Gãy xương cánh tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Gãy xương cánh tay là một trong những loại gãy xương rất thường gặp. Nguyên nhân có thể do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc sinh hoạt. Vậy thì trong loại gãy xương này, triệu chứng điển hình là gì? Cách điều trị như thế nào? Chế độ ăn uống, sinh hoạt sau khi bị gãy xương ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Hồ Đức Việt.
Khái niệm về cánh tay và xương cánh tay
1. Cánh tay
Cánh tay của con người là chi trên của cơ thể. Chúng là một số bộ phận cơ thể phức tạp và được sử dụng thường xuyên nhất trong các hoạt động hàng ngày. Mỗi cánh tay bao gồm bốn phần chính:
- Cánh tay trên.
- Cẳng tay.
- Cổ tay.
- Bàn tay.
Cánh tay trên bao gồm vai cũng như khu vực giữa khớp vai và khớp khuỷu tay. Các xương của cánh tay trên bao gồm: Xương bả vai, xương đòn và xương cánh tay. Cánh tay trên cũng bao gồm một số khớp, bao gồm:
- Khớp cùng vai – đòn. Xương vai và xương đòn gặp nhau tại khớp này.
- Khớp ổ chảo – cánh tay. Đây là khớp mà xương vai và xương cánh tay gặp nhau.
- Khớp ức đòn. Xương đòn kết nối với xương ức tại khớp này.
2. Xương cánh tay
Xương cánh tay là xương thuộc vùng cánh tay trên của con người. Nó nằm giữa khuỷu tay và vai của bạn. Đồng thời bao gồm một số bộ phận cho phép nó di chuyển tự do theo các hướng khác nhau. Xương cánh tay có những chức năng quan trọng liên quan đến cả chuyển động và nâng đỡ.
Các bộ phận của xương cánh tay bao gồm:
- Đầu xương cánh tay.
- Lồi cầu và mỏm lồi cầu.
- Cổ giải phẫu và cổ phẫu thuật.
- Ròng rọc xương cánh tay.
- Đầu dưới xương cánh tay.
- Hố xương cánh tay.
Những chức năng chính của xương cánh tay:
Các kết nối mà xương cánh tay tạo ra ở vai và khuỷu tay cho phép thực hiện nhiều chuyển động của cánh tay, chẳng hạn như:
- Xoay khớp vai.
- Dạng cánh tay.
- Hạ cánh tay trở lại cơ thể (khép cánh tay).
- Di chuyển cánh tay ra sau cơ thể
- Di chuyển cánh tay về phía trước cơ thể.
- Duỗi thẳng khuỷu tay.
- Gấp khuỷu tay.
Xem thêm: Gãy xương hông: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Ngoài việc đóng vai trò quan trọng đối với các chuyển động khác nhau của cánh tay, xương cánh tay cũng rất quan trọng trong vai trò hỗ trợ. Ví dụ, các bộ phận của xương cánh tay đóng vai trò là điểm kết nối cho các cơ ở vai và cánh tay của con người.
Tổng quan về gãy xương cánh tay
Gãy xương cánh tay là một trong những chấn thương phổ biến nhất đối với xương cánh tay. Gãy xương này được phân loại theo vị trí của chúng:
- Gần: Sự đứt gãy xảy ra ở phần trên của cánh tay, gần với vai nhất.
- Giữa: Một vết gãy xảy ra ở chính giữa hoặc thân của xương cánh tay.
- Xa: Một điểm gãy xảy ra ở cuối xương cánh tay, gần với khuỷu tay.
Nguyên nhân gãy xương cánh tay
Bất kỳ sự va chạm mạnh nào hoặc chấn thương vào cánh tay của bạn đều có thể dẫn đến gãy xương cánh tay. Tuy nhiên, tùy theo loại tác động mà có thể gây ra từng kiểu gãy cụ thể. Một sự va chạm ở cường độ cao, chẳng hạn như tai nạn ô tô hoặc bóng đá, có nhiều khả năng gây ra gãy xương phức tạp. Có thể bao gồm xương vai, xương cánh tay và xương đòn.
Xương cánh tay bị gãy cũng có thể là do gãy xương bệnh lý. Tình trạng gãy này xảy ra do hiện tượng làm yếu xương của bạn. Điều này khiến xương của bạn dễ bị gãy hơn do các hoạt động thường ngày không gây ra bất kỳ chấn thương nào.
