Gãy xương hàm trên: nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
Nội dung bài viết
Xương hàm trên là một khối xương chính ở vùng mặt. Hơn nữa, xương hàm trên tiếp khớp với các xương lân cận để tạo thành ổ mắt, ổ mũi, vòm miệng. Vì vậy xương hàm trên thực sự là một cấu trúc quan trọng về cả mặt chức năng và thẩm mỹ. Gãy xương hàm trên có khả năng gây biến dạng khuôn mặt và những đe dọa đến tính mạng. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về gãy xương hàm trên trong bài viết sau đây nhé!
1. Tìm hiểu giải phẫu và chức năng của xương hàm trên
Giải phẫu xương hàm trên
Xương hàm trên là một xương cố định, là một khối xương tầng giữa của mặt. Thật vậy, phía trên xương hàm trên bao phủ bởi nền sọ và xương chính mũi. Hai bên xương hàm trên là xương gò má, cung tiếp xương thái dương và phía dưới là xương ổ răng, xương hàm dưới.
Hai nửa bên phải và bên trái của xương hàm trên đối xứng qua một mặt phẳng dọc chính giữa, hợp nhất ở vùng dưới mũi.
Về cấu tạo, xương hàm trên gồm một thân và 4 mỏm:
- Mỏm trán
- Mỏm khẩu cái
- Mỏm huyệt răng
- Mỏm gò má
Nhiều cơ mặt được kết nối với hàm trên ở cả bề mặt bên trong và bên ngoài của nó. Những cơ này cho phép bạn nhai, cười, nhăn mặt và thực hiện các chức năng quan trọng khác. Một số cơ này bao gồm:
- Cơ mút (buccinator): một cơ má giúp bạn huýt sáo, mỉm cười và giữ thức ăn được định vị trong miệng khi bạn nhai
- Cơ gò má (zygomaticus): một cơ má khác giúp nâng cao mép miệng khi bạn cười; trong một số trường hợp, má lúm đồng tiền hình thành trên vùng da phía trên cơ này
- Cơ cắn (masseter): một cơ quan trọng hỗ trợ nhai bằng cách mở và đóng hàm của bạn
Xương hàm trên là vùng xương xốp, được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu. Vì vậy, bệnh nhân bị gãy xương hàm trên sẽ bị chảy máu nhiều, cần cấp cứu.
Chức năng của xương hàm trên
Hàm trên có một số chức năng chính, bao gồm:
- Giữ răng hàng trên ở đúng vị trí
- Làm cho hộp sọ bớt nặng hơn
- Tăng âm lượng và độ dày của giọng nói của bạn
- Tham gia vào nhiều chức năng quan trọng của cơ thể: nhai, nói và thở
- Góp phần che chắn cho mắt, não và các cơ quan khác khi bị thương ở mặt.
2. Gãy xương hàm trên là gì?
Gãy xương hàm trên là tổn thương làm gãy, làm mất sự liên tục của xương hàm trên.
Xem thêm “Gãy xương hàm dưới: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị”
3. Nguyên nhân của gãy xương hàm trên
Gãy xương hàm trên thường là do chấn thương do lực cùn, năng lượng cao đối với khung xương mặt. Các cơ chế điển hình của chấn thương bao gồm:
- Tai nạn giao thông
- Tai nạn lao động
- Chấn thương thể thao
- Chấn thương trong các vụ ẩu đả
- Té ngã
Với việc gia tăng luật yêu cầu sử dụng dây an toàn. Chấn thương do tác động của người lái xe với vô lăng đã chuyển từ chấn thương ngực sang chấn thương mặt.
4. Tần suất gãy xương hàm trên
Gãy xương hàm trên chiếm khoảng 6-25% tổng số ca gãy xương mặt.
Trong một nghiên cứu hồi cứu về gãy xương mặt tầng giữa ở trẻ em, Kao và cộng sự nhận thấy rằng gãy xương hàm trên là phổ biến nhất.
Về môi trường bệnh nhân, có một nghiên cứu của Cohn và cộng sự. So với dân số Hoa Kỳ nói chung, bệnh nhân bị chấn thương hàm mặt ở thành thị có xu hướng bị gãy xương hàm trên và nhiều xương ít hơn hơn và có nhiều khả năng bị gãy xương hàm dưới và xương ổ mắt.
