, tiếng nói nhỏ hụt hơi.
- Đương quy 8 g, Hoàng kỳ 30 – 40 g. Sắc nước uống. Trị hồi hộp, dễ quên, mất ngủ, hay nghĩ ngợi, bứt rứt trong người.
- Dùng Đương quy sống nướng khô, tán bột, mỗi lần uống 4.5 g, ngày 3 lần. Trị chảy máu đường tiêu hóa.
- Đảng sâm 20g, Đương quy 12 g, Nhũ hương 6 g, Một dược 6 g, sắc uống. Trị huyết ứ chân tay do chấn thương té ngã, phần mềm sưng đau.
Ngoài ra, đương quy còn có tác dụng phòng chống ung thư, chống lão hóa, chữa khô da, nứt nẻ khi trời lạnh, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Kiêng kỵ, lưu ý
- Đương quy vị cay tính ôn do đó người thể trạng bị nóng ngứa không nên dùng. Phụ nữ đang có thai hoặc chuẩn bị có kế hoạch sinh con cũng không nên dùng.
- Người tiêu chảy nên kiêng vì Đương quy có tác dụng nhuận táo.
Đương quy là một vị thuốc dùng rất phổ biến trong Đông y, là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời cũng được chỉ định trong nhiều đơn thuốc bổ và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, cũng như nhiều vị thuốc khác, trước khi sử dụng bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia về thảo dược. Hi vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp quý bạn đọc có những hiểu biết cơ bản về nguồn gốc, đặc điểm, công dụng cũng như cách dùng vị thuốc này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.https://cdn.youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/04/nhung-cay-thuoc-va-vi-thuoc-viet-nam-2006.pdf
- GS.BS Trần Văn Kỳ (2013). Dược học cổ truyền. Nhà xuất bản Đà Nẵng.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.