- Những điều có thể gây ra xương cánh tay bị gãy bệnh lý bao gồm:
- Loãng xương.
- Ung thư di căn xương.
- Khối u xương nguyên phát.
- Nhiễm trùng xương.
Triệu chứng của gãy xương cánh tay
Một số triệu chứng phổ biến nhất cho thấy xương cánh tay của bạn đã bị gãy bao gồm:
- Đau ở cánh tay, có thể nghiêm trọng và thường trở nên trầm trọng hơn khi cử động.
- Một âm thanh nứt, gãy hoặc vỡ xảy ra tại thời điểm bị thương.
- Sưng tấy vùng xương gãy.
- Bầm tím.
- Một khối u hoặc vết sưng có thể nhìn thấy ở cánh tay của bạn.
- Cử động bất thường ở cánh tay. Cánh tay giảm di động so với bình thường.
Biến chứng
Những biến chứng có thể xảy ra của gãy xương cánh tay bao gồm:
- Hoại tử vô mạch đầu xương.
- Liền xương lệch làm dị dạng cánh tay.
- Tổn thương động mạch cánh tay.
- Tổn thương dây thần kinh ở vùng cánh tay.
- Hội chứng chèn ép khoang sau chấn thương.
- Sốc do mất máu, do đau,…
Xem thêm: Gãy xương bàn tay và những điều cần biết
Vấn đề chẩn đoán
Gãy xương cánh tay được chẩn đoán trước hết qua bệnh sử. Các bác sĩ sẽ khai thác tình huống mà bệnh nhân đã gặp phải khi có ngoại lực tác động vào vùng cánh tay. Đồng thời, các bác sĩ sẽ thăm khám để tìm những triệu chứng lâm sàng điển hình của gãy xương. Chẳng hạn như: Đau, lạo xạo xương, cử động bất thường,…
Xem thêm: Gãy xương do mỏi và những điều cần biết!
Bên cạnh đó, một số xét nghiệm sẽ được chỉ định nhằm xác định gãy xương:
- X – Quang vùng cánh tay. Có thể một số khu vực khác nếu bệnh nhân bị đa chấn thương.
- Chụp CT Scan sọ não nếu đi kèm chấn thương đầu.
- Siêu âm bụng, X Quang tim phổi thẳng, chụp cộng hưởng từ,… nếu cần thiết để xác định những nơi bị chấn thương kèm theo.
- Một số xét nghiệm có thể hỗ trợ chẩn đoán gãy xương bệnh lý. Bao gồm: Định lượng Canxi máu, đo mật độ khoáng của xương, sinh thiết xương,…
Điều trị
Điều trị gãy xương cánh tay phụ thuộc vào một số yếu tố. Bao gồm loại gãy xương và liệu có bất kỳ mảnh xương rời nào hay không. Để xác định phương pháp điều trị tốt nhất, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách chụp X-quang cánh tay của bạn. Họ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số động tác nhất định. Điều này sẽ giúp các bác sĩ xác định loại gãy xương và có kèm theo chấn thương nào khác hay không.
1. Gãy đoạn gần của xương cánh tay
Hầu hết các trường hợp gãy đoạn gần có thể được điều trị mà không cần phẫu thuật. Nếu như các mảnh xương không bị dịch chuyển ra khỏi vị trí (di lệch). Nếu các mảnh vỡ bị di lệch, phẫu thuật thường được thực hiện để cho phép cố định mảnh di lệch.
Điều trị không phẫu thuật thường bằng đai cố định vai. Người bệnh không cử động được vai trong hai tuần đầu. Sau đó, bệnh nhân sẽ được thực hiện các bài tập hàng tuần để từ từ tăng phạm vi chuyển động của vai. Chụp X-quang vai sẽ được thực hiện hàng tuần hoặc hai tuần một lần (hai tuần một lần) để xác định sự lành lặn của vị trí gãy xương.
Phẫu thuật thường bao gồm việc cố định các mảnh gãy bằng đĩa, vít hoặc ghim. Gãy xương nghiêm trọng đi kèm thoái hóa khớp có thể phải thay khớp vai. Vận động bằng vật lý trị liệu được bắt đầu ngay sau khi phẫu thuật.