5. Phân loại gãy xương hàm trên
Gãy xương hàm trên và các loại gãy xương khác xảy ra phía trước mặt còn được gọi là gãy xương tầng giữa mặt. Chúng có thể được phân loại bằng hệ thống phân loại Le Fort. Hệ thống phân loại Le Fort mô tả các kiểu gãy ngang của xương hàm trên. Bao gồm:
Le Fort I: Hay còn gọi là Guérin. Đường gãy đi ngang và phía trên môi trên, cắt qua vách ngăn mũi ở 1/3 dưới.
Le Fort II: Đây là một vết gãy hình tam giác liên quan đến nhiều cấu trúc xương xung quanh như xương chân bướm, hốc mắt và xương mũi. Đường gãy cắt qua vách ngăn mũi ở 1/3 trên.
Le Fort III: Hay còn goi là tách rời sọ mặt. Đường gãy cắt qua vách ngăn mũi ở 1/3 trên. Vết gãy xảy ra qua sống mũi, qua hốc mắt và ra ngoài về phía mặt. Đây là loại gãy xương mặt nghiêm trọng nhất, thường do chấn thương lớn ở mặt.
6. Triệu chứng của gãy xương hàm trên
Các dấu hiệu cũng như triệu chứng có thể gặp phải khi bạn bị gãy xương hàm trên là:
- Chảy máu mũi
Bầm tím quanh mắt và mũi của bạn
- Vùng má bị sưng
- Hàm bị lệch
- Hình dạng bất thường xung quanh mũi của bạn
- Khó khăn về tầm nhìn
- Nhìn đôi
- Tê quanh hàm trên của bạn
- Gặp khó khăn khi nhai, nói hoặc ăn
- Đau ở môi trên và hàm khi bạn nhai, nói hoặc ăn
- Răng lung lay hoặc răng rụng
7. Những biến chứng của gãy xương hàm trên
Các biến chứng có thể xảy ra khi gãy xương hàm trên không được điều trị có thể bao gồm:
- Mất khả năng nhai, nói hoặc ăn uống bình thường
- Tê vĩnh viễn, yếu hoặc đau ở hàm của bạn
- Khó khăn trong việc ngửi hoặc nếm đồ ăn
- Khó thở bằng mũi
- Tổn thương não hoặc dây thần kinh do chấn thương ở đầu
- Nhiễm trùng
Gãy xương hàm trên là một tai nạn nghiêm trọng cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Như đề phòng tai nạn giao thông, bảo hộ tốt trong các hoạt động lao động và sinh hoạt.
8. Chấn đoán gãy xương hàm trên như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán gãy xương hàm bằng cách hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh học.
Về bệnh sự, hoàn cảnh chấn thương là thông tin rất quan trọng mà bạn cần cung cấp cho bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần miêu tả những dấu hiệu, triệu chứng mà bạn đang gặp phải.
Việc quan sát, hay thăm khám vùng mặt giúp bác sĩ ghi nhận nhiều thông tin cần thiết trong việc chẩn đoán gãy xương hàm trên.
Chụp phim X-quang hay CT scan thường được chỉ định trong gãy xương hàm trên.
9. Điều trị gãy xương hàm trên
Nguyên tắc điều trị
Những nguyên tắc điều trị gãy xương hàm trên gồm:
- Nắn chỉnh xương gãy
- Cố định xương gãy
- Ngăn ngừa tối ưu các biến chứng xảy ra
- Cần điều trị phục hồi chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân
Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được thực hiện nếu hàm trên của bạn hoặc các xương xung quanh bị gãy, hoặc vỡ.
Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp thay thế nếu vết gãy không đủ nghiêm trọng đến mức cần phẫu thuật và để nó tự lành. Trong trường hợp này, bạn có thể chỉ cần ăn thức ăn mềm để xương hàm lành lại. Và thường xuyên đi khám bác sĩ để theo dõi quá trình lành thương của xương hàm trên.
Nếu bác sĩ khuyên bạn nên phẫu thuật gãy xương hàm trên và các xương khác, quy trình thực hiện thường sẽ bao gồm các bước sau:
- Thực hiện xét nghiệm máu và sức khỏe sơ bộ. Bao gồm khám sức khỏe, chụp X-quang, chụp CT và/hoặc MRI.
- Bạn cũng sẽ cần phải ký một mẫu chấp thuận.
- Bạn sẽ đợi ở khu vực tiền phẫu và gặp bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ gây mê trước khi tiến hành phẫu thuật. Bạn sẽ được nối với đường truyền tĩnh mạch (IV). Trong phòng mổ, bạn sẽ được gây mê toàn thân.
Tiên lượng cho cuộc phẫu thuật
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết thương, có thể cần phải phẫu thuật ở phạm vi rộng hay không. Các bác sĩ sẽ mô tả chi tiết loại phẫu thuật bạn cần, các thủ tục liên quan, thời gian phục hồi và theo dõi.
Tùy thuộc vào mức độ thương tích ở mặt, đầu, miệng, răng, mắt hoặc mũi, bạn có thể cần nhiều bác sĩ chuyên khoa khác nhau. Bao gồm bác sĩ phẫu thuật mắt, bác sĩ phẫu thuật khoang miệng, bác sĩ ngoại thần kinh, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc bác sĩ tai mũi họng.
Phẫu thuật có thể kéo dài nhiều giờ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của gãy xương. Bạn cũng có thể phải phẫu thuật nhiều lần tùy thuộc vào thương tích của mình.
Mức độ chấn thương, loại phẫu thuật và các biến chứng y tế khác sẽ xác định thời gian bạn nằm viện sau khi phẫu thuật.
Trên thực tế, phẫu thuật hàm trên là một thủ thuật khá an toàn, tỷ lệ thành công cao. Trong hầu hết các trường hợp, xương hàm trên lành lại thành công và ít ảnh hưởng lâu dài.
10. Phẫu thuật xương hàm trên bao lâu thì lành?
Xương cần nhiều thời gian để chữa lành. Tùy thuộc vào vết thương của bạn, có thể mất từ hai đến bốn tháng hoặc hơn. Bác sĩ sẽ xác định thời gian và tần suất bạn cần tái khám định kì.
Xem thêm “Kinh nghiệm đi khám cho bệnh nhân Gãy xương mũi”
11. Chăm sóc sau khi phẫu thuật xương hàm trên
Sau phẫu thuật xương hàm trên, hãy cố gắng làm những điều sau để đảm bảo xương hàm của bạn lành lại:
- Tuân thủ chế độ ăn mà bác sĩ đưa ra để đảm bảo hàm của bạn không bị căng khi nhai thức ăn cứng hoặc dai. Thông thường, bạn cần một chế độ ăn với những thức ăn mềm, dễ tiêu, thực phẩm xay nhuyễn có thể là một giải pháp. Song vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Bạn có thể chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Tăng lên sáu đến tám bữa, thay vì ba đến bốn bữa, để đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể. Nên uống sữa và nước trái cây để tăng lượng calo nhập vào. Nên tránh những thức ăn giòn, dai.
- Tuân thủ những hướng dẫn cụ thể về hoạt động, sinh hoạt cá nhân
- Thực hiện theo các hướng dẫn cụ thể về chăm sóc vết thương và thúc đẩy quá trình chữa lành, bao gồm cả thời điểm quay lại kiểm tra.
- Dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc nào bác sĩ kê đơn để giảm đau và nhiễm trùng.
- Quay lại công việc hoặc những nhiệm vụ khi có sự cho phép của bác sĩ.
- Không tập thể dục cường độ cao.
- Không hút thuốc và hạn chế uống rượu.
Xem thêm “Thực phẩm giúp chắc khỏe xương, tại sao không?”
Tóm lại, xương hàm trên là một xương quan trọng trong cấu trúc hộp sọ của bạn. Cho phép bạn thực hiện nhiều chức năng cơ bản. Gãy xương hàm trên có khả năng gây biến dạng khuôn mặt và những đe dọa đến tính mạng. Phẫu thuật xương hàm trên là một thủ thuật an toàn, tỷ lệ thành công cao. Nếu bạn gặp bất kỳ chấn thương nào ở mặt hoặc đầu, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.