2. Gãy đoạn giữa và xa của xương cánh tay
Gãy đoạn giữa hoặc đoạn xa, thậm chí gãy đoạn gần nghiêm trọng sẽ được chỉ định phẫu thuật. Có hai cách tiếp cận chính mà bác sĩ chuyên khoa có thể sử dụng:
Ghim và ốc vít. Nếu người bệnh bị gãy xương hở, phẫu thuật để làm sạch các đầu gãy sẽ được chỉ định. Các bác sĩ có thể sử dụng ghim, vít và thanh để giữ các đầu gãy của xương cố định tại chỗ.
Ghép xương. Nếu một phần xương đã bị mất hoặc bị nghiền nát nghiêm trọng, bác sĩ sẽ lấy một phần xương từ một vùng khác trên cơ thể người bệnh. Hoặc lấy một phần xương từ một người hiến tặng và ghép nó vào xương của người bệnh. Trong một số trường hợp, bác sĩ thậm chí có thể sử dụng vật liệu nhân tạo để tạo ra một mảnh xương mới.
Bất kể người bệnh có được phẫu thuật hay không, bác sĩ sẽ khuyến khích theo dõi bằng vật lý trị liệu. Điều này sẽ giúp người bệnh tìm hiểu các bài tập. Đồng thời, những động tác của bạn có thể giúp tăng cường cơ bắp tay và phục hồi phạm vi vận động.
Mất bao lâu để vết gãy xương sẽ lành?
Thời gian chữa lành rất khác nhau tùy thuộc vào loại gãy xương mà người bệnh mắc phải. Nếu bạn bị gãy xương mà không cần phẫu thuật, bạn sẽ cần đeo đai từ hai đến sáu tuần. Gãy xương gần thường cần ít thời gian nhất, trong khi gãy xương xa cần nhiều thời gian nhất.
Nếu bạn phẫu thuật, bạn có thể phải bó bột, mang nẹp trong vài tuần. Trong thời gian này, bạn sẽ cần tái khám thường xuyên để các bác sĩ có thể đánh giá mức độ lành của vết gãy xương.
Xem thêm: Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
Đối với gãy xương nghiêm trọng, bạn có thể cần chụp X-quang vài tuần một lần trong vài tháng. Hầu hết mọi người có thể trở lại hoạt động ở mức độ bình thường trong vòng vài tháng. Đôi khi, vật lý trị liệu hoặc vận động trị liệu là cần thiết để lấy lại cử động đã mất của xương khớp.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt sau gãy xương cánh tay
Gãy xương cánh tay hay gãy xương nói chung cần một khoảng thời gian để phục hồi. Trong khoảng thời gian ấy, cho dù nằm viện hay xuất viện thì người bệnh cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.
1. Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp sức khỏe của bạn phục hồi nhanh chóng. Đồng thời rút ngắn thời gian liền xương. Những nhóm chất cần bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày bao gồm:
- Đạm từ thịt, cá, sữa, trứng, các loại đậu.
- Canxi từ sữa tươi, sữa chua, pho mát, bông cải xanh,…
- Vitamin D từ lòng đỏ trứng, viên uống dầu cá,…
- Vitamin phức hợp từ trái cây.
- Chất xơ từ rau củ quả.
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Chất sắt từ thịt đỏ, rau có màu xanh đậm, trứng,…
- Kali từ chuối, nước ép trái cây, khoai tây,…
2. Chế độ sinh hoạt
Để xương mau lành, người bệnh nên tuân thủ chế độ sinh hoạt được khuyến nghị sau đây:
- Hạn chế thức khuya. Ngủ đủ giấc mỗi ngày.
- Không nên ăn quá nhiều muối.
- Hạn chế rượu bia và các thức uống có cồn.
- Không nên hút thuốc lá trong suốt thời gian chờ đợi xương lành.
- Không nên vận động quá nhiều ở vùng xương bị gãy.
- Hạn chế các thức uống có chứa caffein, nước ngọt có gas.
- Khi uống bất kỳ loại thuốc Tây nào cần có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.
Hầu hết các trường hợp gãy xương cánh tay sẽ lành lại mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào. Để quá trình hồi phục diễn ra suôn sẻ nhất, hãy đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu gãy xương. Bạn cũng có thể cải thiện sự phục hồi nhanh chóng bằng cách tuân thủ phương pháp điều trị được bác sĩ khuyến nghị. Bao gồm vật lý trị liệu cũng như chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.